Sau khi UBND quận Ninh Kiều , TP.Cần Thơ ban hành kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ vào dịp lễ 30.4, bên cạnh những cảm giác háo hức, chờ đợi thì nhiều người dân Cần Thơ (trong đó có Hội Nhà Văn và các bạn trẻ) mong muốn có thêm “đường sách” trên tuyến phố đi bộ.
Hiện tại theo kế hoạch, tuyến phố đi bộ tại bến Ninh Kiều sẽ được chia làm 3 khu vực. Một khu chuyên về hoạt động ẩm thực, mua sắm, biểu diễn đờn ca tài tử,… Một khu sẽ tổ chức các hoạt động truyền thống như dâng dương, lễ báo công dâng Bác nhân các ngày lễ, kỷ niệm,… Sau cùng là khu hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật,…
Bạn Xuân Vui (học sinh lớp 12, trường THPT Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) bày tỏ: “Em mong muốn Cần Thơ sẽ có đường sách, một đường sách đặc biệt và mang dấu ấn riêng của Cần Thơ”.
Anh Tiên (người làm kinh doanh tại Cần Thơ), chia sẻ: “Chỉ có tri thức mới đánh động được tư duy con người, mở mang trí tuệ chúng ta. Đặc biệt với Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương thì nên có đường sách, giống như ở TPHCM, Đà Nẵng,… Hơn nữa, Cần Thơ có lượng sinh viên rất lớn, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Nếu Cần Thơ có đường sách, các bạn trẻ khi tham quan, dạo chơi ở phố đi bộ và được tiếp cận sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”. Anh Tiên cho biết thêm, tuần nào anh cũng con đi nhà sách để dần hình thành thói quen cho bé.
Bạn Đức Hậu - sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ, hào hứng: “Hiện nay các bạn trẻ dễ dàng tìm đọc các nội dung trên Internet, nhưng nếu có đường sách sẽ thu hút những bạn yêu sách và sưu tầm sách để đọc. Hoặc đơn giản đến tham quan, checkin đăng Facebook cũng là một cách hoạt động tốt”.
Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Cần Thơ, bày tỏ quan điểm: “Gần tuyến phố đi bộ sắp mở, Cần Thơ có nhiều tuyến đường thuận lợi để mở đường sách, việc này tôi tin sẽ được sự ủng hộ của nhiều người. Hơn nữa, Cần Thơ không chỉ tập trung khá nhiều nhà sách lớn mà ngay cả các nhà sách tư nhân khác cũng mong muốn mở rộng thị trường, tiếp cận bạn đọc ở địa chỉ văn hóa là đường sách”.
“Nhiều năm trước Cần Thơ đã từng tổ chức Hội sách thành công, điều đó chứng tỏ người dân rất mặn mà với văn hóa đọc. Vấn đề còn lại là ở những người làm văn hóa, các ngành hữu quan có tạo điều kiện để văn hóa đọc phát triển hay không” - nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ thêm.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Cần Thơ, đường sách không chỉ đơn thuần là một điểm để mua bán sách, mà còn là một điểm hẹn văn hóa, nơi các đơn vị xuất bản cùng với độc giả và tác giả có thể gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ,… thu hút những du khách từ các tỉnh thành đến với không gian văn hóa ý nghĩa này. Nếu Cần Thơ có đường sách thì đây có thể sẽ trở thành một địa chỉ làm nên dấu ấn văn hóa mới cho TP.Cần Thơ, qua đó cũng góp phần tuyên truyền và phổ biến văn hóa đọc cho giới trẻ.