Đạo đức học đường: Quá xuống cấp!

Dương Hà |

Số vụ việc học sinh đánh nhau, học trò tấn công thầy giáo... xuất hiện và truyền tai nhau ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, gây chấn động không ít dư luận thời gian qua. Dù không phải là lần đầu diễn ra tình trạng này, nhưng mức độ tái diễn của những hành vi vi phạm đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên (HSSV) nước ta hiện nay đang cho thấy thực trạng đáng báo động.

Càng học cao, đạo đức càng thấp?

Tháng 4.2013, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức Đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Ninh Bình. Tại mỗi tỉnh, thành phố, Đoàn đã làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, khảo sát thực tế tại 22 trường, 43 lớp; đồng thời trực tiếp lấy ý kiến qua phiếu khảo sát đối với 295 giáo viên và 1.494 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 (mỗi địa phương khảo sát 3 trường: 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT).

Một bản kết quả khảo sát ban đầu được đưa ra đang khiến không ít dư luận giật mình: Đang có sự suy giảm trầm trọng về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học. Càng lên cấp học trên, tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt giảm xuống, thay vào đó là tỉ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Nếu ở bậc THCS, tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm trung bình là 5% và yếu là 0,7% thì đến cấp THPT, tỉ lệ này tăng lên trung bình là 5,9% và yếu là 3,9%.

TS. Chu Văn Yêm - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước cho biết, vẫn còn một bộ phận học sinh có biểu hiện trốn học, gian lận trong thi cử, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, nghiện game, Internet, mắc vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, kể cả phạm tội, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, hoài bão, thích hưởng thụ, quan hệ nam - nữ thiếu lành mạnh...

Ngoài thông tin này, Vụ Công tác HSSV, Bộ GDĐT còn cung cấp thêm thông tin, tình trạng không trung thực trong thi cử vẫn còn khá nhiều trong các trường. Có đến 19% HSSV được hỏi cho rằng hiện tượng quay cóp khi làm bài kiểm tra trong lớp còn tương đối nhiều, chỉ có 32% cho là không có.

“Khảo sát thời gian qua của chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ý kiến và cho thấy, đáng lo ngại nhất hiện nay là học sinh ở cấp THCS. Ở lứa tuổi này, các em đã bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình nhưng lại chưa đủ chín chắn để nhận biết hành vi là đúng hay sai, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông, dễ “thần tượng” những hiện tượng bề nổi, ít chiều sâu văn hóa” - TS. Yêm nhấn mạnh.

Những nguyên nhân dẫn đến suy giảm đạo đức ở một bộ phận HSSV, theo TS. Yêm là do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường làm cho môi trường văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi, thậm chí làm cho nhiều thang giá trị đảo lộn, lấy giá trị vật chất làm thước đo, kéo theo sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa đồi trụy, bạo lực. Tuy nhiên, nếu so với những tác động về mặt khách quan thì nguyên nhân chủ quan mới là yếu tố có ảnh hưởng sâu đến suy đồi đạo đức HSSV.

TS. Yêm đặc biệt nhấn mạnh đến sự lỏng lẻo trong phối hợp giáo dục HSSV giữa nhà trường và gia đình, khi mà gia đình vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” cho nhà trường hoặc thiếu kiến thức và kỹ năng trong giáo dục con cái, trong khi một bộ phận giáo viên chỉ lo dạy chữ mà chưa quan tâm đến dạy người.

Bộ GDĐT cũng đồng tình khi cho rằng, ngay ý kiến của HSSV được hỏi cho rằng nguyên nhân khiến đạo đức lối sống của một số HSSV chưa tốt là là do ý thức rèn luyện của họ chưa tốt, có sai lệch trong nhận thức trong quan niệm sống (73,08%), đua đòi, lai căng, thực dụng (85,34%). Có đến 76,63% HSSV được hỏi cho rằng nguyên nhân dẫn tới những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực ĐĐLS ở HSSV và những hạn chế, yếu kém trong công tác này là do bị ảnh hưởng của phim, ảnh, sách báo, đồ chơi, trò chơi... có tính bạo lực, khiêu dâm.

Trong khi đó, một số nội dung môn đạo đức/GDCD vẫn quá nặng lý thuyết, thiếu gắn với thực tiễn, với công tác tuyên truyền những tấm gương đạo đức học sinh. Cùng với đó là giáo dục kỹ năng sống và thực hành đạo đức chưa được quan tâm đầy đủ, công tác tư vấn tâm lý học đường còn hết sức hạn chế. Điều này cũng được Vụ Công tác HSSV nhìn nhận, phương pháp giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV ít đổi mới, kém hấp dẫn để tạo hứng thú cho các em (55,46% HSSV có ý kiến như vậy).

Có một bộ phận GV chưa quan tâm đến giáo dục ĐĐLS cho HSSV, chủ yếu là chú trọng về chuyên môn, môn học (27,20% ý kiến của HSSV). Nguyễn Hoài Anh - học sinh THPT tại Quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết: “Mặc dù ý thức được tầm quan trọng của tiết học Giáo dục công dân nhưng hầu như cứ đến giờ học này, chúng em đều cảm thấy không hứng thú để học. Nội dung bài học quá vĩ mô, rộng, trong khi thiếu hẳn những dẫn chứng thực tiễn để có thể lôi kéo sự quan tâm của chúng em. Vì vậy, em nghĩ nội dung của bộ môn này cần có sự thay đổi cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của chúng em”.

Trao đổi với Lao Động, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GDĐT) cho biết: “Đúng là tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức giáo dục ĐĐLS cho HSSV trong các trường đào tạo chưa có nhiều, chưa được đầu tư xây dựng nên nhiều trường lúng túng trong việc tự nâng cao chuyên môn cho cán bộ, giáo viên. Gương người tốt, cách tổ chức tốt, sáng kiến kinh nghiệm chưa được mở rộng, trao đổi, phát huy. Các hình thức giao lưu, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay trong giáo dục đạo đức lối sống còn ít. Kỹ năng mềm tuy có được một số trường đưa vào chương trình hoạt động, nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu, thiếu nhiều điều kiện triển khai”.

Sách dạy đạo đức: Quá cũ!

Theo Bộ GDĐT, thời lượng môn đạo đức/GDCD hiện nay là 1 tiết/tuần (ở cả 3 cấp học), chiếm khoảng 4% thời lượng toàn chương trình (tỉ lệ thấp nhất trong tất cả các môn học ở bậc tiểu học đến THPT). Trong khi đó, khảo sát của Văn phòng Chủ tịch Nước cho thấy, sách giáo khoa môn đạo đức/GDCD (ở cả 3 cấp) in đen trắng, tranh ảnh minh họa ít (sách lớp 8 không có hình ảnh). Điều đáng nói là suốt từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn. TS. Chu Văn Yêm còn nhấn mạnh, nội dung môn học này còn nặng về lý thuyết, ít gắn liền với rèn luyện kỹ năng sống. Thậm chí, một số bài chưa phù hợp với thực tiễn, mang tính áp đặt, nhồi nhét, một số nội dung không phù hợp với lứa tuổi.

Với số lượng tiết học như hiện tại, nhiều địa phương cho rằng thời lượng học bộ môn này quá ít, không đủ truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa, qua đó đề nghị tăng thời lượng môn đạo đức/GDCD. Một số ý kiến khác lại cho rằng, không nhất thiết phải tăng giờ học, mà quan trọng là phải thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức trong các môn học. Vậy, cần thay đổi bộ môn học này như thế nào cho phù hợp.

TS. Chu Văn Yêm cho hay, thực tế khảo sát của Văn phòng Chủ tịch Nước đã cho thấy, đa số ý kiến cho rằng, việc lồng ghép là cần thiết nhưng trên thực tế, để lồng ghép giáo dục đạo đức vào bài giảng các môn khác càng lên lớp cao càng khó khăn do khối lượng kiến thức từng môn học gia tăng và tính chuyên sâu cao hơn: “Ngoài ra, cần gia tăng những tiết học ngoại khóa thay vì chỉ ngồi một chỗ và nghe truyền thụ lý thuyết đơn thuần. Để làm được điều này, Bộ GDĐT phải có hẳn chương trình đổi mới phù hợp trên cơ sở lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, giáo viên, thậm chí là các nhà tâm lý học để có sự thay đổi nội dung giảng dạy môn GDCD phù hợp”.

Tuy vậy, một thực tế đáng để suy ngẫm là SGK hay bộ môn GDCD chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong quá trình định hướng hành vi đạo đức học đường cho HSSV trong đời sống thường nhật, trong đó có sự vào cuộc quyết liệt của cả gia đình, nhà trường, các nhà quản lý giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý: “Môn GDCD vẫn còn nhiều bất cập!”

Bộ môn đạo đức/GDCD hiện còn tồn tại nhiều vấn đề, có một số bài không phù hợp với lứa tuổi, đối tượng học. Trong thời gian tới, chương trình học sẽ được lồng ghép bài học vào thực tế, tránh những bài giảng sáo rỗng. Cùng với đó là tăng cường hoạt động ngoại khóa. Đội ngũ giáo viên cũng sẽ được tăng cường kỹ năng chuyên môn để áp dụng kiến thức thực tế vào trong bài giảng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, trường học giống như một xã hội thu nhỏ, nhưng nếu trong trường học sinh tiếp cận tốt đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu không có sợi dây liên hệ với bên ngoài thì khi bước vào đời, các em sẽ không được trang bị đầy đủ kỹ năng, hành vi ứng xử, nhìn thấy người nghèo không biết thương xót, thấy tai nạn giao thông chỉ biết đứng nhìn không chút động long. Cũng cần xem lại thái độ của các em học sinh, nếu các em sai phạm, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu các nhà trường nêu tên trước cờ vào sáng thứ 2 đầu tuần để răn đe. Và tùy từng sai phạm với các mức độ khác nhau, chúng tôi sẽ có những xử lý thích hợp để vừa răn đe, vừa thuyết phục được các em có sự thay đổi hành vi đạo đức lối sống.

TS. Nguyễn Đắc Hưng - Vụ GDĐT, dạy nghề - Ban Tuyên giáo T.Ư: “Thiếu hiệu quả!”

Thực trạng này mang tính hệ quả khi mà thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Giáo dục nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người”, chương trình SGK quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách cho HSSV. Một số nhà trường buông lỏng quản lý, không kiểm soát được tình trạng bỏ học, bỏ tiết đi chơi của HSSV, chưa quan tâm đến việc giải quyết những mâu thuẫn xảy ra trong HSSV. Nhiều giáo viên cho rằng, giáo dục đạo đức học sinh là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, giáo dục các môn chính trị, mà quên rằng đó cũng là trách nhiệm chung của tất cả các giáo viên đứng lớp. Đây là những cách làm phiến diện mà giáo dục trong nhà trường cần có sự điều chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Cần hơn các giải pháp kỷ luật tích cực!”

Khi mà phần lớn quỹ thời gian của HSSV là ở trường học thì hơn ai hết, thầy cô giáo phải là những tấm gương trong giáo dục đạo đức lối sống. Theo tôi để việc giáo dục đạo đức cho học sinh có hiệu quả, trước hết cần phải đề ra những quy tắc rõ ràng và nhất quán. Các quy tắc này được xây dựng với sự tham gia của học sinh và đảm bảo học sinh hiểu được vì sao cần có những quy tắc ấy, tránh việc áp đặt chỉ từ phía giáo viên. Khi xây dựng các quy tắc cần đảm bảo các yêu cầu như phải thể hiện niềm tin của giáo viên vào sự tiến bộ của học sinh, cần tập trung vào một số quy tắc cơ bản, quan trọng và cân đối hài hòa giữa lợi ích của cá nhân học sinh và lợi ích tập thể. Cùng với đó là phương pháp linh hoạt trong ứng xử ở trường học, áp dụng cụ thể vào các giờ học và không chỉ là giờ học GDCD, đơn giản như khuyến khích, động viên tích cực là một biện pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao, đồng thời đưa ra những hình thức phạt phù hợp và nhất quán, tuyệt đối không bạo lực, tránh gây căng thẳng cho các em.

D.Hà ghi

 

 

Dương Hà
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước

Thanh Hà |

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Huấn luyện viên Park Hang-seo và hành trình ngoạn mục với tuyển Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG |

Kể từ khi ông Park Hang-seo đến, tuyển Việt Nam không hài lòng ở việc chỉ đánh bại những đội bóng nhỏ trong khu vực mà đã tìm cách để thách thức những đội mạnh nhất châu lục như Nhật Bản, Saudi Arabia.