Bài viết dưới đây đăng trên tờ The New York Times ngày 31.12.2016.
Cựu Tổng thống Mỹ Richard M.Nixon luôn phủ nhận điều đó với David Frost, với các nhà viết sử và với cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson - người nghi ngờ nhiều nhất và là phần lớn nguyên nhân của sự phẫn nộ đối với những đồn đại về sự phản bội của người kế nhiệm.
Nixon nhấn mạnh với tất cả mọi người rằng, ông không phá hoại sáng kiến hòa bình năm 1968 của Johnson nhằm chấm dứt sớm chiến tranh Việt Nam. "Chúa ơi. Tôi không làm bất cứ điều gì để phía miền Nam Việt Nam không muốn ngồi vào bàn đàm phán" - Nixon nói với Johnson trong một cuộc trò chuyện bị Nhà Trắng ghi được.
Giờ đây chúng ta đều biết Nixon nói dối. Một loạt tờ giấy chú thích của H.R.Haldeman, trợ lý thân cận của Nixon để lại cho thấy, Nixon đã chỉ đạo nỗ lực chiến dịch của mình nhằm phá hoại đàm phán hòa bình, vì ông sợ rằng sẽ tạo lợi thế cho đối thủ là Phó Tổng thống Hubert H.Humphrey chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.
Vị tổng thống thứ 37 của Mỹ gần đây đã được phục hồi lại niềm tin vì những thành tựu về chính sách đối ngoại và những dự thảo trong nước mà ông ký thành luật đã được đem ra so sánh với các tổng thống và tổng thống đắc cử sau này. Thư viện tổng thống Nixon vừa được cải tạo mới trị giá 15 triệu USD nhấn mạnh hồ sơ đáng kể những thành tích của ông, mặc dù vẫn còn đó vụ bê bối Watergate.
Nhưng những tờ giấy chú thích của Haldeman đưa chúng ta trở lại với phần bóng tối. Mặc dù Nixon được ca ngợi, nhưng chúng ta cũng phải suy xét đến hành vi tội phạm rõ ràng, khiến cuộc sống của bao người bị đe dọa và kéo theo cả thập niên tàn sát ở Đông Nam Á, có thể còn kinh khủng hơn bất cứ điều gì Nixon đã làm trong vụ Watergate.
Vào mùa thu năm 1968, Nixon đang có lợi thế dẫn trước trước đối thủ Humphrey, nhưng khoảng cách đó đã bị thu hẹp dần vào tháng 10. Henry A.Kissinger, khi đó là cố vấn của Đảng Cộng hòa, đã cảnh báo Nixon rằng, nếu Johnson ngừng toàn bộ chiến dịch ném bom miền Bắc, thì Liên Xô cam kết khuyến khích Hà Nội tham gia đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh mà tới khi đó đã cướp đi sinh mạng của 30.000 lính Mỹ.
Nhưng Nixon có đầu mối liên lạc với chính quyền Sài Gòn, nơi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang lo sợ rằng, Johnson sẽ bán đứng ông ta. Tính toán của Nixon là, nếu Nguyễn Văn Thiệu cản trở đàm phán, thì ông ta có thể mô tả hành động của Johnson là xảo thuật chính trị rẻ tiền.
Chính vì vậy, Nixon quyết định sử dụng đầu mối ở Sài Gòn là bà Anna Chennault (Trần Hương Mai) nhằm gây sức ép lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để phá hoại nỗ lực hòa bình.
Bà Chennault là người Mỹ gốc Hoa có nhiều kinh nghiệm của Đảng Cộng hòa, chuyên trách gây quỹ cho Nixon, thành viên nhóm tình nguyện của Mỹ chi viện cho không quân Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai. Vì thế, bà có nhiều mối quan hệ rộng khắp ở Châu Á.
"Hãy để Anna Chennault làm việc với chính quyền Sài Gòn" - Haldeman viết nguệch ngoạc, ghi lại mệnh lệnh của Nixon. "Có cách nào khác để ngăn cản nữa không? RN [Richard Nixon] có thể làm bất cứ điều gì".
Nixon cũng chỉ thị cho Haldeman yêu cầu Rose Mary Woods, thư ký riêng của ông, liên lạc với một nhân vật gốc Hoa khác có quan hệ với phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa là doanh nhân Louis Kung, và nói với ông ta gây sức ép với Nguyễn Văn Thiệu. "Bảo ông ta cứng rắn nhé" - Nixon yêu cầu.
Nixon cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch. Ông còn nói với Haldeman yêu cầu ứng viên tranh cử với ông ở chức phó tổng thống, Spiro T.Agnew, đe dọa Giám đốc CIA Richard Helms. Agnew phải dọa Helms rằng, chức giám đốc CIA của ông ta dưới thời Nixon có giữ được hay không phụ thuộc vào hành động hợp tác của ông ta. "Nói với ông ta là chúng ta muốn sự thật, nếu không ông ta sẽ không giữ được việc" - Nixon nói.
Trong suốt cuộc đời mình, Nixon sợ bị phanh phui trò lừa gạt này. "Tôi không hề làm gì khuất tất cả" - ông nói với Frost trong cuộc phỏng vấn năm 1977. "Còn đối với bà Chennault hay bất kỳ người nào khác, tôi không ủy quyền cho họ và tôi không biết bất kỳ mối liên hệ nào với chính quyền Sài Gòn vào thời điểm đó để mà giục họ không tham gia đàm phán". Thậm chí sau vụ Watergate, Nixon vẫn nói: "Tôi không thể làm điều đó vì lương tâm không cho phép".
Nixon có lý do để nói dối. Hành động của ông dường như vi phạm luật liên bang, theo đó nghiêm cấm mọi công dân cố tình "cản trở các chính sách của nhà nước Hoa Kỳ". Các luật sư của Nixon đã được lệnh giữ bí mật cuộc vận động tranh cử 1968. Bằng chứng về "phi vụ Chennault" chỉ được hé lộ sau đó nhiều năm. Tuy nhiên, vẫn thiếu những bằng chứng về sự tham gia trực tiếp của Nixon.
Thời gian dần hé lộ những bí mật của Nixon. Những chú thích của Haldeman âm thầm bị hé lộ tại thư viện tổng thống năm 2007, khi tôi phát hiện chúng lúc tìm tài liệu nghiên cứu để viết tiểu sử cựu tổng thống. Chúng cũng chứa những viên ngọc quý giá khác, như ký hiệu của Haldeman về một lời hứa của Nixon với các thành viên Cộng hòa miền Nam rằng, ông sẽ bãi bỏ Dự luật Dân quyền nếu đắc cử. Bên cạnh đó còn có những ghi chú từ chiến dịch tranh cử thống đốc California năm 1962 của Nixon, trong đó ông và các trợ lý thảo luận về việc nghe trộm điện thoại của đối thủ chính trị.
Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng nếu không có can thiệp của Nixon, thì tiến trình hòa đàm sẽ diễn ra, cũng như chiến tranh sẽ chấm dứt. Nhưng Johnson và các cố vấn của ông, ít nhất, vào thời điểm đó đã từng tin tưởng vào khả năng này.
Khi Johnson biết được Nixon can thiệp, ông ra lệnh cho FBI theo dõi động thái của bà Chennault. "Bà ta liên hệ với đại sứ Việt Nam Bùi Diễm và khuyên ông ta rằng bà ta đã nhận được một thông điệp của sếp mình để đích thân chuyển đến ngài đại sứ. Bà ấy nói thông điệp là: Hãy cố chờ. Chúng ta sắp thắng. Hãy nói với sếp của ngài gắng chờ".
Trong một cuộc trò chuyện với thượng nghị sĩ Cộng hòa Everett Dirksen, Johnson đã chửi rủa Nixon: "Tôi đã xem tướng tay của họ, Everett. Đó là tội phản quốc". "Tôi biết" - Dirksen buồn bã nói.
Các trợ lý thân cận nhất của Johnson giục ông vạch mặt hành vi của Nixon. Nhưng trong cuộc họp ngày 4.11, họ kết luận rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục về sự dính líu trực tiếp của Nixon, như Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford thừa nhận.
Một ngày sau đó, Nixon được bầu làm tổng thống.