50 ngày, 50 triệu đồng và những cuộc đời sang trang

Quỳnh Chi |

Ngày 11 tháng 11 năm 2017, bạn đọc Trần Thị Trang ở xóm Tân Ấp I, xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên) gửi đến Báo Lao Động lá thư chưa đầy ba mặt giấy, với hơn chục lần nhắc lại từ “cảm ơn”. Câu chữ đôi chỗ còn vụng về, chất chứa lòng biết ơn của một người trở về từ trại tị nạn ở một xứ sở xa xôi…

Tan tành chuyến đi “dệt mộng”

Trang sinh ra, lớn lên giữa bạt ngàn núi đồi và những vạt chè xanh ngút mắt ở vùng ven thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên. Gia đình khó khăn, cha mẹ lại sớm chia tay nên quanh năm Trang cùng mẹ bám nương chè kiếm sống. 27 tuổi, Trang lấy chồng.

Làm dâu ít ngày, bố mẹ chồng cho vợ chồng Trang ra ở riêng với gia tài, như Trang kể: “Mấy cái xoong đun to lửa cơm khê đun nhỏ lửa cơm sống, mấy cái bát mẻ cộng thêm mấy đôi đũa đám cưới họ ăn một lần rồi rửa cất đi”. Thậm chí, chiếc giường bố mẹ cho khi khiêng ra khỏi nhà cũng gãy hết mộng vì mục. Trong căn nhà mới không điện, đêm đêm đôi vợ chồng trẻ không ngủ được vì muỗi đốt, dột nát những ngày mưa…

Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, đến khi bụng bầu to vượt mặt Trang vẫn hàng ngày đi hái chè. Khi đứa con nhỏ ra đời, khó khăn lại thêm chồng chất, túng thiếu trăm bề. Vốn là cô gái nhanh nhẹn, không cam chịu cảnh đói khổ, Trang quyết tâm để con lại cho chồng, đi xuất khẩu lao động.

Nghe lời “đường mật” của môi giới, Trang vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp ở trời Tây, rồi cơ hội có một cuộc sống khác khi về nước với số vốn dắt lưng. Năm 2015, Trang đi Saudi Arabia với thời hạn hợp đồng 2 năm.

“Chuyến đi không mất phí nhưng bước chân sang đến nơi và sống ở đó tôi mới thấy cái giá của không mất phí nó đắt như thế nào” - Trang chia sẻ. Cú sốc về văn hóa, ẩm thực, bất đồng ngôn ngữ… khiến Trang dần vỡ mộng, nhưng cô không hề biết, mọi khó khăn chưa bắt đầu...

Làm việc cho chủ nhà được 17 tháng, sóng gió bắt đầu đến với Trang: Chủ nhà bắt đầu khất lần lương, nếu đòi rát thì trả nhỏ giọt và quát tháo, đe dọa, bỏ đói, thậm chí đánh đập. Giằng co nhiều bận, chủ sử dụng đưa Trang vào trại tị nạn với duy nhất bộ quần áo trên người.

Trong trại, cô may mắn được một số người cũng vì bất đồng với chủ và bị đưa vào trại cho thêm quần áo. Những lao động Việt Nam khốn khổ phải mua đồ dùng thiết yếu như xà phòng, kem đánh răng,… với giá cắt cổ. Trong trại, những bữa cơm bình thường không thể nuốt cũng trở nên quý giá. Nhu cầu tối thiểu là tắm mỗi ngày cũng trở nên xa xỉ, 2 - 3 ngày mới được tắm 1 lần.

Biết không đủ điều kiện tiền bạc và sức khỏe để trụ lâu, Trang tìm mọi cách liên lạc về nhà, bảo mẹ mình đến công ty đã ký hợp đồng để đòi đưa con gái về nhưng doanh nghiệp hẹn hết ngày này đến tháng khác. “Khi không còn lòng tin, mẹ tôi đã gõ cửa Báo Lao Động và được giúp đỡ” - Trang viết.

Thư cảm ơn bạn đọc Trần Thị Trang gửi Báo Lao Động.
Thư cảm ơn bạn đọc Trần Thị Trang gửi Báo Lao Động.

“Báo đã cứu vớt tôi qua cơn hoạn nạn”

Sau khi tiếp nhận đơn của bà Phạm Thị Ngà - mẹ Trang, Báo Lao Động vào cuộc tích cực, phối hợp với cơ quan chức năng là Cục Quản lý lao động ngoài nước và cả phía doanh nghiệp để tìm mọi cách nhanh chóng đưa lao động trở về. Sau 50 ngày trong trại tị nạn, lao động Trần Thị Trang về nước. Không lâu sau đó, cô được công ty phái cử thanh lý hợp đồng, thanh toán số tiền lương còn nợ là 50 triệu đồng. Với số tiền này, Trang thêm vào phần dành dụm trước đó để sửa sang nhà cửa và sắm sửa một số đồ dùng thiết yếu cho gia đình. Vậy là, sau bao năm sống trong căn nhà dột nát, Trang đã có mái ấm đúng nghĩa.

Dù đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng nơi xứ người, nhưng Trang vẫn muốn thoát nghèo qua con đường xuất khẩu lao động. Vì đã có kinh nghiệm, Trang chọn công ty uy tín, quyết định đi Đài Loan làm giúp việc gia đình. Hiện, Trang sống và làm việc tại thành phố Hsinchu, Đài Loan (Trung Quốc). Mức lương mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng, cô gửi một phần về cho mẹ chăm sóc con. “Mỗi tháng em được nghỉ làm 1 ngày, chủ nhà cũng đối xử tốt. Em rất cảm ơn Báo Lao Động đã cứu vớt em qua cơn hoạn nạn khó khăn nơi đất khách”, Trang tâm sự.

Nhờ báo, trở về đoàn tụ với chồng con

Là lao động trở về từ Saudi Arabia trong thất vọng, mệt mỏi và hoảng hốt, bà Đinh Thị Thành ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất - Hà Nội) lần nào cũng nức nở khi kể lại hành trình từ người phụ nữ vốn quen bếp núc, phụ việc mộc của chồng và gần như chưa bao giờ đi khỏi “lũy tre làng” trở thành người khóc cạn nước mắt ở “trời Tây”. Trước đó, quá trình từ khi môi giới tiếp cận đến khi bà Thành xuất cảnh chỉ đúng 1 tuần.

“Môi giới là người cùng xã, đến tận nhà tôi mời gọi, qua lại rất nhiều lần. Họ chỉ yêu cầu đặt cọc 3 triệu đồng, khi tôi bay thì họ mang trả số tiền đó cho chồng tôi. Cũng vì gánh nặng nuôi 3 đứa con ăn học, tôi quyết tâm đi với lời mời gọi: “Chỉ giặt giũ, lau nhà”. Ai ngờ khóc cạn nước mắt mới về được với chồng con” - bà Thành chia sẻ.

Về nước khi vẫn còn bị nợ 7 tháng lương, tương đương khoảng hơn 50 triệu đồng, bà Thành chưa hết bàng hoàng và luôn miệng nói “sợ lắm, không bao giờ đi nữa” khi được hỏi có còn ý định đi xuất khẩu lao động nữa hay không. Ở xứ thiên đường, bà Thành phải làm mặt giận dỗi hoặc khóc lóc van xin thì chủ mới nhỏ giọt gửi lương về cho chồng con bà ở quê. Dăm lần giận dỗi may ra một lần chủ gửi tiền, thế mới nên cơ sự sau hơn 2 năm làm việc xứ người, bà vẫn còn chưa đòi được hơn 50 chục triệu đồng tiền mồ hôi, nước mắt.

Cũng vì sự khác biệt quá lớn về văn hóa, ngôn ngữ, cách sống, bà Thành càng sốc hơn khi trước lúc đi, chính bà yêu cầu được học tiếng Saudi Arabia thì môi giới nói “quá già, sang đó học”. Cũng vì không thạo ngôn ngữ, có lần bị đay nghiến do hiểu nhầm đã lấy trộm đồ của chủ nhà, bà xách tư trang ra đồn cảnh sát gần đó, trình giấy tờ cho họ để xin tá túc. Cũng vì không thông thạo ngôn ngữ, thay vì phục vụ duy nhất chủ trả lương, bà Thành còn phải “làm thêm” cho hai gia đình khác là con trai và con gái chủ nhà… “Bao nhiêu nước mắt trong những đêm nhớ chồng con, trong khi cứ cãi nhau thì chủ lại không nạp thẻ điện thoại, càng không liên lạc được với gia đình” - bà Thành chua chát.

Sau thời gian vật vờ xứ người, công ty phái cử chối bỏ trách nhiệm, bà Thành đã được về đoàn tụ chồng con. “Cũng may đơn kêu cứu của tôi đã được Báo Lao Động quan tâm, vào cuộc. Tiền cũng quan trọng nhưng giờ thấy vợ về an toàn tôi thấy quý giá nhất”, ông Nguyễn Văn An - chồng bà Thành - chia sẻ.

Quỳnh Chi
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.