Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Ban quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan: Làm việc cụ thể với các nhà thầu và các doanh nghiệp để giải quyết những kiến nghị liên quan đến một số nhà thầu phụ. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 16.7.2024.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh tại văn bản trên, ngày 12.7, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã có giấy mời về việc giải quyết kiến nghị của các nhà thầu phụ thi công dự án của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam tại KCN Yên Phong II-C.
Thành phần mời họp gồm:
Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh: Lãnh đạo Ban và Phòng Đại diện, Kiểm tra giám sát; Công an tỉnh Bắc Ninh: Lãnh đạo và các Phòng, đơn vị liên quan;
Sở Thông tin và truyền thông: Lãnh đạo Sở và các Phòng, đơn vị liên quan; Sở Lao động - Thương binh và xã hội: Lãnh đạo Sở và các Phòng, đơn vị liên quan; UBND huyện Yên Phong: Lãnh đạo và Phòng liên quan;
Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera (chủ đầu tư KCN Yên Phong II-C): Lãnh đạo và bộ phận liên quan;
Lãnh đạo Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam; Nhà thầu chính SGC eTEC E&C Co.,LTD;
Công ty TNHH Hitech Vina (Nhờ Nhà thầu chính SGC eTEC E&C Co.,LTD chuyển giúp Giấy mời);
Và một số nhà thầu phụ gồm: Công ty TNHH Thương mại MTS Hàn Việt; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoa Nghĩa; Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàng Vượng; Công ty TNHH Thương mại và phát triền xây dựng Thành Nam; Công ty TNHH Yuongjin Việt Nam; Công ty TNHH MTV An toàn xây dựng Thiên Hổ; Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Việt Hàn.
Công ty TNHH Hitech Vina và các nhà thầu phụ liên quan cũng được yêu cầu chuẩn bị 10 bộ tài liệu phục vụ cho buổi làm việc.
Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh việc nhiều doanh nghiệp với tổng cộng gần 1.000 lao động rơi vào cảnh lao đao khi bị Công ty TNHH Hitech Vina chậm thanh toán công nợ theo hợp đồng ký kết cung ứng vật liệu, thi công, xây dựng dự án nhà máy Amkor (KCN Yên Phong II-C, Bắc Ninh).
Mất dòng tiền để xoay vòng vốn, một số chủ doanh nghiệp phải cầm cố nhà cửa, đi vay mượn để duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân nhưng vẫn khó cầm cự.
Đặc biệt, công nhân, người lao động làm việc vất vả, tiền lương hàng tháng chỉ đủ chi tiêu phục vụ cuộc sống hàng ngày nhưng do bị chậm lương, nợ lương từ 6 tháng trở lên, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng nói, theo phản ánh của các thầu phụ, hiện Công ty TNHH Hitech Vina đã đổi pháp nhân (chủ sở hữu/người đại diện pháp luật), nhưng pháp nhân mới có dấu hiệu không hợp tác, cố tình trây ỳ, không thanh toán cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp này cũng chuyển văn phòng, dừng hoạt động ở địa chỉ cũ, địa điểm mới chưa biết ở đâu.
Trước đó, phóng viên Báo Lao Động cũng đã hướng dẫn các nhà thầu phụ gửi phản ánh, kiến nghị đến UBND tỉnh Bắc Ninh để được hỗ trợ, giải quyết. Hoặc, nếu cho rằng có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự thì cần gửi đơn tố giác đến Cơ quan Công an đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ. Đồng thời, thu thập, cung cấp đầy đủ các tài liệu, căn cứ liên quan đến cơ quan chức năng.