Tình trạng chăn dắt người ăn xin còn tồn tại
Ông Trần Cảnh Tùng - Trưởng phòng Công tác xã hội - Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhận định thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, thậm chí cả những bà bầu… bị lợi dụng, ép buộc lang thang xin ăn tái diễn, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng này xuất hiện nhiều nhất là dịp cận Tết, các ngày lễ lớn.
Những năm qua, Cục Bảo trợ xã hội đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo các địa phương để giải quyết vấn nạn ăn xin. Các địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhưng nạn ăn xin vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.
Đặc biệt, tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, tuyến đường lớn, khu du lịch có nhiều khách nước ngoài gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Về vấn đề người ăn xin bị đối tượng trục lợi, chăn dắt, Cục Bảo trợ xã hội cũng đã có văn bản gửi các địa phương, chỉ đạo Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Công an thành phố và các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, xác minh các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, chăn dắt, trục lợi, ép buộc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn trên địa bàn.
Đưa các đối tượng lang thang xin ăn, không có nơi ở ổn định vào chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Trường hợp cần thiết, tổ chức điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng người lang thang xin ăn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tang cường tuyên truyền, phòng ngừa người dân đi lang thang xin ăn; bị lôi kéo, dụ dỗ; rà soát nắm chắc tình hình đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời thực hiện tốt các chính sách an sin xã hội trên địa bàn.
Cần phải có biện pháp xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn kiếm sống hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
Người dân cần phải tỉnh táo
“Để giải quyết tốt tận gốc vấn đề, tôi cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ Trung ương, địa phương để nâng cao hiệu quả điều kiện về kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân. Đồng thời, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc không cho tiền người ăn xin nữa” – Ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Tùng, hiện nay đã có những hình thức ăn xin chuyên nghiệp ở các đô thị lớn. Đối tượng xấu lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, thậm chí giả bệnh tật, người cao tuổi để hưởng lợi bất chính.
Thậm chí, nhiều người ăn xin còn khỏe mạng nhưng lười lao động, giả dạng, mặc quần áo rách rưới để ăn xin. Họ xem đây như một nghề kiếm sống.
“Tôi cho rằng, xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, không để tình trạng người lang thang xin ăn diễn ra khắp nơi. Chúng ta không để đối tượng bất chấp luật pháp mà lợi dụng người khác đi ăn xin, dùng nhiều chiêu trò lợi dụng lòng tốt của mọi người để xin tiền mà không lao động” – ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo ông Tùng, người dân nên có thái độ dứt khoát không cho tiền người ăn xin, cần thể hiện lòng tốt từ thiện của mình đúng nơi, đúng chỗ. Nếu không việc này sẽ vô tình tiếp tay cho đối tượng có hành vị vi phạm pháp luật chăn dắt, lợi dụng người lang thang xin ăn.
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội và Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12.9.2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sơ trợ giúp xã hội.
Trong đó, quy định một số đối tượng được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở tro giúp xã hội như: Trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp khác.