Nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường: Đi khắp thế giới khám phá chùa Việt

Nhật Lệ thực hiện |

Nổi tiếng là người chụp nhiều ảnh chùa nhất Việt Nam, 6 năm trở lại đây, Võ Văn Tường sang Mỹ định cư cùng gia đình. Một cơ hội khác lại mở ra, khi ông nhận lời Giám đốc một nhà xuất bản của người Việt ở Mỹ - đặt chân đến các ngôi chùa Việt trên khắp thế giới để làm một cuộc viễn du bằng hình ảnh và thực hiện bộ sách “Chùa Việt Nam hải ngoại”.

“Đúng là chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có một cơ hội tuyệt vời như vậy, và có thể nói, tôi là người quá may mắn”, ông tự hào. Nhân chuyến về Việt Nam giảng dạy, ông đã có dịp chia sẻ về nét đặc trưng của văn hóa Việt ở những ngôi chùa trên khắp thế giới.

Xin ông cho biết, cuốn sách “Chùa Việt Nam hải ngoại” của ông hiện nay đã làm đến đâu? Quá trình thực hiện có khác gì so với thời chụp ảnh chùa ở VN?

- Từ khi sang Mỹ, tôi có ý định chụp những ngôi chùa ở hải ngoại, nên có dịp đến chùa là chụp ảnh và cất tư liệu sẵn. Đến khi làm hợp đồng với NXB, những tư liệu gốc ấy vô cùng quan trọng, chỉ cần bổ sung thêm là đầy đủ hồ sơ.

May mắn là ông Giám đốc NXB Hương Quê lo liệu các phương tiện di chuyển và ăn ở tại các thành phố, tiểu bang tôi đến khảo sát, lấy thông tin và chụp ảnh để thực hiện cuốn sách ảnh này. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 600 ngôi chùa Việt tại 30 nước.

Trong vòng 6 năm, tôi đã đi được 200 chùa. Có những ngôi chùa ở khoảng cách rất xa, không phải như ở Việt Nam, trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu đã có hơn 100 ngôi chùa đâu. Đi xa thì phải thuê xe mới, hư đâu thì thay ở đó, chứ xe nhà không chịu nổi. Có lần trên đường đi gặp tai nạn, đã hút chết, còn may là không bị hư hao đồ nghề nhiều.

Có thể nói, đây là cuốn sách đầu tiên về chùa Việt trên khắp thế giới, từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc... Trong số 200 ngôi chùa đã đến, chúng tôi chọn 72 ngôi chùa đưa vào tập 1 cuốn sách. Mỗi chùa có khoảng 10 trang, bao gồm bài viết giới thiệu chùa và hình ảnh về cảnh quan, kiến trúc, tượng thờ, sinh hoạt, lễ tết… (có ảnh do tôi chụp, có ảnh do chùa gửi làm tư liệu).

Lần đầu tiên làm sách lâu như thế, vì khi viết bài xong, tôi phải gửi bài cho vị trụ trì xem lại, sửa chữa cho “an toàn”. Tập 1 đang được in ấn dày 730 trang với khoảng 2.800 tấm ảnh, in 4 thứ tiếng Việt, Anh, Hoa, Nhật.

Trong quá trình đi khám phá các ngôi chùa nổi tiếng, những ngôi chùa nào khiến ông ấn tượng nhất?

- Có hai ngôi chùa: Chùa Sa Mạc và chùa Viên Thông. Chùa Sa Mạc hay còn gọi là Thiền viện Chân Nguyên, do nhà sư Thích Đăng Pháp xây trên sa mạc vùng Adelanto, California, rộng trên 6ha, nên mới có tên như vậy. Kinh phí dự toán để xây chùa lên đến 25 triệu USD!

Tuy chùa mới xây hết 3 triệu USD, nhưng đã hoành tráng lắm rồi. Khi mua đất sa mạc để xây chùa, lúc đầu không ai nghĩ có ngày hôm nay. Đầu tiên họ xây tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá cẩm thạch, cao 7,5m, nặng 80 tấn. Trong ngày khánh thành 25.11.2007, đài truyền hình của Mỹ và Việt Nam đều đến quay phim. Điểm đặc biệt ở chùa này là toàn bộ hệ thống tượng đều được nhà sư trụ trì đặt đúc và tạc từ Việt Nam mang sang.

Chùa thứ hai, chùa Viên Thông ở Houston (bang Texas), một ngôi chùa uy nghiêm, tráng lệ do 7 sư cô và một số Phật tử đổ công sức mồ hôi tự xây dựng nên, làm hết 7 năm trời mới xong (từ ngày 26.3.2006 đến ngày 31.3.2013). Họ tự lái máy xúc, tự lợp mái, tự xây đi xây lại cho đến khi hoàn thiện, vì tiền thuê nhân công ở Mỹ rất đắt.

Ở Mỹ, xây một ngôi chùa rất khó khăn, không giống như ở Việt Nam. Ngoài việc xin giấy phép, rồi tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt (như có bãi đỗ xe, có chỗ vệ sinh kể cả cho người tàn tật…, rồi sự đồng thuận của hàng xóm), còn có chuyện hễ hết thời hạn xây dựng mà xây chưa xong, thì nhà chức trách chỉ gia hạn một lần.

Sau thời hạn này mà vẫn chưa xây xong là chùa bị san bằng, chứ không có chuyện chùa xây mãi hàng chục năm không xong như ở ta. Hiểu như thế để thêm khâm phục ý chí của những người xây chùa Việt trên đất Mỹ.

Có thể nói gì về điểm khác và giống giữa những ngôi chùa Việt ở trên khắp thế giới và chùa trong nước, theo ông?

- Điểm giống đầu tiên là hệ thống tượng thờ đều làm từ trong nước, ít nơi đặt ở Trung Quốc, Đài Loan. Thứ nữa là các nghi thức tụng niệm, các khóa tu, các buổi thuyết giảng và các sinh hoạt khác ở chùa đều theo mẫu truyền thống ở trong nước. Hầu hết các buổi giảng pháp đều bằng tiếng Việt.

Điểm khác là chùa xây ở nước ngoài nhiều khi phụ thuộc vào quá nhiều điều kiện của chính quyền sở tại, nên có những vị trụ trì buộc mua lại nhà thờ Tin Lành, Thiên Chúa… cũ rồi sửa chữa lại cho hợp công năng, hoặc xin phép đập xây lại.

Về kiến trúc, phụ thuộc vào hệ phái, tư duy và thẩm mỹ của từng thầy trụ trì. Nhìn chung, các chùa đều mang nét kiến trúc Á Đông, được tăng ni, Phật tử phát triển, làm đẹp hơn, thanh nhã hơn để dù ở bất cứ nơi đâu, người Việt vào chùa vẫn nhận ra nét thân quen của không gian văn hóa Việt.

Nhà chùa cũng rất quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho lớp trẻ, kéo các em đến chùa học tập, sinh hoạt, vui chơi qua tổ chức Gia đình Phật tử. Trường Việt ngữ chùa Đức Viên (San Jose) có 26 lớp với 500 học sinh học tập đều đặn vào ngày chủ nhật hàng tuần. Chùa Phổ Từ (Hayward) có đến 3 Gia đình Phật tử: Chánh Tâm, Chánh Đức, Chánh Hòa.

Về sinh hoạt, cái khó của tăng ni ở nước ngoài là thu hút giới trẻ và cộng đồng người bản xứ đến chùa thường xuyên. Muốn vậy, họ phải thông thạo tiếng bản xứ, có kiến thức Phật học và thế học tốt, có tác phong thân thiện, có cách truyền đạt hấp dẫn thì mới thu hút đông thanh, thiếu niên. Những buổi giảng của nhà sư Đạo Quảng ở chùa Tam Bảo, nhà sư Tâm Thiện ở tu viện Cát Trắng… thu hút rất đông người Mỹ tham dự.

Tôi từng chứng kiến cảnh 80 Phật tử người Mỹ ngồi thiền vào tối thứ sáu, rồi nghe sư Đạo Quảng giảng pháp ở tiểu bang Louisiana. Để chụp được cảnh này, tôi phải quay vòng xe 12 tiếng trở lại chùa cho đúng dịp. 

Dù cách làm có thể khác nhau, nhưng nhìn chung, các thầy đều muốn hướng tới tương lai cho cộng đồng người Mỹ, cho con em thanh thiếu niên người Việt không quên nguồn cội và văn hóa Việt.
Là người từng đi đến trên mấy ngàn ngôi chùa Việt Nam, chụp được trên 1 triệu file ảnh chọn lọc, có khi một ngày chụp mấy ngàn tấm ảnh, vậy thú đam mê chụp ảnh chùa chiền đến với ông từ khi nào?

- Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Sinh ra trong gia đình truyền thống Phật giáo ở Huế, lớn lên đi học ở trường Hàm Long, Viện Đại học Vạn Hạnh, rồi làm việc ở Viện Nghiên cứu Phật học, giảng dạy ở Học viện Phật giáo Việt Nam… có cả những thúc đẩy trong công việc khiến tôi theo nghề này.

Vào năm 1989, tôi có cuộc triển lãm đầu tiên tại Thiền viện Vạn Hạnh, lúc đó chưa đủ số lượng ảnh nên buộc tôi phải chụp thêm. 1.000 tấm ảnh màu chụp các ngôi chùa của tôi được công bố và từ đó mở ra con đường viết sách về các ngôi chùa Việt Nam. Khi viết sách, tôi phải đi chụp lại, bổ sung tư liệu và hình ảnh liên tục.

Vào năm 1990, Sở VHTT TP.HCM tổ chức triển lãm ảnh chùa tháp của tôi tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đó là động lực thôi thúc tôi đưa nhiều ảnh chùa chiền đến với công chúng hơn nữa. Sau đó, NXB Khoa học Xã hội đề nghị in sách, từ đó “Việt Nam danh lam cổ tự” ra đời, dày hơn 600 trang giới thiệu 171 ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng từ Bắc vào Nam, bán hết trong vòng 20 ngày và đã 4 lần tái bản. Cho đến nay, tôi đã xuất bản 18 cuốn sách về ngôi chùa Việt Nam và các Phật tích Ấn Độ, Nepal. 

Ông từng nói, cảnh quan, kiến trúc chùa Việt rất đẹp, độc đáo, không có chùa nào giống chùa nào. Nhưng trong tình thế hiện nay, không ít cuộc trùng tu hoặc tiến hành làm công đức đã khiến nhiều ngôi chùa cổ bị biến dạng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Cũng khó nói. Ngày xưa, chùa cổ rất chú ý đến yếu tố mỹ thuật, chạm khắc, định vị trong từng chi tiết. Một thời gian dài, yếu tố mỹ thuật bị bỏ quên. Gần đây, yếu tố mỹ thuật mới được các thầy chú ý. Nhìn chung, mảng chùa Bắc vẫn lưu lại khá tốt nét kiến trúc, cách bài trí truyền thống cổ xưa.

Chùa Trung bị ảnh hưởng kiến trúc kiểu cung đình. Còn miền Nam, kiến trúc chùa vô cùng phong phú, tùy theo vị trụ trì theo hệ phái nào mà kiến trúc chùa ảnh hưởng theo đó. Hiện nay, ở TP.HCM có không ít ngôi chùa vẫn giữ lại kiến trúc chạm trổ tinh xảo, như chùa Giác Lâm (Tân Bình), chùa Giác Viên (quận 11); ở các tỉnh thì có chùa Hội Khánh (Bình Dương), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) …

Khi chùa trùng tu hoặc xây dựng mới, cũng tùy vào quan niệm của mỗi chùa. Nhiều chùa cho rằng phải xây dựng cho hợp với xu thế của thời đại. Chùa xưa điện Phật thấp, tối, Phật tử không đủ chỗ lễ bái và ngồi nghe pháp, nên cần xây chùa cao thoáng, rộng rãi bằng vật liệu bền vững…
Về những pho tượng Phật, Bồ Tát lộ thiên được nhiều chùa ngày nay quan tâm cho đúc, cho tạc thật lớn, thật nhiều. Tôi thấy điều này tốt, vì nơi đó sẽ có rất nhiều người đến chiêm bái, từ đó họ khởi tâm thiện làm nhiều điều thiện có lợi cho gia đình và cộng đồng.
Ông nghĩ gì về việc có ý kiến cho rằng hiện niềm tin bị đem ra mua bán, hay mặc cả với chư Phật?

- Tôi thấy bây giờ nhiều Xá Lợi Phật quá! Thượng tọa Thích Nhật Từ đã từng nói đó là Xá Lợi “niềm tin”.

Nhiều người được chiêm bái Xá Lợi “niềm tin” để tinh tấn tu học, tăng trưởng bồ đề tâm, siêng làm việc từ thiện… thì việc thờ Xá Lợi ở chùa hay tại nhà Phật tử đều quý. 

Phật tử ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi để nghe pháp. Chúng ta nên tu học trong chánh pháp. Muốn thế, chúng tôi nghĩ quý Phật tử thường xuyên đến chùa hoặc mở các trang web Phật giáo để nghe các bậc tôn túc giảng pháp. Khi người Phật tử hiểu và tin vào chánh pháp thì những hiện tượng xin xăm, nhét tiền vào tay Phật… sẽ không còn.

Với ông, đâu là ý nghĩa của đời sống?

- Tôi hiện có điều kiện đi nhiều nơi trên thế giới để chụp ảnh các ngôi chùa Việt. Đó là chuyện ngoài sức tưởng tượng mà ngày trước, tôi không nghĩ mình sẽ có phước duyên lớn như vậy. Phải nói chỉ suy nghĩ về chi phí di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, từ nước này sang nước khác là đã thấy “choáng” rồi.

Nhưng nay, NXB Hương Quê và nhiều vị trụ trì chùa đã vui lòng hỗ trợ chi phí này cho tôi để tác phẩm “Chùa Việt Nam hải ngoại” có nội dung súc tích và nhiều hình ảnh đẹp. Trong nước, công ty in Nhất Thống đã in bộ lịch block Phật giáo 2014 giới thiệu 365 cảnh chùa Việt Nam và tiếp tục in bộ lịch block Phật giáo 2015. Đó là niềm hạnh phúc lớn của đời tôi, mong muốn những nét đẹp về văn hóa, tâm linh của những ngôi chùa Việt đến được nhiều hơn nữa với công chúng trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

* Cần phải nói thêm rằng, ở trong nước, cuốn “Chùa Việt Nam” của tác giả Hà Văn Tấn, Nguyện Văn Kự, Phạm Ngọc Long đã in tới 5 lần (1993, 2008, 2009, 2010, 2013) bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giới thiệu 122 ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Việt Nam.

Nhật Lệ thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Ngọc Vân |

Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.