Người gia công may mặc ở Úc: Thiệt thòi vẫn “cam chịu”

|

Hầu hết trong số những người làm công này có vốn tiếng Anh hạn chế và ít hiểu biết về quyền lợi của mình cũng như điều kiện làm việc theo Luật Lao động ở Úc.

Bữa cơm gặp mặt của một gia đình Việt tại Úc.     Ảnh: TL
Bữa cơm gặp mặt của một gia đình Việt tại Úc. Ảnh: TL

Những người gia công hàng may mặc tại nhà


Đã qua mấy mùa xuân, hạ, thu, đông, cứ năm giờ sáng hàng ngày là chị Hương Nguyễn (tên nhân vật đã được thay đổi) lại thức dậy, bỏ hộp thức ăn chuẩn bị sẵn vào giỏ xách và đi ra nhà ga Sunshine, phía tây thành phố Melbourne, bang Victoria, để đi làm.

Chị Hương xuống ga North Melbourne, phía bắc thành phố, và đi bộ thêm một đoạn nữa thì đến một hãng may có chủ là người đồng hương gốc Việt, kinh doanh trong ngành may mặc đã mười mấy năm qua.

Hãng may này có trên 20 công nhân (chủ yếu là phụ nữ) đều là người Việt, từ những người định cư ở Úc lâu năm đến các du học sinh mới sang và cả những phụ huynh đến Úc theo diện chăm sóc con du học dưới 18 tuổi cũng tận dụng thời gian đi làm thêm như chị Hương.

Hầu hết các công nhân hãng may của người Việt không có hợp đồng lao động, được trả lương khoán “cào bằng” 6 - 7 đôla/giờ (trong khi mức lương tối thiểu Chính phủ Úc quy định là trên 15 đôla/giờ).

Để có thêm thu nhập, nhiều người trong số họ nhận mang vải về nhà để gia công các công đoạn như cắt vải, may, kết nút và ủi rồi giao lại thành phẩm cho chủ. Khi làm ở nhà, họ được trả tiền công khoán theo sản phẩm, ví dụ ủi một chiếc áo được 2 đôla.

Bước vào phòng khách ở căn nhà thuê của chị Hương, chúng tôi thấy vải vóc đủ loại được chất đống ở mọi nơi: dưới sàn nhà, trên bộ salon và trên các bàn máy may, đóng khuy, vắt sổ.

“Tôi tự bỏ tiền mua máy may, máy vắt sổ về để làm thêm buổi tối. Hầu như ngày nào tôi cũng làm đến 12 giờ khuya mới đi ngủ”, chị Hương nói.

Với mỗi thành phẩm (ví dụ vắt sổ một cái áo) làm tại nhà chị Hương chỉ được trả vài chục xu. Bởi vậy, chị phải làm thật nhanh để được càng nhiều càng tốt.

Khi Bay Vút hỏi vì sao chị Hương cũng như các chị em khác lại chấp nhận làm việc với giá nhân công thấp như vậy, chị nói rằng chị tranh thủ làm kiếm thêm chút tiền “bây giờ rất khó xin việc, thà làm với lương rẻ còn hơn là không. Tôi lại chẳng biết tiếng Anh, làm sao mà có thể xin những công việc khác được”.

Võ - một du học sinh sang Úc năm 2010, cũng làm việc ở xưởng may này và tranh thủ gia công thêm tại nhà tâm sự rằng: “Biết là chủ bóc lột sức lao động nhưng phải làm để trang trải tiền ăn, ở”.

Tuy thu nhập tương đối thấp nhưng người lao động được trả tiền mặt và không phải đóng thuế. Những lúc “trà dư tửu hậu” với nhau, những người làm công thường truyền miệng một so sánh rằng ở lĩnh vực kinh doanh may mặc, “cứ 20 xu một công nhân nhận được đồng nghĩa với ông chủ sẽ có lợi nhuận 2 đôla”.

Vì vậy, biết bao lớp công nhân “đến rồi đi”, xin làm rồi nghỉ làm, nhận hàng về nhà rồi trả hàng nhưng xưởng may của các doanh nghiệp may mặc vẫn hoạt động đều đặn năm này qua năm khác, giúp người chủ trở thành triệu phú.

Thực trạng phổ biến

Kỳ thực, việc công nhân được tuyển dụng làm việc không có hợp đồng lao động chính thức và nhận đồng lương rẻ trong ngành may mặc ở Úc khá phổ biến ở nhiều tiểu bang.

Hồi năm 2003, Hiệp hội May mặc và Sản xuất giày dép Úc cho hay toàn tiểu bang Victoria có khoảng 100.000 người gia công hàng may mặc tại nhà.

Cũng như các hãng may ở bang Victoria, các công nhân may mặc tại nhà ở Queensland (ước tính có khoảng 30.000 người) thường được thuê mướn theo kiểu “người quen giới thiệu” và các chủ hãng không cần phải đăng báo quảng cáo hay tuyển người.

Ông Jack Morel thuộc Hiệp hội May mặc và Sản xuất giày dép tiết lộ với phóng viên Đài Úc rằng ở vùng đông bắc tiểu bang Queensland có cả một “nền công nghiệp ngầm”, nơi bạn có thể tự làm hoặc thuê mướn các công nhân làm việc trong các gara để xe của gia đình bạn.

Phóng viên Đài Úc Peter McCutcheon đã phỏng vấn trực tiếp một chủ xưởng may tại nhà. Người phụ nữ này cùng với chồng đã đầu tư hàng chục ngàn đôla để biến nhà ở thành nơi gia công hàng may mặc với các trang thiết bị và vật liệu cần thiết. Cô cho biết mình làm việc 12 giờ/ngày.

Một người nhập cư gốc Việt giấu danh tính khác, cũng đang làm việc tại nhà cho biết ông được trả 10 đôla/giờ làm công.

Ông David Goodwin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Queensland thừa nhận nhiều người đã chấp nhận làm việc tại nhà với giá 10 đôla/giờ, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu theo quy định của chính phủ, bởi họ có thể vừa làm việc vừa trông con mà không phải trả tiền giữ trẻ, không phải đi đến hãng, xưởng, có thể làm việc vào bất cứ thời gian nào phù hợp với mình.

“Bất hợp pháp”

Tuy vậy, có một thực tế rõ ràng là dây chuyền sản xuất “ngầm” trong ngành may mặc khá phức tạp.

Theo tìm hiểu của Bay Vút, tại Melbourne, chủ hãng may sau khi nhận được hợp đồng sản xuất các lô hàng lớn từ các công ty thời trang sẽ chia việc cho mạng lưới chân rết gồm vô số các “hãng, xưởng tại gia” khác thực hiện. Vì vậy, những nhân công như chị Hương không được nhận thêm phụ cấp, ví dụ tiền làm việc ngoài giờ.

Khi Đài Úc liên lạc trực tiếp với một công ty nhận hợp đồng gia công cho thương hiệu trang phục thể thao Cougar, ông Kim Brant - Giám đốc điều hành khẳng định rằng công ty ông có trả tiền phụ cấp cho các nhân công.

Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp xúc với Hung Tan Ly, một người nhận gia công quần tại nhà từ các công ty lớn, thì được biết anh chỉ việc gia công rồi ngồi đợi chủ doanh nghiệp quay lại lấy hàng và thanh toán tiền công. Khi được hỏi về những khoản phụ cấp khác, Hung Tan Ly nói các công nhân không hay biết gì về những quyền lợi khác mà đáng ra họ phải được hưởng.

Theo ông Jack Morel, việc các hãng may hoặc công ty lớn nhận hợp đồng và giao việc gia công lại cho các công nhân nghèo với mức lương rẻ nhằm thu lợi nhuận khổng lồ là việc làm “bất hợp pháp” ở Queensland.

Bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Trước thực trạng trên, chính quyền bang Queensland cho hay họ đang cố gắng minh bạch hóa “nền công nghiệp ngầm” trong ngành sản xuất dệt may bằng việc đưa các quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2011 yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo công khai việc chi trả các khoản thu nhập cho tất cả các công nhân sản xuất lẫn nhân viên bán lẻ hàng may mặc, kể cả những người làm việc tại nhà.

Quy định tương tự đã được các bang khác như New South Wales và Nam Úc áp dụng.

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp đã không tán thành những quy định trên và cho đó là điều “quan liêu, tốn kém không cần thiết”.

Ông David Goodwin cảnh báo rằng luật mới có thể làm thay đổi sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc (giá thành sản phẩm có thể bị “đội” lên) và gây ảnh hưởng tới các công nhân.

Dù vậy, chính quyền bang Queensland vẫn cương quyết đưa ra ánh sáng “nền công nghiệp ngầm” trong lĩnh vực may mặc nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người lao động được đánh giá là “dễ bị thiệt thòi nhất” ở bang này.

Theo ABC News, vào năm 2007, bà Julia Gillard khi còn ở vị trí thuộc đảng đối lập và chưa lên nắm quyền Thủ tướng như bây giờ từng đã phát động chiến dịch góp phần cải thiện điều kiện lao động và trả lương tốt hơn cho các công nhân may mặc tại nhà ở Úc. Bấy giờ bà Gillard ước tính có khoảng 300.000 công nhân may mặc tại nhà trên toàn nước Úc làm việc với giá thuê chỉ 4 đôla/giờ. Bà cũng kêu gọi người tiêu dùng chỉ nên mua quần áo của các nhà sản xuất và thương hiệu nào không bóc lột sức lao động của công nhân.

ABC/Bay Vút

(Theo Bayvut.com ngày 19.8.2011)

TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.