Giảm lãnh đạo phải mạnh tay cắt “ghế”!

MINH THÀNH |

Một trong những nguyên nhân khiến bộ máy cồng kềnh là bệnh thừa lãnh đạo. Vậy cần những liều thuốc nào để giảm lãnh đạo, tinh gọn bộ máy và tránh chồng chéo?

Theo báo cáo Giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” thì số lượng lãnh đạo từ cấp phòng ban cấp tỉnh lên tới Trung ương trên 13.000 người. Trong đó, lãnh đạo phòng từ cấp sở tới thứ trưởng là khoảng… 6.500 người!  

Bắt bệnh: Nhìn từ y tế và du lịch

Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, trong 5 năm từ 2011-2016 thì số lượng các cục, vụ tăng chóng mặt như các cục thuộc bộ tăng 29 cục, đồng thời bộ máy hành chính cấp tỉnh, huyện cũng tăng đột biến về số lượng. Từ số lượng tăng bộ máy kéo theo việc gia tăng lãnh đạo.

Minh họa của MAI SƠN
Minh họa của Mai Sơn.

Tăng số lượng lãnh đạo, có thể nhìn thấy ngay từ việc thành lập… sở mới. Theo Tổng cục Du lịch, tính từ 2015 đến nay đã có 11 sở được tách sở Du lịch là Hà Nội; TPHCM; Đà Nẵng; Quảng Ninh; Hải Phòng; Thừa thiên Huế; Khánh Hòa; Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Định, mới nhất là Nghệ An được tách Sở Du lịch từ Sở VH-TT-DL trước đó. Bên cạnh đó An Giang và Lào Cai cũng “nhấp nhổm” xin có sở du lịch riêng.

Tất nhiên, ở một số địa phương có tiềm năng, thì việc tách sở du lịch cũng nhằm tạo tiền đề để quản lý và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là việc các sở được tách ra vẫn chưa để lại những dấu ấn đậm nét, thay đổi hẳn khi so với hồi “chung nhà” với thể thao-văn hóa.

Thậm chí có những vấn đề mới nảy sinh từ việc các địa phương buông lỏng quản lý trong lĩnh vực, cụ thể tình trạng khách du lịch Trung Quốc, những tour 0 đồng, những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc, những phố Trung Quốc nhan nhản ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng; vấn nạn “bỏ rơi”, móc túi, chặt chém khách du lịch không thiếu ở Thừa Thiên - Huế, TPHCM…

Hoặc ngay như nơi tách sở đầu tiên là TPHCM thì vai trò của sở cũng không nổi bật so với trước kia. Chẳng hạn cho đến nay Sở Du lịch TPHCM vẫn chưa có web riêng mà vẫn “ăn nhờ ở đậu” web chung của TPHCM ở trang http://sodulich.hochiminhcity.gov.vn.

Dấu ấn mới nhất của Sở Du lịch TPHCM là chuyện xấu hổ khi đề xuất “thu phí khách qua đêm ở TPHCM” khiến nhân dân bức xúc và UBND TP phải tuýt còi thu hồi. Nghĩa là bình mới nhưng rượu vẫn cũ nhưng có thêm 11 Sở Du lịch là thêm bộ máy với 1 giám đốc, 3-4 phó giám đốc cùng các phòng, ban…

Thế nên một nhà báo đã viết rằng: “Một trong những điều khiến tôi cảm thấy hối hận nhất trong vài ba năm gần đây trong nghề viết báo là từng công khai ủng hộ việc tách sở du lịch. Tách ra để làm gì khi hiệu quả không tích cực hơn, mà còn khiến cho ngân sách thâm thủng thêm khi bộ máy nhân sự ngày càng đông để đầy đủ ban bệ trong một sở?

Bây giờ là câu chuyện y tế. Cùng với du lịch thì y tế cũng nhiều lần phải “khắc nhập- khắc xuất”. Cuối năm 2015, Bộ Y tế ban hành thông tư 51 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố và Phòng Y tế thuộc UBND quận, huyện, thị xã… Theo đó, cơ cấu bộ máy Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ được không quá 7 phòng, ban tham mưu.

Riêng các cơ quan trực thuộc Sở Y tế chỉ còn Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị sự nghiệp công lập. Lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên ngành thực hiện mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh (trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng).

Các trung tâm chuyên khoa, trung tâm có giường bệnh chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc thành lập bệnh viện chuyên khoa khi có nhu cầu và có đủ điều kiện về nguồn lực.

Lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, gồm: Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện y dược cổ truyền tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ thành lập bệnh viện đa khoa ở tuyến huyện khi thực sự có nhu cầu, điều kiện và phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn là bệnh viện hạng 2 trở lên, do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các lĩnh vực kiểm nghiệm, pháp y, giám định y khoa… mỗi lĩnh vực chỉ có một trung tâm.

Đáng chú ý, sẽ sáp nhập các đơn vị tuyến quận, huyện thành trung tâm y tế quận, huyện; nhằm đảm bảo thống nhất điều hành trong việc phòng chống dịch bệnh và điều trị cho người dân đạt kết quả tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở, nguồn lực đầu tư tập trung…

Nghĩa là thay vì một bộ máy rắc rối, cồng kềnh nhiều lãnh đạo thì sẽ chỉ còn một trung tâm kiểm soát bệnh tật. Nói như ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế): “Việc sáp nhập các trung tâm, y tế cơ sở sẽ giúp tinh giảm rất nhiều về nhân lực. Điển hình như riêng đội ngũ giám đốc các trung tâm sẽ giảm từ 5-12 người xuống còn một giám đốc duy nhất. Như vậy, tính chung trên toàn quốc sẽ giảm hàng trăm xe công phục vụ riêng các giám đốc; giảm xây dựng mới hàng trăm trụ sở công”.

Nếu thực hiện tốt việc này, bình quân mỗi tỉnh sẽ dư thừa năm giám đốc và khoảng 15-16 phó giám đốc. Như vậy, tính trên cả nước sẽ thừa khoảng 1.200 lãnh đạo, chưa kể hàng nghìn viên chức thuộc các bộ phận khác như hành chính, kế toán, lái xe…

Rõ ràng y tế đã “bắt đúng bệnh” thừa lãnh đạo nhưng để giải quyết 1.200 lãnh đạo dư thừa kia cũng cần phải xử kiên quyết và dũng cảm cần thiết.

Giảm lãnh đạo, phải “mạnh tay” cắt ghế

Ngày 25.1.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 10.3.2016) quy định số lượng phó chủ tịch UBND đối với các địa phương. Theo đó, các thành phố nông thôn không được quá 4 PCT UBND (tỉnh loại 1) và không quá 3 PCT UBND (tỉnh loại 2, 3). Riêng Hà Nội và TPHCM không quá 5 phó chủ tịch UBND.

Thế nhưng, dù đã có Nghị định nhưng việc thực thi lại là chuyện khác. Ngay ở Hà Nội, dù Nghị định 08 quy định chỉ tối đa 5 PCT nhưng hiện nay Hà Nội có tới 6 PCT.

Tình trạng dư lãnh đạo, thừa cấp phó là khá phổ biến. Cũng tại Hà Nội, theo phản ánh của báo chí vào tháng 6.2017 thì Sở Nội vụ có tới… 8 phó giám đốc. Khi được hỏi thì Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nội giải thích: Lẽ ra chỉ có 4 theo quy quy định nhưng có hai đồng chí không đủ tuổi tái cử được điều động về sở làm phó giám đốc cho đến tuổi nghỉ hưu. Hai người còn lại là Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng và Trưởng ban Tôn giáo - hàm Phó Giám đốc! Ngay một sở có chức năng rà soát đội ngũ công chức, lãnh đạo mà dư tới… 100% thì nói được ai?

Báo cáo của Đoàn giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016” thì nhiều bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng cấp phó ở cơ quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, một số vụ, đơn vị thuộc bộ vẫn có số lượng cấp phó vượt quá quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó); Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có 12/20 vụ, đơn vị thuộc bộ có số lượng phó vụ trưởng vượt quá quy định …

Dư thừa thì phải cắt bỏ, hoặc tạm ngưng bổ nhiệm. Đây là phương thuốc tạm giải nhiệt cho căn bệnh thừa lãnh đạo. Tháng 2.2017, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thanh tra Chính phủ dừng bổ nhiệm lãnh đạo cấp phó phòng với các đơn vị đã đủ số lượng. Việc này xuất phát từ việc giai đoạn cuối nhiệm kỳ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã bổ nhiệm ồ ạt cán bộ trước khi về hưu.

Cụ thể, từ ngày 1.1.2015-30.6.2016, Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 48 trường hợp gồm 15 trường hợp cấp vụ và tương đương; 33 trường hợp cấp phòng.

Tháng 5.2017, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Văn bản số 700-CV/TU về việc tạm dừng bổ nhiệm cấp phó phòng và tương đương từ ngày 1.5.2017 để đảm bảo thực hiện các quy định của Trung ương về số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị.

Tương tự, ngày 15.9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường ký công văn yêu cầu: Tạm dừng bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng phòng đối với phòng có từ 5-10 biên chế đã có 1 Phó Trưởng phòng và phòng từ 10 biên chế đã có 2 phó trưởng phòng, cho đến khi T.Ư có quy định mới. Mục tiêu, nhằm tránh tình trạng số lượng Phó Trưởng phòng vượt quá quy định, gây khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí giảm số lượng cấp phó trong thời gian tới.

Để giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy, không còn cách nào khác là phải giảm số lượng lãnh đạo, bỏ những cái ghế dư thừa, không hiệu quả. Làm được điều đó thì “căn bệnh” thừa lãnh đạo sẽ được giải quyết.

Hợp nhất nhiều sở

Bộ Nội vụ đang dự thảo về việc hợp nhất một số sở. Theo đó, ngoài Hà Nội và TPHCM cần có những cơ chế riêng, còn lại Nghị định đưa ra phương án “sở cứng” là những sở tỉnh, thành nào cũng có, và “sở mềm”- tuỳ theo đặc thù từng địa phương để tổ chức. Các sở cứng gồm Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch -Tài chính (sáp nhập Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính), Công Thương, Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (sáp nhập Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng), Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND.

Các sở mềm gồm Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Du lịch.

Hợp nhất đoàn ĐBQH, HĐND và UBND

Theo báo VietnamNet, Chính phủ đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng (đoàn ĐBQH, HĐND và UBND) thành 1 văn phòng; Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan; văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.

MINH THÀNH
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.