Ảo vọng đổi đời trong kinh đô hồng ngọc của Myanmar

Hương Giang (tổng hợp) |

Bí mật hơn cả thánh địa Mecca và khó vào hơn cả Lhasa, nằm ở trung tâm rừng già Myanmar là một thành phố nhỏ ít người biết tới nhưng lại có một thứ của báu làm mê hoặc lòng người suốt nhiều thế kỷ. Đó là Mogok, kinh đô của các viên đá ruby (hồng ngọc) siêu quý hiếm.
Những viên đá quân vương cũng thèm khát
Thành phố bí ẩn Mogok, nằm cách Mandalay - đô thị lớn thứ hai ở Myanmar - 200km về phía Bắc. Nơi này kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của nhiều người phương Tây kể từ khi cuốn tiểu thuyết mang tên “Mogok, thung lũng của đá ruby”, do nhà văn kiêm lữ khách Pháp Joseph Kessel chấp bút, được xuất bản vào năm 1955.
Những ai muốn tìm tới Mogok phải đi qua một lộ trình không dễ dàng. Con đường nhỏ uốn lượn dẫn tới thành phố len lỏi xuyên qua các ngọn đồi rậm rạp cây cối, có lúc chui thẳng vào mây mù. Nhưng sau hành trình mệt nhọc, thung lũng Mogok thơ mộng hiện ra, được bao quanh bởi những ngôi chùa vàng nằm cao trên các đỉnh núi xanh mướt ở quanh đó.
Cổng chào cho du khách biết rằng họ đã tới Mogok, mảnh đất của đá ruby.
Cổng chào cho du khách biết rằng họ đã tới Mogok, mảnh đất của đá ruby.

Khung cảnh sương khói thường xuyên tràn ngập trong thung lũng là một trong những lý do khiến Mogok có vẻ bí ẩn, gây sốc cho lữ khách. Nhà truyền giáo Giuseppe di Amato, người Châu Âu đầu tiên sống ở đây từ năm 1784 cho tới khi qua đời, đã từng viết: “Thung lũng được vây quanh bởi 9 ngọn núi, với bầu không khí linh thiêng bao phủ. Mảnh đất này thực sự rất giàu tài nguyên khoáng sản”.

Quả thực, cấu tạo địa chất khiến đất ở Mogok đầy các loại đá quý, từ ngọc bích, saphia, thạch anh tím cho tới kim cương. Nhưng sản vật quý nhất của nơi đây là các viên ruby.
Với độ cứng lên tới 9 điểm trên thang Mohs, chỉ sau có kim cương, ruby rõ ràng đã sở hữu một yêu cầu chủ chốt của đá quý là độ bền bỉ. Tuy nhiên vẻ đẹp tuyệt mỹ của chúng mới là thứ hút hồn các nhà sưu tầm lớn nhất lịch sử, từ các vị đế vương cho tới những người sành sỏi đá quý của thời hiện đại. Các loại ruby Myanmar chưa qua xử lý nhiệt, với màu tự nhiên đỏ như máu chim bồ câu, được săn lùng còn nhiều hơn cả kim cương.
“Nếu anh nói với tôi rằng “Rahul, tìm cho tôi 1 viên kim cương hoàn hảo nặng 10 carat” thì tôi có thể mang tới 6 viên cho anh, chỉ trong 48 giờ”, Rahul Kadakia, một quan chức tại bộ phận kinh doanh nữ trang của nhà đấu giá Christie’s chia sẻ với phóng viên New York Times. “Nhưng nếu anh nói rằng hãy tìm ngay một viên ruby Myanmar 10 carat, có thể tôi sẽ gọi anh sau 6 tháng, hoặc chẳng bao giờ gọi cả”.
Trong khi ruby được khai thác ở nhiều nơi như tại Afghanistan, Ấn Độ và Tajikistan, những viên đá được lấy lên từ thung thũng Mogok - giống như đá sapphire từ vùng Kashmir và ngọc bích ở Colombia - chứa đựng giá trị thẩm mỹ, văn hóa và lịch sử cao nhất.
“Mua một viên ruby Mogok cũng như mua được một bức tranh của nghệ sĩ nổi tiếng vậy”, Richard Hughes, tác giả cuốn sách về đá quý trứ danh mang tên “Ruby & Sapphire: A Collector’s Guide,” chia sẻ.
Với những viên ruby tới từ Mogok, giá trị nhất là các viên có màu đỏ của huyết bồ câu. Màu này được tạo thành nhờ đặc tính của chất chromium. Nhưng thứ khiến ruby ở Mogok khác biệt so với các vùng khác trên thế giới là do bên trong chúng có chứa ít chất sắt. Khoáng sắt làm đá ruby thẫm màu và giảm mạnh giá trị của nó, theo nhận xét của Shane McClure, giám đốc dịch vụ giám định đá quý ở Viện nghiên cứu khoáng vật Mỹ ở California.
Ruby từ Myanmar còn có một đặc điểm khác biệt nữa. “Nếu anh chiếu một luồng sáng mạnh vào, chúng sẽ hiện ra màu đỏ trên thân và sắc đỏ bao quanh, qua đó làm tăng màu đỏ rực rỡ của viên đá”, Hughes nói.
Thợ khai thác ruby.
Thợ khai thác ruby.

Trong cuốn sách tham khảo về đá quý “The Curious Lore of Precious Stones” viết năm 1913, nhà khoáng vật học lừng danh George Frederick Kunz có viết về một niềm tin cổ xưa, cho rằng có một ngọn lửa bùng cháy và không thể dập tắt nằm trong đá ruby. “Truyền thuyết nói rằng nếu ném xuống nước, ruby sẽ truyền nhiệt của nó và làm nước sôi lên sùng sục”, ông viết.

Ngày hôm nay ruby Myanmar đã trở nên đặc biệt hiếm và vì thế càng có giá. Những viên đá cỡ lớn từ Mogok gần như đã không thể tìm thấy trên thị trường nữa. Và mỗi khi xuất hiện trên sàn đấu giá, chúng thường mang về cho chủ nhân những khoản tiền khổng lồ. Đơn cử như viên ruby Graff nặng 8,62-carat, khi được nhà đấu giá Sotheby đưa lên sàn vào năm 2014, đã mang về số tiền hơn 8,6 triệu USD và lập kỷ lục vào thời điểm ấy.
Còn trong tháng 5.2015, người ta lại nhắc tới Mogok khi viên ruby quý có màu đỏ như máu chim bồ câu mang tên Sunrise, với trọng lượng 25,59 carat, được bán với giá kỷ lục 30,33 triệu USD. Như thế, mỗi carat (0,2gram) ruby đã có giá hơn 1 triệu USD.
Mơ ước đổi đời khó thành hiện thực
Do ruby có giá trị cao như vậy nên người ta đã tìm cách thu lấy khoáng vật quý này từ rất sớm. Khi biến Myanmar thành thuộc địa vào thế kỷ 19, người Anh đã nhanh chóng tìm tới Mogok và tiến hành khai thác ở nơi này cho tới tận năm 1931. Chính quyền quân sự Myanmar sau này cũng dựa vào nguồn ruby để có tiền hoạt động.
Từ giữa những năm 1990, Myanmar đã cho phép các công ty tư nhân tham gia khai thác ruby. Các doanh nghiệp này mang theo máy móc hạng nặng, công nghệ đời mới và đã cải thiện đáng kể sản lượng khai thác. Tháng 10.2016 vừa qua, mối quan tâm tới ruby Myanmar lại tăng mạnh sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập loại đá quý này để ghi nhận sự dịch chuyển của Myanmar theo hướng dân chủ dưới thời chính quyền mới của bà Aung San Suu Kyi.
Lệnh này được Mỹ ban hành hồi năm 2003, cấm nhập toàn bộ các loại đá quý xuất đi từ Myamar, nhằm cắt đứt nguồn tiền của chính quyền quân sự khi đó. Nhưng theo các chuyên gia, ngay cả khi lệnh cấm bị gỡ bỏ, dân bản địa cũng không được hưởng lợi nhiều.
Ngành khai thác ruby hiện được cho là nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn đá quý Myanmar (MGE), một công ty nhà nước do các cựu quân nhân điều hành, mới được đưa ra khỏi danh sách cấm vận của Mỹ hồi tháng 5 năm ngoái. MGE vừa đầu tư vào nhiều mỏ đá quý, vừa quản lý chúng nên về cơ bản đã nắm rất chắc lĩnh vực sinh lời cực lớn này.
Nhưng các chuyên gia tin rằng phần lớn quyền quản lý thực sự nằm trong tay Tập đoàn kinh tế Myanmar (MEC), một công ty của quân đội. Nghiên cứu do Sáng kiến minh bạch trong cách ngành công nghiệp khai thác (EITI) cho biết MEC có những dự án liên doanh tại khoảng 100 mỏ ruby ở Mogok và ở những khu vực nhiều ruby khác trong bang Shan. Tổ chức giám sát NRGI thậm chí tuyên bố các công ty có liên quan tới quân đội như MEC “thực sự đã thống trị thị trường đá quý”.
Ngoài ra còn phải kể tới việc rất nhiều công ty tư nhân ở Mogok hiện nằm dưới sự điều hành của người Thái Lan và người Trung Quốc. Họ dùng các công ty bình phong để lách luật Myanmar, vốn cấm người nước ngoài điều hành các mỏ khoáng ở nước này.
Các viên ruby có giá trị lớn nhất thu lấy từ quá trình khai thác thường sẽ được buôn lậu dọc qua khu vực biên giới phía Đông Myanmar sang Bangkok (Thái Lan) hoặc Hong Kong. Ở những nơi này chúng được đánh bóng và biến thành nữ trang giá trị cao. Những viên có giá trị thấp hơn sẽ ở lại, xuất hiện trong các giao dịch tại khu chợ chuyên buôn bán đá quý của Mogok.
Chợ buôn bán ruby ở Mogok.
Chợ buôn bán ruby ở Mogok.
Chợ buôn bán ruby ở Mogok.
Chợ buôn bán ruby ở Mogok.

Tại Mandalay, nhiều thương gia đang kỳ vọng du khách Mỹ sẽ đổ tới đây mua hàng, khiến giá đá quý tăng lên. “Giá ruby sẽ tăng trong 3 hoặc 6 tháng tới”, Khine Khine Oo phỏng đoán tại quầy hàng của cô nằm trong chợ đá quý của thành phố. “Chúng tôi ước tính giá có thể tăng tới 50% hoặc ít nhất là 1/3,” cô nói, cho biết thêm rằng các chủ cửa hàng đều đang tích trữ những viên ruby đẹp nhất.

Về phần mình, các công ty Mỹ cũng bắt đầu đánh hơi. Nhiều tuần sau khi việc dỡ bỏ lệnh cấm ruby được loan báo, Hiệp hội buôn bán đá quý Mỹ đã gửi một phái đoàn tới Mogok và tiến hành đàm phán. Giám đốc điều hành Hiệp hội, ông Douglas Hucker, tuyên bố các doanh nghiệp Mỹ sẽ còn trở lại để làm ăn.
Trong viễn cảnh xán lạn quanh đá ruby, người dân địa phương gần như chẳng thu được lợi ích gì lớn. Và bất chấp việc máy móc hạng nặng đã được đưa vào cuộc, việc khai thác món đá quý này vẫn phải dùng tới rất nhiều sức người. Thực tế thì đại đa số dân Mogok, tính tới năm 2014 là 166.000 người, sống dựa vào ruby và các công việc có liên quan tới những viên đá màu đỏ máu này.
Cần biết rằng khai thác ruby là công việc hết sức nặng nhọc. Hoạt động khai thác hiện diễn ra chủ yếu tại các mỏ lộ thiên. Người ta sẽ dùng vòi nước áp lực cao xói vào thành mỏ, đôi khi tới 4 vòi một lần. Nước sẽ khiến đất rơi khỏi vách mỏ xuống một một hệ thống thiết bị đãi, nơi những thứ có kích cỡ lớn sẽ mắc lại còn đất mịn thì trôi đi. Thợ khai thác ruby sẽ chọn lọc thủ công và lựa ra các viên đá quý từ những thứ mắc lại.
Kywa, một thợ mỏ có 4 con chia sẻ: “Tôi làm việc tại một mỏ ruby lớn và điều kiện ở đó khá tệ. Do làm việc cùng nước gần như mỗi ngày nên da của tôi thường chuyển màu xám và bong ra từng mảng. Nước rất bẩn nên nhiều người đã mắc bệnh ngoài da khá nặng. Vào mùa mưa, không ít người còn bị viêm phổi”.
Đó là chưa kể tới những vụ lở đất, vốn xảy ra như cơm bữa và có thể đe dọa tính mạng của thợ mỏ. Nhưng bất chấp những điều đó, rất ít người muốn bỏ cuộc. Ảo vọng trở nên giàu có mà những viên ruby tạo ra quá mạnh, khiến người ta khó cưỡng lại hấp lực của chúng.
Những thợ mỏ như Aye Min Htun vẫn đều đặn cầu cúng, mong chờ ngày nào đó sẽ tìm được một viên ruby hoàn hảo. Thu nhập trung bình mỗi tháng của Aye Min Htun hiện chỉ chưa đầy 200 USD. Nhưng nếu tìm thấy một viên ruby giá trị, cuộc đời anh sẽ thay đổi mãi mãi. “Ước mơ của tôi là lập một doanh nghiệp làm ăn nếu thành công trong việc đào ruby”, chàng trai 19 tuổi này nói với AFP trong chuyến viếng thăm hiếm hoi gần đây của các phóng viên tới các mỏ đá quý ở Mogok. “Tôi tin vào các hồn ma... Tôi cầu xin họ mang tới cho tôi một viên đá thật to, với chất lượng thật tốt”.
Hương Giang (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.