Từ phóng viên “bụi” thành ông “hội đồng”

HUỲNH DŨNG NHÂN |

Giữa năm 1999, nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Tổng Thư ký Hội Nhà văn TPHCM - gọi điện cho tôi: “Này, Hội nhà văn đề cử mày tham gia Hội đồng Nhân dân TPHCM khoá VI. Mày làm lý lịch nộp cho người ta gấp”. Tôi lúc đó đang là phóng viên CQTT Báo Lao Động, nhưng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, nên mới có vụ đề cử này.

Từ phóng viên… “bụi”

Lúc đó tôi vừa được kết nạp Đảng, vẫn là phóng viên trơn chuyên viết phóng sự, đi như ngựa, suốt ngày lê la hàng quán vỉa hè với bạn bè, giờ bảo làm Đại biểu HĐND một thành phố lớn nhất nước với 8 triệu dân nghe khiếp quá. Thế nhưng tôi có nhược điểm là ít khi biết từ chối. Cứ nghĩ mình làm được gì có ích thì nên làm. Mà ba cái vụ hội hè này hình như cũng hợp với tôi. Thế là tôi nhận lời ra ứng cử. Xin ý kiến BBT thì BBT đồng ý.

Việc đầu tiên là về nơi công tác lấy phiếu tín nhiệm. Cơ quan thường trú Báo Lao Động lúc đó hơn 20 người thì  đa số đồng ý, có 2 phiếu không tán thành. Tôi biết lắm anh chị em ngạc nhiên và cười ngửa nghiêng nói vui: “Cái lão nghệ sĩ bụi đời này mà cũng vào Hội đồng nhân dân à?”. Nhưng anh em cũng biết tính tôi, bụi bụi nhưng làm gì chơi gì cũng hết mình. Tôi cũng thích có những thử thách cao hơn cho mình vượt qua chứ sống làng nhàng xong tắt ngấm cũng chán.

Rồi sau đó đưa phiếu tín nhiệm về nơi cư trú lấy ý kiến bà con khu phố. Lần này tôi đạt 100% phiếu, vì bà tổ trưởng là hàng xóm,  lại là vợ của một nhà báo  lão thành và cũng thích đọc phóng sự đường xa của tôi. Một anh trong tổ dân phố thì khen tôi hết lời vì đã viết bài góp phần dẹp được bãi đậu xe trái phép trong khu này, và lại còn ngoéo thêm một câu là “từ hồi anh Nhân viết phóng sự Con đường bia bọt thì con đường Thi Sách của chúng ta thêm... nổi tiếng”.

Thế là xong hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TPHCM. Bạn bè xa gần biết cái tin động trời này, buông một câu đầy thương cảm: “Chắc nhà báo ra ứng cử thì chỉ làm quân xanh thôi”. Tôi mặc kệ, trúng thì tốt, trượt cũng chả sao. Tiếp theo là công bố danh sách bầu cử. Tôi rơi vào đơn vị bầu cử quận 6, nơi rất đông bà con người Hoa và buôn bán nhỏ, địa bàn này ít ai đọc báo Lao Động nên cầm chắc không biết Huỳnh Dũng Nhân là ai... Có nghĩa là nguy cơ trượt rất cao.

Trong danh sách tổ ứng cử viên có anh Trần Hoàng Thám - bí thư quận 6, anh Nguyễn Huy Cận - Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, một vị Đại tá Quân khu 7 và một doanh nghiệp người Hoa. Chỉ có tôi trong phần lý lịch đề chức danh nghề nghiệp là: “Phóng viên Báo Lao Động”.

Thế nhưng trong những lần đi tiếp xúc cử tri, chính cái chức danh giản dị đến không thể giản dị hơn này đã là một lợi thế cho tôi. Bà con thấy tôi là nhà báo thì có vẻ ủng hộ lắm, bao nhiêu chuyện tắc cống ngập đường lấn chiếm đường sá đều đưa đơn cho tôi... viết bài. Nhận được ý kiến bà  con cử tri, tôi lao vào cuộc ngay. Tôi lấy xe máy đi lùng sục tất cả địa bàn quận 6 để gặp gỡ, phỏng vấn, viết bài, vụ nào tôi không rành thì nhờ các đồng nghiệp, trước hết là vì công việc của một nhà báo, sau đó mới là trách nhiệm của một ứng viên.

Một điều may mắn cho tôi là báo Lao Động phát hành rộng rãi trong các ban ngành và doanh nghiệp nên nhiều người biết, một số cô bác anh chị đã ủng hộ việc bỏ phiếu cho nhà báo ở Báo Lao Động. Ngày bầu cử tôi cũng cầm phiếu đi bầu và sau đó cũng đi các điểm bỏ phiếu để viết tin bài như các phóng viên. Thú thật là cái cảm giác vừa đi tác nghiệp vừa nhìn trộm cái ảnh và tiểu sử của chính mình trong danh sách bầu cử dán khắp nơi nó lạ lắm, cứ vui vui và lạ lẫm thế nào ấy.

Ngày hôm sau, tôi đang đi công tác ở Tây Ninh thì một anh bạn thạo tin gọi điện cho tôi báo tin “Huỳnh Dũng Nhân đắc cử rồi, cao phiếu luôn”. Tôi nhớ lúc đó tôi phải tắt máy xe đứng im ở ngã ba đường một lúc để tự trấn tĩnh lại. Thằng cha suốt ngày bị phê bình là sống bụi bặm quá, hồn nhiên quá, nghệ sĩ quá, bắt đầu từ giờ bắt đầu phải mặc áo tay dài đeo cà vạt đi họp HĐND hỏi có ai tin nổi không ...

… thành ông Hội đồng

  Từ hôm đó tôi đã trở thành đại biểu HĐND TPHCM với bảng số 21. 

Tôi nhớ mấy lần đầu dự các phiên họp HĐND, nhiều đại biểu quen biết đều bắt tay tôi và nói: “Chào phóng viên Báo Lao Động”. Nhưng chính một số nhà báo vào hội trường tác nghiệp thì lại kín đáo khều tôi: “Này chỗ ngồi của các nhà báo ở dãy ghế bên kia cơ mà”. Thì ra các nhà báo đó chưa biết tôi trúng cử đại biểu HĐND nên tưởng tôi ngồi... nhầm ghế. Cũng có vài nhà báo không vào hội trường được thì nháy mắt nhờ tôi làm “nội gián” lấy tài liệu hoặc chụp hình vị này vị nọ.

Khi ra giải lao, nhiều nhà báo chả biết phỏng vấn ai, cứ nhè tôi là người cùng phe báo chí mà phỏng vấn cho nhanh, nhất là khi gặp các vấn đề “nhạy cảm” mà nhiều đại biểu ngại trả lời báo chí. Có lần trong một phiên họp, có vị đại biểu nói hơi nặng lời về vai trò nhà báo, đại biểu Huỳnh Dũng Nhân bèn giơ tay và đứng lên phản bác. Lúc ra về gặp hai phóng viên truyền hình, các anh nói: “May mà lúc nãy anh có ý kiến nói lại, chứ bọn em đứng tác nghiệp mà nghe họ nói ngượng quá cứ phải quay mặt đi”.

Ai nói gì thì nói chứ tôi thấy làm nhà báo mà thêm cái vị trí Đại biểu HĐND rất có lợi trong nghề nghiệp, quen biết thêm các đầu mối, nắm thêm nhiều tình hình, được thêm cơ hội tiếp xúc các nhân vật... Có lần tôi cùng các đại biểu HĐND TPHCM đi làm việc với một trung tâm cai nghiện thuộc lực lượng TNXP ở Lâm Đồng. Đi về tôi viết phóng sự “Thế hệ thứ 5” nói về những nhiệm vụ mới giai đoạn sau này  của Thanh niên xung phong, trong đó có chi tiết “người dân còn kỳ thị xa lánh người cai nghiện, đến trứng gà của người cai nghiện bán dân cũng không dám mua”...

Sau khi báo Lao Động đăng, anh Trưởng đoàn đại biểu HĐND và anh phó giám đốc đơn vị TNXP gọi điện khen hay và nói: “Tưởng đi khảo sát thế thôi ai ngờ nhà báo  nắm nhiều chi tiết hay quá...”.

Trong thời gian làm đại biểu HĐND có một vụ phóng viên Dương Minh Đức (cơ quan thường trú báo Lao Động) viết  bài về nỗi oan của người dân ở quận 6 cho thuê nhà mà bị chiếm nhà luôn, tôi đã đưa vụ này ra trong một phiên họp HĐND và được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn các đơn vị  chức năng.

Sự kết hợp giữa nhiệm vụ báo chí và đại biểu HĐND trong nhiều trường hợp rất có hiệu quả tích cực, trong khi làm báo tôi có thêm sức mạnh của một đại biểu HĐND và trong khi làm đại biểu HĐND tôi có thêm nhiều thông tin và kỹ năng phản biện của một nhà báo. Nhưng cũng có những chuyện thế này: Khi Sở LĐTBXH TPHCM có một cuộc họp về vụ trốn trại của người cai nghiện, các nhà báo không được mời dự. Nhưng hôm sau duy nhất báo Lao Động đăng tin vụ trốn trại này. Nghe nói khi một đồng chí lãnh đạo thành phố truy vấn sao để lọt thông tin này cho báo chí biết thì một người trả lời: “Đâu có cho báo chí biết đâu, mà tại vì trong số đại biểu HĐND dự họp có một ông là... nhà báo!”

Khoá VI HĐND mà tôi là đại biểu đã kết thúc vào năm 2004. Dư chấn về nhà báo đại biểu HĐND cũng đủ thứ vui buồn. Nào là  Huỳnh Dũng Nhân là đại biểu từng rủ các đại biểu khác đi nhậu làm quen ngay sau buổi họp HĐND đầu tiên, nào là đại biểu sâu sát cơ sở... Có đại biểu cùng tổ thì nói: “Chúng tôi phải cảm ơn đại biểu Huỳnh Dũng Nhân Báo Lao Động vì nhiều cuộc đi cơ sở  chưa ai biết phải phát biểu gì thì anh ấy đã  lên tiếng trước xua tan không khí trầm lắng của cuộc họp”.

Mấy chị đại biểu  khác thì nói vui: “Mấy chị em tui thích nghe giọng ông Nhân phát biểu, nghe rất ấm áp”. Mấy anh khác thì khen: “Đại biểu Huỳnh Dũng Nhân phát biểu đúng mực, có lý có tình, có tính xây dựng” Giới báo chí theo dõi nghị trường thì xếp hạng: “đại biểu Huỳnh Dũng Nhân phát biểu nhiều thứ nhì trong mỗi cuộc họp”. (Sau đại biểu Đặng Văn Khoa).

Tôi tham gia hết nhiệm kỳ HĐND khoá VI rồi trở về công việc làm báo thường ngày của mình. Phải nói nhờ có thời gian làm “ông hội đồng” này mà tôi hiểu thêm về địa bàn tphcm, hiểu thêm về công việc của chính quyền cũng như trách nhiệm khó khăn của những người lãnh đạo và đại biểu của người dân. Và sau hết tôi vui vì đã là một nhà báo đầu tiên của Báo Lao Động tham gia vào HĐND TPHCM  và đã phấn đấu trở thành một “ông nghị” không chỉ biết giơ tay biểu quyết, nghiêm nghị bỏ phiếu. 

“Chúng tôi ngồi ở boong tàu, chiều mát, uống một tý rượu với cá khô chỉ vàng. Rồi thả vỏ chai rượu nút kín xuống biển, trong đó có đề tên tuổi của cả nhóm nhà báo đi thăm Trường Sa, có ai lượm được cũng vui. Cha ông ta xưa kia vẫn lãng mạn như vậy”.

Trích phóng sự NGOÀI ẤY LÀ TRƯỜNG SA của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

 


HUỲNH DŨNG NHÂN
TIN LIÊN QUAN

Huỳnh Dũng Nhân “kỷ niệm một lần được sống trên đời”

M.T |

Nhà báo, cây viết phóng sự nổi tiếng Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt tập thơ “Tự tình trên Facebook” (NXB Tổng hợp TPHCM). Làm thơ, trong đời sống dồn dập sự kiện và tất bật của người làm báo, với anh như tìm một chút riêng tư, một chút gì để tặng mọi người, kỷ niệm một lần được sống trên đời.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Huỳnh Dũng Nhân “kỷ niệm một lần được sống trên đời”

M.T |

Nhà báo, cây viết phóng sự nổi tiếng Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt tập thơ “Tự tình trên Facebook” (NXB Tổng hợp TPHCM). Làm thơ, trong đời sống dồn dập sự kiện và tất bật của người làm báo, với anh như tìm một chút riêng tư, một chút gì để tặng mọi người, kỷ niệm một lần được sống trên đời.