Sơn mài qua giấc mơ sáng tạo của Nguyễn Gia Trí

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền |

“Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa, ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó sơn mài đã được nâng lên Mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại - một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sỹ mà ra, đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc - thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí” (Tô Ngọc Vân - bút hiệu Tô Tử - đã nhận định về “Nguyễn Gia Trí và sơn ta”, báo “Ngày nay”, số 146, ngày 21.1.1939).
Họa sĩ Tô Ngọc Vân tài danh nằm trong bộ tứ nổi danh của hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 - nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn) đã viết về những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 như vậy.
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật năm 1944 tại Hà Nội đã phải thốt lên “Nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí là nghệ thuật của một con người kỳ dị và thông thái” do những khám phá, thoát ra, đầy tự do khoáng đạt, lộng lẫy, biến ảo, hấp dẫn của cuộc sống như thật, như mơ trong tranh của Nguyễn Gia Trí.
Nguyễn Gia Trí là người họa sĩ đầu tiên đưa sơn ta mỹ nghệ lên tầng cao của những bức tranh sơn mài nghệ thuật đích thực - Đúng như họa sĩ Tô Ngọc Vân đã nói sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa, mà qua Nguyễn Gia Trí sơn mài đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng!
Tôi được xem tranh của Nguyễn Gia Trí lần đầu tiên khi tôi khoảng 10 tuổi, lúc đó tôi thấy mình muốn vẽ để giải tỏa một cái gì đó dấy lên trong tâm hồn mình - bố tôi - nhà văn Kim Lân thấy như vậy lẳng lặng mượn ở thư viện về những tập báo Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ bảy, Phong Hóa… từ những năm 1939 - về cho tôi học hỏi hội họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Thời kỳ những năm tháng xưa ấy, bố tôi được “cắp tráp theo hầu” họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông kể cho tôi nghe ông được theo bác Trí phụ làm sơn mài, cẩn trứng, khắc sơn, làm tất cả những việc vặt của thợ phụ sơn mài cho bác Trí.
Ông nói với tôi đây là một họa sĩ tài hoa, người đứng đầu Việt Nam trong tranh sơn mài, một họa sĩ lao động nghiêm khắc với sáng tạo nghệ thuật của mình, người đã khai mở và nâng tầng ra nền hội họa từ sơn ta mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật. Ngoài ra ông cũng là họa sĩ bậc thầy về hình họa, kỹ thuật, và có tài năng khác nữa đó là vẽ minh họa.
Qua những số báo thời đó bố tôi đã được học hỏi hội họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đầu tiên là những bức minh họa của ông. Cho đến nay mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy rõ mồn một những bức minh họa sống động của ông. Những mảng đen, trắng, bố cục và những thân phận con người trong từng minh họa. Bố tôi nói: “Con hãy xem và học, mỗi nhân vật trong minh họa của ông đều hiện rõ cuộc đời, thân phận của những người đàn ông, đàn bà, ông già, trẻ con, thiếu nữ…”. Vẽ minh họa là để làm sáng tỏ, nêu bật điểm trọng tâm của tác giả bài văn, bài thơ, dựa vào bài viết của tác giả, họa sĩ chọn lấy cái tinh túy cốt lõi cô đọng của bài viết ấy để làm minh họa, nên trong mỗi minh họa của bác Trí đều hiện lên những cảnh, những con người, con vật rất điển hình của câu chuyện với thân phận cụ thể của từng người. Tôi nhớ như in những bà Phán ngồi ăn trầu, áo dài khăn vấn mầu đen, mỗi khuôn mặt một vẻ như đang nói chuyện với nhau, hay đang nghĩ ngợi điều gì, những mảng mầu đen mạnh mẽ, đơn giản nhưng vẫn cảm thấy tất cả hình hài bên trong, cho thấy một người rất lão luyện về hình họa nhưng không lệ thuộc vào sao chép mà đã tạo dựng nên những mảng mầu đơn giản nhưng vững chãi với những chi tiết đắt giá - đủ thấy bác đã quan sát thực tế rất tinh vi để chắt lọc lấy những nét tưởng như vô tình nhưng là những nét không thể thiếu, không thể thừa cho dù là bức minh họa nhỏ hay lớn, cho thấy bác rất cẩn trọng nhưng cũng vô cùng thoáng đạt sáng tạo trong từng nét bút của chính mình. Tôi đã được học đầu tiên từ bác Trí chính là những tác phẩm minh họa của bác, rồi sau này mới được xem đến tranh sơn mài của bác.
Bây giờ, nhìn rất nhiều minh họa của một số họa sĩ trên báo chí tôi thấy họ vẽ nhiều màu sắc, cách điệu hình thể đẹp mắt nhưng nhìn chung gần như không liên quan mấy đến nội dung bài viết. Hình mầu, nhân vật đều giông giống nhau tạo phong cách mới nhưng nó giống như một bức tranh hoàn toàn tách biệt không liên quan gì đến cái gọi là minh họa cho tác phẩm mà mình cần làm.
Xem những minh họa của bác Nguyễn Gia Trí, tôi thích quá đòi bố tôi dắt đến nhà bác chơi, bố tôi trầm ngâm nhìn tôi hồi lâu rồi nói: “Bác Trí không còn ở miền Bắc nữa, không gặp bác được nữa con ạ” - rồi bố tôi kể - khi giải phóng Thủ đô, bố tôi được trọng trách cử xuống Hải Phòng tìm bằng được bác Trí để giữ bác ở lại miền Bắc, khi xuống đến Hải Phòng mọi người nói bác đã lên tàu rồi, chạy vội ra cảng, nhìn đoàn người chật ních trên tàu đang nhổ neo đi, bố tôi nhìn thấy bác Trí vẫy gọi, hai thầy trò chỉ còn vẫy tay chào tạm biệt, không biết đến khi nào gặp lại.
Đến khi giải phóng miền Nam 1975, bác Trí đã đóng cửa không tiếp những nhân vật lãnh đạo văn hóa, văn nghệ từ Hà Nội vào thăm. Bố tôi một lần nữa lại được cử vào Sài Gòn đến gặp bác. Bác đã đón tiếp bố tôi chân thành, cởi mở, chẳng biết họ đã giãi bày cùng nhau những gì nhưng cánh cửa của bác Trí đã không còn lạnh nhạt như xưa với những người từ Hà Nội vào nữa.
Bố tôi nói với tôi, bác Trí là người rất có cá tính, tuy sống rất điềm đạm nhẹ nhàng nhưng cũng ương ngạnh cổ quái vô cùng, ông chẳng quan tâm gì đến những danh vọng, tiền tài ngoài nghệ thuật, không cứ gì với những người lãnh đạo nghệ thuật miền Bắc thời kỳ đầu 1975 ông lạnh nhạt không tiếp, mà ông cũng đuổi ra khỏi nhà người đại diện của chính phủ Ngô Đình Diệm vì đã trả giá bức tranh của ông khi họ định mua để tặng cho UNESCO ở Pháp. Ông cũng từ chối không bán tranh cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn những năm trước 1975, đúng như Nguyễn Đỗ Cung đã nói “Nguyễn Gia Trí là con người kỳ dị và thông thái”.
Tôi lại nhớ khi tôi làm đại diện cho Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á của Nhật, có đưa các chuyên gia đi mua tranh cho bảo tàng đến Gallery Đức Minh gặp anh Bùi Quốc Trí con trai ông Đức Minh - nhà sưu tập tranh lớn nhất Việt Nam những thập niên 1960 - 1980. Đoàn rất thích bức sơn mài “Thiếu nữ bên hoa Phù Dung” của Nguyễn Gia Trí nên hỏi mua. Anh Trí nói giá nửa triệu đô la nhưng anh không bán mà giữ lại như một báu vật cho gallery của mình. Anh Trí còn nói bức tranh này có một kỷ niệm với gia đình, đó là năm 1945 khi Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” và tiếp các đoàn Bác đã cho người đến mượn bức tranh này để treo tại Phủ Chủ tịch nhân ngày lễ trọng đại này.
Thật cảm động khi biết rằng, tranh của Nguyễn Gia Trí đã được trân trọng giữ gìn ở các bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước như một tài sản văn hóa vô giá.
Là một họa sĩ tài năng, bản lĩnh, thanh tĩnh, nhẹ nhàng, không màng tiền tài, danh vọng, suốt đời sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật, ông đã từng nói: “Chân, thiện, mỹ là một, không có đầu có cuối. Mọi cái gì đạt đến tuyệt đối đều có những thứ ấy”.
Trong suốt cuộc đời lao động tìm tòi sáng tạo của ông, ông đã để lại một sự nghiệp nghệ thuật hội họa lớn cho dân tộc, người có công đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử hội họa Việt Nam, người đã nhìn ra khả năng kỳ diệu của sơn mài trong cơn mơ sáng tạo của đời mình.
Cho đến đầu thế kỷ 20, nghệ thuật tạo hình Việt Nam thường là vô danh, vẫn chỉ là nghệ thuật dân gian và mỹ nghệ. Cho tới khi Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1924 ở Hà Nội, nghệ thuật bác học mới thực sự ra đời - và Nguyễn Gia Trí là một trong những người đầu tiên nâng tầm sơn ta mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật - đánh dấu mốc cho nền văn hóa nghệ thuật của đất nước một bước ngoặt của sự chuyển mình hoàn toàn mới mẻ, đầy sáng tạo nhưng cũng đầy dấu ấn Nguyễn Gia Trí không thể lẫn lộn của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm của ông để lại là một tài sản vô giá cho đất nước ta.
Sài Gòn, ngày 17.6.2014.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.