Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra những hành vi không được làm, trong đó, không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Như vậy, học sinh có thể được sử dụng điện thoại di động nhằm mục đích học tập và phải được giáo viên cho phép.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, về sau này, sẽ có xu hướng học sinh được phép sử dụng các thiết bị công nghệ (như điện thoại di động) để hỗ trợ học tập.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam cần hết sức cân nhắc. Vì các em học sinh trong lứa tuổi đang phát triển rất khó nhận thức điều gì đúng, sai, nên làm hay không nên làm, và thường là có xu hướng làm theo mong muốn, thú vui, sở thích của mình nhiều hơn. Việc “tự quản lý” bản thân của các em học sinh thường không dễ dàng. Vì vậy, dễ xảy ra “a dua” theo bạn bè” – chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà bày tỏ.
Theo bà Vũ Thu Hà, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại thì cần phải chú ý rất nhiều các nguyên tắc: Học sinh được sử dụng như nào; cách thức ra làm sao; hệ thống giám sát và quản lý như thế nào.
Đã từng là giáo viên dạy THCS, bà Vũ Thu Hà cho biết, thực tế việc học sinh sử dụng điện thoại để tìm hiểu thông tin và bài học là không nhiều, nhưng ngược lại, việc tìm hiểu thông tin về những thần tượng, sở thích của mình, cũng như nhu cầu “chat”, nói chuyện, tương tác với nhau rất nhiều nên thường là các em học sinh sẽ lạm dụng các thiết bị smartphone nếu như người lớn, cô giáo, bố mẹ không quản lý, không giới hạn thời gian dùng điện thoại hàng ngày.
“Điều quan trọng là phải có giới hạn; xác định mục đích sử dụng điện thoại là gì, thời gian là bao nhiêu. Nếu không có các giới hạn dùng điện thoại di động thì rất nguy hiểm, các em có thể dùng vào các mục đích khác”- bà Vũ Thu Hà nói thêm.
Theo bà Hà, phải làm thế nào để các em tự chủ, biết cách tìm hiểu những thông tin trên mạng một cách hữu ích. Bên cạnh những kỹ năng thông thường về quản lý bản thân thì cũng cần phải có những kỹ năng về công nghệ, từ đó xác định được, những trang web nào, nguồn thông tin nào thực sự khoa học, giúp cho học sinh phát triển, chứ không phải thông tin, những mặt tiêu cực lan tràn trên mạng mà các em học sinh có thể tiếp cận.
“Vì vậy, các thầy cô cũng phải hiểu biết về lĩnh vực này, và cũng phải có nhiều kỹ năng hỗ trợ, đưa ra những phương án hỗ trợ các em học sinh, cũng như có những sự giám sát chặt hơn. Trách nhiệm của giáo viên, các bậc phụ huynh sẽ lớn hơn và các nhà quản lý giáo dục cũng cần chú ý hơn”- bà Hà bình luận.
Bà Hà cho biết thêm, hiện tại, các thầy cô vẫn làm theo cách là giới hạn và giám sát, tức là học sinh có điện thoại nhưng đến trường thì phải cất đi một chỗ và không được sử dụng điện thoại. Cách này khá là hiệu quả vì học sinh tập trung hơn vào bài học, vui chơi với ban bè hơn, thay vì quá tập trung vào điện thoại.