Mẹo thoát hiểm: Phòng chống lừa đảo trên mạng

Trung tá, Ths Đào Trung Hiếu |

Tội phạm mạng đã được xếp ngang hàng với nguy cơ khủng bố và chiến tranh hạt nhân về hậu quả mà nó có thể gây ra cho nhân loại. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng có tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu của loại tội phạm này. Nó thực sự trở thành một vấn nạn mới trong kỷ nguyên Internet. Nếu như kẻ lừa đảo truyền thống muốn thành công cần phải tạo ra một gương mặt có vẻ trung thực, thì tội phạm mạng chỉ cần một trang web hoặc email trông có vẻ hợp pháp là đã có thể lừa đảo.

Các hình thức lừa đảo 
qua mạng

Do tính chất “mở” của mạng Internet, nên kẻ lừa đảo chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể gây án ở khắp nơi trên thế giới. Nạn nhân của chúng là bất cứ ai, cơ quan tổ chức nào. Công cụ gây án của bọn tội phạm chính là những tiến bộ khoa học công nghệ (mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số). Chúng khai thác những điểm tâm lý tiêu cực của nạn nhân, như lòng tham, hám của rẻ; sự thiếu hiểu biết; nhẹ dạ, cả tin, nhất là sự mất cảnh giác trong bảo mật thông tin... để đưa ra những thông tin giả, sai sự thật, làm cho chủ tài sản bị mắc lừa hay tin nhầm mà trao tài sản.

Lừa đảo trên mạng không cần tiếp xúc trực tiếp, mà thông qua môi trường mạng hoặc không gian số. Việc chiếm đoạt tài sản có thể thông qua các công cụ tài chính khác nhau, như tài khoản ngân hàng, cổng thanh toán điện tử, ví điện tử, thẻ nạp tiền điện thoại. Tội phạm lừa đảo trên mạng có mục tiêu đa dạng, không chỉ chiếm đoạt tài sản, mà còn đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng để sử dụng vào các mục đích đen tối khác, đe dọa đời tư và sự an toàn của họ.

Hiện nay, thủ đoạn gây án phổ biến là đăng tải, phát tán trên mạng viễn thông, mạng Internet… các quảng cáo, thư rác (spam)… chứa đựng nội dung thông tin dối trá, không có thật; Giả lập trang web chính thức của các cơ quan, tổ chức dẫn dụ người dùng truy cập vào, để lừa đảo mua bán hàng hóa, hoặc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng, dữ liệu máy tính, hoặc để phát tán vi rút, mã độc, phần mềm độc hại…; Hack tài khoản của người khác rồi giả mạo họ để đưa ra các thông tin sai lệch, dối trá, hoặc vay mượn tiền của bạn bè người đó; Đưa ra các thông tin sản phẩm có chất lượng để thu hút khách hàng, sau đó trả hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái; Bán những gian hàng ảo, những thông tin không có giá trị cho khách hàng; Đưa thông tin giả có chứa sẵn các virus, mã độc có tính năng tấn công, chiếm đoạt tài khoản hoặc khai thác thông tin cá nhân, dữ liệu máy tính phục vụ những mục đích đen tối; Sử dụng thẻ tín dụng giả (thẻ làm từ thông tin tài khoản của người khác đã hack được) trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ.

Những lĩnh vực hiện nay thường xảy ra lừa đảo như: Thương mại điện tử (mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ) trực tuyến, qua mạng. Lợi dụng đặc điểm của việc mua bán qua mạng là người mua bao giờ cũng phải trả tiền trước, tội phạm lập ra các trang web, gian hàng ảo để giới thiệu sản phẩm và chào mời khách mua hàng. Sau khi nhận được tiền, chúng không chuyển hàng, hoặc giao hàng không đúng với quảng cáo về chất lượng, số lượng, chủng loại, mẫu mã....

Các hình thức lừa đảo liên quan tới doanh nghiệp và ngân hàng

Lợi dụng việc các doanh nghiệp ngày càng vận dụng mạng xã hội để kết nối với khách hàng nhằm tạo cộng đồng tiêu thụ sản phẩm, tội phạm giả lập ra các trang web, Facebook tương tự, gần giống với các trang web, tài khoản Facebook của cơ quan, tổ chức đó và bắt chước cách thức tương tự của các doanh nghiệp, để đưa ra thông tin lừa phỉnh người dùng, nhằm thu thập những thông tin liên quan đến tài chính hoặc phục vụ các mục đích lừa đảo khác.

Lừa đảo trên các sàn giao dịch ảo như ngoại tệ, vàng, bất động sản, huy động vốn tín dụng, thương mại quốc tế. Khi ký hợp đồng ngoại thương qua mạng, tội phạm thường thực hiện đúng hợp đồng đầu để tạo lòng tin. Khi lượng tiền thanh toán lên đến hàng triệu USD, đối tượng nhanh chóng rút tiền trước khi người mua phát hiện và không giao hàng, hoặc giao hàng không đúng hợp đồng.

Lừa đảo bằng email từ các nước Châu Phi, Châu Âu thông báo trúng thưởng xổ số lớn, đề nghị tham gia rửa tiền, đề nghị nhận hộ tiền thừa kế... Gửi thư thông báo tặng cho một kiện hàng giá trị lớn từ nước ngoài, với điều kiện phải chuyển trước một khoản phí để làm thủ tục. Đây là thủ đoạn lừa đảo quốc tế có tổ chức và thủ đoạn tinh vi đang lây lan rộng khắp trên cả thế giới. Về bản chất, đây là việc "lừa đảo lệ phí trả trước", tội phạm chiếm dụng khoản tiền của nạn nhân với hy vọng sẽ nhận được một khoản tiền khác lớn hơn. Loại tội phạm này còn có nhiều tên gọi khác, ví dụ "Lá thư Nigeria", "Trò lừa 419", "Trò lừa ngân hàng Nigeria", "Tù nhân Tây Ban Nha", "Trò lừa món tiền đen" hoặc "Trò lừa Nga/Ukraina".

Nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung số, tổ chức nhắn tin trúng thưởng, bói toán, lô đề, tư vấn tình dục, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy… với mỗi tin nhắn sẽ bị trừ 15.000 VND. Người nhắn tin chỉ biết mình bị lừa sau khi tài khoản hết tiền.

Lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội như Facebook, Twitter … như thông báo trúng thưởng, thông báo trang nạp tiền; giả mạo trang Facebook của người khác để lừa đảo người mua hàng; Giả danh đối tượng có uy tín xã hội như diễn viên điện ảnh, quan chức để quên góp tiền từ thiện...; Chiếm đoạt tài khoản Facebook, Twitter, email… của người khác, rồi mạo danh họ để lừa bạn bè. Thủ đoạn phổ biến như viết thư, tin nhắn yêu cầu bạn nhanh chóng gửi tiền cho chúng, khẳng định bị gặp nạn ở quốc gia khác, hoặc nói rằng điện thoại của chúng đã bị lấy cắp nên không thể gọi điện cho chúng được. Thư cũng có thể yêu cầu bạn nhấp vào liên kết để xem hình ảnh, bài viết hoặc video, nhưng thực ra lại dẫn bạn tới trang web có thể lấy cắp thông tin của bạn.

Lừa đảo thanh toán qua ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền: Kẻ lừa đảo vẫn thực hiện đúng các bước mua hàng online như bình thường, tuy nhiên ngay sau khi viết giấy chuyển tiền có đóng dấu đỏ xác nhận của chi nhánh ngân hàng đó, chúng lập tức thực hiện lệnh huỷ giao dịch để đảm bảo hoàn tiền, rồi chụp hình giấy chuyển tiền (che đi phần dấu xác nhận huỷ) và gửi cho người bán.

Hình thức chuyển tiền qua Internet Banking để mua hàng hóa, hay ủy nhiệm chi… cũng bị lợi dụng để lừa đảo. Khi thực hiện chuyển tiền qua Internet Banking, chúng đều sử dụng các dịch vụ của ngân hàng khác với ngân hàng của người bán. Chính vì thế khi chuyển tiền khác ngân hàng, người bán sẽ không nhận được tiền ngay, mà số tiền sẽ được khoanh giữ và chuyển đi sau khi hết giờ làm việc. Ngay sau khi có thông báo chuyển khoản, kẻ lừa đảo sẽ chụp lại màn hình và gửi cho người bán, sau đó ra các cây ATM gần nhất rút hết tiền trong tài khoản. Đến thời gian thực hiện giao dịch, ngân hàng kiểm tra số dư tài khoản không đủ và giao dịch sẽ bị huỷ, trong khi người bán thì an tâm rằng tiền đã được khoanh giữ và chuyển tới tài khoản của mình. Nếu chủ cửa hàng online không chú ý và thực hiện gửi hàng, kẻ lừa đảo sẽ hẹn nhận hàng ở địa điểm định sẵn và dùng sim rác để liên lạc. Giao dịch hoàn tất và người bán hàng không hề nhận được thông báo rằng tiền đã về tài khoản.

Ngoài ra, những năm gần đây còn xuất hiện nhiều kiểu lừa đảo bằng việc bên mua xuất trình (gửi hình ảnh) giấy ủy nhiệm chi liên 2 có chữ ký và con dấu của ngân hàng cho bên bán (hàng hóa dịch vụ), để nhận hàng, rồi biến mất mà tiền không chuyển như đã ghi trong ủy nhiệm chi, dẫn đến cháo múc nhưng tiền không trao. Thủ đoạn lừa đảo dựa trên việc rút tiền bằng séc cũng khá phổ biến. Bọn lừa đảo chuyển cho họ những tấm séc rởm, với đề nghị họ đi rút tiền mặt rồi gửi trả lại cho chúng bằng Western Union. Chúng bịa ra những câu chuyện để hợp lý hóa việc này. Sau một thời gian, ngân hàng sẽ phát hiện ra tấm séc là giả và tài khoản đối ứng của nạn nhân sẽ bị trừ đi số tiền đã rút ra bằng séc giả. Như vậy, nạn nhân sẽ bị mất khoản tiền mặt đã chuyển cho bọn lừa đảo.

Lừa đảo qua hợp đồng kinh tế: Bọn lừa đảo thỏa thuận thanh toán sản phẩm do nạn nhân cung cấp bằng một tờ séc ngân hàng. Tuy nhiên khi tờ séc đến tay nạn nhân thì số tiền ghi trong séc lại nhiều hơn giá trị hợp đồng. Khi đó, bọn lừa đảo sẽ đề nghị nạn nhân trả cho chúng phần phụ trội bằng tiền mặt thông qua Western Union. Do thời gian "nổi" của giao dịch bằng séc, bọn chúng sẽ nhận được tiền mặt trước khi tấm séc bị phát hiện là giả. Nạn nhân sẽ bị thu hồi khoản tiền rút ra bằng séc, bị mất số tiền mặt đã chuyển cho bọn lừa đảo và mắc kẹt với số sản phẩm đã sản xuất nhưng không tiêu thụ được.

Mời đi tham quan nước ngoài: Qua giao dịch trên mạng xã hội, email…, nạn nhân được mời ra nước ngoài để thăm quan, gặp gỡ đối tác… sau đó bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Bọn lừa đảo tổ chức đưa người ra nước ngoài không có visa, rồi đe dọa tố cáo họ với chính quyền sở tại, nếu không trả cho chúng những khoản tiền phạt. Thậm chí, một vài nạn nhân đã bị giết lấy nội tạng. (còn tiếp)

Trung tá, Ths Đào Trung Hiếu
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.