Gã “du ca” và “món nợ” nhạc Trịnh

Trần Lưu |

Tôi gọi ông là “người truyền lửa”, ông cười khàn: “Tôi không nhận nổi đâu, bởi chất “lửa” trong âm nhạc của anh Sơn đã đạt đến mức không thể truyền được nữa”. Rồi, ông ôm cây đàn guitar. Mọi thứ bề bộn xung quanh như đang chững lại bởi âm điệu du dương của bản tình ca “Cát bụi”.
Con người ấy, cây đàn ấy đã bao năm qua tự gắn cho mình một “món nợ”: Mang thông điệp nhạc Trịnh đến với đời, với người. Mà nói theo cách của ông là “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, lúc nào đó, bỗng thấy “ướt mi” để tìm về “cái tôi” giữa “một cõi đi về”...

Từ niềm đam mê nhạc Trịnh

Ông tên Trần Văn Quang, sinh năm 1953, hiện trú ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tôi gặp ông một ngày đầu tháng 6 trong căn phòng nhỏ, chỉ có cây đàn guitar và... khói thuốc. Đam mê đàn guitar từ bé, đặc biệt khi nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh, nghe độc tấu guitar, ông đã coi âm nhạc như một người bạn tri kỷ. Niềm đam mê đó luôn được người cha - một trí thức Tây học, am hiểu văn nghệ phương tây, nhất là nhạc và hoạ - ủng hộ. Năm 15 tuổi bé Quang, tiết kiệm từng đồng lẻ từ những bữa ăn sáng, mua được cây đàn guitar đầu tiên. Ngoài thời gian học ở trường, ông suốt ngày ôm đàn tập hát. Không có thầy trực tiếp hướng dẫn, ông nghe băng cát-xét rồi mò mẫm tập theo.

Từ trong chiến tranh đến thời bình, nhiều khi dù trong túi không có cắc bạc nào, cây đàn guitar vẫn không bao giờ rời xa ông, để rồi đến một ngày ông trở thành tay chơi đàn điêu luyện. Với phong thái điềm đạm, nhập tâm vào lời hát, ông mê hoặc người nghe ngay từ lần đầu, ai cũng trầm trồ ngợi khen. Đến năm 2008, ông tiếp cận Internet, mày mò gửi một số clip quay lại tiếng đàn và hình ảnh mình lên trang mạng Youtube. Không ngờ những đoạn nhạc guitar của ông nhận được hàng chục nghìn lượt truy cập, cùng hàng trăm lời bình luận, đa số khen ngợi khả năng đánh đàn điêu luyện của ông; nhiều người ngỏ ý muốn được học đàn và trực tiếp một lần tận tai nghe ông dạo đàn.

Ông am hiểu cả nhạc quốc tế, lại giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, nên được bạn bè không chỉ ở trong nước, mà cả ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu và Mỹ chia sẻ. Có lần, một người bạn bên Mỹ vì mến mộ tiếng đàn, đã gửi sang Việt Nam tặng ông một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, có chức năng quay video chuẩn HD. Từ đó, ông sử dụng chiếc máy này làm phương tiện quay thêm nhiều đoạn phim ông chơi đàn rồi chia sẻ lên mạng.

Hiện nay, tổng cộng ông “tung” lên trang mạng youtube hơn 400 đoạn clip, được hàng triệu lượt người xem và hàng nghìn bình luận. Đáp lại sự thịnh tình mến mộ đó, ông Quang chăm chỉ lên mạng, trả lời và hướng dẫn chi tiết những câu hỏi với lời bình luận của những người quan tâm. Người yêu âm nhạc không chỉ mê tiếng đàn tuyệt diệu của ông, mà còn khen ông ở giọng hát ấm áp, truyền cảm, rất có hồn. Sau khi xem những đoạn clip của ông, nhiều bạn trẻ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... rất thích thú, họ gửi lại cho ông Quang những bản đàn tự chơi, nhờ ông đánh giá, góp ý về kỹ thuật, cách thể hiện. Tất cả đều được ông trao đổi lại bằng tiếng Anh. “Âm nhạc là sự chia sẻ tuyệt vời nhất, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ” - ông nói.

Ông Quang có thể đánh guitar điêu luyện hàng trăm bài nhạc Trịnh.

Nghe nhạc Trịnh để có “một tấm lòng”


Ông thích và yêu nhạc của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thuỵ Miên..., nhưng hơn tất cả, với ông, nhạc Trịnh đã ăn sâu vào máu thịt. Không quá lộng ngôn nếu nói ông là một trong những người thuộc nhiều nhạc Trịnh nhất Việt Nam. Ông nhẩm tính, cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có trên dưới 600 bài, trong đó hơn một nửa được phép phát hành, tất cả những bản nhạc đó, bản thân ông đều thuộc lòng và đánh guitar sành sỏi. Ông cho biết, trong số hơn 400 bản đàn ông chia sẻ trên mạng, thì quá nửa trong số đó là nhạc Trịnh.

Ông gọi Trịnh Công Sơn là bậc thầy sử dụng ca từ và điển hình: “Chỉ cần đặt tựa “Ru mãi ngàn năm” đã quá hay rồi, nhưng anh Sơn lại đặt là “Ru em từng ngón xuân nồng”. Cái tựa có vẻ dài lê thê, nhưng gần như chẳng có ca từ nào hay hơn để thay thế”. Ông tâm sự: “Mỗi bài nhạc Trịnh là một thông điệp buồn, vui khác nhau, có lúc sầu đến não lòng, nhưng tất cả đều thể hiện một triết lý sống, hướng con người đến tình yêu thương, quên đi những đố kỵ và thù hận để gần gũi nhau hơn. Tôi chơi nhạc Trịnh vì muốn chia sẻ những thông điệp đó với tất cả mọi người”.

Bố mẹ ông Quang gốc ở Nam Định, nhưng vào định cư ở Sài Gòn rồi sinh ra ông. Sau đó ông quen một phụ nữ ở TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) rồi cưới làm vợ, từ đó ông xuống quê vợ lập nghiệp. Có một dạo ông bỏ ra Đà Nẵng mở quán Càphê Nhạc Trịnh, nhưng vì một số lý do ông phải trở lại Đồng Tháp. Hiện ông đang sống một mình trong căn phòng trọ ở TP.Cao Lãnh. Gia tài lớn nhất của ông là bốn cây đàn guitar và chiếc máy tính nối mạng Internet. Nhắc đến chuyện nợ duyên, vẻ mặt ông thoáng buồn. Ông cho biết: Mình là người phong trần thích sống lang bạt, tự do, nên cuối cùng “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.

Tâm nguyện lớn nhất của ông là muốn truyền đạt ngón đàn cho thế hệ trẻ. Ông muốn hướng tâm hồn mọi người đến một thứ âm nhạc “sang trọng”, bất hủ với thời gian - tất nhiên đó không thể khác hơn là nhạc Trịnh. Cũng do vậy, ông mở một lớp dạy đàn ngay tại phòng trọ. Học trò của ông hiện có hơn 20 người, đủ thành phần và lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, cho đến công nhân viên chức; tất cả đều cùng sở thích yêu nhạc Trịnh.

Ông dạy đàn nhưng không xem đó như một nghề, mà dạy bằng tất cả đam mê và tâm huyết của mình. Ông coi học trò như con cháu, người bạn, mỗi ngày thầy và trò cùng chia sẻ những buồn vui. Bằng niềm đam mê, họ mang tiếng đàn tô điểm những cơn “mưa hồng” cho cuộc sống. Có người nói với tôi rằng, giá trị trường tồn của nhạc Trịnh càng mãi mãi thêm, bởi có những con người như vậy.

Hiện có một câu lạc bộ guitar ở Cao Lãnh mang tên Calacity (viết tắt của Cao Lãnh city), thành viên đa số là những học trò do ông dạy. Hằng tuần vào tối thứ ba, ông có chương trình biểu diễn nhạc Trịnh tại một quán càphê ở TP.Cao Lãnh, tối thứ sáu là “Đêm tác giả” - chọn ra một nhạc sĩ biểu diễn các tác phẩm cụ thể, thường là những tên tuổi lớn như: Ngô Thuỵ Miên, Phạm Duy... và tất nhiên cũng không thể thiếu nhạc Trịnh.

Hằng năm cứ đến ngày sinh hoặc ngày mất Trịnh Công Sơn, ông được mời lên Sài Gòn tham gia biểu diễn đêm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ tài hoa này ở “Hội quán Hội ngộ” - quán do chính Trịnh Công Sơn lập ra, giờ còn nhiều hiện vật trưng bày. Một số quán càphê ở An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... khi có dịp đều mời ông biểu diễn đàn guitar. “Tôi nhận lời tham gia vì đam mê chứ không màng danh lợi” - ông nói.

Lúc rảnh rỗi, ông bỏ thời gian sưu tầm những hình ảnh, hoặc các loại sách viết về âm nhạc và cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có khi ông hay ôm đàn ngồi hát nhạc Trịnh một mình. Đối với ông, khi tiếng đàn, tiếng thơ được cất lên, tất cả nỗi đau trong đời thường sẽ được tuôn trào theo dòng cảm xúc. “Cuộc sống này biết bao vui buồn lẫn lộn, bất kỳ ai cũng có lúc muốn tìm về cái tôi của chính mình. Nhạc Trịnh như một tấm gương soi, giúp chúng ta làm được điều như thế” - ông chia sẻ.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi kết thúc khi ông dạo bản tình ca “Một cõi đi về” tặng khách. Ông bảo tôi đàn và hát một bản nhạc cho vui. Tôi lấy cớ bận chụp ảnh và ghi chép để khỏi làm kẻ “múa rìu qua mắt thợ”. Thế nhưng trước lời mời chân tình của ông, tôi đành ôm cây đàn và chơi bản “Mưa nửa đêm”. Người chủ nhà tốt bụng còn đãi tôi một bữa cơm đạm bạc trước khi ra về. Tiễn khách ra tận cửa, ông còn nói: “Sống ở đời ai cũng sợ mắc nợ, nhưng với tôi, mắc nợ nhạc Trịnh Công Sơn lại là sự yêu thích”.
Trần Lưu
TIN LIÊN QUAN

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.