Vào ngày 3.1.1978, tại công trình thủy lợi cống Hiệp Hòa (xã Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An) xảy ra vụ sập mái công trình, làm 98 người chết, 132 người bị thương.
Những người ngã xuống mới chỉ mười sáu, đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường, là lực lượng thanh niên được địa phương huy động đi lao động công ích.
Sau thảm nạn, địa phương đã kiến nghị trung ương xem xét việc công nhận liệt sĩ cho những người đã hy sinh nhưng được trả lời là không đủ điều kiện.
Từ năm 2001, tỉnh Nghệ An đã chi trả cho thân nhân những người đã mất bằng chế độ trợ cấp xã hội.
Vào năm 2018, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương xây dựng công trình tưởng niệm 98 thanh niên xung phong hi sinh ở công trình cống Hiệp Hòa, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết, lúc đầu tỉnh giao cho Tỉnh Đoàn, sau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì triển khai dự án, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có báo cáo không thể thực hiện được do vướng mắc về nguồn vốn. Do đó tỉnh sẽ giao cho huyện Đô Lương chủ trì, triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí đền ơn đáp nghĩa kết hợp nguồn xã hội hóa” – ông Bùi Đình Long nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định đây là công trình văn hóa, tâm linh quan trọng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Ngày 15.6, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Duy Đông – Bí thư huyện ủy Đô Lương cho biết huyện đã nắm được chủ trương của tỉnh giao huyện chủ trì xây dựng công trình tưởng niệm 98 thanh niên tại xã Hòa Sơn.
“Đây là công trình mà lãnh đạo địa phương và người dân rất quan tâm, ủng hộ, nên huyện sẵn sàng nhận nhiệm vụ tỉnh giao và triển khai ngay các biện pháp để khởi động công trình” – ông Bùi Duy Đông khẳng định.
Tuy nhiên, Bí thư huyện ủy Đô Lương cho biết hiện nay văn bản pháp lý tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì công trình này vẫn còn hiệu lực, do đó cần phải có văn bản của tỉnh chuyển giao sang huyện Đô Lương.
“Khi có thông báo kết luận hay văn bản chính thức của tỉnh giao cho huyện, lúc đó huyện sẽ bắt tay thực hiện ngay” – ông Bùi Duy Đông nói.
Trước đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, công trình tưởng niệm 98 thanh niên hi sinh ở cống Hiệp Hòa (xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương) vào năm 1978 đã được thiết kế, dự trù xong, tuy nhiên còn khó khăn về nguồn vốn thực hiện và đất đai, mặt bằng.
Về nguồn vốn, công trình không thuộc nguồn vốn của dự án đầu tư công nên đang hướng về huy động từ nguồn xã hội hóa, còn đất đai thì do UBND huyện Đô Lương bàn giao.
Cống Hiệp Hòa được xây dựng từ năm 1934, nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Bara Đô Lương tưới tiêu cho những cánh đồng nhiều huyện đồng bằng.
Cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ, nay đã tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa.
Địa phương huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 4 để thi công. Đến năm 1978 thì xảy ra vụ tai nạn thương tâm.
Nhiều năm qua, thân nhân, đồng đội và nhân dân đều mong muốn cơ quan chức năng xây dựng bia chỉ dẫn và công trình tưởng niệm để các thế hệ tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.