Đường dây mua bán tới 1.300 GB dữ liệu chứa hàng tỉ thông tin cá nhân do vợ chồng Lại Thị Phương (29 tuổi, Giám đốc Công ty VNIT TECH) và Dư Anh Quý (33 tuổi) cầm đầu. Hai đối tượng đã bị khởi tố để điều tra về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có thể nói, việc điều tra, triệt phá những mạng lưới, đường dây thu thập dữ liệu, thông tin cá nhân trái phép để mua bán thu lợi bất chính là điều rất được dư luận quan tâm, mong chờ trong thời gian qua.
Không có chuyện thu thập trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân, sẽ không xảy ra chuyện quyền riêng tư bị xâm phạm; các thông tin nhạy cảm, bí mật đời tư người khác sẽ không bị tung lên mạng.
Không có chuyện thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân cũng sẽ tránh được tình trạng giả mạo giấy tờ, nhân thân người khác để lừa đảo, làm điều xấu, chiếm đoạt tiền và tài sản.
Và cũng sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác quấy rầy, gây phiền nhiễu, thậm chí giống như “khủng bố” qua điện thoại...
Hệ lụy, tác hại, hậu quả của các hành vi thu thập, mua bán dữ liệu và thông tin cá nhân trái phép đã xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, còn ít vụ việc được triệt phá, phơi bày; chưa nhiều đối tượng vi phạm bị khởi tố, truy tố và xử lí thích đáng, nghiêm minh theo pháp luật để răn đe những kẻ khác.
Dữ liệu, thông tin cá nhân không chỉ là quyền riêng tư cần sự bảo mật, mà khi được các đối tượng khai thác nó còn trở thành thứ tài nguyên mang đến lợi nhuận hết lần này tới lần khác.
Vợ chồng đối tượng Phương – Quý đã bán cho không ít đơn vị, doanh nghiệp các dữ liệu, thông tin cá nhân người dùng. Cùng một loại dữ liệu có thể bán cho nhiều bên và thu lợi gấp nhiều lần. Tất nhiên, càng như thế thì những người dùng là nạn nhân càng bị “xoay mòng mòng” với các tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, giả mạo nhân thân, giả mạo thông tin định danh trực tuyến (eKYC)...
Chưa bao giờ, việc mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân từ số CMND, CCCD, email, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi làm việc, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin tài khoản mạng xã hội... lại tràn lan trên Internet và có thể dễ dàng mua được như hiện nay.
Đối tượng bán chẳng ngại ngần để lại thông tin liên hệ trong đó có số điện thoại, sau đó là thông tin tài khoản ngân hàng để bên mua chuyển tiền giao dịch.
Có bên bán thì có bên mua và ngược lại. Điều đáng nói là, không ít doanh nghiệp làm ăn đường đường chính chính cũng sử dụng nguồn dữ liệu, thông tin cá nhân mua bán bất hợp pháp. Dẫn đến, tình trạng thu thập, mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân trái phép càng diễn biến phức tạp, đối tượng càng bất chấp các thủ đoạn, phương thức miễn đạt được lợi nhuận.
Đường dây của vợ chồng Phương – Quý có lẽ là vụ mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân lớn nhất từ trước tới nay bị triệt phá. Nhưng cũng không khó để nhận ra là trên mạng Internet hiện còn rất nhiều đường dây khác đang hoạt động rất sôi động. Cần nhiều hơn những “cú đấm thép” triệt phá các đối tượng này và đưa ra xử lí nghiêm trước pháp luật.