Hồng Đăng với “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”

Nguyễn Thụy Kha |

Năm nay, tròn 20 năm diễn ra chương trình ca nhạc đồ sộ “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” (17.4.1994 - 17.4.2014), chợt nhìn lại, mới thấy vào thời điểm ấy, trong tình hình chính trị và xã hội lúc đó, để có 4 đêm nhạc vừa đầy chất sử thi vừa tràn trề trữ tình như thế, quả là không dễ.
Tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm, tờ Quyết định thành lập Ban tổ chức sự kiện này. Quyết định được ký ngày 3.2.1994. Người ký là nhạc sĩ Hồng Đăng - lúc đó là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khóa IV (1989 - 1995). Nhạc sĩ Hồng Đăng là Trưởng Ban tổ chức, phụ trách tôi. Phó ban là nhạc sĩ Dương Thụ, tôi và một số người khác là ủy viên.
Ngày ấy, sau quyết định này, Ban Tổ chức đã bắt tay vào việc, đã tạo ra 4 đêm nhạc hoành tránh và ấn tượng tại Hà Nội (từ 17.4 đến 19.4.1994). Tôi rất nhớ đêm đầu tiên, sau khi đọc xong diễn từ khai mạc, Hồng Đăng cùng tôi ra cửa Nhà hát Lớn, ngồi bệt xuống thềm và cười khoan khoái. Vậy là một việc lớn trong nhiệm kỳ đã được thực thi.

Tôi không nhớ, tôi đã gặp và quen biết Hồng Đăng từ khi nào. Hình như là ở nhà nhạc sĩ Văn Cao mùa đông 1982. Nhưng chỉ biết rằng đến mùa thu 1983, chúng tôi đã thành thân thiết. Một đêm sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ III, có cuộc hội ngộ khá đông trên căn gác 60 Hàng Bông của tôi. Hồng Đăng đến chậm một chút cùng Phương Thanh (Hiền cá sấu trong phim “Tội lỗi cuối cùng”). 

Trịnh Công Sơn đã hát mê mị bài hát “Đời gọi em biết bao lần” anh viết cho phim này. Tôi đệm cho Hồng Đăng hát “Hoa sữa” anh viết cho phim “Hà Nội - mùa chim làm tổ”. Đấy là một đêm uống rượu bật sáng. Thu Bồn thì trầm bổng: “Thôi đừng cong nữa làn mi/ Trời sinh con mắt chớ đi đường vòng”. Văn Cao cũng nồng say đọc to: “Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?”. Năm ấy, Văn Cao được bầu trở lại vị trí Ủy viên Ban Chấp hành Hội.

 

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Sau đêm đó, Hồng Đăng cùng Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn và tôi phiêu du bao nơi trong mùa thu Hà Nội. Phiêu du cho tới chiều kỷ niệm 60 năm ngày sinh Văn Cao (15.11.1923 - 15.11.1983). Dịp đó, Hồng Đăng tặng tôi cuốn sách viết về dàn nhạc giao hưởng và phương pháp phối khí cho các nhạc khí. Rồi mùa hè 1985, vẫn là chúng tôi nhưng lại là những cuộc phiêu du tại Sài Gòn sau 10 năm Giải phóng, cùng anh em văn nghệ Sài Gòn. Tôi còn giữ được một bức ký họa và một bức sơn dầu nhỏ mà họa sĩ Đinh Cường vẽ tôi. Hồng Đăng thì lúc nào cũng cười tủm tỉm bên một bóng hồng rực rỡ.

Vì nhiều lý do, tôi phục viên với quân hàm thiếu tá có số, ngày 1.1.1990. Trắng tay. Tôi về không lương, không một tấc đất cắm dùi. Nhưng bên tôi vẫn có bạn bè thân thiết, trong đó có những người anh làm bạn vong niên như Hồng Đăng. Tôi nhảy vào Quảng Ngãi làm tạp chí “Sông Trà” với Thanh Thảo. Vui cho đến khi ra được số đầu tiên. Cũng lại vì nhiều lý do, tạp chí tạm bị đình chỉ. Tôi quay ra Hà Nội vừa dịp World Cup 1990. Trong không khí nóng bỏng của mùa bóng đá thế giới với giọng khàn như miết vào ngực của nữ ca sĩ Ý - Gianna Nannini - tôi lại viết được bài “Đi trong 60 giờ âm nhạc của Hồng Đăng”. Hồng Đăng cảm động và thích thú. 

Đến mùa thu 1990, Hồng Đăng yêu cầu tôi về làm hợp đồng cho Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ ở 51 Trần Hưng Đạo. Từ đó, tôi thành “lính” của anh. Bộ mới của Tạp Chí Âm Nhạc in ra gây ấn tượng, khiến một nhóm làm báo ở Sài Gòn mà chỉ huy là nhà báo Vũ Hạnh thường được gọi là Vũ Hạnh Hiên (lấy Hiên làm nhà) để phân biệt với Vũ Hạnh “Bút máu” - nhà văn. Hồng Đăng và tôi lại vào Sài Gòn để thực hiện nối kết và đổi tên tạp chí thành tạp chí “Ca nhạc”. 

“Ca nhạc” ra được 12 số, đã có được số lượng in 1 vạn bản. Nhưng do yêu cầu chung của các hội viên, Tạp chí “Âm nhạc” được lấy lại và ra mắt bộ mới với khuôn khổ khác vào mùa xuân 1992. Tuy có Phó Tổng biên tập là nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và Thư ký tòa soạn là nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhưng chủ yếu là Hồng Đăng với cương vị Tổng Biên tập và tôi làm biên tập là chính. Bộ này được nhận nhiều sự tán đồng tuy ra 3 tháng 1 số. Phải nói là tuy bận trăm công ngàn việc, Hồng Đăng vẫn “đá cặp” rất điệu nghệ cùng tôi với tờ tạp chí. Chúng tôi như anh em trong nhà.

Ngày ấy, sau khi quyết định làm chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, chúng tôi rất muốn hát lại những bài hát nổi tiếng của các tác giả nổi tiếng của Sài Gòn trước 30.4.1975 và đã đưa được những “Hoài cảm” của Cung Tiến do Cẩm Vân hát, “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn do Thu Hà hát, “Ngăn cách” của Y Vân do Cẩm Vân hát, “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên do Thu Hà hát, “Mưa trên phố Huế” của Minh Kỳ do Bảo Yến hát, “Mùa thu không trở lại” của Phạm Trọng Cầu do Khắc Triệu hát, “Vương tơ” của Thẩm Oánh, “Hòn Vọng phu” của Lê Thương do Bảo Yến và Ngọc Tâm thể hiện, “Ngọc lan” của Dương Thiệu Tước do Thu Hà hát, “Hè về” của Hùng Lân do tam ca nữ thể hiện... Và cả “Về miền Trung” của Phạm Duy. Hầu hết các tác giả nổi tiếng của Sài Gòn trước 30.04.1975 đều được vang lên. 

Riêng “Về miền Trung” của Phạm Duy, Hồng Đăng và tôi phải gặp Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại nhà riêng của ông và thống nhất quan điểm. Song “Về miền Trung” của Phạm Duy vẫn không được trình diễn, khi Trần Hoàn đến Hội thông báo tin buồn này, Hồng Đăng và tôi chợt se buồn. Mắc mớ chi về nhân thân mà không khởi ra cuộc hóa giải dân tộc mình. Nhưng cũng vì tín hiệu đó, sau chương trình, Phạm Duy đã viết thư về cho tôi.

Lẽ ra, chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” sẽ trình diễn thêm 4 đêm tại Sài Gòn. Nhưng sau 4 đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội, đã có quá nhiều dư luận không đồng thuận, có nhạc sĩ lão thành còn nghi ngờ Ban tổ chức ăn tiền của hãng Coca Cola. Nhân cách ấy ở Hồng Đăng là không thể nghi ngờ. Khi Ban Kiểm tra của Hội thanh tra tài chính của chương trình, họ đã ớ người ra vì chúng tôi không thèm ăn một nửa đồng cắc của Coca Cola.

Không thấy lỗi tài chính, các nhạc sĩ không đồng tình chương trình này lại xoay sang chính trị với chiêu bài đã hát tác phẩm của những nhạc sĩ Sài Gòn trước 30.04.1975. Ban Văn hóa Tư tưởng đã phải tổ chức một cuộc hội thảo về chương trình. Sau nhiều ngày, với 50 băng được ghi âm, chúng tôi đã cực kỳ thanh thản khi Tổng Thư ký Hội nhiệm kỳ IV, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, đã kết luận thật khách quan tầm cỡ của chương trình. Hồng Đăng đã dám “đứng mũi chịu sào” để bảo vệ chương trình ca nhạc tầm vóc này. Phẩm chất của một vị lãnh đạo Hội như Hồng Đăng là một phẩm chất đáng kính trọng giống như nhạc sĩ Huy Du - Tổng Thư ký Hội nhiệm kỳ III - đàng hoàng đứng ra làm Hội thảo để bênh vực chương trình “Đối thoại 87” của Trần Tiến biểu diễn tại Sài Gòn cuối 1987.

Đến bây giờ, lớp nhạc sĩ trẻ khi ấy khoảng 30 tuổi tuổi đầu cực kỳ khâm phục chương trình tầm cỡ thế kỷ này. Họ luôn coi đó là tấm gương xả thân vì nghệ thuật đích thực chứ không toan tính về tài chính như những chương trình sau đó, khi việc nhận tài trợ làm chương trình ca nhạc đã là việc phổ biến. 

Hồng Đăng vẫn tiếp tục với tư cách Phó Tổng thư ký thường trực thêm hai nhiệm kỳ nữa. Mãi tới năm 2005, khi đã ở tuổi 72, Hồng Đăng vì sức khỏe mới rời vị trí lãnh đạo Hội. Với tuổi lãnh đạo qua 3 nhiệm kỳ 15 năm liền Hồng Đăng chỉ đứng sau nhạc sĩ Đỗ Nhuận đứng vững tại hai nhiệm kỳ I và II (kéo dài suốt từ 1963 - 1983).

Không được đi du học nước ngoài như Đỗ Nhuận, nhưng bằng tài năng của mình, Hồng Đăng vẫn có thể viết ra cuốn sách về dàn nhạc giao hưởng và cách phối khí cho từng nhạc khí, vẫn có thể viết ra hợp xướng “Lửa rực cháy” trong thời kỳ chống Mỹ, đủ hiểu chưởng lực Hồng Đăng cũng cực kỳ thâm hậu, chẳng kém bất cứ nhạc sĩ nào du học nước ngoài. Làm lãnh đạo thì yêu quý, tôn trọng sáng tạo của đồng nghiệp thậm chí rất dị biệt như Ngọc Đại, làm người sáng tác thì cũng để lại nhiều ca khúc nổi tiếng như “Tổ Quốc tôi trên mười năm đã lớn”, “Mây trắng Phia Khao”, “Đường ta đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng năm dâng Bác”, “Màu hoa”, “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Lênh đênh”, “Đường về hoàng hôn”... chả lẽ một nhạc sĩ như thế mà bị các đồng nghiệp bất tài đố kỵ sao?
Tôi thật biết ơn Hồng Đăng không chỉ cưu mang tôi những năm khốn khó mà còn biết ơn khi chính Hồng Đăng đã làm nhạc cho phim hoạt họa nổi tiếng của tôi “Có một sớm gà trống không gáy”. Bản lĩnh nhưng khiêm nhường, đó là nhân cách Hồng Đăng trong cuộc xuất xứ không dễ dàng ở làng nhạc Việt Nam. Dù lúc trẻ hay bây giờ đã ở tuổi 80, Hồng Đăng mãi là Phan Đăng Hồng - người cháu tài đức của nhà cách mạng xuất sắc của Đảng, của dân tộc ta - Phan Đăng Lưu.

Nguyễn Thụy Kha
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.