Nhạc sĩ Ca Lê Thuần với dòng sông quê hương

|

Tôi thật may mắn có 2 kỷ niệm rất đáng nhớ với nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Đó là tháng 3.2013 được bám càng Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM đi thực tế “Về nguồn” để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015) với 30 thành viên, phần lớn còn rất trẻ, đủ các lĩnh vực: Văn học, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu…

Đoàn đi thăm Khu di tích vua Hùng, thăm khu di tích lịch sử ATK, lán Tỉn Keo, đình Tân Trào, lán Nà Lừa (Tuyên Quang), Điện Biên Phủ, Ngã ba Đồng Lộc, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… Hôm ở Điện Biên Phủ, ông bạn là Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên từng đi Trường Sa cùng tôi rủ đi nhậu. Thế là tôi cùng 2 thành viên nữa “trốn” đoàn đến Bản Ten, nơi này có các món đặc sản do chính người Thái nấu: Thịt hun khói, cá nướng, gà nướng, thịt băm gói lá nướng, cơm lam… Mấy anh bạn ở tỉnh, đặc biệt các thiếu nữ Thái nhiệt tình mời rượu nên xỉn quá, đến tận 2 giờ sáng mới trở về khách sạn. Mới hơn 5 giờ sáng, lễ tân điện thoại lên phòng nói xuống ăn sáng, rồi còn lên đường. 

Tôi với anh bạn nhiếp ảnh xuống cũng phải 6 giờ, ăn quáng quàng, rồi thu dọn đồ đạc khi ra ô tô thì cả đoàn đã ở trên xe đông đủ, nhạc sĩ Ca Lê Thuần ngồi tại sảnh chờ! Biết lỗi làm muộn của cả đoàn hơn 30 phút, tôi lủi rất nhanh vào ô tô, cũng còn mệt nên liu riu ngủ. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần (Tư Thuần) hỏi: “Tối qua, chắc Hân bị mấy cô gái Thái lấy mất hồn chứ gì?”. Tôi lý nhí trả lời: “Cũng chút chút anh Tư”, rồi làm luôn một giấc. Trên đồi A1, anh Tư Thuần đi bên cạnh bảo: “Mình có nhiều học trò, biết thầy hay rượu, nên biếu đủ loại, khi nào rảnh Hân qua nhà uống nhé!”. Đúng là dân Nam Bộ, vùng đất sinh ra những con người tài năng, rất chân tình, đôn hậu. 

Trung tuần tháng 9 vừa rồi, sau buổi họp báo kỷ niệm 20 năm ngày công diễn lần đầu của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), NS Trần Vương Thạch - Giám đốc HBSO rủ: “Chương trình sẽ có vở nhạc kịch “Người giữ cồn” của ông Tư Thuần. Sau khi ra mắt khán giả TP.HCM, sẽ được lưu diễn tại Bến Tre và Cần Thơ, ông đi cùng với Nhà hát nhé”. Tôi cứ phân vân, lại nhớ dịp đi với anh Tư lần trước, mình thì sinh hoạt giờ giấc lêu têu, đâm ra thấy ngại. Rồi Trần Vương Thạch, vốn là học trò ông Tư Thuần, cũng suýt thành con rể, “chốt” lại: “Thôi đi đi, đoàn tập tành, chạy chương trình, ông tự do thoải mái đi thăm thú, có phải giờ giấc gì đâu”. Và chuyến đi thứ hai này với anh Tư Thuần, lại mang tác phẩm của mình về quê diễn, rồi những tối được uống rượu cùng ông bên dòng sông, thật đáng nhớ.

NS Ca Lê Thuần sinh ngày 1.4.1938 ở xã Tân Thành, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trí thức. Cha ông - GS. Ca Văn Thỉnh, vừa là nhà giáo, vừa là nhà nghiên cứu lịch sử và nhà văn. Mẹ ông cũng là nhà giáo rất có uy tín trong ngành giáo dục. Anh chị em đều rất nổi tiếng trong giới VHNT, nhất là Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) nhà thơ - liệt sĩ đã để lại nhiều bài thơ rất có giá trị. Nhiều tác phẩm của ông Tư Thuần cũng lấy cảm hứng hay phổ nhạc những bài thơ của người em đã hy sinh vì Tổ quốc, khi tuổi còn rất trẻ. Đối với ông, quê hương là những câu hò ngọt ngào của vùng sông nước, những bài dân ca Nam Bộ đã đi vào tâm hồn khi còn ấu thơ, điều đó ảnh hưởng đến ngôn ngữ âm nhạc của ông sau này.

 Năm 1954, khi mới 16 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Lúc đầu làm diễn viên Đoàn Văn công Quân giới, chơi đàn accordeon, guitare, mandoline và thổi kèn saxophone. Năm 1957, ông theo học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1959, ông học sáng tác và lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô cũ). Thời gian này, ông đã viết một số tác phẩm khí nhạc như: “Quê hương tôi trong máu lửa” cho đàn piano, “Những ngày đã qua” cho violon và piano, bản Fuga cho piano và tứ tấu dây, cùng nền tiểu phẩm phức điệu khác.

 

Nhạc sĩ Ca lê Thuần cùng các văn, nghệ sĩ trong đợt đi thực tế tại Điện Biên Phủ.
Nhạc sĩ Ca lê Thuần cùng các văn, nghệ sĩ trong đợt đi thực tế tại Điện Biên Phủ.

 Trở về nước năm 1964, Ca Lê Thuần làm công tác giảng dạy sáng tác và lý luận tại Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần xây dựng các chương trình, giáo trình các mô kiến thức âm nhạc cơ bản và chính quy, đồng thời tiếp tục sáng tác. Nổi bật là 12 bản préludes dành cho piano dựa trên cảm hứng nảy sinh từ những câu thơ khai thác những âm hưởng trong âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là chất dân ca Nam Bộ. Năm 1972 Ca Lê Thuần trở lại Nhạc viện Odessa học tiếp, hoàn thành một số tác phẩm khí nhạc. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về miền Nam công tác tại Nhạc viện TP.HCM. Là người được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành hòa thanh và phức điệu, ông có công rất lớn trong việc xây dựng chương trình của 2 bộ môn này ở 2 nhạc viện lớn trong nước.

Tác phẩm thanh nhạc: Hợp xướng “Nắng cảng Nhà Rồng” Ca Lê Thuần đã sử dụng các thủ pháp phức điệu kết hợp sự thay đổi màu sắc của hòa âm, rất ấn tượng. Hợp xướng “Bài ca Việt Nam” phần lời, nhạc sĩ đã trích thơ của Lê Anh Xuân, hay “Sắc màu Bình Dương” âm thanh rất đầy đặn, nhiều gam màu tương phản, thể hiện của người sáng tác được đào tạo bài bản, rất điêu luyện trong nghề nghiệp. Nhưng thành công nhất phải kể đến những tác phẩm ông viết cho múa và vũ kịch. 2 vở “Ngọc trai đỏ” và “Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga” của ông có thể nói mang tính đột phá, và cũng có thể là người đầu tiên “kịch hóa nhạc giao hưởng”. Ca Lê Thuần đã đưa nội dung cốt truyện bằng ngôn ngữ âm nhạc rất độc đáo và truyền cảm. Trong sáng tác, chất liệu dân ca Nam Bộ thể hiện khá rõ nét, nhưng ông không bê nguyên một nét dân ca nào, nó chỉ thấp thoáng ở đâu đó, rất trữ tình. Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga” dựa trên truyện thơ của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, trong đó 2 câu thơ làm chủ đề chính của tư tưởng: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình”

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày công diễn lần đầu của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) vở “Người giữ cồn” của ông được diễn tại Nhà hát TP.HCM (9.9), tại Bến Tre (ngày 11.9) và Cần Thơ (tại Nhà hát Tây Đô ngày 13.9). Vở do nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng đạo diễn, Trần Nhật Minh chỉ huy. Ba nghệ sĩ opera Võ Thụy Ngọc Tuyền, Phạm Trang và Đoàn Thanh Minh lần lượt hóa thân vào vai cô gái, chàng trai trẻ và ông già. Họ cùng Dàn hợp xướng, Đoàn Vũ kịch và Dàn nhạc Giao hưởng kể lại câu chuyện về một vùng đất Cửu Long thời chiến tranh gian khó với những người dân yêu quê hương, ruộng đồng như máu thịt. Phần thiết kế sân khấu cũng được chăm chút để diễn tả bối cảnh về dòng sông Hậu khi cuộn trào, sôi sục hào khí, khi êm đềm, dịu êm. Mang ước vọng về cuộc sống thanh bình, dòng sông trong tác phẩm này được khắc họa như là chứng nhân cho lịch sử chung của đất nước cũng như sự thăng trầm của cuộc đời. Câu chuyện tình yêu quê hương, đất nước được hình tượng hóa qua sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, diễn xuất sân khấu, vũ đạo, cảnh trí sân khấu... dẫn dắt người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Nhạc sĩ Võ Đăng Tín - Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM cho biết: “Người giữ cồn” của nhạc sĩ Ca Lê Thuần là vở nhạc kịch đầu tiên về đất và người Đồng bằng sông Cửu Long sau giải phóng. Đây là một trong những tác phẩm đã đoạt giải thưởng VHNT TP. Hồ Chí Minh lần thứ I, tác phẩm được xem là vở nhạc kịch chính quy, chuyên nghiệp, mang tính bác học đầu tiên viết về mảnh đất “chín rồng”, về một huyền thoại chiến tranh… được đầu tư rất công phu, với sự tham gia biểu diễn của trên 100 nghệ sĩ, diễn viên và lần đầu tiên phục vụ tại tỉnh Bến Tre”. 

Trước đêm diễn ở Cần Thơ, tôi lại có dịp được ngồi với ông Tư Thuần một quán nhỏ bên sông Hậu, khá thơ mộng. Hôm đó cũng nhiều bạn bè, học trò của ông đến chúc mừng, chia vui. Học trò của ông phần lớn đều thành đạt, nhiều người sau này là nhạc sĩ hoặc nghệ sĩ nổi tiếng. Ông chỉ cho tôi Cồn Ấu, được xem là đẹp nhất trong chuỗi các cồn nằm ven sông Hậu. Ông còn bảo: “Tên Cồn Ấu xuất phát từ cách gọi của người dân sinh sống nơi đây. Ngày trước, lúc dọn nhà qua cồn sinh sống, họ thấy rất nhiều cây ấu nên đặt tên là Cồn Ấu”. Ở giữa cồn hiện là một phần của chiếc cầu Cần Thơ (một trong hai mố cầu nằm trên Cồn Ấu) - chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, được đưa vào sử dụng tháng 4.2010. Hôm đấy nhìn ánh mắt nhạc sĩ Ca Lê Thuần thật rạng rỡ. Ông nhìn về mãi xa kia, nơi mọc lên những chiếc trụ của chiếc cầu nối hai bờ con sông quê hương mênh mang phù sa. Bạn bè, học trò đến nâng ly chúc ông, mừng vui khi “Người giữ cồn” lại đến với công chúng miền sông nước. Bỗng ở đâu đó lại vọng về câu hát của ông già giũ cồn: “Em có nghe không? Sông Hậu ngày đêm vỗ sóng đôi bờ như câu hát cùng đôi ta...”. 

Đúng vậy, ông già giữ cồn vẫn còn còn đó, coi mộ cho đồng đội và vợ chưa cưới của mình. Nhạc sĩ Ca lê Thuần thật hạnh phúc khi trở về dòng sông quê hương, mắt vẫn dõi theo những chuyến tàu ngược xuôi trên dòng sông, đang cười nói vui vậy, lại có lúc thấy ông trầm lắng lại, chắc lại nhớ tới người giữ cồn, với mối tình bất tử.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV (1989 -1995). Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 7, khóa 8 và khóa 9, nguyên Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, nguyên Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM. Hiện nay là Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.HCM. Được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư năm 1984.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã được giải thưởng: Giải B của Hội Văn nghệ Giải phóng (1976), Giải A của Vụ Âm nhạc và Múa (1980), Giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1998), Huy chương Vàng, Bạc trong Liên hoan Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất (2001).

 

 


Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV (1989 -1995). Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 7, khóa 8 và khóa 9, nguyên Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, nguyên Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM. Hiện nay là Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.HCM. Được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư năm 1984.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã được giải thưởng: Giải B của Hội Văn nghệ Giải phóng (1976), Giải A của Vụ Âm nhạc và Múa (1980), Giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1998), Huy chương Vàng, Bạc trong Liên hoan Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất (2001).

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.