Thảm cảnh gần 1.000 ngày bị cướp biển Somali bắt cóc

Hương Giang (Theo Guardian) |

Michael Scott Moore bị cướp biển Somali bắt cóc vào năm 2012 và đã có 977 ngày bị giam cầm trước khi lấy lại được tự do. Lần đầu tiên sau thời gian im lặng, anh đã kể lại câu chuyện về quãng thời gian khủng khiếp mà bản thân đã trải qua.

Dưới đây là câu chuyện của con tin, đồng thời là nhà báo, mang hai quốc tịch Đức và Mỹ này, đã được đăng tải trên tờ Guardian của Anh:

“Tôi tới Somalia vào đầu năm 2012 để viết về một băng cướp biển bị giam tại Hamburg (Đức). Chúng đã bị bắt cách đây 2 năm khi tìm cách cướp tàu chở hàng MV Taipan của Đức. Đó là lần đầu tiên có một băng cướp biển bị xử trên đất Đức trong vòng 4 thế kỷ.

Tôi tới Somali cùng Ashwin Raman, một nhà làm phim tài liệu người Ấn Độ, đã giành nhiều giải thưởng với tác phẩm về Afghanistan và Somalia. Chúng tôi dàn xếp hoạt động an ninh cho mình qua Mohammed Sahal Gerlach, một trưởng lão Somalia có thời gian dài sống ở Berlin.

Cú bắt cóc chóng vánh

Trong phiên tòa ở Hamburg, một số luật sư bào chữa nói rằng bọn cướp chỉ là các ngư dân nghèo. Khi tới Somalia, tôi thấy câu chuyện kiểu này rất phổ biến. Với tư cách khách của Gerlach và bộ tộc Sa’ad của ông, chúng tôi đã phỏng vấn một viên chỉ huy cướp biển có tên Mustaf Mohammed Sheikh.

Ông ta nói rằng “những kẻ da trắng” đã tấn công Somalia bằng cách đánh bắt hết cá và ném thuốc độc vào bờ biển nước này, nên ngư dân phải đứng lên chống lại. Cáo buộc ấy có phần đúng sự thật, như nạn đánh bắt cá quá mức và đổ chất thải trái phép dọc theo bờ biển Châu Phi. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, cướp biển vẫn thường sử dụng các lý do xã hội để biện hộ cho hành động của chúng và cướp biển tại Somalia cũng không phải ngoại lệ.

Một tên cướp biển Somalia trước một tàu cá bị bắt giữ hồi năm 2012.
Một tên cướp biển Somalia trước một tàu cá bị bắt giữ hồi năm 2012.

 

Sau 10 ngày ở Somalia, chúng tôi gần như xong việc. Ashwin quyết định về Đức trước vì cũng chẳng còn điều gì để làm nữa. Một cảm giác bất an bỗng hình thành trong tôi. Tôi đã phải gọi điện cho Gerlach để bàn về an ninh, sau khi 2 nhân viên thuộc một tổ chức từ thiện nước ngoài mới bị bắt cóc trên đường tới sân bay, cách nay vài tháng.

Gerlach cam đoan rằng chúng tôi sẽ tới sân bay an toàn và một tay súng người Somalia sẽ đi theo bảo vệ. Chặng đường đưa Ashwin ra sân bay quả thực đã diễn ra suôn sẻ. Nhưng trên đường trở về, xe tôi đối mặt với một chiếc xe bán tải gắn súng máy, chạy ở chiều ngược lại.

Họng súng trên xe chĩa thẳng vào kính chắn gió. Khoảng một chục tay súng nhảy xuống, quây lấy xe tôi. Họ nổ súng bắn chỉ thiên và tìm cách mở cửa. Tôi cố giữ cánh cửa, nhưng họ dùng báng súng AK đánh vào tay rồi lôi tôi ra ngoài. Trong suốt quá trình ấy, tay súng bảo vệ tôi, ngồi ở hàng ghế phía sau, không bắn phát đạn nào. Tôi đã bị bắt cóc nhanh như thế.

Thương vụ 20 triệu USD

Những tay súng đưa tôi tới một ngôi nhà nằm bên rìa Galkacyo, trước khi chạy tiếp theo hướng đông. Cuối cùng chúng tôi cũng dừng chân và một tên cướp chuyển cho tôi bánh mỳ, một chai nước cùng một hộp cá ngừ. Đó là khẩu phần ăn thường xuyên của tôi, thi thoảng được thay bằng mỳ ống hoặc cơm. Trong mấy tháng tiếp theo, tôi sẽ sụt khoảng 20kg.

Tôi không nhận ra bất kỳ gương mặt nào quen thuộc. Nhưng sẽ chẳng quan trọng nếu chúng là cướp biển xuất thân từ bộ tộc Sa’ad - có nghĩa ai đó trong các họ hàng của Gerlach đã tìm cách biến tôi, từ vị khách của họ, thành một con tin.

Buổi sáng tiếp theo, tôi được đưa tới một căn nhà bẩn thỉu ở một thị trấn (về sau tôi biết là Hobyo) cùng 2 con tin là dân đảo ở Thái Bình Dương. Chúng tôi ở đây trong 3 đêm, được tự do đi lại trong nhà, nhưng đi vệ sinh thì phải xin phép. Mờ sáng ngày thứ 4, chúng tôi đột ngột bị lùa vào một chiếc Land Rover và bọn cướp chạy lòng vòng khắp nơi, trong trạng thái hoảng sợ.

Điều tôi không hề biết là trong ngày đó, một đội trực thăng chở lính đặc nhiệm SEAL của Mỹ đã giải cứu thành công 2 nhân viên cứu trợ nhân đạo, gồm Jessica Buchanan và Poul Thisted, bị bắt cóc trước tôi ở Galkacyo.

9 tay bảo vệ người Somalia đang canh gác họ đã bị bắn chết. Những kẻ bắt cóc này khác nhóm đang canh chúng tôi, nhưng trùm cướp biển có tên Mohammed Garfanji đã chi tiền cho cả hai nhóm. Ông ta mất một người thân trong vụ đột kích.

Vụ đột kích đã khiến những tên cướp biển đưa chúng tôi đi giấu ở nhiều điểm ngoài trời, trong nhiều tháng sau đó. Chúng tôi chỉ trở lại Hobyo vì một trận bão kéo tới gần.

Một đêm nọ, vào khoảng cuối tháng 2.2012, những tên bảo vệ đưa tôi tới gặp trùm cướp biển Garfanji. Tôi có nghe tên, nhưng chưa từng nhìn thấy một bức ảnh nào về ông trùm này. Gã đó trông có vẻ hơi ngố và nói bằng một chất giọng như của trẻ con, nhưng thực tế lại là ông trùm quyền lực.

Gã gọi cho một người ở Mỹ, chịu trách nhiệm đàm phán về trường hợp của tôi. Thông qua người này, tôi đã rất vui sướng nghe thấy giọng mẹ mình, lần đầu kể từ khi bị bắt làm con tin. Nhưng cuộc trò chuyện qua điện thoại đó không mang lại kết quả tích cực. Bọn cướp đòi số tiền quá lớn. Thậm chí người thương thảo phía Mỹ cũng ngạc nhiên khi thấy chúng đòi 20 triệu USD.

Tự sát hay nổi loạn?

Trong vài tháng đầu năm 2012, chúng tôi thường nghe tiếng máy bay do thám Orion bay thấp sau mỗi vài ngày. Âm thanh khiến tôi nuôi hy vọng được giải cứu, nhưng có tác động ngược lại với các tay bảo vệ. Chúng muốn tôi phải im miệng, vì sợ máy nghe lén của người Mỹ có thể phát hiện ra giọng tôi.

Cuối tháng 5, chúng tôi được đưa sâu vào trong đất liền. Bọn cướp nói tôi sắp có “vé về nhà”. Thực tế, chúng đưa tôi tới gặp Garfanji để phục vụ một màn ghi hình trước camera. Chỉ trong vài ngày, đoạn video này sẽ được mang ra bán. Có tin nói bọn cướp từng gửi video tới cho Ashwin ở Đức, đề nghị bán video với giá 2.000USD, nhưng bị từ chối.

Mùa thu năm 2012, tám tháng sau khi bị bắt làm con tin, tôi đã bị chuyển qua nhiều ngôi nhà - những nhà giam mini, ở Galkacyo. Tôi không bao giờ gặp Garfanji nữa. Tên cướp biển cầm quyền giờ là Dhuxul.

Dưới lệnh của gã, tôi bị xích chân vào mỗi đêm, bắt đầu từ mùa xuân năm 2013. Cho tới trước đó, tôi đã không phải chịu cảnh khổ này. Thường thì sau khi tôi ăn bữa tối, gồm đậu luộc, một tay bảo vệ sẽ dùng xích xe đạp trói chặt cổ chân tôi. Tôi bị trói suốt, từ khoảng 6 giờ tối cho tới 5 giờ sáng hôm sau.

Dhuxul không giải thích vì sao lại đối xử với tôi như thế. Nhưng việc bị xích chân suốt 18 tháng đã đánh sụp tinh thần của tôi. Tôi tới Somalia, với khát vọng vẽ ra bức tranh chân thật nhất về cuộc sống và suy nghĩ của cướp biển, để rồi bị chúng trói lại, đối xử như một con vật. Sự tức giận và cả tuyệt vọng âm ỉ cháy trong tâm hồn. Sự căng thẳng và khổ đau khiến tôi thường thức giấc giữa đêm, trong sợ hãi tột độ.

Không ít lần tôi nghĩ tới các giải pháp tuyệt vọng. Tự sát là chuyện quá dễ dàng. Những gã cướp canh giữ tôi quăng súng AK bừa bãi, cứ như rác vậy. Đã có lúc, ý nghĩ vớ lấy một khẩu súng, bắn chết vài gã cướp biển rồi tự sát, trở thành khao khát cháy bỏng, thành liều thuốc tinh thần của tôi.

Sau khi tôi chết, các đội SEAL sẽ đỡ phải tham gia một nhiệm vụ rủi ro. Nhiều người sẽ tránh khỏi các rắc rối vì tôi. Tôi đã nghĩ rất lâu, trước khi từ bỏ ý định này, chỉ bởi một thực tế lạnh lùng là nếu làm thế, gia đình sẽ vĩnh viễn mất tôi.

Trời có mắt

Nhiều tháng rồi nhiều năm đã trôi qua, nhưng tiền vẫn không xuất hiện. Lũ cướp nổi điên còn tôi thì tuyệt vọng. Trong một cuộc gọi điện hiếm hoi cho mẹ đẻ vào năm 2013, tôi đã dùng tiếng Đức nói rằng mình đang khao khát chờ đón một cuộc giải cứu, dù việc này có thể khiến tôi bị giết.

Cũng cần biết rằng trường hợp của tôi đặc biệt hơn những người khác. Do tôi mang 2 quốc tịch Đức và Mỹ, hai chính quyền có thể đã tranh cãi về quyền chỉ huy xử lý vụ của tôi. Cuối cùng, tôi chỉ được tự do, nhờ tiền của gia đình và một số tổ chức ở Đức, Mỹ gửi tới.

Sáng ngày 23.9.2014 dường như là một ngày bình thường. Tôi thức dậy, đi vệ sinh, ăn sáng với một bát đậu. Thế rồi tôi nhận cuộc gọi từ một nhà thương thuyết người Mỹ có tên Bob, nói rằng tôi sẽ được tự do.

Ngày hôm đó, tiền được chuyển cho phía cướp biển và tôi được đưa lên xe, tới thẳng sân bay ở Galkacyo. Một viên phi công nói giọng Anh có tên Derek đã chờ tôi sẵn tại sân bay. Nhẹ nhõm không phải là cảm giác của tôi khi ấy - tôi vẫn còn bị chấn động tinh thần mạnh, tới mức chưa cảm nhận được sự vui sướng tột độ vì được giải cứu. Nhưng tới giờ tôi vẫn nhớ cảm xúc lạ lùng, khó tin khi gặp gỡ và nói chuyện với Derek.

Phải tới sau này, tôi mới biết chuyện gì đã xảy ra với những tên cướp và món tiền ở Galkacyo. Trong buổi ăn chia số tiền chuộc lên tới 1,6 triệu USD, tranh cãi đã nổ ra giữa một viên sếp cướp biển có tên Nuur Jareer, cùng Ahmed Dirie và Ali Duulaay, hai kẻ trực tiếp dàn dựng vụ bắt cóc tôi. Một tay bảo vệ chĩa súng vào Duulaay đã vô tình xiết cò, bắn chết gã và mở màn cho cuộc đấu súng chớp nhoáng giữa các phe. Khi khói súng tan, người ta thấy Duulaay cùng Dirie chết tại chỗ. Nuur Jareer bị thương nặng và sau đó đã chết vì thương tích. Tôi có nghe nhóm này đã đầu tư 2 triệu USD để giam giữ mình. Chúng hẳn đã rất thất vọng trước thương vụ tồi tệ này.

Hương Giang (Theo Guardian)
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.