Gian nan lấy chồng Hàn Quốc

Chico Harlan |

Họ gặp nhau lần đầu tiên trong một quán cafe ở khách sạn. Chàng bay 5 tiếng từ Hàn Quốc, nàng đi ô tô 8 tiếng từ một vùng thôn quê Việt Nam. Sự hấp dẫn tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để 18 tiếng sau đó, họ nên vợ nên chồng.

Sau màn trao nhẫn, do một nhà môi giới cung cấp, Danh Thị Cẩm Loan và Lee Kwan-ju trở thành những "đối tác" đột ngột của một canh bạc mai mối, trong đó hai người xa lạ không hề biết ngôn ngữ lẫn văn hóa của nhau, bắt đầu một cuộc sống hôn nhân chung.

Cô dâu... mua qua mạng

Các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia gọi nôm na là mail-order bride (cô dâu đặt mua qua mạng) bùng nổ ở Hàn Quốc trong 15 năm qua, chủ yếu là do quá dư thừa đàn ông có thu nhập thấp, những người khó tìm được bạn đời ở một đất nước luôn bị ám ảnh bởi sự thành đạt. Nhưng một vấn đề khác đã nảy sinh, đó là quá nhiều cuộc hôn nhân mau chóng tan vỡ, nhanh như khi chúng bắt đầu vậy.
Quan ngại về các cuộc hôn nhân mail-order khiến Hàn Quốc trong những năm gần đây chú trọng hơn đến việc đưa ra quy định. Có lẽ, một trong những bước đi táo bạo nhất, chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho một số trường dạy cô dâu ở Việt Nam, trong đó các cô dâu được giới thiệu tiếng Hàn và các phong tục tập quán trước khi xin visa.
Đối với Loan và Lee, cuộc hôn nhân hồi tháng 10 năm ngoái chỉ là bước khởi đầu của một cuộc phiêu lưu điển hình cho những hy vọng của phụ nữ đến Hàn Quốc và thực tế đang chờ đón họ. Trong vòng 6 tháng tới, Loan, 20 tuổi, sẽ được học tiếng Hàn cơ bản, chờ xin visa, lần đầu tiên lên máy bay và cuối cùng là đoàn tụ với Lee ở Wonju, một thành phố cách phía đông Seoul khoảng 90 phút chạy xe.
Lee, 36 tuổi, ông chủ một quán cafe máy tính, đã trả vài nghìn USD cho một người môi giới để có cơ hội đến TP.HCM và cưới vợ. Lee biết anh đang thử vận may. Khi lần đầu tiên gặp vợ, hai người hầu như không thể nói gì với nhau, ít nhất không có gì cảm thấy quan trọng.
Loan không biết Lee chịu sức ép từ người bố về việc "nối dõi tông đường" thế nào, và chuyến đi Việt Nam của Lee gần như hoàn toàn do bố ép buộc. Loan không biết điều đó, cho đến khi cô bước vào quán cafe máy tính, nơi Lee đã gặp 19 phụ nữ khác, người thì quá trẻ, người thì đã ly hôn, không một ai hoàn hảo cả. Cô không biết anh cảm thấy áp lực thế nào khi ngồi đó, hỏi những câu hỏi cơ bản từng phụ nữ một với sự giúp đỡ của một phiên dịch.
Loan định bụng sẽ chỉ kể cho Lee nghe về cuộc đời mình, bởi vốn tiếng Hàn của cô đã kha khá, nhưng vẫn chỉ có thể nói một số điều vừa phải. Cô bỏ học từ năm lớp 7 vì gia đình không đủ tiền cho cô và anh trai ăn học. Bạn trai cũ của cô hơn cô 6 tuổi, nghiện ngập, và cô sợ rằng người yêu tiếp theo sẽ giống anh ta. Cô coi cuộc sống ở Việt Nam là một dấu chấm hết, và hy vọng có cơ hội mới khi đến Hàn Quốc. "Tôi hy vọng nhưng lo lắng" - Loan nói khi đang ở Việt Nam đợi visa.
Sau khi kết hôn, Lee trở về Wonju, Loan ở lại Việt Nam, hy vọng sớm được đoàn tụ với chồng. Lee mua một cuốn từ điển Việt - Hàn. Loan mua một cuốn từ vựng. Cô nhập số di động của Lee vào điện thoại của mình, lưu dưới cái tên "Beloved Happy".
Trường dạy cô dâu
Loan phải mất hàng tháng để chuẩn bị cho chuyến đi Hàn Quốc, nhưng phần lớn quá trình đó chỉ tập trung vào một ngày duy nhất khi cô bước vào căn phòng trên tầng hai ở Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM. Nơi đó là trường dạy cô dâu. 27 phụ nữ khác cùng tham gia canh bạc mai mối. Một số mặc áo trùm đầu và buộc tóc đuôi gà. Một số để cả mũ bảo hiểm lên bàn.
Lớp học kéo dài 8 tiếng không bắt buộc, nhưng chứng chỉ sau khi hoàn thành buổi học sẽ giúp các cô dâu trong quá trình xin visa. Nhân viên lớp học nói, lý tưởng nhất, khóa học nên kéo dài hơn. Nhưng hầu hết các cô gái, giống như Loan, đến từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Họ có đủ tiền mua vé ô tô đến và về từ TP.HCM, nhưng không đủ tiền thuê khách sạn.
"Thẳng thắn mà nói, đây không phải là giáo dục, mà là định hướng" - Kim Ki-young, Giám đốc Quỹ trao đổi văn hóa Châu Á nói. Đây là đơn vị tổ chức lớp học với kinh phí hàng năm 80.000 USD nhận của Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông vẫn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, vốn rất nổi tiếng ở khắp Châu Á, khắc họa một đất nước của những người thừa kế, khiến một số cô gái nước ngoài có xu hướng mong đợi một cuộc sống sang trọng và nhàn nhã khi kết hôn với đàn ông Hàn. "Hầu hết họ đều có ảo tưởng như vậy. Họ nghĩ rằng họ sẽ rất hạnh phúc" - Kim nói.
Chính hôn nhân, chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác, đang thay da đổi thịt Hàn Quốc. Khoảng 20 năm trước, Hàn Quốc gần như là một dân tộc đồng nhất giống như Triều Tiên. Nhưng giờ đây, người nước ngoài chiếm khoảng 3% dân số Hàn Quốc. Hàng chục nghìn phụ nữ, hầu hết từ Trung Quốc và Đông Nam Á, đến Hàn Quốc mỗi năm sau khi kết hôn với đàn ông nước này.
Chính phủ Hàn Quốc dường như đang dần dần xóa bỏ những điều cấm kỵ. Chính phủ tăng ngân sách cho các gia đình đa văn hóa, thành lập hàng trăm trung tâm hỗ trợ khắp đất nước. Từ năm 2011, Hàn Quốc bắt đầu yêu cầu nộp hồ sơ sức khỏe và đạo đức như một phần của thỏa thuận hôn nhân. Đây được xem là cách để đảm bảo rằng phụ nữ không bị các nhà môi giới kết hôn lừa bịp, cưới những ông chồng có nhiều vấn đề muốn che giấu.
Nhưng đó là bước đi mới nhất của Chính phủ, được thực hiện từ tháng 4, có khả năng đánh giá lại và làm chậm lại quá trình hôn nhân mail-order. Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo, các cô dâu chỉ được nhận visa nếu họ biết nói chung một ngôn ngữ với chồng. Quy định này không áp dụng với những người như Loan, do cô đã kết hôn từ vài tháng trước đó.
Tại lớp học hồi tháng 2, chỉ có một bài học lướt qua về ngôn ngữ. Cô giáo Nguyễn Hoàng Phương giải thích bảng chữ cái Hàn Quốc và hướng dẫn học viên cách phát âm các từ. "Ni-eun" - cô đọc mẫu một chữ cái Hàn Quốc, cả lớp lặp lại "Ni-eun". Cả lớp lướt qua cuốn sách giáo khoa tiếng Hàn cơ bản dày 114 trang. Cô giáo giải thích vì sao thanh niên không nên ngồi ở những ghế ưu tiên trên tàu điện ngầm Seoul. Cô kể rằng, những bà mẹ Hàn Quốc mới thường ăn canh rong biển, nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài ra, các bà vợ Hàn Quốc luôn luôn cung phụng gia đình nhà chồng.
Trong những lớp học đó, Hàn Quốc vẫn có vẻ thiếu thực tế. Các cô gái cười khúc khích khi họ phát âm sai. Một đoạn video về cuộc sống hàng ngày ở Hàn Quốc giải thích rằng đất nước này có 4 mùa, gồm mùa hè nóng nực và mùa đông buốt giá. Trên màn hình, nhân viên văn phòng co ro trong những chiếc khăn dày. Một chiếc máy hối hả xúc tuyết ở Seoul.
Các cô gái bắt đầu thở hổn hển. Vào những khoảnh khắc yên tĩnh hơn, một số thừa nhận rằng họ lo lắng khi nghĩ đến chuyện ra đi. Một học viên thú nhận với giáo viên, cô cảm thấy "ghê tởm" khi phải quan hệ tình dục với một người xa lạ. Khánh Ly, 19 tuổi, kể rằng, bố mẹ cô nói cô tìm một người đàn ông Hàn Quốc. "Gia đình tôi nghèo lắm, tôi cố gắng vâng lời. Nhưng tôi không thoải mái với việc tìm chồng Hàn Quốc" - cô nói và kể thêm rằng, chồng cô 42 tuổi.
Dẫu vậy, Loan vẫn cố gắng để tỏ ra lạc quan. Cô ngồi ở bàn đầu tiên, tóc búi cao, miệng cười mỉm. Vào thời điểm đó, cô có một cảm giác tốt đẹp về người chồng. Mỗi đêm, họ trò chuyện qua điện thoại bằng ngôn ngữ thất thường. Khi Lee hết lời để nói, anh hát cho cô nghe. Họ trò chuyện nhiều đến nỗi Lee bắt đầu cảm thấy anh đang yêu. Trong khi đó, Loan bắt đầu tưởng tượng cảnh cô và chồng hôn nhau. Anh có mái tóc trẻ con và khuôn mặt ân cần, anh đã lên kế hoạch trở lại Việt Nam vào năm 2016, khi đó hai người sẽ đến thăm bố mẹ cô. "Cô ấy sẽ là phiên dịch" - anh nói.
Cuộc đoàn tụ "ngượng ngùng"
Vào một buổi sáng tháng Tư, Loan đến Hàn Quốc, Lee tới sân bay từ sớm để đón cô. Từ lâu, anh đã mường tượng ra cảnh hai người gặp gỡ, một cái ôm hôn, một cảm giác phấn khích. Nhưng anh chờ mãi ở ga đến, và cuối cùng mới nhận ra rằng vợ anh đã đi qua mà không nhận ra chồng. Cuối cùng, khi gặp, họ thậm chí còn không ôm nhau. "Thật ngượng ngùng" - Lee nói.
Nhưng Loan lại hòa nhập rất nhanh. Cô lui tới một nhà hàng Việt Nam nằm cách căn hộ của Lee hai dãy phố, tham gia lớp học tiếng Hàn 3 ngày/tuần. Ở đó, cô gặp một nhóm các bà vợ, trong đó có một người đã kết hôn nhiều năm. Họ nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết.
Cô nói, chồng cô rất ngọt ngào, đôi khi quá cưng chiều. Đêm đêm, họ xem phim cùng nhau và cố gắng trò chuyện. Nhưng nhiều lúc, Loan nói chuyện điện thoại bằng tiếng Việt rất lâu với những người mà Lee không biết. "Chúng tôi không thể tiết lộ những điều thầm kín. Tôi phải tra từng từ trên Internet" - Lee nói.
Tuy nhiên, một cuộc hôn nhân hạnh phúc đã có kết quả. Vào một buổi chiều gần đây, Loan có một tin tốt lành. Lúc đó, Lee còn đang làm việc, nhưng cô không thể chờ được đến lúc anh trở về. Do đó, cô nói cho anh biết tin theo cách mà chỉ có cô biết. Cô gửi cho chồng một tin nhắn bằng hình ảnh chụp kết quả thử thai. Ở đó, có 2 vạch màu đỏ.
Vân Anh dịch
(Nguyên bản có tên "Bride school: Where South Korea’s mail-order wives learn their trade"
 đăng trên "The Washington Post" ngày 14.7.2014)
Chico Harlan
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.