Đề nghị bỏ Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, có lộ trình tăng thuế phù hợp với bia, rượu
Trong văn bản góp ý với Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Theo cơ quan này, xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng là bảo vệ môi trường. Do đó, họ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế này với nhiên liệu trong nước.
Không chỉ với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính đang nghiên cứu tăng thuế mạnh với rượu, bia, điều này gây lo ngại về tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành...
Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Song, các mức này được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo lộ trình từ 2026-2030 - theo dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang xin ý kiến các cơ quan chuyên môn.
Trong đó, với rượu 20 độ trở lên, cơ quan này chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030. Rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.
VCCI cho rằng, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với mặt hàng bia, rượu. Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế.
Điều này sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.
Các nước áp Thuế tiêu thụ đặc biệt thế nào?
Liên quan đến kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế, bà Olivia Widen - Đại diện của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APISWA) cho biết, phần lớn các quốc gia áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt đang sử dụng thuế tuyệt đối hoặc kết hợp.
Đó là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu và là hai công cụ chủ yếu được sử dụng để điều chỉnh và kiểm soát thị trường rượu, đồng thời tối ưu hóa nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Theo bà Oliva, thuế hỗn hợp kết hợp giữa thuế cố định theo đơn vị (thuế tuyệt đối) và thuế tỉ lệ phần trăm dựa trên giá trị sản phẩm (thuế giá trị). Nó mang lại lợi ích như thứ nhất, tạo ra một nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, giúp giảm thiểu tác động của biến động giá cả trên thị trường.
Thứ hai, thuế hỗn hợp có thể điều chỉnh theo từng loại sản phẩm, giúp kiểm soát tốt hơn các loại rượu có nồng độ cồn cao, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hạn chế tình trạng buôn bán rượu bất hợp pháp.
Đối với thuế tương đối thường được áp dụng để khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm có giá trị thấp hơn và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm cao cấp, đắt đỏ. Dù không mang lại nguồn thu ổn định như thuế hỗn hợp, nhưng nó giúp điều chỉnh thị trường hiệu quả, đặc biệt là trong các nền kinh tế phát triển với nhu cầu tiêu thụ đa dạng.
Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng thuế tương đối, nhưng đã trở nên lạc hậu. Do đó, áp dụng Thuế hỗn hợp đang được đề xuất như một giải pháp trung hòa, nhằm tiến tới áp dụng thuế tuyệt đối, một phương thức tối ưu nhưng cũng cần có lộ trình hợp lý.
“Một chính sách thuế tối ưu phải đảm bảo doanh thu ổn định và có thể dự đoán được, thu và tính thuế đơn giản, tuân thủ để giảm trốn thuế và chênh lệch giá ở mức tối thiểu giữa các sản phẩm hợp pháp và bất hợp pháp”, bà Oliva khuyến nghị.