“Đẹp, đáo để, trần tục, hư ảo…”
Có mặt tại buổi giao lưu với tác giả nhân dịp ra mắt cuốn sách (nằm trong khuôn khổ Hội chợ sách quốc tế đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm VN ở Hà Nội), nhà văn Ngô Thảo đã gọi việc NXB Trẻ “lôi” được Ngọc Tư từ Cà Mau ra Hà Nội quả là một việc “phi thường”. Vì hồi “Cánh đồng bất tận” được dựng thành phim, êkíp làm phim nhiều lần rủ rê Tư đi nước ngoài nước trong chị đều từ chối hết. Và Tư ở lại Cà Mau cho tận tới giờ là có lý của chị.
Bởi sau “Cánh đồng bất tận”, là “Sông”! Cuốn tiểu thuyết được đánh giá là một cú lột xác dũng cảm thêm lần nữa, hay nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Một bước tiến của Nguyễn Ngọc Tư, trước hết là về thể loại!”. “Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo” - đó là những “mỹ từ” đã được những người chăm sóc bản thảo tặng cho cuốn sách. “Đẹp thì đúng rồi và đáng kể là cái đẹp của văn Ngọc Tư không bao giờ lên gân lên cốt, mà rất gần gũi, giản dị như chính đời thường. Đáo để thì kể ra cũng là đáo để thật, vì Tư cũng chịu khó “thời sự” lắm, mới lắm, có cả “phượt”, cả “đồng tính”..., và rất nhiều mảng hiện thực mới khác của đời sống dưới nhiều hình thức thể hiện. Và huyền ảo thì là đương nhiên rồi, vì bên cạnh dòng sông tả thực, còn có dòng sông tâm tưởng mà phải nói là cô ấy đã “bịa” rất giỏi...”.
![]() |
Và vì đi theo “chủ nghĩa bịa” - từ của Ngọc Tư (tới mức chị còn bịa ra một cái chợ gọi là “chợ bán... khói”) - nên “Sông” ở đây không đơn giản là kể về đời sống sông nước theo kiểu tả thực. Dưới hình thức một cuốn tiểu thuyết pha du ký, “sông” ở đây thực ra chỉ là bối cảnh và một cơn cớ cho những chuyến đi mà thôi...” - Tác giả của “Sông” chia sẻ.
Không nhiều chất tiểu thuyết bằng “Cánh đồng bất tận”
Có lúc Nguyễn Ngọc Tư đã phải buông bút giữa chừng một thời gian dài và phải sửa lại nhiều lần trước khi quyết định công bố tác phẩm. “Khó khăn lớn nhất là từ bỏ thói quen. Trước quen “đánh nhanh thắng nhanh”, giờ tự dưng chuyển qua viết dài, phải nói là hơi khó! Nhưng vẫn phải cố viết cho kỳ được chỉ vì một lời thách đố của người bạn: Làm người viết văn xuôi mà không trải qua cảm giác viết tiểu thuyết thật là... uổng đời!” - Ngọc Tư chia sẻ.
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng đã thành hình và ít nhất, cho thấy một thái độ làm nghề nghiêm túc và dũng cảm của Ngọc Tư: Dám thay đổi và từ bỏ “vầng hào quang” mà “Cánh đồng bất tận” đã mang lại (và cũng đè nặng) lên chị. Đến với “Sông”, cái tôi bỏ lại chính là “cánh đồng”. Duy một điều không thể thay đổi là hơi văn buồn, dù giọng văn ở đây đã cố sắc lạnh hơn với nhịp văn nhiều chỗ dứt khoát hơn. “Có lẽ vì tôi theo “chủ nghĩa bi quan”, phần nào đó có thể còn do tính cách và biết đâu, đó cũng là điều làm nên bản sắc của tôi trong văn chương? Mà viết văn thì không thể giống như bốc thuốc Bắc, mỗi thứ một nhúm được...” - Ngọc Tư trần tình.
Ừ thôi thì cứ “bi quan”, khi cái buồn ở đây là cái buồn của một người yêu cuộc sống đến thao thiết tới mức luôn khao khát “gọi con người”! Chỉ e là “Sông” chưa giúp được Nguyễn Ngọc Tư vượt qua được “Cánh đồng bất tận”, khi mà nói như đánh giá của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là: “Nếu xét về chất tiểu thuyết thì rõ ràng “Cánh đồng bất tận” đậm đặc chất tiểu thuyết hơn”, dù tác phẩm này thuộc thể loại truyện dài.
Trước lo ngại Ngọc Tư dường như đã “khôn” ra và bớt hồn nhiên trong văn chương khi đưa một đề tài “câu khách” như đồng tính vào tác phẩm mới của mình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Tôi cho đó là một sự gia giảm cần thiết và hợp lý, với liều lượng vừa phải và hoàn toàn ăn nhập với câu chuyện đi tìm bản ngã ở đây. Đủ để không gây cảm giác tác giả đang muốn dùng điều đó để câu khách rẻ tiền - điều đương nhiên không thể có ở Nguyễn Ngọc Tư! Còn nếu như để giúp cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn thì tại sao không?”.