Bàn thêm về phương ngữ

|

Trong bài viết “Từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân?” - tác giả Phan Thanh Minh đã băn khoăn về một số bài tập Tiếng Việt yêu cầu học sinh “tìm từ ngữ địa phương và chuyển những từ ngữ địa phương đó sang từ ngữ toàn dân tương ứng” trên sách giáo khoa lớp 9.

Cụ thể là các bài tập số 2, 3, 4 (trang 98 – 99, Ngữ Văn lớp 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2006) và nhận xét về các bài tập này là “không thể có ranh giới từ ngữ địa phương với từ ngữ toàn dân”.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả bài viết rằng, bài tập cho các em cần phải có sự phân biệt rành mạch hơn giữa từ ngữ địa phương (từ địa phương/phương ngữ, PN) với từ ngữ toàn dân (từ toàn dân) để các em dễ nhận biết và thực hành.

Tuy nhiên, khi tra cứu trong cuốn sách “Từ điển phương ngữ tiếng Việt” (Đặng Thanh Hòa, 2005, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học), chúng tôi thấy tác giả cuốn sách cũng xếp các từ mà tác giả Phan Thanh Minh băn khoăn về tính phương ngữ của nó vào loại phương ngữ. Cụ thể xin trích dẫn “kêu: gọi [phương ngữ Trung, Nam], ví dụ: kêu nó về ăn cơm;  chi: gì [phương ngữ Trung] vd: hắn mần cái chi? (nó làm cái gì), Nỏ lo chi phận khó nghèo, Nước lên há dễ tai bèo không lên (ca dao-CD); vô: vào [phương ngữ Trung, Nam], vd: đi tàu vô miền Nam”.

Từ đó, chúng tôi cho rằng các nhà soạn sách giáo khoa, trước khi đưa ra các mẫu bài tập nói trên cho học sinh thực hành, chắc hẳn có tham khảo các tài liệu khoa học về phương ngữ và đã không sai trong việc lựa chọn các từ kêu, chi, vô là các phương ngữ.

Mặc dầu vậy, cũng phải thừa nhận rằng, những phương ngữ trên chưa thật rạch ròi trong việc phân biệt với các từ toàn dân tương ứng. Các nhà làm sách hoàn toàn có thể lựa chọn các từ ngữ khác tiêu biểu hơn, mà sự phân biệt giữa phương ngữ và từ toàn dân tương ứng thể hiện rất rõ ràng, ví dụ:

- Lên chùa cuốc cỏ vại vưng

Chộ chùa cao miếu sạch, ta ngập ngừng muốn tu.
(CD)

(vưng: vừng [PN Trung])

- Cồng  cộc ăn cá nghi nga

Con chim cà cưỡng phải ra ăn mày.
(CD)

(cà cưỡng: sáo sậu [PN Nam])

Hoặc chọn những truyện cười ngắn, nhẹ nhàng:

“Anh học trò đi vào cổng nhà kia, thấy con chó xồ ra sủa, nhe răng dữ tợn, nên hoảng sợ thụt lùi; chủ nhà thấy vậy bèn chạy ra vừa cười vừa nói:

- Con chó không có răng mô!

- Tôi thấy nó nhe nguyên cả hai hàm răng, mà bà lại bảo nó không có răng!”.


(răng: sao, mô: đâu [PN Trung])

Về ý kiến “phương ngữ dành riêng cho từng miền”, thực ra nhiều phương ngữ là chung cho cả nhiều miền. Trong quan niệm phân vùng phương ngữ, hiện tại các nhà ngôn ngữ học chưa hoàn toàn thống nhất với nhau. Có người chia làm 5 vùng, có người chia làm 3 vùng, và trong cách chia làm 3 vùng thì cũng chưa hoàn toàn thống nhất với nhau về địa giới. Căn cứ vào cách phát âm cụ thể của từng địa phương, dựa vào các nét tương đồng – dị biệt, chúng ta chấp nhận cách phân chia tiếng Việt ra thành ba vùng phương ngữ như TS. Võ Xuân Hào (ĐH Quy Nhơn) đề nghị: PN Bắc (1), PN Trung (2) và PN Nam (3).

Trong đó, (1) là từ Thanh Hóa trở ra Bắc, (2) là từ Nghệ An đến Huế và (3) là từ Đà Nẵng vào Nam. Như vậy cách phân chia này hoàn toàn không trùng với cách phân chia vùng địa lí (miền) như cách hiểu thông thường: miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Trong phương ngữ lại phân chia nhỏ hơn thành các thổ ngữ: thổ ngữ Hải Phòng, Huế, Bình Định…

Lại nữa, có nhiều phương ngữ không hoàn toàn thuộc về một vùng PN, mà là chung cho cả 2 vùng:

Thò tay mà ngắt cọng ngò

Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ
. (ca dao)

(ngò: rau mùi [PN Trung, Nam])

PN là tiếng nói thân thương nhất trong đáy sâu tâm khảm của mọi người con dân đất Việt, trên các vùng miền đất nước ta. Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ - đặc biệt trong ngôn ngữ viết, mọi người đều cố gắng hạn chế dùng PN mà hướng đến sử dụng ngôn ngữ toàn dân vì PN nhiều lúc khó hiểu. Câu thổ ngữ Nghệ-Tĩnh “Ngó dọi nỏ chộ mô mồ” chính là câu Kiều “Trông theo nào thấy đâu nào” mà Nguyễn Du (quê Hà Tĩnh) viết bằng ngôn ngữ toàn dân; tuy nhiên PN vùng miền sẽ luôn còn mãi, không bao giờ bị tiêu biến, như một biểu hiện của nguồn cội.

Cuối cùng, chúng tôi rất tâm đắc với nhận xét của GS. Hoàng Thị Châu bày tỏ trong “Phương ngữ học tiếng Việt”: ‘Tiếng Bắc tình tứ biết bao qua câu quan họ Bắc Ninh, trong khi đó tiếng Huế lại da diết như câu hò mái đẩy, còn tiếng Nam Bộ thì nồng thắm trong ca khúc cải lương”. Mọi người dân đất Việt đều có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho tiếng nước ta ngày càng giàu đẹp hơn.


Đỗ Thành Dương

TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.