Giải bóng rổ đầu tiên tại Việt Nam
VBA 2016 (giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam) lần đầu tiên ra mắt khán giả cả nước khi khởi tranh ngày 6.8.2016 đã nhận được sự tin yêu lớn từ khán giả. Các cuộc tranh tài không đặt nặng tính thắng thua mà quan trọng nhất là phục vụ “Thượng đế” - những người bỏ tiền mua vé để xem và thưởng thức các trận đấu theo xu hướng giải trí, thay cho tính chất thắng thua và thể thao thuần túy chuyên môn.
Một năm trước, Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam - ông Nguyễn Bảo Hoàng (ông chủ CLB Saigon Heat) từng cho biết sẽ cho ra đời một giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam, mục đích để mọi người quan tâm nhiều hơn đến bóng rổ và nâng tầm trở thành môn thể thao thứ 2 được yêu thích nhất, sau bóng đá, tại Việt Nam.
Ngày 6.7.2016 tại TPHCM, 5 ông chủ của 5 đội bóng rổ gồm Saigon Heat, Cantho Catfish, Danang Dragons, Hochiminh City Wings và Hanoi Buffaloes đã gặp mặt nhau. “Cuộc họp thượng đỉnh” này cho ra kết quả và VBA 2016 chính thức ra đời, với cam kết 5 đội bóng sẽ tham dự trong 3 năm. Một sự thỏa thuận tránh trường hợp VBA “đứt gánh” giữa chừng và cho thấy quyết tâm của những người tiên phong mở đường cho sự phát triển của bóng rổ.
Đánh giá về VBA, VĐV kỳ cựu của CLB Saigon Heat - Nguyễn Văn Hùng (“Huyền thoại” taekwondo Việt Nam) gọi giải đấu năm nay là “cột mốc lịch sử của bóng rổ Việt Nam”. Bởi VBA đi theo mô hình giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), được xây dựng bài bản từ khâu tổ chức đến công tác tuyển chọn VĐV lẫn cách thu hút và phục vụ khán giả đến xem các trận đấu.
Sự khác biệt so với bóng đá
Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam Nguyễn Bảo Hoàng từng cho biết: “Ở Việt Nam, tôi nhận thấy bộ môn bóng rổ có khá nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Vào thời điểm tôi mới thành lập đội bóng Saigon Heat thì chưa có nhiều CĐV đến sân xem bóng rổ, còn trên truyền hình thì cũng ít khi đề cập đến môn này. Tuy nhiên, khi ra ngoài các sân chơi thực tế, tôi thấy nhiều bạn trẻ rất ham mê. Đó là một trong những lý do tôi thành lập Saigon Heat.
Mặt khác, TPHCM không có nhiều sự kiện thể thao để vui vẻ, giải trí. Hơn nữa, mọi người hay suy nghĩ thể thao chỉ gói gọn ở các hoạt động trên sân. Thực ra, thể thao là cho cả cộng đồng, nếu mình tạo ra được môi trường, sân chơi vui vẻ để mọi người cùng tham gia. Thể thao có sức mạnh vì có thể thu hút tất cả mọi người trong cộng đồng cùng nhau cổ vũ cho một đội. Tôi hy vọng sẽ tạo ra một sự phát triển cho bóng rổ để thu hút nhiều CĐV”.
Và những gì diễn ra tại VBA 2016 đã phản ánh đầy đủ những điều ấy. Thậm chí, sân chơi này đã mang đến sự khác biệt và sức hút đặc biệt, thậm chí so sánh với môn thể thao Vua là bóng đá tại Việt Nam. Các trận đấu luôn đầy ắp khán giả và họ cùng nhau hòa mình vào bầu không khí cuồng nhiệt. Ở đó, điều nổi bật nhất chính là khán giả được giải trí, thư giãn đầy vui vẻ và trở thành một phần của trận đấu, thay vì ngồi buồn tẻ và phải tìm cách giết thời gian như xem các trận đấu bóng đá tại V.League hay hạng Nhất.
Tại một trận đấu bóng rổ ở VBA 2016, đội hoạt náo viên xinh đẹp có những màn nhảy bốc lửa để giúp người xem được thư giãn, khởi động trước trận đấu và xen kẽ trong các hiệp đấu. Bên cạnh đó là các trò chơi như ném bóng vào rổ để khán giả được nhận quà. Riêng những khán giả mua vé VIP được phục vụ “tận răng” từ nước uống đến đồ ăn nhẹ…
Với sự chu đáo về cách phục vụ khán giả và khác biệt về công tác tổ chức, VBA 2016 đang trở thành món ăn tinh thần của khán giả, kể cả những người không mê thể thao, đặc biệt giới trẻ. Khán giả trẻ rất cuồng nhiệt và sẵn sàng bỏ tiền túi để mua những tấm vé đắt đỏ gấp rất nhiều lần giá vé xem V.League. Trong khi vé cả mùa V.League của những đội đắt nhất chỉ hơn 1 triệu đồng để xem 13 trận, thì CLB Saigon Heat bán mức giá hơn 5 triệu đồng/8 trận đấu sân nhà ở VBA 2016.
Từ một môn thể thao tưởng chừng khó phát triển tại Việt Nam, bóng rổ đang “thay da đổi thịt” với VBA 2016 lần đầu tiên được tổ chức với những bước đi đầu tiên. Nếu VBA phát triển vững mạnh và khẳng định được vị thế trong lòng khán giả, có lẽ những người làm thể thao Việt Nam và bóng đá Việt Nam cần phải nhìn VBA để học tập, ít nhất là chuyện thu hút và vì khán giả.
Về tinh thần thể thao, người Việt không thiếu và chúng ta không hề tiếc tiền để cho “những món ăn tinh thần”. Vấn đề là làm như thế nào để họ chịu bỏ tiền và cảm thấy được thỏa mãn nhất. Điều này, bóng rổ với VBA 2016 cùng những bước đi tiên phong đã chứng minh và đó chính là “tấm gương” để bóng đá nhìn vào mà học.

VBA 2016 có sự tham dự của 5 đội bóng và thi đấu từ ngày 6.8 - 16.11.2016. Mỗi đội bóng sẽ gặp nhau 4 lượt (2 trận sân nhà và 2 trận sân khách). 4 đội xếp hạng cao nhất sẽ đấu play-off để tranh ngôi vô địch. Một điều đặc biệt là các đội bóng tranh tài được tuyển 1 ngoại binh, có 1-2 cầu thủ Việt Kiều và cả 5 đội đều có HLV ngoại.