Bảo vật quốc gia thạp đồng Đào Thịnh: Một “siêu phẩm” của thời đại Đông Sơn

Nguyễn Huy Minh |

Thạp Đào Thịnh có niên đại khoảng 2.500 năm cách ngày nay, dáng hình trụ thuôn dần xuống đáy với một mật độ hoa văn dày đặc và được chế tác đặc biệt cẩn thận. Đường kính miệng 61cm, đáy 60cm, cao 98cm, Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước hoành tráng nhất chúng ta từng biết đến, tiêu tốn một lượng đồng lên tới 760kg.
Ở buổi xa xưa, để luyện được đủ khối lượng đồng này, rồi nung nóng chảy mà làm thành công trình ấy, rõ ràng không thể đếm hết được bao nhiêu sức người, sức của.


Còn nhớ vào cuối năm 2008, khi phiên bản thạp Đào Thịnh được nghệ nhân đúc đồng Lê Văn Bảy (Trà Đông, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) thực hiện, chỉ riêng việc làm khuôn và vẽ lại hoa văn đã mất 3 tháng!

Đồ dùng sinh hoạt đặc biệt

Theo cuốn “Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam”, NXB Khoa học 1963 của Lê Văn Lan - Phạm Văn Kỉnh - Nguyễn Linh (tr.142-146) và trong bài “Vài ý kiến về chiếc thạp Đào Thịnh và văn hóa Đồng thau” của Đào Tử Khai trong “Nghiên cứu lịch sử”, số 26 - 27, năm 1961, có đề cập đến nguồn gốc của thạp: Ngày 14.9.1961, ông Phạm Văn Phúc - một bộ đội phục viên ở xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) - đi câu, thấy bờ sông Hồng bị lở, lộ ra một vật như cái chum, nằm sâu trong lòng đất khoảng 3m. Trong thạp có chứa một thạp đồng nhỏ hơn, có mảnh gỗ mục đậy lên trên, bên cạnh có một số cục xỉ đồng và một số vật “lầy nhầy” màu đen. Sau đó vào ngày 15, dân làng được tin kéo nhau ra xem và ngày 16 thì Ủy ban hành chính xã được báo cáo và cho người mang về Ty Văn hóa tỉnh Yên Bái. Sau đó, thạp được giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Sau nhiều thế kỷ được tạo tác và tồn tại, hiện nắp thạp bị vỡ một số chỗ. Đường kính nắp 64cm, cao 15,5cm, vồng cao đều từ ngoài vào tâm của nóc. Tâm nắp trang trí ngôi sao 12 tia tạo ra những hình tam giác đan vào nhau. Những tam giác đáy quay ra phía ngoài được trang trí lồng những tam giác nhỏ bên trong, làm nổi rõ những hình tam giác cận kề có đáy quay vào phía trong. Xung quanh trang trí 11 băng hoa văn từ trong ra ngoài. Băng 1, 8, 1 là những hoa văn hình chấm dải; băng 2, 3, 5, 6, 9, 10 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến chấm giữa. Băng 4 là những đường gãy khúc đan vào nhau tạo thành những hình thoi. Băng 7 và 8 là chim mỏ dài, đuôi dài, nối nhau bay ngược chiều kim đồng hồ. Xen giữa 4 chim là 4 khối tượng, mỗi khối là một đôi nam nữ đang ở tư thế giao hợp, nữ nằm ngửa phía dưới, nam nằm úp phía trên, hai tay khuỳnh ra, chân duỗi thẳng.

Thân thạp hình khối trụ, trên to, thót dần xuống đáy. Nơi phình to nhất của thân rộng 70cm. Thạp có gờ miệng cao 1,5cm. Tổng số có 25 băng hoa văn trang trí quanh thân từ miệng tới đáy, có thể chia làm 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất, từ mép thạp xuống gồm 10 băng. Băng 1, 10 là những đường vạch gắn song song; băng 2, 6, 9 là hoa văn hình răng cưa có xen giữa những chấm nhỏ nổi. Băng 3, 4, 7, 8 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến có chấm giữa. Băng 5 là trung tâm của nhóm này, hoa văn là những đường gãy khúc hình chữ S đan chéo nhau tạo nên những hình thoi. Khoảng trống giữa hai cạnh của những hình thoi là đường tròn chấm giữa.

Nhóm thứ hai được thể hiện giữa thân thạp gồm 4 băng hoa văn. Băng 1 gồm 6 thuyền, trên mỗi thuyền chở 6 hoặc 7 người hóa trang lông chim ở các tư thế hoạt động khác nhau: Người đứng, người ngồi trong tay cầm các vật dụng khác nhau, như rìu, giáo, mộc, cờ… có người đang đánh trống. Ở băng hoa văn này còn thấy những con chim đang bay ở phía trên, hay chim đứng ở đầu mũi thuyền. Ở phía đầu hoặc đuôi thuyền là những con chim hoặc con thú bốn chân đang đứng. Xen giữa hai thuyền là những con thú khắc họa hình cá sấu đang giao nhau. Kiểu thuyền và những hình khắc trên thuyền rất giống những mô típ trang trí trên trống đồng Đông Sơn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… Băng 2, 4 là những đường tròn tiếp tuyến có chấm giữa. Băng 3 là những chấm giải hình mũ đinh nhỏ li ti.

Nhóm thứ ba, nằm gần đáy thạp với 11 băng hoa văn. Băng 1, 11 là những đường vạch ngắn song song. Băng 2, 5, 7, 10 là hoa văn hình răng cưa có xen giữa những chấm nhỏ nổi. Băng 3, 4, 8, 9 là hoa văn hình tròn tiếp tuyến có chấm giữa. Băng 6 là những đường gãy khúc đan vào nhau tạo thành những hình thoi. Khoảng trống giữa các hình thoi là những chấm nổi, giống như băng 5 của nhóm thứ nhất.

Gần miệng, cách mép thạp 9cm đối xứng qua thân có gắn đôi quai hình mui thuyền. Quai có đường kính 4cm, bản rộng 2cm. Mặt quai trang trí hoa văn hình bông lúa. Thạp được đúc bằng khuôn hai mang, trên thân có nhiều lỗ thủng; phần rìa miệng có 2 miếng vá lớn.

Riêng vị trí Đào Thịnh đến nay đã phát hiện được 9 thạp đồng, nhưng chỉ có thạp này có kích thước lớn, còn các thạp khác kích thước trung bình, trang trí hoa văn đơn giản. Một chiếc thạp nhỏ hơn để trong lòng thạp “mẹ” này thuộc loại không có nắp, quai hình mui thuyền còn khá nguyên vẹn, cao 21cm, đường kính miệng 18,8cm, đường kính đáy 14,7cm.

Trong bộ sưu tập hiện vật đồng văn hóa Đông Sơn, ngoài trống đồng và một số nhóm di vật khác như dụng cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, nhạc khí thì thạp đồng cũng nằm trong số loại hình đặc biệt về đồ dùng sinh hoạt của cư dân thời ấy.

Thạp Đào Thịnh là một hiện vật điển hình, chức năng chính của thạp là đồ đựng dự trữ lương thực. Khi được phát hiện, trong thạp còn chứa nhiều than tro và răng người chết, điều đó chứng tỏ chiếc thạp còn được dùng làm quan tài mai táng chủ nhân sau khi hỏa thiêu.

Những đề tài trang trí trên nắp thạp là 4 cặp tượng trai gái đang giao hợp (hiện còn 2 cặp). Trai thì xõa tóc, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì bận váy ngắn. Bộ phận sinh dục của nam giới được thể hiện rất rõ, chứng tỏ người xưa cố ý khi đặt khối tượng này trên nắp thạp, nhằm phản ánh khát vọng sinh sôi nảy nở, sự phồn thịnh của con người và vạn vật.

Thân thạp có hình khắc 6 chiến thuyền mũi cong, có nhiều người mặc y phục hóa trang lông chim, đứng trên sàn thuyền, giữa lòng thuyền có một pháo đài trên có người đang cầm cung trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các chiến binh còn lại, người cầm cung, lao, giáo, rìu chiến, dao găm. Theo thứ tự ai sử dụng vũ khí đánh xa thì đứng trước, vũ khí đánh gần đứng giữa và phòng vệ thì đứng sau cùng. Từ hình dáng, cấu trúc của con thuyền ấy cũng như sức chở và sự bố trí binh lực trên thuyền đã phản ánh kỹ thuật đóng thuyền thời kỳ này rất phát triển, cư dân Đông Sơn không chỉ có tài năng chiến đấu trên bộ mà còn thành thạo cả thủy chiến, có đủ một bản lĩnh quân sự vững vàng trong một xã hội sản xuất phát triển đã có sự phân tầng giai cấp.

Hiện vật nghệ thuật cổ độc nhất vô nhị

Cho đến nay, ngoài thạp Đào Thịnh ra, chưa có một chiếc thạp nào có được kích thước, kiểu dáng và đề tài trang trí độc đáo tiêu biểu như vậy. Thạp đồng Đào Thịnh được coi như một hiện vật nghệ thuật cổ độc nhất vô nhị, bởi nó chính là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực của cư dân Đông Sơn, trong khi xã hội phải rất lâu nữa chữ viết mới hình thành.

So sánh những hình khắc trang trí trên thạp và trống đồng, chúng ta nhận thấy những bảo vật này tương đồng nhau về kỹ năng, kỹ thuật trang trí, phong cách nghệ thuật và mô típ hoa văn cũng như những chủ đề muốn thể hiện. Giá trị nghệ thuật, giá trị biểu cảm đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, nhằm chuyển tải những thông điệp của quá khứ đến tương lai. Đặt những bức họa cùng chủ đề trên thạp và trên trống đồng bên nhau, chúng ta khó phân biệt được đâu là hoa văn trang trí trên trống và đâu là hoa văn trang trí trên thạp. Điều đó chứng tỏ, thạp đồng và trống đồng trong văn hóa Đông Sơn là của cùng một chủ nhân, những người đã sáng tạo ra nền văn hóa này từ hơn hai thiên niên kỷ trước, là sản phẩm tinh thần trường tồn và tỏa sáng trong nền văn minh Việt cổ.

Khác với trống đồng, cho đến nay, chúng ta nhận thấy trống Đông Sơn phân bố hầu khắp các nước Đông Nam Á mà nguồn gốc trực tiếp vẫn là từ Việt Nam, song trong đó có những ý kiến không hoàn toàn như vậy. Ngược lại, đối với thạp đồng trong văn hóa Đông Sơn, giá trị về mặt nghệ thuật trang trí của nó không kém trống Đông Sơn thì phần lớn được tìm thấy ở Việt Nam và một số rất ít bên Trung Quốc chỉ mang tính chất trao đổi. Theo tài liệu đã công bố thì vùng phía nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng tìm thấy thạp đồng, nhưng số lượng ít (mộ Nam Việt Vương đời Tây Hán 9 chiếc, mộ núi Bắc Lĩnh Tùng 1 chiếc, mộ La Bạc Loan 4 chiếc và Vân Nam trong số 3 thạp thì chỉ có 1 thạp Đông Sơn trong văn hóa Điền).

Một thế kỷ qua, số lượng thạp đồng Đông Sơn tìm thấy cho đến nay được xác định là 250 chiếc. Ngoài Việt Nam chỉ có 15 chiếc, chiếm 6%, còn 235 chiếc là tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam, chiếm 94% trong tổng số thạp đồng đã biết. Chúng có mặt trong tất cả các loại hình di tích thuộc văn hóa Đông Sơn. Cùng với trống Đông Sơn, một lần nữa thạp đồng đã góp phần khẳng định nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Thạp đồng là sản phẩm thuộc “bản quyền” của cư dân Đông Sơn trong một địa bàn rộng lớn, vùng đất mà theo truyền thuyết là địa vực nước Văn Lang thời các vua Hùng, với nền văn hóa vật chất được kết tinh và triển nở đến đỉnh cao của nó.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt (Trung tâm tiền sử Đông Nam Á): “Thạp đồng Đông Sơn là loại đồ đựng bắt nguồn cả về hình dáng lẫn chức năng của chiếc gùi đeo bằng mây tre rất phổ biến trong các dân tộc miền núi. Thạp đồng lớn được làm ra là để chứa những vật phẩm quý. Việc chế những tia quai ở thân và nắp tương ứng với nhau như chức năng của cái khóa, chốt buộc trên nắp thạp đồng đã chứng minh cho điều đó. Khi chủ nhân chết, thạp lớn được dùng làm quan tài chôn xác, nhiều thạp nhỏ chôn theo tùy táng chứa thức uống và vật dụng cần thiết cho chủ nhân. Có những trường hợp thạp chứa sọ người, không rõ là sọ của chủ nhân hay sọ kẻ thù hoặc người tuẫn táng?”.

Đến nay, trong lòng một số thạp đồng đã phát hiện thấy xương tro của người được hỏa táng, thậm chí, trong khu mộ thân cây khoét rỗng Phú Lương (Hà Tây cũ), người ta đã phát hiện chiếc thạp đồng được bổ đôi lấy 1 nửa úp gọn lên mặt tử thi. Phần đáy thạp nằm về phía đỉnh đầu, phần miệng thạp chờm đến sát vai, che kín mặt. Thạp đã được người xưa dùng để bảo vệ mặt người quá cố, phần quan trọng nhất của cơ thể con người. Trong thạp Hợp Minh (Yên Bái) năm 1995, bên cạnh những đồ tùy táng là một tử thi trẻ em được cuốn bằng loại chiếu cói, nan chiếu cói vẫn còn in rõ phía trong thân thạp được lớp gỉ đồng bảo vệ tốt. Những điều đó đã góp phần cho biết táng tục của người Việt cổ thời Đông Sơn, trong những táng thức có hỏa táng mà lấy thạp đồng làm vật dụng đựng tro than; cải táng mà trong thạp chúng ta chỉ thấy có sọ, hoặc hung táng là chôn cả hình hài lấy thạp làm quan tài. Không còn nghi ngờ gì nữa, thạp đồng đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người, cả khi sống lẫn khi đi về thế giới bên kia.

Sau nhiều thế kỷ được chôn giấu, lần đầu tiên người ta biết đến sự có mặt của thạp đồng chính là khi tìm thấy trống đồng Ngọc Lũ năm 1893 - 1894 tại Hà Nam trong lúc đắp đê. Nắp 1 chiếc thạp đồng đã được chôn úp trong lòng trống, mà mới đầu người ta tưởng đó là một chiếc chiêng, được trang trí hoàn mỹ không thua kém những mô típ hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ chứa đựng nắp chiếc thạp này. Về sau này, thạp đồng được phát hiện khi đào sông máng, khi mở tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua Phú Thọ, khi khởi công xây dựng nhà máy Mì chính Việt Trì; thấy chúng trong các hố khai quật, thấy trong mộ đất, mộ táng, mộ thuyền, khi đào ao, đào mương, đào công sự, đào hố chôn cột điện, đào đất đắp đường, khi tăng gia sản xuất, trong một số gia đình sưu tầm cổ vật, cũng như bắt được trong các đường dây buôn đồ cổ... Thống kê số lượng thạp đồng đã phát hiện trong khu vực tỉnh Thanh Hóa đã lên tới 90/235 chiếc, bằng gần 40% tổng số thạp đồng tìm thấy ở Việt Nam. Nội dung và khái niệm văn hóa Đông Sơn cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Được tổ tiên chúng ta sáng tạo ra cách đây hơn 20 thế kỷ, giá trị vật chất của văn hóa Đông Sơn có thể mai một theo thời gian, nhưng giá trị tinh thần của nền văn hóa nổi tiếng này, từng tỏa sáng và rực sáng khắp vùng Đông Nam Á hơn 2.000 năm trước thì không bao giờ mất. Những giá trị đó được các nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ bổ sung, thông qua việc khai thác những thông tin ẩn chứa trong những di vật mà nền văn hóa này còn để lại, và thạp đồng Đào Thịnh là một trong những di vật ấy.
Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.