Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT ngày 2.2.2021 của Bộ GDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập, quy định 3 hạng giáo viên xếp thứ tự từ thấp đến cao là: III, II, I.
Về “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp”, đối với giáo viên hạng III (thấp nhất), Thông tư 03 nêu ra nhiều quy định như chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử...
Trong quy định về “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” của giáo viên hạng II, Thông tư 03 nêu: “Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên THCS hạng III, giáo viên THCS hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”.
- Đối với giáo viên hạng I, Thông tư 03 nêu thêm tiêu chí: “Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.
Như vậy, Thông tư 03 đã quy định “đẳng cấp” trong tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, theo hướng giáo viên ở thứ hạng cao sẽ có yêu cầu cao hơn về đạo đức nghề nghiệp.
Cùng với đó, trong các Thông tư 01-02-03-04 năm 2021, Bộ GDĐT đặt ra “Tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo” với quy định nhà giáo mầm non và phổ thông hạng I có tiêu chuẩn đạo đức cao hơn nhà giáo hạng II, nhà giáo hạng II có đạo đức cao hơn nhà giáo hạng III.
Nhiều giáo viên, chuyên gia đã lên tiếng phản ứng về quy định nói trên. Thầy Lê Anh Đức (Hà Tĩnh) cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Đừng bảo học trò phải dậy sớm mà mình thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu".
Bác Hồ quan niệm đạo đức là gốc rễ, ai cũng phải tu dưỡng, phấn đấu, không bao giờ nói thầy cô hay cán bộ cấp cao hơn, thì đạo đức phải cao hơn thầy cô, cán bộ cấp thấp.
Theo thầy Lê Anh Đức, với quy định nói trên, Bộ GDĐT cũng đang tự mâu thuẫn, khi hàng chục năm qua, bộ triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Năm 2008, Bộ GDĐT ban hành Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT “Quy định về đạo đức nhà giáo”, ban hành một chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, không quy định giáo viên cấp cao thì đạo đức cao hơn giáo viên cấp thấp.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An) nói: “Khoản 2-Điều 3-Luật Viên chức 2010 quy định: “Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”.
“Như vậy, theo Luật Viên chức, chỉ có một bộ quy tắc, chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề đó cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức” – luật sư Tuấn nói.
Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng, không thể “phân hạng” đạo đức nghề nghiệp cao thấp theo thứ hạng chức danh, mà chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức chung của nhà giáo, ai cũng phải tuân theo, phấn đấu suốt đời.
Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đề nghị Bộ GDĐT bãi bỏ quy định bất hợp lý về tiêu chí đạo đức nghề nghiệp giáo viên.