Nuôi mộng làm ca sĩ từ nhỏ, năm 1958, Kim Loan theo học lò nhạc sĩ Nguyễn Đức ở Sài Gòn. Nhờ thầy Nguyễn Đức, cô bé Kim Loan thỉnh thoảng được tham gia hát trong chương trình của Ban Việt Nhi trên làn sóng của Đài phát thanh Sài Gòn mỗi sáng Chủ nhật. Ở Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Đức được ví như một phù thủy đào tạo ra những nghệ sĩ, ca sĩ nổi danh với các nghệ danh mang chữ Kim, như: Kim Cương, Kim Hương, Kim Cúc, Kim Anh, Kim Loan...
Sau 9 năm “học đạo”, năm 17 tuổi, Kim Loan “xuống núi” và thành công vang dội. Đó là ngày 8.8.1966, người Sài Gòn bỗng nghe một giọng hát lạ trên đài phát thanh, bài hát cũng mới toanh có tên “Căn nhà ngoại ô” theo điệu bolero của nhạc sĩ Anh Bằng.
Từ hôm ấy, giới trẻ Sài Gòn, đặc biệt là sinh viên, học sinh thường ngân nga bài hát này: “Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền. Gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn. Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau. Những đêm thức giấc ngỡ ngàng, nghe lòng thương nhớ, biết rằng mình yêu...”.
Ca sĩ Kim Loan hiện nay (ảnh phải). |
Thật ra, giọng ca của Kim Loan không có gì đặc biệt. Kim Loan có chất giọng hơi khàn, nghẹt mũi một chút. Cho dù đã bắt đầu nổi tiếng, nhưng cô chưa thể sánh nổi với các ngôi sao thời ấy như Phương Dung, Hoàng Oanh, Hà Thanh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh... đang làm mưa làm gió khắp các sân khấu Sài Gòn. Thế nhưng Kim Loan lại được trời ban cho vẻ đẹp lộng lẫy lai Tây, luôn sáng rực, lung linh khi bước lên sân khấu. Vì vậy mà tuy giọng ca còn “non” một chút, nhưng khán giả trẻ lại rất yêu mến cô.
Mà không chỉ có khán giả trẻ, đến “khán giả già” như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng say đắm Kim Loan. Trong một lần hát phục vụ buổi lễ có Tổng thống Thiệu tham dự, ca sĩ Kim Loan với bài hát “Căn nhà ngoại ô” và sắc đẹp kiêu sa của mình đã hớp hồn “quân vương”, mở đầu cho một scandal tình ái làm rúng động chính trường Sài Gòn.
Cậu vợ giúp cháu rể ngoại tình
Sau cuộc đảo chính anh em nhà họ Ngô do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, chính trường Sài Gòn rơi vào khủng hoảng, các phe nhóm nhà binh liên tục lật đổ lẫn nhau để giành lấy quyền kiểm soát phủ đầu rồng. Cuối cùng, năm 1966, Nguyễn Văn Thiệu đã vượt lên tất cả, giành được chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Để củng cố địa vị của mình, Tổng thống Thiệu đã bố trí nhiều người thân tín vào những chức vụ then chốt trong guồng máy cầm quyền của mình. Trong số đó có Trung tướng Đặng Văn Quang, một người bạn học chí cốt từ thời trai trẻ, cũng là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu (bà Mai Anh vợ ông Thiệu là cháu kêu ông Quang bằng cậu). Nguyễn Văn Thiệu đặt ông cậu vào vị trí quan trọng hàng đầu của bộ máy cầm quyền ở Sài Gòn là Cố vấn An ninh quốc gia.
Đầu năm 1968, Tổng thống Thiệu tham dự một buổi lễ tại trại Đào Bá Phước trên đường Tô Hiến Thành (Sài Gòn). Khi cô ca sĩ trẻ Kim Loan lên sân khấu hát phục vụ bài “Căn nhà ngoại ô”, vị tổng thống Sài Gòn nhìn cô không chớp mắt. Trúng mũi tên tình ái, khi buổi lễ kết thúc, Tổng thống Thiệu yêu cầu chỉ huy trại Đào Bá Phước thu xếp cho cô ca sĩ dùng cơm chiều với mình.
Sau đó, Tổng thống Thiệu đã nhờ chính người cậu vợ của mình là Đặng Văn Quang “thu xếp” chuyện tình cảm của mình với cô ca sĩ Kim Loan. Với quyền uy trong tay và cũng muốn lấy điểm với Tổng thống Thiệu, Đặng Văn Quang gật đầu bằng lòng. Ông Quang đã giao cho một phụ tá thân cận là trung tá Ngân trực tiếp và bí mật lo chuyện “thứ phi” cho Tổng thống Thiệu.
Trung tá Ngân đã dựng lên kịch bản rất hay: Đích thân mình đến tận nhà Kim Loan chuyển lời mời của Tổng thống Thiệu mời cô tham gia một chương trình văn nghệ do Phủ Tổng thống tổ chức tại Hải quân Vùng 4 Duyên hải, đồn trú trên đảo Phú Quốc.
Dĩ nhiên là Kim Loan như mở cờ trong bụng, nhận lời ngay. Kim Loan được xe của cơ quan đặc vụ Sài Gòn đến tận nhà đón ra sân bay Tân Sơn Nhất, rồi lên chiếc D.C 47 trực chỉ Phú Quốc. Trên máy bay chỉ có một mình Kim Loan và trung tá Ngân, ngoài ra chẳng thấy có ban văn nghệ nào cả. Trước đó vài giờ, Đặng Văn Quang đã tháp tùng Tổng thống Thiệu bay ra Phú Quốc trên một chiếc D.C 47 khác.
Trước đó nữa, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân nhận được một công lệnh mật từ phủ đầu rồng, thông báo tổng thống và cố vấn an ninh quốc gia sẽ ra nghỉ mát và câu cá tại Phú Quốc, yêu cầu Tư lệnh vùng phải chuẩn bị một tàu hải quân có đủ phòng ăn, phòng ngủ như một du thuyền; đồng thời tăng cường một đại đội quân cảnh canh gác tại mũi Ông Đội, nơi du thuyền sẽ neo lại câu cá.
Khi chiếc D.C 47 chở Kim Loan vừa đáp xuống phi trường An Thới, một chiếc xe Jeep của Đặc khu Phú Quốc đưa ngay cô ta và trung tá Ngân ra cầu cảng, lên chiếc tàu ông Thiệu đang chờ, rồi nhổ neo ra khơi. Chương trình “văn nghệ” do Kim Loan “hát” phục vụ Tổng thống Thiệu kéo dài suốt ngày, cho tới tận đêm khuya.
Khi đệ nhất phu nhân nổi giận
Không phải chỉ “chơi hoa cho biết mùi hoa”, Nguyễn Văn Thiệu ngày càng say mê Kim Loan. Mỗi tháng ngài tổng thống ra lệnh cho Đặng Văn Quang tổ chức vài ba chuyến nghỉ mát, câu cá ở Phú Quốc vào cuối tuần, với thành phần giống như lần đầu.
Lúc ấy, ở phủ đầu rồng có nhiều phe phái, họ đánh hơi thấy Tổng thống Thiệu có “mùi gái”, dư luận bắt đầu râm ran về chuyện tổng thống có bồ. Câu chuyện đến tai bà Mai Anh đệ nhất phu nhân. Bà tung “gián điệp” ra tận Phú Quốc mai phục, thu thập tin tức và không khó để có đủ chứng cứ về chuyện “ăn vụng” của chồng.
Là người trầm tĩnh, bà Mai Anh cố dằn cơn ghen vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp của chồng và danh dự của “đệ nhất phu nhân”. Bà chỉ còn biết trút mọi tức giận lên đầu ông cậu Đặng Văn Quang, coi ông ta là nguyên nhân dẫn dắt “quân vương” vào con đường ngoại tình. Biết sự việc đổ bể sẽ thêm nhiều phiền phức, Đặng Văn Quang đã khẩn cấp bàn với Nguyễn Văn Thiệu cách “chùi mép”.
Một buổi sáng đầu tháng 11.1969, trên chuyến bay từ Sài Gòn đi Tây Đức, người ta thấy có cô ca sĩ Kim Loan vẫn trong dáng vẻ kiêu sa, nhưng gương mặt đượm buồn. Kề cận cô ca sĩ trong chuyến đi có tay trung tá Ngân, người đã “mai mối” cô với Tổng thống Thiệu.
Trước đó, cô được Trung tướng Đặng Văn Quang báo nguy và yêu cầu cô thu xếp sang định cư tạm thời ở Tây Đức. Vậy là sự nghiệp ca hát của người đẹp ca sĩ Kim Loan coi như chấm dứt. Sang đến Tây Đức, cô được trung tá Ngân đưa đến định cư tại thành phố Cologne.
Ngay sau đó, cô làm đám cưới với một Việt kiều. Tại nước Đức, Kim Loan vừa đi làm vừa học thêm ngành Cosmotology (thẩm mỹ) và được nhận vào làm việc ở một số thẩm mỹ viện. Sau đó cô tự đứng ra mở thẩm mỹ viện riêng, kinh doanh cho tới ngày nay. Thỉnh thoảng cô cũng tham gia hát hò trong cộng đồng người Việt ở Đức.
Năm 1978, Kim Loan bất ngờ “chuyển hệ” khi nhận lời đóng vai Điêu Thuyền trong vở cải lương Phụng Nghi Đình do đoàn Kim Chung và Hội Việt kiều ở Paris thực hiện. Đúng vào dịp này, báo chí người Việt ở hải ngoại đã đăng bài điều tra về việc cô ca sĩ đã ôm cái bụng bầu mà tác giả là Tổng thống Thiệu sang Tây Đức sinh nở và ngụy trang thành một đám cưới với người khác.
Suốt thời gian dài, người đẹp Kim Loan vẫn giữ thái độ im lặng trước búa rìu dư luận. Mãi đến gần đây cô mới chấp nhận trả lời phỏng vấn trên một tờ báo hải ngoại, trong đó cô khẳng định: “Ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì Loan không có gặp lần nào hết. Mà nói thiệt, nếu Loan gặp ông Thiệu, Loan sẽ hỏi: “Thưa Tổng thống, tôi không gặp ông lần nào, tại sao lại có chuyện kỳ cục vậy?”.
Bị oan, tức thì hỏi vậy thôi, Loan biết là ông Tổng thống cũng là nạn nhân của chuyện đồn ác ý. Nhưng Loan nghĩ những người có trách nhiệm phải nói chuyện đó không có. Loan thấy bà Thiệu vô tình quá đỗi, là vợ của ông Tổng thống, bả phải biết ông chồng bả có làm cái việc đó hay không!
Đáng lý bả phải đính chánh cho ông chồng bả, bả phải giữ danh dự cho Loan, nhưng bả đã không làm việc đó. Vì thế Loan nói thiệt là Loan rất thất vọng về bà Thiệu”.
Kỳ tiếp: Ca sĩ Khánh Ly bị chồng đánh ghen