Anh sửng sốt nhìn cô: “Cái gì, chia tay, ly dị á? Lại có thằng nào chứ gì? Đừng hòng nhé!”.
Cô nhìn chồng mà như không thấy, có một làn sương mù làm nhoè nhoẹt hình ảnh người chồng đầu ấp tay gối 25 năm qua của cô, nụ cười cay cú của anh cũng méo mó.
Cô bình tĩnh trả lời: "Có người thứ ba thì em đã rời nhà từ lâu rồi. Buồn là không có người nào cả. Em chỉ muốn được sống một mình, được tự do đoạn cuối cuộc đời! Anh không thấy là từ lâu rồi, chúng ta sống bó buộc, vô cảm bên nhau sao?!".
Chồng cô gầm lên: "Tôi chẳng thấy làm sao cả. Có thấy gì thì chỉ là: Từ một người vợ ngoan hiền, một dạ hai thưa hồi trẻ, thì giờ cô là một người đàn bà khác, thoát ra khỏi vòng cương toả của tôi, cô coi thường chồng, hẳn là khinh tôi giờ sa sút!".
Cô đau buồn: "Thật là anh vẫn chẳng hiểu gì cả, không hiểu em sau 25 năm sống bên nhau và có hai mặt con. Chính là từ chỗ là người vợ ngoan hiền, nhất nhất theo chồng, phụ thuộc chồng, nhẫn nhịn đến không còn là mình nữa, mà nay em muốn được sống một mình!".
Cô lập gia đình với anh ở tuổi 20, còn đang học năm thứ hai đại học. Quá trẻ để suy tính gì, cô đồng ý lấy anh vì mê ngón đàn ghi ta của anh, một thầy giáo dạy nhạc, 37 tuổi. Cha mẹ cô đốc thúc: "Cưới nhau rồi học tiếp, thằng ấy có lớn tuổi một tí nhưng hiền lành, chân chỉ hạt bột, không giàu có nhưng gia đình cơ bản. Đàn bà nên lấy người thương yêu mình, yêu đương nhăng nhít chỉ khổ đời". Vậy là cô lấy chồng.
Đám cưới xong, cô tiếp tục đến giảng đường. Tốt nghiệp đại học cũng là lúc cô sinh đứa con đầu lòng. Vậy là ở nhà làm nội trợ, nuôi con.
Chồng cô nói: "Em cứ yên tâm nuôi con, làm việc nhà, mọi chuyện đã có anh lo". Chồng cô đi dạy nhạc ở vài trung tâm, dạy lẻ ở nhà riêng học trò. Tiền anh kiếm được đủ trang trải chi phí cho gia đình nhỏ của mình.
Cô vừa làm nội trợ, vừa vất vả nuôi con, đứa con hay đau ốm từ lúc mới sinh. Con chị vừa hai tuổi, cô đã sinh tiếp thằng em. Chi phí gia đình tăng, cô thêm đầu bù tóc rối con mọn, lại nhận thêm sổ sách kế toán về làm tại nhà để kiếm thêm tiền phụ chồng.
Những vất vả, khó khăn của cuộc sống cô không quản ngại, chỉ thấy ngày càng "ngạt thở" về tính chi li, sự "cai quản" khắc nghiệt có màu sắc ghen tuông của chồng. Cô không được đi đâu một mình. Đi chợ, chồng chở, đi mua sắm gì đó cho mình, chồng chở. Đến về quê thăm cha mẹ, cũng chờ chồng đưa về. Cô 30 tuổi, chồng cô đã 47.
Giữa họ bắt đầu phát sinh sự khác biệt, lối sống, suy nghĩ và nhiều thứ ngày càng "không ăn nhập". Con lớn, chi phí cho đời sống, nhu cầu, học hành của con ngày càng tăng. Cô phải nài nỉ chồng để cô đi làm phụ anh, để tránh cảnh gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau.
Rồi cô cũng đi làm nhân viên văn phòng tại một công ty lớn. Chồng cô thường khó chịu khi thấy vợ ăn mặc chỉn chu, diện đẹp, thỉnh thoảng đi sớm về muộn vì việc của công ty. Anh vẫn đòi ngày ngày đưa đón cô đi làm. Bạn bè thường trêu chọc "Về đi, ông xe ôm của mày đến đón rồi kìa". Cô cười mà hơi chạnh lòng.
Quả thật, bên cô, chồng cô cũng không khác các bác xe ôm tóc bạc, có phần lôi thôi lếch thếch. Cô tuổi 40, chồng cô gần như một ông già khó chịu, mặt mũi hay cau có. Cô vẫn phơi phới, còn chồng cô sức khoẻ sa sút, tính tình ngày càng bẳn gắt, ghen tuông vô lối.
Các em chồng cũng ái ngại, chia sẻ với chị dâu chuyện thiếu "cập nhật thời thế" lại nặng gia trưởng của anh trai. Mặc cảm thua kém vợ, không "kiểm soát" được vợ, anh càng gia trưởng, đối xử thô lỗ, vô lý với cô.
Bất hoà ngày càng tăng, không thể chịu nổi từ lúc cô mở lời chia tay. Hai đứa con cô thương mẹ, an ủi: "Rồi có ngày mẹ cũng ly hôn được ba thôi. Ba mẹ chia tay thì vẫn là ba, mẹ của con. Nhưng mẹ đừng chịu đựng nữa, tụi con lớn rồi. Có lẽ nên chia tay để ai cũng gặp được người mới phù hợp, nhất là ba!".
Sáng nay, cô ra toà nhận quyết định ly hôn. Cuối cùng cô cũng được tự do sau khi thoả thuận "chia" cho chồng căn nhà phố đang cho thuê, mẹ con cô ở lại căn chung cư nhỏ.
Tối qua, nhà họ đã đi ăn bữa tối cuối cùng với nhau. Những căng thẳng, hằn học trước giờ biến đâu hết, chỉ còn những ngôn từ ngậm ngùi. Ai cũng ý thức được rằng, thuyền sắp rời bến, chia lìa mãi mãi từ buổi tối này. Mà không vì người thứ ba, không vì cơm áo gạo tiền. Chỉ là, lâu rồi, họ đã trở nên xa lạ, không còn hợp nhau nữa, cuộc sống cứ thế nhạt đi, lụi tàn.
Chiều tối, từ cửa sổ căn hộ, cô nhìn theo chồng, dáng lầm lũi, tóc nhuốm màu sương khói, loay hoay thu dọn những món đồ "chia hai", theo xe tải dọn về "bên kia". Anh không hề biết, phía trên cô gục đầu vào khung cửa, nghẹn ngào.
Dù cô là người đưa đơn ra toà...