"Vấn nạn" chứng chỉ
Các bài báo trước đây chủ yếu phản ánh nhu cầu thi cử lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng của giáo viên các cấp, và chứng chỉ ngoại ngữ tin học cho các đối tượng để nâng hạng.
Có thể thấy rằng, đội ngũ giáo viên các cấp (Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT) ở nước ta là rất lớn, thêm vào đó là hàng năm, rất nhiều sinh viên ra trường có nhu cầu thi vào biên chế nhà nước.
Vì vậy, sự “nóng sốt” của chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên đã là điển hình của vấn nạn chứng chỉ.
Tuy vậy, nhiều ngành và các lĩnh vực khác theo quy định chung của Luật Viên chức, Công chức thì đội ngũ cán bộ trong hệ thống công quyền cũng được phân ngạch bậc, hạng nhằm tạo cơ chế khích lệ sự phấn đấu không ngừng của đội ngũ công bộc.
Quá trình phát triển đó của người cán bộ gắn với các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và các kì thi nâng ngạch cần thiết. Nhưng với số lượng không đông và không thường xuyên nên sự chú ý của dư luận và xã hội cũng không nhiều. Và các đối tượng này cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Ví dụ: để mở các lớp chức danh nghề nghiệp cho biên tập viên, phóng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư, thư viện viên, kiểm định viên... là phải tập hợp đủ học viên, đủ lớp, nhà trường mở, cơ quan cử đi…
Đặc biệt, trong các ngạch lại có các hạng, mà mỗi lớp là mỗi hạng nên tuyển đủ học viên cho từng hạng là cũng khó. Một số cá nhân công chức, viên chức vì bận bịu, lịch trình công tác, chưa đủ thâm niên hay chưa chú ý thông tin mở lớp nên bỏ lỡ cơ hội tham gia. Nhiều người đến khi cần nâng ngạch, thăng hạng cũng mỏi mòn tìm trường, chờ lớp.
Nên đề xuất bỏ chứng chỉ ở lĩnh vực nào?
Hiện nay, Bộ Nội Vụ yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại lĩnh vực công chức, viên chức của mình phụ trách đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học cho phù hợp.
Theo quan điểm người viết các bộ, ngành cũng nên kiến nghị nếu thấy hạng, bậc, ngạch nào quy định chứng chỉ khó ra lớp và ít người học thì nên đề xuất bỏ, chứ không nhất thiết là chỉ là vấn đề bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Nhiều ý kiến đã cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ và tin học chỉ nên bỏ đối với các đối tượng thi đầu vào biên chế vì đối tượng này phần lớn đã học trong trường theo chuẩn đầu ra ở hệ cử nhân.
Và sau khi được tuyển dụng vào công tác như: Cán sự, nghiên cứu viên, nhân viên hành chính, chuyên viên, phóng viên tập sự, biên tập viên thông thường…thì không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Thêm vào đó, để phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết số 26 – NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược ngang tầm nhiệm vụ thì trình độ về ngoại ngữ là nên bắt buộc với các các nhân được quy hoạch Phó, Trưởng Phòng; Ban; các cấp Phó, Trưởng Vụ, Cục…
Đặc biệt, những đối tượng hành chính như Chuyên viên chính, Chuyên viên cao cấp, Nghiên cứu viên chính, Nghiên cứu viên cao cấp, Giảng viên chính, bác sĩ chính và cao cấp… đều phải quy định đạt trình độ bậc 3-4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tính từ ngày vào biên chế đến khi quy hoạch cũng là khoảng thời gian dài các đối tượng này được bỏ qua về yêu cầu ngoại ngữ nên đến độ chín để cất nhắc vị trí cao tại cơ quan thì cũng cần tương xứng về năng lực, trình độ về ngoại ngữ, tin học. Do vậy, không nên bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học ở tầng nấc này.
Chúng ta cần hiểu việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là bỏ những chứng chỉ ngoại ngữ A B C và tin học A B ứng dụng theo chương trình cũ ngày (QĐ 177 năm 1993 – “khai tử” từ ngày 15.1.2020), còn việc tiệm cận với các chuẩn mới A2; B1; B2 Khung Châu Âu, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và Tin học ứng dụng cơ bản là vẫn cần phải thực hiện nâng cao năng lực hội nhập Quốc tế của cán bộ lãnh đạo các cấp theo tinh thần của mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 26 của Đảng ta.
Vấn đề ở chỗ là việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ và tin học theo chuẩn mới nên dùng vào ai, vị trí nào mới là điều cần bàn trong giai đoạn hiện nay.