Người đàn ông hơn 20 năm mời cả nghĩa trang về nhà mình ăn tết

Trường Sơn |

Nhà cửa bán sạch sau cơn bạo bệnh, hơn 20 năm ông cùng vợ con kéo nhau vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa để trông nom phần đất cho người bà con. Dựng tạm căn lều che mưa che nắng, cả gia đình làm bạn với nơi mà nhiều gọi là “vùng đất ma” này.

"Thổ địa" bất đắc dĩ

Đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa, hỏi vợ chồng ông Hẹn làm nghề trông coi mồ mả cho người chết ở đâu thì không ai không biết. Lần theo con đường đất, len lỏi qua những hàng mộ thẳng tắp, chúng tôi tìm được căn chòi của vợ chồng ông được dựng dưới tán cây giông cổ thụ.

Ông tên thật là Trần Văn Hẹn (SN 1959) và vợ là bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1963). Vốn sống ở đây từ lâu nên ông biết chúng tôi không phải đi thăm mộ, mà đi kiếm một ai đó. Thấy ông đoán trúng phóc, chúng tôi đành khai thật về mục đích của mình thì ông vỗ đùi: “Tôi biết ngay mà. Chỉ cần nghe tiếng xe chạy đến đầu con đường vào khu này thì tôi biết là ai, đi tìm ngôi mộ nào ngay. Hơn 20 năm ở đây rồi nên thân nhân của ai, tôi biết mặt, nhớ tiếng xe hết”.

Hớp ngụm nước trong khuôn viên ngôi mộ - nơi mà ông hằng ngày vẫn treo võng để ngủ - người đàn ông dáng bé nhỏ kể về con đường đưa ông thành “thổ địa” vùng đất chi chít mồ mả và hiu quạnh này.

Năm 1993, ông lâm bạo bệnh. Để lo chữa chạy cho chồng, vợ ông đã phải bán đi căn nhà. Ngày sức khỏe ông hồi phục cũng là ngày người ta đến lấy nhà. Không còn chốn nương thân, ông được một người anh bà con nhờ vào nghĩa trang để trông nom phần đất mà ông mới mua.

Dắt díu vợ con vào vùng đất được dành để chôn cất người quá cố, ông tặc lưỡi: “Thôi kệ! Mồ mả là nhà của người chết, mình không phạm đến họ thì họ cũng chẳng cớ nào quậy phá mình”.

Kể về những ngày mới vào nghĩa trang sinh sống, ông nói khi trước vùng đất này thuộc huyện Bình Chánh, thuộc tỉnh Long An chứ không thuộc TPHCM như bây giờ. Ban đầu, nơi đây chủ yếu là ruộng rau muống, sau dần dần được người ta mua sinh phần để chôn cất thân nhân, lâu ngày hình thành ra khu nghĩa trang lớn nhất-nhì thành phố.

“Lúc trước, ông anh tôi mua đất này chủ yếu là để bán lại sinh phần cho người khác. Thấy gia đình tôi không có chỗ ở, ông bảo cứ vào làm tạm cái chòi trông đất cho ổng rồi trông nom mộ phần cho người ta, xem như là cái nghề kiếm sống. Sức khỏe cũng đã sa sút, không làm được việc nặng trong khi vợ con không có cái ăn, tôi với bà xã đành bấm bụng vào đây chứ có nhà cửa đàng hoàng, ai mà chui vào đây mà sống với người chết kia chứ?” - ông bộc bạch.

Dần dần, những sinh phần cũng được bán hết, khu đất rau muống ngày nào thành nghĩa trang với chi chít là mộ và mộ. Theo lẽ thường, sau khi xây xong mộ cho ai thì ông được gia chủ giao luôn cho việc trông nom, coi sóc phần mộ của người đó. Kể từ đấy, cái nghề chăm sóc mồ mả thành nghề mưu sinh của cả gia đình ông.

Công việc xây mộ của ông rồi cũng kết thúc khi cách đây mấy năm, thành phố có quy hoạch giải tỏa khu nghĩa trang này để nhường đất cho một dự án xây khu đô thị. Từ đó, hằng ngày ông và vợ con lại đổ hết công sức vào việc dọn dẹp, trông nom mồ mả cho… người dưng.

“Thấy ngôi mộ nào nứt, tôi và con mua ximăng về trám. Đến gần tết thì chùi rửa, mua sơn, mua vôi về trang trí lại mộ cho người ta. Tất cả chi phí đều do mình tự bỏ ra, đến khi nào người ta lên viếng mộ cho bao nhiêu thì mình nhờ bấy nhiêu chứ cũng không đòi hỏi” - ông chia sẻ về cái nghề của mình.

Cả năm ông chỉ trông chờ vào dịp tết để kiếm thu nhập nên ông rất bận. Hết quét vôi rồi đến chùi rửa, ông và bà làm liên tục mà vẫn không hết việc. Được hàng trăm gia chủ gửi gắm mộ phần nên dù thu nhập cũng chỉ xứng với công sức và những khoản bỏ ra, nhưng ông xem đó như là niềm vui mà ông có thể mang đến cho mọi người.

Viếng mộ xong, có người cho 300 nghìn, có người nói năm nay làm ăn tệ quá, cho 100 nghìn ông cũng cười và đối xử như nhau, tuyệt nhiên không bên nặng, bên nhẹ.

Ngoài việc chăm sóc cho những ngôi mộ để nhận thù lao, ông còn chăm sóc cho những ngôi mộ vô chủ trong khu vực do mình phụ trách. Với nụ cười hiền, ông kể: “Ngoài số mộ được gửi, tôi còn chăm sóc cho mấy chục ngôi mộ hài nhi vô thừa nhận nữa.

Cách đây khoảng hơn chục năm, tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ rộ lên thì nghĩa trang này lại xuất hiện những ngôi mộ vô thừa nhận được lấp vội lớp đất mỏng sau mỗi đêm. Thấy bọn trẻ hiu quạnh, tôi nói với hai đứa con trai vun nấm lên cho cao, để người ta không đào lên, chôn đè”.

Chỉ tay về khu mộ hài nhi phía xa, ông nói như trách: “Chúng nằm đó cũng lâu rồi, nhưng có thấy ai đến thắp cho nén nhang đâu. Cứ đến ngày rằm hay mồng một, tôi và bà xã lại ra thắp nhang để chúng khỏi phải lạnh lẽo. Dù sao, chúng cũng đã mang hình hài của một con người mà”.

Hơn 20 năm đón giao thừa giữa "rừng" mộ

Đêm giao thừa ở nghĩa trang, ông nói rất đặc biệt. Ông bà nói đêm này là đêm Trừ tịch, các linh hồn sẽ về với gia đình để ăn tết cùng con cháu nên ai cũng sợ vào nghĩa trang vào giờ này. Tuy nhiên, chuyện linh hồn, ma quỷ với ông chỉ là chuyện hoang đường. Kể về khoảng thời gian lần đầu tiên vào sống trong vùng đất này, ông nói có nhiều đêm ông thèm thuốc, đi ra ngoài lộ lớn để mua. Khi đi ngang qua các ngôi mộ mới chôn xong, ông thấy lành lạnh, cứ nghĩ là có người đi sau lưng mình. Tuy nhiên, lâu dần ông mới biết rằng cái lạnh chạy dọc sống lưng đó là do tự ông suy nghĩ đến những hình ảnh hoang đường mà sinh ra chứ chẳng có ma nào hù dọa.

“Khi đi ngang qua mấy chỗ đó, mình cứ nghĩa đến những chuyện huyễn hoặc rồi đầu óc ám ảnh, sinh ra cảm giác sợ mà thôi chứ chẳng có ai đi theo mình cả” - ông lý giải.

Suốt hơn 20 năm sống ở đây, đêm giao thừa nào ông cũng cầm nhang đi cắm hết tất cả các mộ phần. Những mộ phần vô chủ, ông cắm nhang xong rồi mời họ về nhà ông ăn tết cùng. Vì cái thói quen đó mà suốt thời gian đó, ông chưa bao giờ đón giao thừa trong căn nhà của mình. Sáng mồng một tết, khi ai ai cũng đi thăm mộ ông bà thì ông lại đứng trực để đợi khoản tiền thù lao của các thân chủ.

“Ngày đó là ngày tôi thu lại những thành quả lao động của mình trong suốt một năm lao động mà” - ông bộc bạch thật lòng.

Lúc chúng tôi đang nói chuyện cùng ông thì hai người con trai cùng vợ đang hì hục đẩy mấy chiếc xe tự chế với đầy ắp hoa vào căn chòi ọp ẹp. Thấy chúng tôi thắc mắc là trong nghĩa trang thì ai vào mà mua hoa thì ông cười lớn, “bán cho người chết đó”.

Ông giải thích là năm nào vợ ông cũng cho mua mấy trăm chậu hoa vạn thọ, cúc các màu để bán cho người viếng nếu họ có nhu cầu trang trí cho mộ phần người thân. “Bán cho người sống, người sống trả tiền, người chết hưởng nên nói bán cho người chết chắc không phải là nói dóc đúng không?” - tiếng ông cười sảng khoái bên dãy mộ đầy hoa.

Bà Cúc với mấy trăm chậu hoa để bán cho thân nhân của các mộ phần đến viếng dịp tết.
Bà Cúc với mấy trăm chậu hoa để bán cho thân nhân của các mộ phần đến viếng dịp tết.

Tạm biệt ông, chúng tôi chuẩn bị ra về thì bà Cúc chạy đến hỏi chuyện… chính sách: “Nghe nói nghĩa trang chuẩn bị di dời rồi, không biết mấy chú có biết chính sách gì mới không, nói cho vợ chồng tôi nghe với. Suốt mấy chục năm sống ở đây, riết thành quen rồi, giờ nghe nói di dời mồ mả nhà cửa để làm dự án, bọn tôi tuy vui nhưng cũng buồn. Bỏ cái nghề chăm mả này rồi, không biết làm gì mà sống đây. Ổng thì yếu rồi, tôi thì cũng chẳng khỏe mạnh gì. Hai đứa con trai đã có gia đình, chúng còn có cuộc sống riêng của chúng nữa nên giờ tôi thấy lo lắm”.

 

Trường Sơn
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.