Siết vì … hacker
Câu chuyện PayPal kiểm soát các giao dịch chuyển tiền về Việt Nam không phải là mới. Trước năm 2008, các tài khoản Paypal ở nước ngoài đăng nhập từ IP Việt nam có thể bị “đóng băng” tài khoản ngay lập tức. Các giao dịch bất hợp pháp bằng tiền đánh cắp từ các thẻ tín dụng đã khiến "ông lớn" trong làng thanh toán trực tuyến quốc tế này đã không còn tin vào thị trường Việt Nam và nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam.
Cho đến tháng 3.2011, Tập đoàn TMĐT số một thế giới eBay mới quyết định làm ăn lâu dài ở thị trường Việt Nam bằng cách mua tới 20% cổ phần của PeaceSoft – công ty gắn với thương hiệu Chợ điện tử - thì thanh toán trực tuyến quốc tế từ PayPal mới được “cởi trói”.
Tuy nhiên, sau một năm, thanh toán trực tuyến tại Việt Nam thông qua nhà cung cấp dịch vụ này bị siết trở lại. Thông báo này được đại diện phát triển thị trường PayPal tại Việt Nam - NgânLượng.vn phát đi hôm 7.5. Giải thích cho quyết định trên, đó là tình trạng sử dụng thẻ tín dụng ăn cắp thanh toán mua hàng trực tuyến và rút tiền về Việt Nam tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2012. Tạm thời, PayPal áp tự động cảnh báo với các giao dịch thanh toán cho tài khoản Việt Nam mà ngầm hiểu là đưa vào “sổ đen”. Các tài khoản này rất dễ bị chặn hoặc khoá mỗi khi có giao dịch nhận hoặc chuyển tiền giống như thời điểm trước 2008.
Một số chuyên gia cho rằng, nói chung các tài khoản PayPal liên quan đến Việt Nam thì cũng bị kiểm soát mạnh hơn. Cách làm của PayPal có vẻ hơi cực đoan nhưng không có cách nào khác cho tới khi tình hình thanh toán trực tuyến được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.
200 triệu USD để bồi hoàn
Nghi ngại lớn nhất hiện nay đó là các kiểm soát tự động này có làm trễ các giao dịch hay người dùng sẽ gặp rắc rối khi “bỗng nhiên” chuyển tiền về ngân hàng Việt Nam từ PayPal nhưng không rút được tiền ra?
Theo đại diện PayPal tại Việt Nam, PayPal có quỹ dự phòng mỗi năm lên đến gần 200 triệu USD thay mặt cho người bán bồi thường cho chủ tài khoản bị hack nếu người bán chứng minh rằng đã giao hàng đúng cam kết. Vì vậy quyết định trên PayPal bất đắc dĩ phải làm.
Việc kiểm soát giao dịch không làm trễ hoạt động kinh doanh vì quy trình hoàn toàn tự động thực hiện. Song trường hợp tài khoản đã bị liệt vào danh sách đen thì việc xét duyệt để mở lại là rất lâu và phải thực hiện theo quy trình của PayPal.
Theo phản ánh từ bà Hoàng Anh - Công ty TEC kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ và du lịch bán cho khách nước ngoài, 90% thanh toán của công ty qua PayPal. Việc bị giới hạn, kiểm soát tự động gây ra nhiều khó khăn trong kinh doanh. Đó cũng là phản ánh chung của một vài công ty khác có nguồn thu chính từ thanh toán trực tuyến quốc tế.
Trước thắc mắc này, đại diện trên cho biết, các doanh nghiệp muốn gỡ bỏ chế độ tự động cảnh báo đặc biệt và giới hạn khác khi sử dụng PayPal sẽ phải thẩm định qua NgânLượng.vn và ký hợp đồng trực tiếp, đưa tài khoản vào danh sách “trắng”. Ngân Lượng sẽ chủ động hỗ trợ giải quyết sự cố thông qua kênh nội bộ.
Paypal là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet số 1 toàn cầu. PayPal có hơn 81 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên trên tổng số gần 250 triệu tài khoản đăng ký ở 190 quốc gia và 24 đơn vị tiền tệ trên toàn thế giới, PayPal thúc đẩy thương mại điện tử toàn cầu xử lý thanh toán khoảng 110 tỷ USD mỗi năm. |