Bộ Công Thương "thúc" các địa phương triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp
Nghị định 80/2024 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 3.7, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Để triển khai thống nhất và hiệu quả Nghị định 80 trong phạm vi cả nước, Bộ Công Thương vừa ra văn bản đề nghị UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về điện lực thực hiện kiểm tra giám sát đơn vị phát điện năng lượng tái tạo; khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý trong việc tuân thủ quy định tại Nghị định 80 và các quy định pháp luật có liên quan.
Đồng thời rà soát các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư; quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng; các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương có trách nhiệm theo dõi, quản lý danh sách khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng theo quy định.
Thực hiện kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo phạm vi khu vực quản lý.
Vẫn còn nhiều lúng túng khi thực hiện
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mặc dù được ban hành mang đến nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp, song nhiều chuyên gia cho rằng vẫn sẽ có những lúng túng khi thực hiện.
Theo ông Phạm Đăng An - Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, hiện đã có người mua, người bán (những đơn vị muốn mua - bán phải đăng ký), nhưng tính giá như thế nào để bán thì còn phải đợi hướng dẫn cụ thể.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nêu 3 vướng mắc chính. Đó là, dù mua bán qua đường dây riêng hay qua lưới điện quốc gia, các hợp đồng mua bán điện trực tiếp cũng tạo ra áp lực lớn cho lưới điện, buộc phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng.
Do đó, cần có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện.
Điểm vướng thứ 2 là giá điện khí và lưu trữ hiện tại cao gấp rưỡi giá điện bán lẻ của EVN sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp (ngoài EVN) đầu tư vào lĩnh vực điện khí.
Điểm vướng thứ 3 là hiện Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho khách hàng có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo trở nên cực kỳ tốn kém.
Để thực hiện cơ chế DPPA, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, hiện EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 này EVN sẽ hoàn thiện nội dung được giao để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên tổng công ty, các tổng công ty mua bán điện triển khai được ngay.
Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn này cũng mong muốn được hướng dẫn cụ thể nhiều quy định. Ví dụ có nhiều dự án năng lượng tái tạo hiện nay vừa được hưởng cơ chế giá ưu đãi cố định FIT1 và FIT2 trong vòng 20 năm, vừa áp dụng cơ chế giá chuyển tiếp nên cơ chế thanh toán sẽ rất phức tạp.
Một số nhà đầu tư năng lượng tái tạo đang được hưởng giá FIT cũng băn khoăn không biết tham gia DPPA ra sao và khi tham gia rồi, liệu khi nhà máy mua điện đó phá sản thì họ có lại được hưởng giá FIT tiếp hay không, điều kiện là gì?...
Lãnh đạo EVN cho rằng, cần quy định cụ thể trong trường hợp các nhà máy năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện cạnh tranh, xác định sản lượng điện mua bán và chi phí tính toán giá điện làm căn cứ thanh toán.