Bí ẩn dinh thự và những cuộc tình của Vua Bảo Đại

Khắc Dũng |

Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến VN. Ông khá nổi tiếng với những dinh thự sang trọng, trong đó có 3 dinh thự ở Đà Lạt và cũng là vị vua nổi tiếng “đa tình”.
Điều thú vị là hầu hết những chuyện tình ái của Vua Bảo Đại đều có “dính dáng” tới địa danh Đà Lạt và những dinh thự triều Nguyễn ở mảnh đất từng là “Hoàng triều cương thổ” đó.

Những dinh thự của riêng cựu hoàng

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói rằng, Vua Bảo Đại có 3 dinh thự ở Đà Lạt là cách nói chưa hẳn chính xác hoàn toàn. Bởi lẽ, theo kết quả nghiên cứu của nhà Huế học này, tại Đà Lạt, ngoài 3 dinh thự được ghi trong sử sách, cựu hoàng Bảo Đại còn có ít nhất 2 biệt thự dành riêng cho 2 người phụ nữ khá gần gũi với mình là “thứ phi” Mộng Điệp và “thứ phi” Phi Ánh. Hiện biệt thự của “thứ phi” Mộng Điệp đã bị dỡ bỏ hoàn toàn; riêng biệt thự Phi Ánh vẫn còn nguyên và đã được trùng tu, nâng cấp để đưa vào kinh doanh du lịch.

Biệt thự đá Tây Ban Nha (cách gọi ngày nay) nằm trên đường Quang Trung là ngôi biệt thự rất độc đáo, được cựu hoàng Bảo Đại mua tặng cho “thứ phi” Phi Ánh.

Trong 3 dinh thự của riêng cựu hoàng Bảo Đại, dinh III là địa chỉ được nhiều người biết đến nhất với tên gọi là “biệt điện”. Biệt điện Bảo Đại  được xây vào năm 1933 và đến năm 1937 thì hoàn thành. Khi đang còn là vua và sống tại Huế, Bảo Đại dùng dinh III làm nơi nghỉ mát và săn bắn (một thú vui của cựu hoàng), nhất là vào dịp hè hằng năm. Đến năm 1950, khi Pháp trở lại VN và đưa Bảo Đại lên làm quốc trưởng bù nhìn thì Bảo Đại dùng dinh III Đà Lạt làm nơi ở cho cả gia đình và đồng thời là nơi làm việc chính. Lúc đó, dinh III có đến một trung đoàn ngự lâm quân bảo vệ, một đoàn xe riêng, gọi là “công xa biệt điện” và một đội máy bay để phục vụ. Vào những năm này tại Đà Lạt, ngoài chuyện đi lại với các người tình, Bảo Đại còn thường tổ chức những cuộc săn bắn trên khắp xứ sở Tây Nguyên và các cuộc săn bắn hầu hết đều được xuất phát từ dinh III này. Biệt điện Bảo Đại có hai tầng. Tầng dưới được cựu hoàng làm nơi hội họp, tiếp khách, yến tiệc... Trên lầu là nơi ngủ của Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và của những người con: Bảo Long (thái tử), Phương Mai, Phương Liên (công chúa), Bảo Thăng. Riêng Bảo Long là người được chọn kế nghiệp ngai vàng (từ 1939), nên trong phòng ngủ của thái tử được trang trí toàn màu vàng. Có thể nói, dưới một góc nhìn nào đó, biệt điện Bảo Đại còn là nơi gắn liền với tên tuổi của Hoàng hậu Nam Phương - chánh phi, người vợ chính thức của Bảo Đại.

Từ dinh III, xuôi về trung tâm TP.Đà Lạt, trên một ngọn đồi thông xanh ngắt dọc theo trục đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương là dinh II - nằm trên một đồi thông cao 1.533m so với mực nước biển, mặt chính nhìn ra đồi thông, mặt sau nhìn xuống hồ Xuân Hương rất đẹp. Trong dinh II hiện còn một bức liễn khảm xà cừ khắc những bài thơ của các vua chúa, quần thần nổi tiếng thời Nguyễn, trong đó đặc biệt là những bài thơ của Vua Tự Đức. Từ dinh II, dọc theo trục đường Trần Hưng Đạo - Hùng Vương, rẽ trái sang đường Trần Quang Diệu, đến một ngọn đồi cao, giữa bạt ngàn thông là dinh I - vốn là ngôi biệt thự sang trọng của một viên chức giàu có người Pháp Robert Clément Bourgery. Viên quan chức và đồng thời là nhà triệu phú người Pháp này cho xây dinh thự nói trên từ trước những năm 40 của thế kỷ trước. Được trở lại nắm quyền (1948), nhận thấy dinh thự trên nằm ở một vị trí khá đắc địa nên chính phủ do Bảo Đại làm quốc trưởng đã mua lại dinh thự này và cho sửa lại toàn bộ. Điều đặc biệt, ngay nơi cửa ngõ đi vào đường Trần Quang Diệu, ở góc đường Hùng Vương có một biệt thự nằm “án ngữ” gắn liền với tên tuổi bà “thứ phi” Mộng Điệp. Ngôi biệt thự này không to lớn, nhưng khá trang nhã và nằm khép mình trong một rừng thông nối liền với khu đồi của dinh I. Về sau - những năm 80-90 - nơi đây được biết đến là khu nhà tập thể số 14 Hùng Vương, Đà Lạt; và, trong hiện tại, biệt thự 14 Hùng Vương đã bị phá bỏ hoàn toàn và một công sở hoàn toàn mới được mọc lên.

Những biệt thự... đặc biệt

Như trên đã nói, biệt thự của “thứ phi” Mộng Điệp tuy nằm khiêm nhường trong một khu rừng thông ở góc đường Hùng Vương - Trần Quang Diệu, nhưng đây lại là một vị trí “án ngữ” hết sức quan trọng khi nó không chỉ nối liền với cánh rừng thông khu đồi dinh I, mà một khi ai đó muốn vào dinh I đều phải đi ngang qua ngôi biệt thự này. Rồi nữa, từ biệt thự Mộng Điệp đến dinh I chỉ không đến 1km cũng là điều rất đáng được nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm. Theo phán đoán của nhiều người, sở dĩ biệt thự dành cho “thứ phi” Mộng Điệp nằm cận kề dinh I là vì sự ưu ái của cựu hoàng Bảo Đại dành cho người phụ nữ này là rất lớn. Nói cách khác, ngoài Nam Phương Hoàng hậu, được sống ngay trong biệt điện (dinh I) - thì người tình được vua ân sủng cao nhất là bà Mộng Điệp.

Chân dung Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam (ảnh chụp lại).

Mặc dầu đã từng có chồng và đang là một vũ nữ, nhưng nhờ ở nét đẹp trời phú và khả năng giao tiếp khéo léo nên ngay trong lần gặp gỡ với vị vua thứ mười ba của triều Nguyễn tại Hà Nội, Mộng Điệp đã làm nên “tiếng sét ái tình” đối với vị vua tuy “mang tiếng” đa tình, nhưng luôn chủ động trong hôn nhân này. Hơn thế, khi theo vua vào Đà Lạt (sống trong một ngôi biệt thự cửa ngõ vào dinh I đã nói ở trên), Mộng Điệp còn thường xuyên về Huế thăm bà Từ Cung - thân mẫu của vua - nên được bà Từ Cung rất yêu quý. Lịch sử còn ghi lại rằng, Mộng Điệp là người được bà Từ Cung ban mũ áo và cho phép được thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên để trở thành “thứ phi” chính thức của vua.

Người ta còn nói rằng, trong những ngày lưu lại ở Đà Lạt, “thứ phi” Mộng Điệp hầu như là người duy nhất được vua cho phép tham gia trên lĩnh vực hậu cần trong những chuyến đi săn của cựu hoàng. Lại phải nói thêm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân còn lưu ý với tôi rằng: Bởi khi về chung sống với Bảo Đại và có con, đồng thời được bà Từ Cung ban phát áo mũ (Mộng Điệp) hoặc không được ban phát áo mũ (Phi Ánh), nhưng lúc này Bảo Đại không còn là vua nên không thể gọi thứ phi một cách chính thức đối với hai người vợ sau của cựu hoàng thương là Mộng Điệp và Phi Ánh. Bởi vậy, khi nhắc đến hai bà Mộng Điệp và Phi Ánh với tư cách là vợ sau của vua, cần phải để chữ “thứ phi” trong ngoặc kép; nếu không thì “lôi thôi lắm” - chữ dùng của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân.  

Cùng với “thứ phi” Mộng Điệp, khi nói về những chuyện tình của Vua Bảo Đại liên quan đến quãng thời gian sống ở Đà Lạt, một trong những người được nhiều người nhắc đến là bà Phi Ánh. Cũng giống như “thứ phi” Mộng Điệp, bà Phi Ánh cũng được vua mua tặng cho một ngôi biệt thự sang trọng nằm trên đường Quang Trung ngày nay. Điều đáng nói, nếu biệt thự của Mộng Điệp nằm cận kề dinh I để tiện việc hôm sớm đi lại giữa vua và thứ phi, thì ngôi biệt thự mà cựu hoàng dành tặng cho Phi Ánh có những giá trị độc đáo riêng của nó: Đây là ngôi biệt thự bằng đá có lối kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất từ trước đến nay tại Đà Lạt. Biệt thự Phi Ánh gồm hai khối nhà nối liền nhau bằng một hành lang bán nguyệt với phần tường bên ngoài được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Theo các nhà nghiên cứu, biệt thự này được xây vào những năm 30 của thế kỷ trước. Sau đó, sau năm 1940, cựu hoàng Bảo Đại đã mua lại biệt thự này để tặng cho “người thứ ba” của vua là “thứ phi” Phi Ánh.

Chuyện tình của Vua Bảo Đại cùng những dinh thự gắn liền với địa danh Đà Lạt hẳn là một câu chuyện dài. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn trả lời phỏng vấn báo chí Sài Gòn hồi cuối năm 1933 của Hoàng hậu Nam Phương: “Cuộc hôn nhân của tôi và Hoàng thượng là một sự tình cờ. Vì hai người đã gặp nhau trong một bữa dạ hội ở dinh Đốc lý Darles tại thị xã Đà Lạt vào năm 1933. Lúc ấy tôi mới 20 tuổi, tôi không để ý gì đến Hoàng thượng, nhưng Hoàng đế đã chú ý tới tôi...”.
Khắc Dũng
TIN LIÊN QUAN

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.