Chế biến món ăn chay nhưng giả theo món mặn

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về vụ pate Minh Chay nghi gây ngộ độc cho nhiều người. Không ít người thắc mắc pate là một món ăn mặn được chế biến bằng gan của động vật, thế nhưng ăn chay lại có món pate?
Trên thực tế, không chỉ có pate mà có nhiều món ăn chay khác được giả món mặn như: Giò nem chay, tôm - cua - cá chay, thị kho tàu chay, gà luộc chay, sườn non chay, thịt quay chay... Những món chay giả mặn như vậy rất phổ biến trên bàn ăn của những người ăn chay và cả những người tu hành.
Sư cô Thích Nữ Huệ Đức - Phân Ban Ni giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Đơn vị tổ chức các lễ hội ẩm thực chay trong Giáo hội) cho biết, Phật giáo kêu gọi mọi người ăn chay để hướng đến tâm từ bi và tránh sát sinh. Trong khi đó, việc chế biến món chay theo cách thức giả món mặn là tùy vào sở thích ẩm thực của từng chùa, từng người tu hành hay người dân.
"Thường mấy món chay giả mặn đấy có ý nghĩa về việc đa dạng hóa ẩm thực chay cho những người tu tại gia. Các món giả mặn này được phổ biến tại các nhà hàng chay, tại các gia đình phật tử hoặc những người dân mới ăn chay. Việc chế biến này là tùy thuộc vào sở thích của mỗi người ăn chay chứ đạo phật không bắt buộc và cũng không cấm đoán gì về vấn đề này" - Sư cô Huệ Đức nói.
Đại đức Thích Minh Phú - Ban Từ thiện - Xã hội (Ban trị sự Phật giáo TPHCM) cho rằng, nhiều phật tử và nhà chùa chế biến các món ăn chay đặt theo tên món ăn mặn chỉ mang ý nghĩa tượng trưng trong ẩm thực chay. Điều này không ảnh hưởng gì đến ý nghĩa của việc ăn chay, cũng như không ảnh hưởng đến cái tâm của người tu hành.
"Ban Từ thiện mỗi ngày nấu cả nghìn suất ăn từ thiện và đặt tên một số món ăn theo kiểu tên món mặn. Khi phát cơm cho người dân, các tình nguyện viên vẫn nói là cơm gà luộc, cơm thịt kho tàu hay cơm heo quay,... nhưng trên thực tế người nhận vẫn hiểu được đây là món ăn chay chứ không phải món ăn mặn" - Đại đức Thích Minh Phú nói.

Không nên lạm dụng giả món chay
Theo Sư cô Thích Nữ Huệ Đức, khi Ban Ni giới của Giáo hội tổ chức những lễ hội ẩm thực chay phục vụ cho các sư, thì thường không đặt tên theo món ăn mặn mà chỉ đặt tên theo thiền vị là chính.
"Thường các sư không thích làm món chay giả mạo, đa số chỉ thích ăn theo kiểu rau xanh tự chế biến, chứ không thích những món chay công nghiệp chế biến giả món mặn. Bởi những món ăn này thường được chế biến theo dạng công nghiệp và có thể sử dụng hóa chất nên không có lợi cho sức khỏe" - Sư cô Huệ Đức nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tôn Thất Huỳnh Huân - Chủ Nhà hàng chay Giác Ngộ (quận 5, TPHCM) cho rằng, để đảm bảo sức khỏe khi ăn chay, chúng ta nên hạn chế tối đa những món ăn chay kiểu công nghiệp, được chế biến theo cách giả món ăn mặn.
"Nhà hàng, quán ăn chay thường chế biến các món ăn chay giả món mặn để đa dạng hóa món ăn, đồng thời làm tăng sự thèm ăn của thực khách. Tuy nhiên, việc lợi dụng nhiều hóa chất và thức ăn công nghiệp trong ẩm thực chay sẽ đem lại sức khỏe không tốt cho người dùng, nhất là thức ăn nhiều dầu mỡ. Quan điểm của nhà hàng tôi là không đặt tên món ăn chay theo tên món ăn mặn, trong thực đơn của nhà hàng không có món ăn nào theo tên món mặn cả" - ông Huân nói.