Những ngọn đèn bất diệt

P.V |

Đối với nhiều phóng viên của Lao Động, sản phẩm của họ không chỉ là những tác phẩm báo chí mà còn là những cuốn sách. Trong dòng chảy mải miết của thế giới thông tin, những cuốn sách như khiến người ta chậm lại, lặng nhìn cuộc sống và thưởng thức những con chữ.

Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ. Ngọn đèn ấy không chỉ soi rọi mà còn chỉ lối cho chúng ta đi…
Hãy nghe chính những tác giả - những nhà báo của Lao Động nói gì về những cuốn sách của mình.

Hoàng Văn Minh: Gieo những hạt mầm ước mơ


Ngày của nghề, nhắn tin chúc Mệ Quyền (nhà văn Vĩnh Quyền) bình an và vui. Mệ bảo “bình an thì khó vui lắm” rồi nhắc “Minh phải in một tập bút ký về miền Tây cuối Việt và làm bản thảo sớm đi để biết còn thiếu gì mà bổ sung trong những chuyến đi sắp tới”. Mệ luôn là vậy, thấy mặt nhau hoặc la rầy về chữ nghĩa, hoặc thúc giục đi, viết và in một cái gì đó cho riêng mình “bởi thời gian có hạn…”.

Hôm đó là một buổi trưa “Mệ nói Minh lên tầng 3” như những buổi trưa khác. Vừa đi vừa lo bởi trước đó vừa gửi một phóng sự nhân vật ở Huế. Nhưng lần này đón tôi là một nụ cười rất trìu mến. “Lâu lắm mới đọc được cái phóng sự hay của Minh và đặc biệt gần như không có lỗi nào cả”. Mệ còn mời trà trang trọng như khách, tôi nghe trong lòng sướng rêm. Một lát Mệ nói “Minh nên chú tâm vào những đề tài nhân vật như thế này để mai mốt tập hợp lại in một cuốn sách”.

Tôi không tin vào tai mình bởi tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể in được một cuốn sách và chưa bao giờ dám ước mơ in sách dù những đàn anh trong văn phòng như Trần Đăng, Nguyễn Quang Vinh, Lâm Chí Công… cứ một, hai năm là sòn sòn một cuốn từ thơ đến bút ký, chuyện dọc đường như thể gà đẻ trứng. “Con làm được không?” rồi Mệ nói: “Minh hãy coi việc in sách như một kỷ niệm nghề chứ đừng nghĩ là chuyện gì đó nghiêm trọng và sẽ trở thành ai đó lớn lao”.   

Rồi cũng đến ngày tôi có cảm giác ngủ mơ khi cầm trên tay cuốn sách đầu tiên của mình với sự trợ giúp của rất nhiều người thương. Và Mệ Quyền chính là người chăm chút cho cuốn sách của tôi từ việc sắp xếp, biên tập bản thảo, lên ý tưởng bìa, viết bạt… Đến giờ tôi đã “lận lưng” được 3 đầu sách cho riêng mình. Nhưng hạt mầm ước mơ mà Mệ Quyền gieo trong tôi ngày nào giờ vẫn đang lớn, đang sinh sôi với 3 cuốn nữa đang hoàn tất bản thảo và chắc chắn việc in những cuốn sách của tôi sẽ không dừng lại ở con số 6. Giờ lại thấy đúng là để in một cuốn sách thì không có gì nghiêm trọng và lớn lao cả. Chuyện “nghiêm trọng” và “lớn lao” là tôi đã có những năm tháng được một “người thợ cả” - người thầy hay gõ đầu mắng ngu và biết gieo mầm ước mơ cũng như truyền cảm hứng bất tận cho nghề viết.

Tất nhiên “nếu muốn, mình có thể bay” không chỉ là lời động viên cho những cuốn sách và nghề báo…   

Đỗ Doãn Hoàng: Tôi và 22 “mảnh vỡ hoài niệm”


Hơn 20 năm qua, tôi cứ lặng lẽ viết, chân thật đến đáy cùng với nghề và nghiệp viết. Có lúc ồn ào đăng đàn diễn thuyết, nhận các giải thưởng và tuyên bố nọ kia. Có lúc thấy mình như thế không nên. Lại âm thầm viết như hơi thở, như cơm ăn nước uống hằng ngày mà cả năm ròng không một lần ký tên thật của mình trên mặt báo. Dần dà, nghề đã không phụ người. Viết báo, viết sách giúp tôi ngộ ra được vài chân lý giản dị và khiêm cung của Đời, của chữ nghĩa. Hiếm nghề nào cô đơn như nghề của những người viết thật sự. Cái tình thương “cùng hội cùng thuyền” của những người cầm bút chân chính trước “pháp trường trắng” (trang giấy trắng hoặc trang word mới của máy tính) nó da diết và riêng có lắm.


Từ sự bắt đầu thấm thía đó, tôi ngày càng dành nhiều tình yêu thêm cho những mảnh vỡ tâm hồn đầy hoài niệm của mình đã phơi bày trên mặt báo, mặt sách. Văn mình vợ người, không ai dám chắc mình có đang ngày càng viết dài, viết dai và viết dở không. Nhưng, nghĩ, nếu mình không trân trọng chữ của chính mình và nghề của chính mình đã một lòng đeo đẳng, thì đừng có mong người khác trân trọng nó. Đó là lý do tôi luôn muốn để lại những bài báo, những phóng sự ghi chép công phu tâm huyết nhất của mình trong trang sách. 22 cuốn sách đã xuất bản, gồm truyện vừa, truyện ngắn, tạp văn; phóng sự, điều tra, ghi chép, ký chân dung. 

Tôi thường nung nấu các chủ đề rất nhiều năm, trước khi viết thành seri bài báo hay in thành sách. Có khi là cuốn sách về “Trong thế giới người điên”, có khi là cuộc sống đẹp và bao điều trăn trở ở vùng cao vùng thiểu số mến thương “Ký sự đồng rừng”. Có khi là cuộc sống tận khổ và lãng mạn của những bệnh nhân phong cùi (hủi): “Nến cong và lửa thẳng”. Nhiều khi là sự oan trái, bất công và nỗi đau nhức buốt của các phận người chết cả “chùm” một vài trăm người trong thảm sát hoặc thảm họa thiên nhiên: “Những thân người cứ mang hình dấu hỏi”.

Có lúc, lại vén bức màn bí mật, xâm nhập nghề cổ xưa nhất và cũng nhiều điều tiếng nhất địa cầu (mãi dâm): “Săn ca ve”. Sau này, tôi làm sách theo chủ đề, sách là nguồn cảm hứng để tôi nhìn lại từng chặng đường theo nghiệp viết của mình, cũng là ngọn lửa để nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi trong những lúc mình như cái đồng hồ không được lên dây cót. Chủ đề khám phá thế giới, tôi và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân viết: “Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng”; sách xê dịch lãng du “Dưới gầm trời lưu lạc”, “Nhìn ngược từ nóc nhà Đông Dương”. Viết về những người đã gắn bó, dạy dỗ, tri kỷ và ảnh hưởng đến con người và ngòi bút của mình nhiều nhất, tôi cho in “Họ vẫn sống trong tôi”.

Tôi đang hướng đến nhiều với các seri bài, các tuyến điều tra về các chủ đề mang tính nhân loại nhất, như bảo vệ môi trường, chống tham nhũng tiêu cực, “đứng về phe nước mắt” với lớp người tận khổ, lao vào các điểm nóng vì cộng đồng như một thiên chức của người cầm bút: “Người đàn bà tử tế”, “Bức tường lửa lặng lẽ”, “Tôi thật thà với chính tôi”; “Cánh chim rừng không mỏi” rồi tiến tới “Trong ánh sáng thiên đường của các loài hoang thú”…

Yêu báo, yêu sách, yêu chữ nghĩa, đến một ngày,  tình cảm, sự quan tâm tri kỷ của tôi với  những người “cùng hội cùng thuyền” dường như đã được không ít đồng nghiệp thấu hiểu. Nhiều đại lão nhà văn nhà báo đã ưu ái viết về tôi, in thành sách, trong khi, đến giờ phút này, tôi chưa một lần được vinh dự gặp mặt họ đến một lần. Nhiều năm qua, tôi có một cái nghề tay trái, ấy là viết lời tựa, viết giới thiệu cho rất rất nhiều các ngòi bút mới hoặc các cuốn bản thảo mới để in thành sách.

Đây cũng là một công việc nhiều bổ ích, thú vị. Chỉ người cùng cảnh ngộ, cùng mê mải trên một con thuyền chữ nghĩa thì mới đủ hiểu, đủ trân trọng và thương yêu nhau đến điều cho được. Đến mức sau này già, tôi đã nghĩ mình phải tập hợp những trăn trở đó lại để in cuốn sách nữa: “Tôi viết về bạn bè tôi” hoặc loại sách vừa làm vừa viết hồi ký (đã bắt đầu viết từ 10 năm trước): “Nghề báo, trong mắt tôi và trong mắt tôi”…

Trần Việt Văn: Quay mặt vào tường


10 năm làm báo, năm 2005,  tôi mới dám ra cuốn sách đầu tiên, vì tôi luôn sợ sự nghiệt ngã của thời gian. Nhưng tôi lại được khích lệ bởi suy nghĩ: Một cái cây còn có thể ngắm bốn mùa, huống hồ là con người.


Với tôi là gặp được những người hay và lắng nghe họ nói. Có người hay một lần, có người hay nhiều lần, nhưng điều chủ yếu là họ yêu cuộc sống mãnh liệt. Ngày xưa mỗi lần đi học không thuộc bài, thầy cô lại bắt quay mặt vào tường. Đôi khi tôi cũng quay mặt vào tường để nghĩ về những con người đã gặp... Được, mất và cả những tiếc nuối.

Vì thế, tên cuốn sách đầu tiên đáng ra phải là “Quay mặt vào tường”. Nhưng rồi để nó dịu dàng và bớt... hình sự hơn, cái tên “Những cuộc gặp chiều thứ bảy” xuất hiện. Cuốn sách là tập hợp các cuộc phỏng vấn và bài viết về các nhân vật nổi tiếng, như phóng viên chiến trường Laurent Boussie (Pháp), GS Văn Như Cương, nhà thơ Tế Hanh, Thượng tọa Thích Minh Hiền, nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà nhiếp ảnh Lâm Đức Hiền…

Cứ thế, cuốn thứ hai về những vấn đề của nhiếp ảnh VN, sự tồn tại và hướng phát triển. “Nghệ  thuật nhiếp ảnh Việt Nam: Khám phá và hội nhập” đã mang lại cho tôi giải C xuất sắc quốc gia về công trình lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. 

Cuốn thứ ba là sách ảnh “Đạo và Đời” khổ lớn (25x30cm) được Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại VN (EU) tài trợ và đưa vào chương trình giới thiệu trong Tháng Châu Âu tại VN. Cuốn thứ tư “Tự nói để trốn cô đơn” không chỉ tiếp theo dòng chảy cuốn đầu, là những cuộc gặp gỡ nhân vật.

Và cuốn mới nhất năm 2017 là sách ảnh “Mẹ tôi” kết hợp ảnh và viết về hành trình vượt khó, chiến thắng bệnh tật của mẹ tôi - PGS - TS Lê Thị Đức Hạnh năm nay đã 84 tuổi nhưng luôn tràn đầy khát vọng sống và luôn muốn đóng góp cho cuộc đời.


“Đã lâu quá rồi mình mới lại đọc được một cuốn phóng sự của một tác giả vừa quen lại vừa lạ. Quen vì chẳng mấy tuần mình không phải nghe chuyện về anh dưới dạng “kết tội” kiểu ba thực, bảy hư, có khi thêu dệt bịa tạc về anh. Còn lạ thì đúng là biết anh từ khi mình mới tập tọe vào nghề, nhưng chẳng đọc anh bao giờ cả, hôm nay mới vớ được cuốn “Khóc ở thiên đường” trong một sự tình cờ, mình đọc ngấu nghiến như chạm phải mạch. Văn của anh không phải là người buôn chữ, nhưng cách viết của anh nó thuần khiết, thông tin đầy đủ nhẹ nhàng nhưng vô cùng tinh tế.

Cách anh dẫn người đọc đi theo câu chuyện của mình nó thực đến mộc mạc, nhưng không khô cứng. Khi anh triển khai đề tài không thấy đao to búa lớn, cũng không lên gân dọa dậm, mà nó cứ mềm mại như một sợi nước có khi sắc lẹm, có khi lại tí tách li ti. Nhưng kết quả đều đạt được đến một cao trào là bắt người đọc trăn trở, phải suy nghĩ về những điều anh đã nêu, đọc anh rồi mình mới hiểu có một Trịnh công tử rất vị tha. Mình được thấy lại, một dòng phóng sự mỗi bài viết là một thông điệp, là một câu chuyện, cách viết dân Bắc theo đuổi bấy lâu. Cám ơn anh Trịnh Xuân Quang, đã nhắc lại cho mình những điều bấy lâu nay bị bỏ quên, khi thưởng lãm “Khóc ở thiên đường” chắc là mình sẽ lại cố gắng như những gì vốn có”.

(Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng viết về cuốn sách “Khóc ở thiên đường” của Trịnh Xuân Quang)
P.V
TIN LIÊN QUAN

Văn hóa Sài Gòn qua góc nhìn của hai nhà báo

M.T |

Sâu lắng, giàu cảm xúc và nhiều tiếng cười là ấn tượng để lại sau chương trình giao lưu với hai nhà báo kỳ cựu: Nhà báo Ngữ Yên và nhà báo Trương Gia Hòa, tác giả của những đầu sách đang được bạn đọc yêu thích đón nhận: "Sài Gòn chở cơm đi ăn phở", "Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê" và "Đêm nay con có mơ không?".

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Người truyền cảm hứng

Nhà văn An Hạ |

Năm 2017, nhà báo Trương Anh Ngọc ra mắt cuốn sách thứ ba “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”. Sự đón chờ và yêu mến của độc giả đã khẳng định sự vững chắc của anh trong một vị thế mới: Một nhân vật truyền cảm hứng. Không chỉ ghi dấu ấn với vai trò bình luận viên bóng đá, một nhà báo với những trang viết đầy tinh tế theo lối sắc sảo nhưng chan chứa xúc cảm, mà khi theo dõi Anh Ngọc trên chiều dài đời sống, qua trang mạng xã hội cá nhân, hay trong chiều rộng tâm hồn, qua những trang sách, ta lại bắt gặp một chân dung khác, chân dung của một nhà báo có tư tưởng của một triết gia với những niềm riêng đau đáu với xã hội, cuộc đời.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Văn hóa Sài Gòn qua góc nhìn của hai nhà báo

M.T |

Sâu lắng, giàu cảm xúc và nhiều tiếng cười là ấn tượng để lại sau chương trình giao lưu với hai nhà báo kỳ cựu: Nhà báo Ngữ Yên và nhà báo Trương Gia Hòa, tác giả của những đầu sách đang được bạn đọc yêu thích đón nhận: "Sài Gòn chở cơm đi ăn phở", "Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê" và "Đêm nay con có mơ không?".

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Người truyền cảm hứng

Nhà văn An Hạ |

Năm 2017, nhà báo Trương Anh Ngọc ra mắt cuốn sách thứ ba “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”. Sự đón chờ và yêu mến của độc giả đã khẳng định sự vững chắc của anh trong một vị thế mới: Một nhân vật truyền cảm hứng. Không chỉ ghi dấu ấn với vai trò bình luận viên bóng đá, một nhà báo với những trang viết đầy tinh tế theo lối sắc sảo nhưng chan chứa xúc cảm, mà khi theo dõi Anh Ngọc trên chiều dài đời sống, qua trang mạng xã hội cá nhân, hay trong chiều rộng tâm hồn, qua những trang sách, ta lại bắt gặp một chân dung khác, chân dung của một nhà báo có tư tưởng của một triết gia với những niềm riêng đau đáu với xã hội, cuộc đời.