Chuyên đề "TỰ HỌC - CON ĐƯỜNG GIAN NAN…"

Vì sao học sinh không tự học?

TS. GIÁP VĂN DƯƠNG |

Với sự tăng trưởng không ngừng của thông tin và tri thức, thì suy cho cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của một nền giáo dục không phải là dạy người ta kiến thức, mà là dạy người ta cách tự học. Nhưng cả học sinh và nhà giáo hiện nay vẫn không thể thực hiện việc tự học hiệu quả...
Khi vào đại học, tôi được các thầy và các anh chị đi trước nhắc rằng: Đại học khác với phổ thông, đại học là phải tự học. Ở đại học, các thầy chỉ hướng dẫn cách học, còn kiến thức phải do sinh viên tự học.

Sau một thời gian thì tôi nhận ra rằng, đại học đúng là tự học. Nhưng sự thực là giáo dục đại học đã không được triển khai theo hướng đó. Phần lớn các thầy không biết cách tự học đúng nghĩa, vì thế không thể dạy theo cách để sinh viên tự học. Các kỳ thi trong nhà trường cũng không khuyến khích sinh viên học theo hướng tự học này. Việc học thuộc, học tủ vẫn là phổ biến ở trong đại học. Vì thế, với đa số, đại học chỉ đơn thuần là sự nối dài của bậc trung học. Đại học chỉ là trường phổ thông cấp bốn.

Tôi là một trong số ít sinh viên dành thời gian và có đôi chút ý thức về tự học. Khi đó, tôi hiểu ra rằng: Đại học là tự học, nhưng tự học lớn hơn đại học. Tôi khi đó cũng hiểu ra rằng, việc tự học lẽ ra phải được triển khai ở các bậc học thấp hơn, xuống đến tiểu học, thay vì phải chờ đến tận bậc đại học.

Tiếc rằng, việc tự học đúng nghĩa ở phổ thông gần như bị quên lãng hoàn toàn, bởi cả học sinh và các nhà giáo. Tự học ở bậc phổ thông chỉ được hiểu theo nghĩa giản đơn là học sinh ngồi làm bài tập một mình ở nhà khi không có thầy giáo hoặc gia sư ở bên cạnh. Tự học theo nghĩa tự mình khám phá những chân trời tri thức mới, tự do và tự giác, hoàn toàn xa lạ với phần lớn học sinh phổ thông. Nếu có ai đó khuyên học sinh phổ thông phải tự học thì đó chỉ là lời khuyên được chăng hay chớ của một vài người có kinh nghiệm đi trước, rồi cuối cùng cũng bị quên lãng hoặc bị cuốn phăng đi bởi guồng học và thi theo chương trình bắt buộc của nhà trường.

Nhưng trước khi đi vào câu hỏi làm thế nào để học sinh tự học, thì cần phải trả lời một câu hỏi khác: Có cần thiết phải để học sinh tự học?

Trên sân hay trên khán đài?

Nếu để tâm một chút ta sẽ thấy, học sinh khi học hết bậc tiểu học ngày nay đã uyên bác hơn hầu hết các nhà bác học thời cổ và trung đại. Những kiến thức về Toán, Khoa học tự nhiên và xã hội được trang bị cho học sinh tiểu học vượt xa túi khôn của các nhà bác học thời đó nhiều lần. Với học sinh trung học phổ thông thì kiến thức mà họ được trang bị lại càng hùng hậu nữa. Nhưng dù được trang bị lượng kiến thức nhiều như vậy, những học sinh này sử dụng kiến thức rất kém hiệu quả. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học còn không có khả năng viết một lá thư chỉn chu hay một mẫu đơn từ chuẩn tắc. Vì sao như vậy?

Vì một lẽ đơn giản: Kiến thức mà các học giả khám phá ra, dù nhỏ nhoi thì đó cũng là kiến thức thật, do họ làm ra hoặc tìm ra. Đó là thứ kiến thức của thu được từ những trải nghiệm thật, lao động thật, của người ở "trên sân". Còn kiến thức mà các học sinh được học trên ghế nhà trường, dù được nhồi nhét đến mức thuộc như cháo chảy, thì đó vẫn là kiến thức của người khác. Đó là thứ kiến thức thu được từ những trải nghiệm của người khác, người ở trên "khán đài".

Trải nghiệm ở "trên sân" và trên "khán đài" là hai loại trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, vì thế mà thứ kiến thức mà họ thu được cũng có chất lượng và độ hữu dụng khác nhau một trời một vực. Một bên thì là kiến thức thực, kỹ năng thực đầy sống động, còn một bên thì chỉ là những cái vỏ khái niệm, hoặc một mớ chữ nghĩa không hồn.

Có thể minh họa việc này bằng hình ảnh một trận bóng đá. Những người xem bóng đá từ trên khán đài sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn khác so với trải nghiệm của những người đá trên sân. Trải nghiệm của người ngồi trên khán đài sẽ chỉ dừng lại ở sự quan sát, mô tả, giải thích, tìm nguyên nhân… của những điều diễn ra trên sân bóng, chứ không phải là trải nghiệm thực của cầu thủ đang đá bóng.

Trong việc học, chính sự trải nghiệm, chứ không phải là nội dung của những bài học, sẽ mang lại kiến thức, kỹ năng và giá trị sống cho người học. Tiếc thay, nền giáo dục hiện thời đã được thiết kế để người học ngồi trên khán đài, thay vì xuống sân thông qua việc tự học hoặc thông qua thực hành, để học.

Nhiệm vụ cao nhất của một nền giáo dục là giúp người học trưởng thành thông qua trải nghiệm. Tự học là công cụ tốt nhất và rẻ nhất để có được trải nghiệm đó. Vì thế, tự học là một trong những yếu tố quan trọng nhất của giáo dục. Tự học cũng giúp người học vươn xa hơn khỏi nhà trường, khi biết cách tìm kiếm tri thức thông qua trải nghiệm từ thiên nhiên, xã hội xung quanh, hoặc mạng Internet.

Với sự tăng trưởng không ngừng của thông tin và tri thức thì suy cho cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của một nền giáo dục không phải là dạy người ta kiến thức, mà là dạy người ta cách tự học. Nhưng cả học sinh và nhà giáo hiện nay vẫn không thể thực hiện việc tự học hiệu quả.

Đâu là lý do?

Lý do đầu tiên có thể thấy ngay là học sinh không tự học vì những người thầy không biết cách tự học, do đó không biết cách dạy học sinh tự học. Mỗi người thầy có tuổi đời làm việc từ 30 - 40 năm, nên chỉ cần một thế hệ không biết cách tự học, vì nhiều lý do như không có sách vở, hoặc không được phép vì bị kiểm soát, thì mấy chục thế hệ học trò sau đó sẽ chịu cùng hậu quả. Những học trò này lớn lên, trở thành thầy, sẽ tiếp nối quán tính đó, hình thành một vòng xoáy rất khó thoát.

Lý do thứ hai là vì chương trình và cách dạy ở nhà trường hiện nay không khuyến khích việc tự học. Chương trình được thiết kế hàn lâm giả tạo, đặc kín, rất ít hở không còn thời gian để học sinh tự học. Cách tổ chức kiểm tra thi cử cũng không khuyến khích việc tự học. Học ở nhà trường giờ chỉ còn đơn giản là học để thi. Kết quả là học sinh chỉ biết, và chỉ cần, học thuộc cho an toàn. Vừa dễ, lại vừa lòng tất cả, dù thi xong lại phải quên ngay lập tức dành đầu óc học thứ khác.

Thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh trong một giờ Ngữ văn. Ảnh: H.V.T.C.S.
Thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh trong một giờ Ngữ văn. Ảnh: H.V.T.C.S.

Nếu có học sinh chăm chỉ nào tìm ra chút thời gian ít ỏi còn lại để tự học, thì việc này cũng khó khả thi, vì sách giáo khoa hiện thời được viết để phục vụ cái học từ chương, chứ không phải để dùng cho việc tự học.

Nếu học sinh nào vì ham thích và được gia đình tạo điều kiện để tham khảo thêm những sách vở bên ngoài, thì những sách tham khảo này cũng không có chỗ đứng trong nhà trường, vì chương trình học hiện thời không có các dự án làm việc nhóm, khảo cứu tư liệu hoặc những nghiên cứu nhỏ, vì thế học sinh không có động lực để sử dụng các loại sách tham khảo này.

Lý do thứ ba là trong trường hợp học sinh vượt qua được tất cả các khó khăn giương ra từ phía nhà trường để tự học, thì có một thực tế khác cũng lạnh chát không kém, là số lượng sách vở hoặc các tài nguyên học tập có chất lượng để học sinh tự học còn quá ít. Đi vào các nhà sách lớn, chỉ các sách giải trí, còn sách khoa học và sách giáo dục thì chỉ loáng thoáng, với chất lượng phần lớn là rất thấp. Trong hoàn cảnh đó, tự học do sự cuốn hút của sách vở rất khó xảy ra. Học sinh sẽ gắn chặt với các sách giải trí như truyện tranh, chứ không phải là các sách tham khảo giúp các em tự học.

Lý do thứ tư, và chưa phải là lý do cuối cùng, là văn hóa tự học của người Việt còn rất yếu. Trải qua bao đời, nếu xưa học theo kiểu tầm chương trích cú với hy vọng thi cử để làm quan, thì nay lại học để thi, để lấy thành tích, thì tự học để có kiến thức thực vẫn là điều xa lạ. Sự kiểm soát chặt chẽ, có ý thức hoặc vô thức, từ trong nhà đến các cơ quan công quyền, trong việc hạn chế xuất bản và nội dung học tập, càng làm cho tinh thần tự học trở nên lụn bại. Vì những lẽ đó, tự học vẫn còn là một con đường gian nan mà nếu không quyết đoán dấn bước thì không biết khi nào mới đến đích.

Một số hướng dẫn đổi mới chuyên môn Trung học:

- Mục tiêu: Chuyển từ trọng tâm trang bị tri thức sang rèn luyện năng lực vận dụng thực tiễn cho HS. Chuyển từ việc dạy HS học sang dạy HS cách học, cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Như vậy, không phải học cái gì, mà là học như thế nào, học để làm gì.

- Phương pháp cơ bản: Thiết kế tiến trình dạy học thành một chuỗi các bước hoạt động học của HS, mỗi giai đoạn học tập gồm các bước: Tình huống xuất phát; tìm hiểu, trao đổi, đề xuất cách nghiên cứu, giải quyết; phối hợp tìm hiểu, thực hiện giải quyết vấn đề; giới thiệu, báo cáo kết quả giải quyết vấn đề; đúc kết, tổng hợp kết quả, chuyển tiếp.

- Có 4 mức độ thực hiện dạy học tích cực.

- Đổi mới sinh hoạt chuyên môn: Dạy học tích cực với HS là trung tâm, rèn luyện cách học, khả năng tự học; Dạy học theo chủ đề lồng ghép, tích hợp đơn môn, đa môn, gắn với thực tiễn cuộc sống; Đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tham gia trường học kết nối mạng; Đổi mới tiêu chí đánh giá bài dạy, chủ đề dạy học.

(Theo Phòng Giáo dục Trung học - Sở GDĐT TPHCM, 3.2015)

TS. GIÁP VĂN DƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.