Nhà sưu tầm trẻ với hơn 10 nghìn đầu sách văn hóa, lịch sử dân tộc

Phan Xâm - phanxam942@gmail.com |

Có niềm đam mê đặc biệt đối với sách từ nhỏ, sưu tầm sách từ năm học lớp 8, hiện tại anh Trịnh Hùng Cường (35 tuổi, ở đường Ngô Gia Tự, TP.Bắc Ninh) sở hữu một kho sách quý với hơn 10 nghìn đầu sách.

Nghe chuyện về một kĩ sư ngành điện có đam mê sưu tầm sách cũ, sách cổ, ai cũng ngạc nhiên. Bởi người ta thường nghĩ, chỉ những người thuộc giới nghiên cứu, những nhà báo, nhà văn mới có tình yêu đặc biệt với sách báo. Điều khiến họ ngạc nhiên hơn khi biết tuổi đời anh còn rất trẻ.

Niềm đam mê bất tận với sách

Anh Trịnh Hùng Cường sinh năm 1981, là con trong một gia đình kinh doanh thiết bị điện nước. Hiện, anh là nhân viên Cty môi trường đô thị Bắc Ninh. Ngoài ra, anh còn làm thêm cả dịch vụ kĩ thuật chiếu sáng - ngành anh đã tốt nghiệp từ ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ðược biết, niềm đam mê sưu tập sách báo của anh Cường bắt nguồn từ sự ham đọc. Lúc nhỏ, anh hay đến phòng sách của ông ngoại và ngồi đọc hàng giờ trong đó. Học lớp 6, lớp 7 đã biết tiết kiệm, để dành tiền mua sách. Ðến khi là sinh viên, anh Cường thường xuyên lui tới những cửa hàng sách cũ trên đường Láng (Hà Nội). Học chuyên ngành điện của Ðại học Bách khoa Hà Nội nhưng Cường thích đọc sách lịch sử và tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Niềm đam mê đối với sách từng khiến anh Cường có những quyết định táo bạo so với tuổi. Đó là năm 2000-2001, khi đang học năm thứ 2, anh Cường dám bán cả bộ máy vi tính mới để có tiền mua bộ sách lịch sử “Minh mệnh chính yếu” với giá hơn 900.000 đồng. “Dàn máy tính hồi đó quý chứ, nhưng vì thích bộ sách đấy quá nên không nghĩ ngợi gì”, anh Cường cười nói. Nhà sưu tập trẻ cũng tâm sự: “Lúc còn là học sinh, sinh viên, mình chỉ mua sách vì thích đọc và quý sách chứ chưa có ý thức sưu tầm. Càng về sau, biết đó là những cuốn sách giá trị thì mới say mê”.

Vào nhà anh Cường, ngay nửa tầng một là các thiết bị điện nước mà bố mẹ anh đang kinh doanh. Phía trong là bếp và phòng ăn, nhưng ngay đó là một tủ sách lớn, tập hợp những cuốn anh được tặng. Rồi chúng tôi thật sự choáng ngợp khi thấy từ tầng 2 lên tầng 4 của ngôi nhà, đâu đâu cũng là sách. Cầu thang đi lên các tầng đều được anh đóng giá tận dụng không gian để bày sách. “Không làm thế này thì không có chỗ để. Tôi phân loại hết rồi, giá gỗ xịn cho sách quý, giá gỗ tạp dành cho sách bình thường, giá nhôm kính dành cho sách mới in và được tặng”, anh Cường chia sẻ.

Để có được bộ sưu tập đồ sộ như thế, anh Cường đã trải qua nhiều cuộc “săn lùng” đáng nhớ. Ðó là khoảng năm 2011, cả gia đình bất ngờ vì bỗng nhiên thấy anh thuê hẳn một chuyến xe tải chở sách từ Hà Nội về. Ðể sở hữu được số sách đó, anh đã phải ròng rã đi lại Hà Nội suốt gần 2 năm để thuyết phục chủ nhân nhượng lại.

Cách đó vài năm, biết tin ở thành phố Hồ Chí Minh có người muốn bán sách của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, anh dò hỏi kĩ lưỡng thông tin rồi vội vàng thu xếp công việc, gom tiền và Nam tiến. Chuyến đó, anh đã tiêu tốn cả trăm triệu đồng để đổi lấy một balô sách, bản thảo, thủ bút của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. “Đó là chuyến đi khiến gia đình sững sờ, bạn bè giật mình, còn giới sưu tập thì xôn xao”, anh Cường vừa cười trừ vừa nói.

Ðịa bàn săn tìm sách báo cổ của anh Cường trải dài từ Bắc vào Nam. Khi Sài Gòn, lúc Hà Nội, cũng có khi ở ngay “làng nghiền giấy” Phong Khê hoặc những cửa hàng thu mua đồng nát, sách báo cũ ở Bắc Ninh.

Mỗi năm, anh vào Nam một hai lần. Tuy đã có các đầu mối thân cận “chỉ điểm” hoặc ngã giá, nhưng cũng phải có duyên mới mua được những cuốn ưng ý. Vì người sưu tập bây giờ rất đông, sẵn tiền, giá sách bị đẩy lên cao, và khi nhà sưu tầm trả giá không tới, sách ầm ầm chảy ra nước ngoài.

Anh Cường cho biết, tại nhiều thư viện lớn và trường đại học lớn của thế giới, đều có những người lùng mua sách cổ của Việt Nam phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy văn hóa phương Đông. “Ở nước ngoài, với điều kiện và kĩ thuật bảo quản hiện đại, sách cổ sẽ được giữ gìn tốt hơn. Nhưng chúng thuộc về tài sản, văn hóa của đất nước mình. Và lẽ tất nhiên là cần mang chúng trở về, chỉ cần chúng ta trân quý thì điều kiện bảo quản sẽ dần được khắc phục”, anh Cường tâm sự về quyết tâm của mình.

Đam mê, trân trọng sách xưa, anh Cường tìm mọi cách để bảo quản sách thật tốt. Anh dùng vôi bột, máy sấy để hút ẩm, dùng tiêu sọ chống mối mọt, rồi bọc nilon, đóng gáy bìa sách, trang bị tủ gỗ tốt để giữ sách quý, thỉnh thoảng lấy sách ra khỏi giá, kệ để kiểm tra. “Mỗi lần lấy ra để xếp lại thấy bị mối, bị mọt gì đó là xót xa lắm”, anh Cường nói.

Anh Trịnh Hùng Cường sở hữu kho sách quý với hơn 10 nghìn đầu sách.
Anh Trịnh Hùng Cường sở hữu kho sách quý với hơn 10 nghìn đầu sách.
“Kho báu” văn hóa dân tộc giữa lòng thành phố

Nếu không phải là người yêu sách, đam mê sách thì ít ai biết trong một ngôi nhà mà mặt tiền là một cửa hàng điện nước lại có một “kho báu” văn hóa đồ sộ đến thế.

Sau nhiều năm mải mê sưu tầm, hiện tại, kho sách quý của anh Cường có đến hơn 10.000 đầu sách. Trong đó, có nhiều sách, báo, tạp chí và thủ bút của các nhà văn, nhà thơ như: Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Vĩnh… Nhà sưu tập trẻ cho biết: Anh còn đang sở hữu bộ bản gốc nhiều ấn phẩm báo, tạp chí xưa như “Nam Phong tạp chí”, “Phụ nữ Tân văn”, “Gia Ðịnh báo” - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, “Ngày nay” của nhóm Tự lực văn đoàn, “An Nam Tạp chí” của nhà thơ Tản Ðà, tạp chí “Nông cổ mín đàm” - nghĩa là “Uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn” là tờ báo kinh tế bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam có số đầu tiên ra ngày 1.8.1901.

Hiện nay, anh Cường có gần đủ bộ Nam Phong Tạp chí của Phạm Quỳnh. Cuộc đời của Tạp chí Nam Phong kéo dài 210 số thì anh đã tìm lại được 202 số. Những số báo này được anh trân trọng bọc bằng vải chống ẩm có hoa văn, xếp ở vị trí trang trọng trong tủ. Ngoài ra, anh còn có bộ sưu tập tài liệu về Truyện Kiều, trong đó đặc biệt giá trị là 2 cuốn từ điển Truyện Kiều in năm 1884 ở Pháp bằng 3 thứ tiếng Pháp, Quốc ngữ và Hán.

Báo Ngày Nay của Tự lực văn đoàn ít hơn, nhưng ở đây có tác phẩm của anh em nhà Nguyễn Tường mà thời gian gần đây mới được số hóa và đăng tải rộng rãi trên mạng.

Anh Cường còn có bộ sưu tập tài liệu về Truyện Kiều, Quốc dân đảng, cải cách ruộng đất, Giai phẩm (đầy đủ bộ Giai phẩm mùa thu và Giai phẩm mùa đông), báo Nhân Văn và tài liệu xung quanh phong trào này...

Sưu tầm sách là để thỏa mãn đam mê bản thân nhưng hơn cả là mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa cổ xưa của dân tộc, phổ biến những nét đẹp tri thức từ sách tới mọi người. Trên tinh thần đó, anh Cường đã từng mang một phần “gia tài” của mình tham dự các triển lãm sách báo như: Triển lãm “Báo chí quốc ngữ Việt Nam 1865 - 1954” tại Thư viện Hà Nội vào tháng 6.2010; Triển lãm: “Những tờ báo Quốc ngữ Việt Nam nổi bật giai đoạn 1865 - 1965” tại Trung tâm Văn hoá Heritage Space - Dolphin Plaza, Hà Nội vào tháng 6.2014; Trưng bày “150 năm báo chí Quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1954” tại Thư viện Hà Nội vào tháng 4.2015. Ngoài ra, nhà sưu tập trẻ của Bắc Ninh còn tham dự 4 cuộc triển lãm sách cũ tại Hà Nội. Anh dự định sẽ mời một số người bạn ở Pháp và Bỉ phối hợp tổ chức triển lãm về dụng cụ đóng sách.

Được hỏi, anh có ý định ngày nào đó sẽ bán đi “kho báu” này không, anh vừa cười vừa lắc đầu: “Đam mê không thể quy đổi bằng tiền. Cả đời này tôi quyết tâm gìn giữ. Còn đến đời con, nếu nó không có niềm yêu thích này thì đành chịu”. Và để niềm đam mê của mình giúp ích cho nhiều người và phổ biến kho báu tri thức đang cất giữ, anh Cường đang ấp ủ dự định mở quán café sách hoặc thư viện tư nhân.

Phan Xâm - phanxam942@gmail.com
TIN LIÊN QUAN

Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Vương Trần |

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sớm nghiên cứu nguồn kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động mất việc làm

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ nêu yêu cầu này nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.

Nam ca sĩ sưu tầm 120 lá cờ khi du lịch vòng quanh thế giới

Chí Long |

Nhân dịp đầu năm mới 2023, ca sĩ Đoan Trường chia sẻ về hành trình du lịch vòng quanh thế giới và sưu tầm 120 lá cờ từ các nước mà anh từng đi qua.

Tài chính thông minh: Kế hoạch chi tiêu để Tết không liêu xiêu

Nhóm PV |

Nếu thiếu kinh nghiệm, bạn rất dễ bội chi và cháy túi vì tiêu xài quá nhiều trong dịp Tết. Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) này, bà Nguyễn Thùy Chi - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ bật mí bí quyết để có thể cùng gia đình tiết kiệm mà vẫn đón Tết ấm áp và trọn vẹn.

Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Cục Quản lý thị trường HN lên tiếng

NHÓM PV |

Liên quan đến loạt bài phản ánh “Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn”, trao đổi với Lao Động, Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Trần Việt Hùng - thừa nhận: thực tế việc các đơn vị kinh doanh thực phẩm chỉ nhập một lượng nhỏ hàng hoá có hóa đơn, chứng từ rồi trà trộn thực phẩm bẩn sau đó bán ra thị trường là có tồn tại.

Thêm một giám đốc công ty đăng kiểm ở Bắc Giang bị bắt tạm giam

Vân Trường |

Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Nam.

Thân nhân 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh có khả năng được bồi thường

Thanh Hà |

Tòa án Anh đã tịch thu tài sản của chủ công ty vận tải liên quan đến cái chết của 39 người Việt để bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm: Trước "cơn sóng thần", đau xót nhưng phải tháo gỡ làm lại

Khánh Hoà |

Lần đầu tiên sau khi hàng loạt trạm đăng kiểm cũng như lãnh đạo ngành này bị bắt để điều tra vì sai phạm, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Nguyễn Tô An đã có buổi trao đổi chia sẻ với báo chí về vụ việc mà ông ví là "cơn sóng thần" để lại hậu quả đau đớn, xoá đi bao nhiêu công sức của nhiều thế hệ đồng thời khiến người dân vất vả khi đi đăng kiểm.