Chất nguy hiểm mang bộ mặt "hiền lành"

Hà Linh Quân |

Nhiều người đi biển có khái niệm rất đơn giản về hàng nguy hiểm. Họ không hiểu rằng hàng nguy hiểm có rất nhiều, tính sơ cũng đến vạn thứ. Không chỉ là các chất nổ, chất phóng xạ, chất dễ cháy… mà còn cả những chất nguy hiểm khác mang bộ mặt khá “hiền lành”.

Phân đạm hủy diệt thành phố!

Có lẽ chẳng bao giờ John - anh chàng phóng viên tỉnh lẻ ở Texas City - lại dám mơ ước có ngày tất cả các báo lớn nhất nước Mỹ đăng bài của anh. Thế mà điều đó xảy ra bắt đầu từ cú điện thoại: “John! Đến ngay! Một con tàu cháy trong cảng!”. Tới nơi, John hơi thất vọng. Anh ta chờ gặp một chiếc tàu khách du lịch siêu sang với các cô gái đẹp như tiên nữ xõa tóc kêu cứu sau cánh cửa sổ bốc cháy. Nhưng thay cho những cảnh tượng mùi mẫn ăn khách đó là con tàu hàng 10.000 tấn bẩn thỉu, ngập trong khói trắng và một đám đông vô công rồi nghề bâu kín xung quanh.

Đã vậy, John lại vớ phải thuyền trưởng - một gã người Anh rất “phớt Ăng lê” trước câu hỏi của nhà báo: “Ồ, tàu chúng tôi chở phân bón, một thứ hàng không nguy hiểm!”. Biết chẳng moi móc được gì ở cái gã máu lạnh ấy, nhà báo “chớp” ảnh liên tục rồi xông ngay vào đám đông. Ở đó, anh ta được biết: Khi vừa mở nắp hầm tàu, người ta thấy khói bốc lên. Họ vội dùng bình cứu hỏa chữa cháy, nhưng khói càng mạnh. Có người kéo vòi phun nước, song thuyến phó cấm vì “làm hỏng hàng!”. Ông ta sai đóng chặt các cửa hầm rồi xịt hơi vào. Lập tức, hầm hàng bốc lửa…

Nhà báo săn chuyện giật gân thất vọng, ra xe phóng về tòa soạn. Lúc đó, anh ta không thể ngờ rằng, vài phút sau thôi, một tiếng nổ lớn kinh khủng xé tan con tàu. Nước ở cầu tàu phút chốc như bay hơi hết, trơ cả đáy vịnh. Và rồi, một con sóng lớn ào tới cuốn phăng 600 ôtô xuống biển. Chiếc tàu dầu 500 tấn bay lên rồi “hạ cánh” ở một nơi xa 70m. Hai cái máy bay thể thao bị sóng nổ quật từ trên trời xuống mặt đất. Phần lớn người trong cảng đều bị chết…

Thế nhưng vụ nổ mới chỉ là khúc dạo đầu cho thảm họa ở Texas City. Những mảnh kim loại nóng đỏ, các kiện bông như những quả cầu lửa bay từ cảng vào thành phố làm bốc cháy dây chuyền các bồn xăng, nhà cửa. Cầu cống đổ sập. Một nhà máy hóa chất nổ, thổi hơi độc vào thành phố. Đài phát thanh bị tê liệt… Sau nửa tuần cháy thì 2/3 thành phố biến thành một đống đổ nát, 1.500 người chết, 1.800 người mất tích, 3.500 người bị thương nặng. Thiệt hại vật chất ước tính nhiều tỉ USD vì thứ hàng “không nguy hiểm!”. Người được lợi duy nhất trong vụ này là nhà báo John: 17 tấm ảnh độc nhất vô nhị chụp con tàu cháy của anh được các báo Mỹ trả 100.000USD.

Ít lâu sau đó, Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ nhận được báo cáo: Các nhà máy sản xuất phân hóa học đã đóng amoni nitrat trong những bao bằng giấy mỏng, vi phạm các tiêu chuẩn sơ đẳng về phòng cháy: Bao bì của loại hàng này phải bằng kim loại hoặc 5 lớp giấy. Chằng ai, từ người trên tàu đến chính quyền cảng biết được amoni nitrat là một chất có khả năng nổ kinh khủng. Nguyên nhân cháy là thợ làm hàng đã vứt bừa mẩu thuốc hút dở vào đống bao đựng phân bón. Còn nguyên nhân nổ là vì đại phó (thuyền phó thứ nhất) tàu dốt: Dập cháy amoni nitrat bằng khí, trong khi dập cháy loại này chỉ có nước, thật nhiều nước! Thuyền trưởng người Anh đã nhầm tai hại: Phân đạm là một thứ hàng rất có thể gây nguy hiểm!

Nguy hiểm vì là “điếc không sợ súng”

Thảm họa ở Texas City đã khiến thế giới hàng hải quan tâm sâu sắc tới việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO - International Maritime Organization) mà Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 126 đã thông qua “Luật chở hàng nguy hiểm bằng đường biển” (IMDG Code). Đây là một bộ “Bách khoa toàn thư” dày 10.000 trang về hàng nguy hiểm, trở thành sách gối đầu giường của các chủ tàu khôn ngoan.

Hàng nguy hiểm là hàng gì? Đó là loại hàng có thể gây nổ, gây cháy, ăn mòn, phá hủy, nhiễm xạ, truyền bệnh… những hậu quả nguy hiểm cho con người, phương tiện và môi trường sống. Luật chở hàng nguy hiểm bằng đường biển tập hợp những yêu cầu chung và riêng về vận chuyển hàng nguy hiểm mà mỗi chủ tàu tối thiểu phải nắm bắt được các nguyên tắc sơ đẳng nhất. Nó đòi hỏi người đi biển không chỉ có những kiến thức hàng hải, mà còn phải hiểu biết về hóa học. Giở “Luật” người ta gặp phải những khái niệm rất xa lạ với làng tàu thuyền cổ điển. Thay cho các cụm từ như “tính ổn định”, “tính chống chìm” là những thông tin thuộc về thương phẩm. dịch tễ, y học… với một văn phong khô khan, lạnh lùng. Có lẽ chính vì “nhiêu khê” như vậy nên có thuyền trưởng Việt Nam ngại động vào nó. Khi Cục Đăng kiểm Việt Nam mời đại diện của chủ tàu đến tham khảo những tài liệu về hàng nguy hiểm sau vụ cháy tàu Ba Đình thì họ lần khân. Chính kiểu mơ hồ tương tự đã dẫn đến cái chết cháy của tàu Sông Chanh, Sông Cấm…

Việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển ở Việt Nam không được giới chủ tàu địa phương chú ý đúng mức, căn bản là vì “ điếc không sợ súng”. Trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, còn trong phòng riêng của các sĩ quan trên tàu có nhiều vỏ bia và ít sách vở. Nếu có, hầu hết là thứ văn chương rẻ tiền, đại loại “Vụ án sau ngày cưới”… Bên bàn ăn họ thừa nhận rất thoải mái: “Thì giờ đâu mà đọc sách khoa học!”. Trong khi hàng hải thương mại hiện đại đòi hỏi sĩ quan hàng hải trên tàu phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, phù hợp với tầm quan trọng của nó. Chẳng phải vô cớ mà các nhà bảo hiểm Lloyd sừng sỏ kêu gọi: “Học đi! Học đi! Nếu các ngài không muốn cùng con tàu của mình lấy đáy biển làm bến đỗ cuối cùng!”. Bởi thế, có những đại phó (Người chịu trách nhiệm về hàng trên tàu) có khái niệm rất đơn giản về hàng nguy hiểm. Họ không hiểu rằng hàng nguy hiểm có rất nhiều, tính sơ cũng đến vạn thứ. Không chỉ là những chất nổ, chất phóng xạ, chất dễ cháy… mà còn cả những chất nguy hiểm khác mang bộ mặt không nguy hiểm

Ví dụ như than! Ít ai nghĩ rằng thứ hàng “không nguy hiểm” này có thể bùng nổ với những điều kiện bảo quản nó trong hầm hàng nhất định. Cỏ tự cháy, bông tự cháy, mùn cưa tự cháy (những mặt hàng “không nguy hiểm”) là các hiện thực bí ẩn hồi thế kỷ trước, song rất dễ hiểu với những ai có trình độ khoa học phổ thông ngày nay. Vậy mà nhiều khi người ta phải trả bằng giá rất đắt, để thấm vào xương thịt các điều dễ hiểu đó. Tất nhiên, nếu họ còn may mắn sống sót qua tai họa. Chúng tôi muốn nói điều này, ví dụ, với các thuyền viên của tàu SC, những người đã lấy mùn cưa để làm vệ sinh hầm hàng bị bẩn vì dầu lạc xuất sang Singapore. “Làm vệ sinh” ở đây phải hiểu là họ đã lấy mùn cưa thấm dầu lạc đổ ra ngoài. Và chỉ có vậy! Thế là hầm hàng bốc cháy, vì trong hầm hàng có chất tự cháy: Mùn cưa tẩm dầu.

Lẽ ra nguyên nhân mỗi vụ cháy tàu sau khi xác minh (quá chậm) phải được công bố, phổ biến rộng rãi, thì không hiểu sao người ta lại lặng thinh hoặc không đi đến tận cùng kỳ lý, để đến nỗi 3 con tàu: Sông Cấm, Sông Chanh, Ba Đình đều bị cháy cùng vì một nguyên nhân: Xếp hàng nguy hiểm sai cách! Trong khi làm hàng, các đại phó chỉ quan tâm đến tính vật lý của hàng, đảm bảo không làm xấu độ ổn định con tàu. Còn tính chất Hóa? Họ rất chủ quan, mơ hồ nên xếp nước ôxy già bên cạnh sợi bông.

Hậu quả phổ biến nhất của việc vi phạm những nguyên tắc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển là Nổ và Cháy, dẫn đến mất mát không thể đánh giá được bằng tiền, đó là sinh mạng con người. Xưa nay mọi đám cháy tàu, dù to dù nhỏ, đều nguy hiểm cả. Chữa cháy là cả một việc khó khăn, nghệ thuật. Có loại hàng cháy sợ nước, lại có loại kỵ hóa chất. Phải biết để trị đúng cách. Nhầm “râu ông nọ cắm cằm bà kia” là chết! Sự kiện Texas City là một minh chứng.

Cùng với sự phát triển của công nghiệp khai thác dầu khí là sự ra đời của ngành công nghiệp hóa dầu. Các sản phẩm của dầu khí là những mặt hàng đặc biệt nguy hiểm sẽ được vận chuyển Bắc - Nam, xuất dương, nhập nội ngày một nhiều bằng đường biển. Kinh tế mở cửa gia tăng số lượng, chủng loại tàu và hàng ra vào các cảng biển Việt Nam. Nếu không có sự vận động tự thân, khả năng xảy ra sự cố vì hàng nguy hiểm sẽ tăng lên theo lý thuyết thống kê xác suất. Mối đe dọa này phải được thấy trước và tìm cách ngăn
chặn trước.

Đã chấm dứt cái thời làm mọi việc chỉ cần lòng quyết tâm và kinh nghiệm. Phải có hiểu biết!

Hà Linh Quân
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.