Trong bản dự thảo Nghị định mới về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cụm từ "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán" ở bản dự thảo cũ đã được loại bỏ ở bản mới. Thay vào đó, Bộ Công Thương nêu "phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức".
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng, khi trao đổi với các chuyên gia về điện lực, họ cũng cảm thấy khó hiểu về từ ngữ “giá 0 đồng” như trong dự thảo. Do vậy, bỏ cụm từ “giá 0 đồng” là phù hợp vì gây khó hiểu với các thuật ngữ trong nền kinh tế thị trường. "Ở nước ngoài, giá mua điện có thể giá dương, giá âm chứ không có khái niệm mua 0 đồng", ông nói.
Trong bài viết nhận định về Nghị định mới về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho hay, quy định "không thanh toán" là mang tính thận trọng, tạm thời, với quan điểm cho rằng: "Chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm và thời gian thực tế áp dụng".
Tuy nhiên, nếu kéo dài quy định này sẽ không khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong khi Chính phủ còn mong muốn “phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”, như đã nêu trong Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Ngoài ra, kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian ngắn hạn áp dụng việc "không thanh toán" trong giờ thấp điểm trưa, hay "không mua bán" này.
Ví dụ: Giai đoạn không quá 2-3 năm (từ năm 2024-2027). Giai đoạn sau, Nhà nước có thể quy định mức giá hợp lý, có thể cao, thấp, hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý, hoặc để tùy thị trường xác định mức giá khi thị trường điện đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế, xã hội để giai đoạn sau tham mưu cho Chính phủ về cơ chế nối tiếp. Kiến nghị Chính phủ bổ sung trong Nghị định có điều khoản giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương trách nhiệm này.
Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, Nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Ví dụ như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc khu vực thiếu nguồn xây mới - như miền Bắc trong vài năm tới, hoặc truyền tải điện khó khăn.
Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering). Có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3-4 kWh được trừ 1 kWh mua điện… Cần có tính toán cụ thể để xác định mức hợp lý.
Với các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có bộ lưu trữ, nên cho phép bán vào hệ thống điện trong giờ cao điểm từ 4-7 giờ chiều, và có thể giá cao hơn giá mua trung bình để khuyến khích lắp bộ lưu trữ điện, hỗ trợ hiệu quả hệ thống trong thời gian này.
"Với kế hoạch phát triển 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, thiết nghĩ hệ thống điện của Việt Nam hiện nay đã có quy mô trên 80.000 MW, và đến năm 2030 sẽ lên tới trên 140.700 MW với sản lượng gần 567 tỉ kWh, cũng không gặp phải vấn đề lớn về “mất cân đối”.
Sản lượng điện với mức độ 20-30% từ lượng công suất 2.600 MW này (ước tính khoảng 780 đến 1,17 tỉ kWh) được đưa vào hệ thống cũng không thể làm ảnh hưởng lớn đến vận hành các nguồn điện khác”, Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu.