Đáng chú ý, Thượng Hải là nơi được coi là căn cứ quyền lực của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân. Do vậy, rất có thể sẽ có những “hổ lớn” tiếp tục bị bắn hạ trong đợt thanh tra này.
Động thái này được nối tiếp sau việc Tập Cận Bình “hạ gục” nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Trước đó, báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” số ra ngày 31.7 cho rằng, cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Chu Vĩnh Khang đã phát đi thông điệp đến những quan chức đang nắm giữ quyền lực. Đó là ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đủ khả năng “hạ gục” bất kỳ quan chức nào nếu như họ muốn.
Đạt thỏa thuận bảo đảm an toàn cho các chuyên gia tiếp cận hiện trường rơi máy bay MH17
Các đại diện tham gia cuộc gặp của nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine, gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), với đại diện Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk đã nhất trí bảo đảm an toàn cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận hiện trường vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines.
Thông báo này được OSCE đưa ra sau cuộc gặp diễn ra ở Minsk, Belarus ngày 31.7. Theo hãng tin ITAR-TASS, các bên cho rằng cần bảo đảm an toàn để các chuyên gia tiếp cận khu vực trên chừng nào cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới thảm họa rơi máy bay MH17 ngày 17.7, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, còn chưa kết thúc.
Các bên cũng nhất trí cần nhanh chóng thả các con tin bị bắt trong các cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời khẳng định đây là một bước tiến quan trọng để tiến tới thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Ngoài ra, các bên cũng đạt thỏa thuận kiểm soát chặt và giám sát biên giới giữa Nga và Ukraine, cũng như việc thành lập một cơ chế giám sát dưới sự bảo trợ của OSCE nhằm kiểm tra các hoạt động kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn trên có hiệu lực.
Microsoft bị buộc phải cung cấp thông tin khách hàng cho Chính phủ Mỹ
Trong diễn biến mới nhất về cuộc chiến của các hãng công nghệ Mỹ chống các hoạt động do thám của Chính phủ Mỹ, một thẩm phán Mỹ ngày 31.7 đã bác đơn của hãng công nghệ Microsoft (ảnh) phản đối lệnh của các công tố viên Mỹ yêu cầu cung cấp dữ liệu thư điện tử của người dùng lưu trữ trong các máy chủ đặt ở Ireland.
Sau phiên tòa kéo dài 2 giờ đồng hồ, thẩm phán Loretta Preska thuộc Tòa án địa hạt ở New York, tuyên bố theo đạo luật năm 1986 về thông tin liên lạc điện tử, lệnh yêu cầu Microsoft cung cấp bất kỳ dữ liệu thư điện tử nào nằm trong quyền kiểm soát của công ty này, bất kể thông tin được lưu trữ ở địa điểm nào, là hợp pháp.
Tuy nhiên, thẩm phán Preska cũng tuyên bố sẵn sàng tạm đình chỉ việc thực thi phán quyết của mình để Microsoft có thể đưa vụ việc lên tòa án phúc thẩm. Ngay sau phán quyết trên, trưởng nhóm luật sư của Microsoft, Brad Smith khẳng định sẽ tiếp tục kháng cáo. Theo Microsoft, việc làm của Chính phủ Mỹ làm xói mòn lòng tin của người sử dụng Internet khiến họ có thể thiệt hại hàng tỉ USD và làm lung lay vị thế dẫn đầu của ngành công nghệ Mỹ trên toàn cầu. Trong một sự kiện có liên quan, ngày 31.7, mạng xã hội khổng lồ Twitter thông báo lượng yêu cầu của các chính phủ muốn được cung cấp dữ liệu khách hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014.
Theo báo cáo minh bạch của Twitter, số lượng các yêu cầu cung cấp dữ liệu từ các chính phủ tăng 46% so với nửa cuối năm 2013, lên 2.058 lệnh. Trong đó, Chính phủ Mỹ đứng đầu danh sách với 1.257 lệnh, chiếm 72% tổng số, bỏ xa nước thứ hai là Nhật Bản với 192 yêu cầu. Tuy nhiên, Twitter cho biết không được phép tiết lộ chi tiết về các yêu cầu của giới chức Mỹ theo quy định của luật pháp. Ngoài các lệnh yêu cầu cung cấp thông tin, Twitter cũng thông báo đã nhận được 432 yêu cầu gỡ bỏ các bình luận cũng như khoảng 9.200 thông báo nhắc nhở gỡ bỏ các bài đăng do vấn đề bản quyền.
Anh công bố dự án lập bản đồ 100.000 mã gene
Thủ tướng Anh David Cameron vừa thông báo các nhà khoa học nước này sẽ lập bản đồ 100.000 mã gene hoàn chỉnh trong một dự án có thể biến “Xứ Sương mù” thành quốc gia đi đầu thế giới trong nghiên cứu ung thư và các bệnh hiếm gặp. Dự án này sẽ nhận được tài trợ 300 triệu bảng (507 triệu USD) và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2017. Dự án của Anh sẽ tiến hành phân tích các mã gene (ảnh) của khoảng 75.000 bệnh nhân mắc bệnh ung thư và các bệnh hiếm gặp, cũng như mã gene của những người họ hàng gần nhất với họ.
Các nhà nghiên cứu cũng sẽ phân tích cả tế bào khỏe mạnh lẫn tế bào khối u của bệnh nhân ung thư, đồng nghĩa họ sẽ phân tích tổng cộng khoảng 100.000 mã gene. Họ hy vọng việc xác định những thay đổi nhỏ ở mã gene gây bệnh sẽ dẫn đến cách điều trị chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Chuyên gia nghi ngờ quân đội Trung Quốc tấn công mạng Chính phủ Canada
Ngày 31.7, chuyên gia về an ninh mạng của công ty công nghệ an ninh CrowdStrike có trụ sở tại California (Mỹ) - ông Dmitri Alperovitch - nhận định vụ tấn công mạng mới đây nhằm vào hệ thống máy tính nhạy cảm của chính phủ nước này giống với các vụ tấn công do một đơn vị tinh nhuệ của quân đội Trung Quốc đóng tại Thượng Hải thực hiện trước đó.
Trong khi phía Canada không công khai chi tiết về vụ việc, ông Alperovitch khẳng định vụ tấn công đó giống với các chiến dịch tấn công mạng khác do đơn vị 61486 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành. Công ty CrowdStrike đã đặt tên cho chiến dịch này “Putter Panda”. Ông Alperovitch cho biết, đơn vị này có hàng nghìn người chuyên hoạt động tình báo qua vệ tinh và các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Hôm 29.7, Canada tiết lộ “một đối tượng có trình độ cao do Trung Quốc tài trợ” đã xâm nhập hệ thống máy tính của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC), cơ quan nghiên cứu hàng đầu chuyên hợp tác với các công ty lớn như tập đoàn sản xuất máy bay và tàu hỏa Bombardier Inc. Phản ứng với động thái trên, Trung Quốc ngày 31.7 đã chỉ trích Canada đưa ra những cáo buộc vô trách nhiệm và thiếu bằng chứng tin cậy.