Vấn đề bản quyền: “Ăn cắp” trí tuệ thì phải xử nặng hơn “ăn cắp” vật thể

PHẠM NGỌC |

Vấn đề “bản quyền” mặc dù đã được nhắc đến từ lâu, đã có những quy định của pháp luật, nhưng cho đến nay việc vi phạm vẫn ở mức “báo động”. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật bị xâm phạm bản quyền một cách trắng trợn, đặt ra cho chúng ta một câu hỏi “liệu những quy định của pháp luật đã đủ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả?”. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

Ông nghĩ sao về vấn đề vi phạm bản quyền hiện nay? Ví dụ như việc đạo văn, lấy tác phẩm của người khác đứng tên mình. Thậm chí, có tác giả đứng chủ biên một cuốn sách (trong đó có cả lĩnh vực sử học) đã lấy nguyên luận văn tốt nghiệp của sinh viên rồi ghi tên mình?

- Nói đến hành vi “vi phạm bản quyền” có nghĩa là nói tới việc vi phạm “Luật sở hữu trí tuệ” được Quốc hội thông qua lần đầu năm 2005 và sửa đổi vào năm 2009. Nhẩm tính đã có tới ngót một thập kỷ “có luật” nhưng phải nhận thấy rằng, để luật này đi vào cuộc sống, tạo thành “tập quán” như lẽ tự nhiên của xã hội thì không đơn giản, rất khó khăn cả về phía người có quyền, người vi phạm và người phán xét. Bởi lẽ ý thức về vấn đề này vẫn còn mới mẻ, vì trước đó, tồn tại rất lâu dài không ai quan tâm, coi việc sử dụng những tài sản trí tuệ của nhau (giá trị phi vật thể) là chuyện thường tình, đôi khi coi đó là cách đánh giá về giá trị của chính tài sản do mình sáng tạo ra. Họ hát bài hát của mình là mừng lắm rồi, họ chia sẻ những ý kiến của mình đã là vinh dự lắm rồi v.v...

Chương trình “Khánh Ly in Hà Nội” diễn ra vào 2.8.2014 cũng gây ra nhiều tranh luận về vấn đề bản quyền.
Chương trình “Khánh Ly in Hà Nội” diễn ra vào 2.8.2014 cũng gây ra nhiều tranh luận về vấn đề bản quyền.

Cho nên khi đã có luật, thì việc giải thích luật rồi vận dụng vào từng tình huống, sự việc cụ thể rất không đơn giản cộng với các hoạt động tư pháp và chế tài còn rất hời hợt khiến tình trạng này khó khắc phục ngay. Vả lại cũng cần nói rằng, cho đến nay mặt bằng ý thức thượng tôn pháp luật của xã hội ta còn rất tuỳ tiện. Ngay cả luật giao thông liên quan đến sinh mạng còn bị coi thường thì việc bảo vệ cái giá trị “phi vật thể” của bản quyền chưa dễ được thực thi. Trường hợp bạn nêu như đạo văn hay thầy lấy thành quả nghiên cứu của trò đã khó xác định lại dễ bị tính “nể nang” ở phía này, tuỳ tiện ở phía kia “bão hoà” dẫn đến kết cục “hoà cả làng”...

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng một thập kỷ qua cũng đã có những chuyển biến tích cực, nhất là khi người sở hữu có thể “đong đếm” được giá trị ấy bằng tiền bạc cho thấy giá trị ấy không nhỏ (đó là chưa kể nếu soi ra thế giới) khiến người ta quan tâm đòi sự công bằng ngày càng nhiều hơn. Trường hợp đối với bản quyền tác phẩm âm nhạc là rõ nhất vì nó vừa được sử dụng nhiều lại có một tổ chức đứng ra thực thi “sát ván” nên gây được sự quan tâm của xã hội và của chính những người “có của”...

Một tác phẩm được chuyển thể sang kịch bản phim thì có thể dễ dàng xác định được, nhưng một số lĩnh vực rất khó, chẳng hạn như nhiếp ảnh. Chắc ông còn nhớ vụ nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên (1911 - 1979) bị người khác cho rằng có một tác phẩm là của họ (họ có cả phim gốc), đòi kiện Báo Lao Động chúng tôi. Như vậy, ông có thấy, vấn đề bản quyền rất khó xác định, nhất là khi tác giả đã mất?

- Đúng là việc xác định không dễ, nhưng làm mãi thì nó cũng thành quen và có thể tạo nên những chuẩn mực để phán quyết, đương nhiên, cũng như hàng hoá, sẽ luôn diễn ra sự “mặc cả” vì định giá tuyệt đối những giá trị phi vật thể luôn mang tính tương đối. Nhưng nó sẽ dễ hơn khi cả người sở hữu và người sử dụng đều ý thức được quyền và trách nhiệm của mình. Và quan trọng hơn là có chung một mục tiêu hướng tới lợi ích của hai bên mà thước đo lại chính là người hưởng thụ (xã hội) như nghe nhạc, xem phim, đọc thông tin... trên mạng...

Câu chuyện để tránh phải trả tiền bản quyền (nói đúng hơn là chưa thoả thuận được giá cả được cho là hợp lý). Hàng không VN một thời chỉ cho khách đi máy bay nghe nhạc ngoại hay dân ca (thuộc loại không phải trả bản quyền) mang lại thiệt hại cho cả người hưởng thụ lẫn người sáng tạo và gây một ấn tượng không hay về một ngành vốn phải đề cao những giá trị văn hoá theo chuẩn mực hiện đại...

Với nhiếp ảnh, nhờ công nghệ sao chép quá dễ dàng, việc phân biệt hai tấm ảnh chụp cùng một góc nhìn về một đối tượng không đơn giản và do số lượng sáng tác (với công nghệ số) quá thuận lợi nên khác với một bài thơ, một cuốn sách hay bức tranh, bộ phim... nhiều khi tác giả không quan tâm đăng ký bản quyền kịp thời... 

Việc liên quan đến tấm ảnh chụp vị bác sĩ Chủ tịch Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô, chỉ phân định được tác giả thực nhờ chính gia đình của vị Chủ tịch này xác nhận nó được ông Nguyễn Duy Kiên tặng từ rất lâu trước khi tác giả qua đời và rất lâu khi có người khác nhận là... của mình. Vì vậy mà trên lĩnh vực liên quan đến bản quyền này (những hoạt động sáng tạo) cũng rất cần đến cái mà ta vẫn gọ ilà “đạo đức hay lương tâm” nghề nghiệp. Ở nước ta, giá trị bản quyền về căn bản còn thấp nên chưa gay gắt, chứ ở nhiều quốc gia phát triển khi “giá” bản quyền có thứ rất cao thì việc tranh chấp còn gay gắt khó có thể lường được.

Trong các lĩnh vực thì vấn đề âm nhạc là một lĩnh vực phức tạp nhất, bởi các tác phẩm âm nhạc thường được sử dụng nhiều nhất. Mặc dù đã có quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, một số Nghị định của Chính phủ cũng như đã tham gia Công ước Bern về quyền tác giả... nhưng dường như những quy định ấy vẫn chưa thực sự chặt chẽ rạch ròi, vẫn có sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong việc quy định cấp phép biểu diễn. Có nhiều khi, đơn vị cấp phép biểu diễn biết chắc chắn rằng đơn vị tổ chức vi phạm bản quyền nhưng vẫn “ăn tiền” rồi lờ đi. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông nghĩ những quy định của pháp luật về vấn đề này liệu đã đủ và chặt chẽ chưa?

- Vì âm nhạc là sản phẩm dễ trở thành hàng hoá liên quan đến các chương trình biểu diễn hay in sao trên các phương tiện kỹ thuật số thu hút nhiều công chúng (khách hàng) nên dễ xảy ra tranh chấp là điều dễ hiểu. Quan sát những hiện tượng đã diễn ra, người ta thường chỉ quan tâm đến hai đối tác “kẻ bán người mua” mà ít quan tâm đến cơ quan quản lý thị trường... Đúng như chị nêu, vấn đề là cơ quan quản lý văn hoá cứ cấp phép cho các chương trình biểu diễn ngay khi chưa hoàn tất những thoả thuận về bản quyền với tác giả hay các tổ chức đại diện được uỷ quyền.

Buông lỏng vì “ăn tiền” của bên tổ chức biểu diễn có hay không thì vẫn phải điều tra mới kết luận được, những để một chương trình biểu diễn trước khi hoàn tất thủ tục liên quan đến bản quyền thì cái sai trước hết là cơ quan quản lý Nhà nước. Với hiện tượng in sách lậu cũng như vậy, với chế tài nhẹ nhàng như “muỗi đốt gỗ” hiện tại thì chỉ khuyến khích việc in lậu và tạo sự thông đồng giữa kẻ gian và cơ quan công quyền cùng hưởng lợi. 

Chúng ta không “hình sự hoá” các giao dịch kinh tế, giao dịch dân sự nhưng “ăn cắp” trí tuệ thì phải xử nặng hơn “ăn cắp” vật thể. Vì sự tổn hại vật chất nó có thể được bù đắp bằng vật chất, còn sự tổn hại tinh thần thì nó làm mất cả sự sáng tạo của xã hội. Ăn cắp tiền hay cái xe máy có thể bị tù, còn ăn cắp bản quyền chỉ bị phạt hành chính là vô lý. Hiện tại, luật pháp ở nước ta có vấn đề ở phía cơ quan làm luật (chất lượng soạn thảo luật) hay phía người công dân (ý thực tuân thủ pháp luật), nhưng theo tôi vấn đề căn bản nhất lại chính là cơ quan thực thi pháp luật.

Tranh luận giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với đơn vị biểu diễn là Công ty Đồng Dao vừa qua (trong chương trình nghệ sĩ Khánh Ly với các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngoài ý thức cá nhân, các quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân ông nghĩ còn cần làm gì để thực hiện tốt vấn đề bản quyền, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả? - Như câu trên tôi đã nêu, với vụ việc này chỉ cần đặt câu hỏi: Cơ quan quản lý nhà nước ở đâu thì sẽ rõ thực chất vấn đề. Biểu diễn đã được cấp phép chưa? 

Đã có thoả thuận về vấn đề bản quyền chưa? Và ngay cả trong câu chuyện thương thảo giá cả thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể hoàn toàn đứng ngoài, nó có vai trò giám sát vì liên quan tới vấn đề thuế thu nhập và kinh doanh... Tuy nhiên, không thể không nói đến một nguyên lý dù mang tính lý thuyết rằng, việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ như tên gọi của nó cũng phải được hành xử bằng trí tuệ của những bên liên quan, trí tuệ được hiểu là một văn hoá chứ không phải là mưu chước để mưu lợi.

PHẠM NGỌC
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.