Những người lính Hà Nội cảm tử qua hồi ức một cựu chiến binh

Hồ Đại Đồng |

Báo Lao Động nhận được bài viết của một cựu chiến binh - ông Hồ Đại Đồng, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 “lính mũ sắt”, chủ yếu là những người con Hà Nội, tham gia đánh trận Chư Tan Kra ác liệt và thương vong bậc nhất ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhiều năm nay, ông Đồng cùng các CCB khác vẫn miệt mài đi tìm hài cốt những người đã hy sinh, và vài năm gần đây có thêm các CCB Mỹ từng tham chiến ở chiến trường này, từng là kẻ thù của nhau, giờ tham gia cùng tìm hài cốt bộ đội Việt Nam. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27.7, chúng tôi xin giới bài viết đầy ắp tư liệu và ý nghĩa của ông Hồ Đại Đồng.

Ứa nước mắt bên ngôi mộ tập thể thứ hai

7h sáng 26.3.1968, bên trong căn cứ Mỹ FSB14 rộ lên những loạt đạn bộ binh cuối cùng. Mặt trời lên cao, từ trận địa cối 82mm đặt ở chốt C3 nhìn sang căn cứ Mỹ ở khoảng cách 900m, tôi và các pháo thủ đại đội 5 tiểu đoàn 7 thấy khói lửa trên trận địa vẫn cuộn lên, từ trung tâm đến Yên Ngựa phía tây, căn cứ Mỹ tan hoang, xác người chồng chất. Hướng bên trái, trực thăng HU1 lên xuống không ngớt. Bộ binh Mỹ nống ra phía bắc chỉ còn cách hầm cảnh giới của tiểu đội phó Thành "già" bốn năm chục mét. Đại đội trưởng Khải lệnh cho pháo rút. Ngược chiều các pháo thủ, một đại đội của trung đoàn 66 đang nhanh chóng vận động vào…

Gần 43 năm sau, ngày 19.12.2010, ở Đồi Tranh thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi hơn 40 năm trước là căn cứ hỏa lực FSB 14 của sư đoàn 4 Mỹ (M2), các CCB Ban liên lạc tìm đồng đội trung đoàn 209 tìm thấy dấu vết ngôi mộ lớn. Đó là một hố bom đã được san ủi ở sườn dốc phía tây căn cứ, xưa nằm trên hướng tấn công của tiểu đoàn 7. Khi những người lính già phát cây, nhổ những bụi cỏ Mỹ thì bật lên theo rễ những mảnh nylon, đế giày cháy dở, lẫn trong đất đỏ bazan là những vệt đất đen những vụn xương trắng đục…

Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy, vậy là đã gần hai năm với gần chục chuyến leo núi dài ngày, đi khắp vòng cung các dãy núi Chư Tan An, Chư Tan Kra… Có lần tôi bị xỉu, Chúc và Vĩnh phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Kon Tum. Vất vả thế để hôm nay, chúng tôi tìm được ngôi mộ tập thể thứ hai của đồng đội.

Sau vài ngày, đoàn cán bộ của Cục Chính sách Bộ Quốc phòng đã có mặt và nhanh chóng xác nhận, đây là ngôi mộ tập thể của bộ đội ta do quân Mỹ chôn, thi thể những người lính đã bị đốt trước khi vùi lấp. Nhiều người thân liệt sĩ ở Hà Nội được tin đã vào. Từ trong hố bom dùng làm mộ, cán bộ chiến sĩ huyện đội Sa Thầy đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ, 77 người trong số đó được an táng chung trong một ngôi mộ lớn ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, 4 hài cốt liệt sĩ được người thân đưa về Hà Nội.

Hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của ông Đồng và đồng đội.

“Trung đoàn mũ sắt”

Những năm 1965, bộ binh Mỹ đổ bộ vào Miền Nam, không quân quân Mỹ đánh phá ra Miền Bắc, thành phố làng quê sôi sục, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội hầu hết là tình nguyện đã được tuyển vào trung đoàn 209 sư 312, 500 lính tiểu đoàn 7 nhập ngũ ngày 27.3.1967 là thanh niên Gia Lâm và nội thành. Những người lính trung đoàn bộ binh 209 được trang bị những loại vũ khí bộ binh tốt nhất thời đó như B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K63, trung liên RBD, AK47… mặt nạ phòng hóa, tăng võng trang phục Tô Châu và cả mũ sắt Liên Xô nên được gọi là Trung đoàn Mũ sắt. Chúng tôi được huấn luyện kỹ suốt một năm để đánh công kiên, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không.

Đầu tháng 2.1968, đúng Tết Mậu Thân, trung đoàn hành quân cơ giới vào chiến trường. Việc chuyển quân sớm bị quân Mỹ phát hiện và cho không quân đánh chặn, một ôtô bị lật, hơn 10 người hi sinh, tiểu đoàn 8 là lính Đông Anh phải chuyển sang hành quân bộ, đây cũng là lý do khiến trung đoàn bị thiếu tiểu đoàn 8 trong các trận đánh Mỹ đầu tiên.

Ở trạm T3 vùng ba biên giới trên đất Lào, trung đoàn thay trung đoàn 320 nhập vào sư đoàn 1 và được lệnh đánh trại biệt kích Kleng (căn cứ Lệ Khánh), mật danh M1 ở phía tây - tây bắc Kon Tum.

Kleng bị đe dọa, Mỹ điều sư đoàn 4 đánh rừng và lữ đoàn dù 173 lên Kleng và Đắk Tô, Tân Cảnh để ngăn chặn. Ngày 21.3.1968, khi trung đoàn vừa tập kết quân ở khu vực Chư Tan Kra, Chư Tan An cách Kleng khoảng 10 km thì quân Mỹ, sau khi ném bom dọn bãi đã đổ tiểu đoàn bộ binh 3/8, lực lượng công binh, trinh sát và một đại đội pháo 105mm xuống tọa độ YA 939913 lập căn cứ hỏa lực FSB14 (ta gọi là M2) ngay giữa đội hình tập kết của trung đoàn.

Lưc lượng quân Mỹ tại M2, theo trinh sát trung đoàn xác định bằng đếm số lần chuyến trực thăng đổ quân là một tiểu đoàn tăng cường gồm một đại đội pháo 105mm, 3 đại đội bộ binh; lực lượng trinh sát, công binh tương đương 1 đại đội và chỉ huy sở tiểu đoàn. Trong thực tế ta không biết, quân Mỹ còn có 2 đại đội bộ binh luồn rừng lên từ Kleng, thường xuyên tuần tra trong rừng, đêm ngủ rừng quanh căn cứ và 4 đại đội pháo ở sân bay Kleng và lân cận với các cỡ nòng 203, 175, 155, 105 mm cùng không quân yểm trợ.

So sánh lực lượng giữa ta và quân Mỹ ở khu vực tây Kon Tum đã nhanh chóng thay đổi. Trung đoàn phải bỏ mục tiêu đánh Kleng (M1) đồng thời buộc phải đánh M2 bởi nó chặn đường từ Kon Tum về vùng ba biên giới và nằm giữa đội hình tập kết của trung đoàn. Căn cứ FSB14 của Mỹ cách tiểu đoàn 7 chỉ 900m về phía nam, hàng ngày, qua kẽ rừng chúng tôi nhìn thấy rõ trực thăng lên xuống, quân Mỹ đào hầm, căng rào thép gai, cưa cây, hò hét… và chúng cũng chỉ cách tiểu đoàn 9 ở Chư Tan An vài ngàn mét về phía bắc.

Chính trị viên Phan Trung Bắc và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 Trương Ân xung phong nhận mũi chủ công, đánh từ hướng tây và tây bắc dù sau 3 ngày quân Mỹ nống ra, bom đạn đã làm đại đội 3 thiệt hại nặng 2 trung đội (hồi đánh Điện Biên, tiểu đoàn 7 tức tiểu đoàn 130 từng bắt sống tướng Đờ Cát). Như vậy, tiểu đoàn 9 sẽ đánh từ hướng nam, trung đội đặc công luồn sâu từ hướng bắc đánh vào sở chỉ huy căn cứ.

Trận Chư Tan kra đã bắt đầu như thế và sau gần 42 năm khi đi tìm đồng đội, tôi và Vĩnh cùng cháu Bình – cậu thanh niên Hà Nội có hai ông chú liệt sĩ - là những người đầu tiên tìm lại được nơi này. Trận địa xưa nay chỉ có hai loài cây mọc được là cỏ tranh và cỏ Mỹ, phía dưới là chít, dưới nữa là lau, xa hơn nữa là rừng già. Sau hơn bốn mươi năm, trên mảnh đất bom đạn và thuốc diệt cỏ này, không một cây gỗ nào mọc lại được. Đâu đó dưới rễ cỏ dại, im lặng hài cốt đồng đội chúng tôi. Hơn 200 người lính nằm lại nơi này mới qui tập được một nửa.

Nhóm của ông Đồng đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái "Vì tình yêu Hà Nội" cho những chuyến đi.

Trận chiến đến viên đạn cuối cùng

Là người trong cuộc, sau khi đọc những trang nhật ký chiến trường được giải mật của quân Mỹ, nghe nhiều đồng đội kể lại và nay quan sát lại thực địa, tôi thấy được sự thiện chiến, chuyên nghiệp của quân Mỹ và sự cảm tử của những người lính Hà Nội trong trận đầu đánh Mỹ.

M2 là một căn cứ hình chữ T trên sườn núi dốc, mỗi chiều 500 - 600m. Quân Mỹ bố trí 3 đại đội bộ binh ở 3 góc để có thể dễ dàng chi viện cho nhau; ở giữa họ bố trí trận địa pháo và chỉ huy sở, được bảo vệ bởi lớp phòng ngự thứ hai là lính trinh sát, công binh, thông tin. Chỉ mới kịp làm 3 lớp hàng rào, bù lại họ giăng nhiều lớp mìn định hướng claymo, được trang bị kính nhìn đêm và thiết bị thu tiếng động. Bên ngoài căn cứ là hai đại đội lưu động, ngày tuần tra, đêm ẩn kín trong rừng.

Tình báo Mỹ cũng biết quân ta có 2 tiểu đoàn, một ở phía bắc, một ở phía nam căn cứ FSB14. Với lực lượng quân Mỹ như vậy lại có chiến hào, lô cốt phòng ngự thì theo nguyên tắc quân sự, phải có hỏa lực mạnh và một lực lượng đông gấp 3 đến 5 lần mới có ưu thế thể đánh thắng. Vậy mà chúng tôi, về số quân ít hơn quân Mỹ, về hỏa lực lại càng thua xa.

1h15 ngày 26.3.1968: Quân Mỹ biết bộ đội ta di chuyển hướng vào căn cứ, chúng lặng lẽ chờ đợi. 3h20, không thể chờ đặc công nổ súng làm hiệu lệnh tấn công vì quá giờ hẹn đã lâu, trời sắp sáng, điện thoại không liên lạc được với trung đoàn, chính trị viên và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 quyết định nổ súng. Hai phát pháo hiệu xanh vọt lên trời, kèn đồng thổi tò te tí te. Hướng nam, tiểu đoàn 9 thương vong nhiều vì mìn claymo, buộc phải tạm rút. Hướng tây và tây bắc tiểu đoàn 7 dùng mìn định hướng ĐH10 quét được hàng rào và mìn của địch. Đại đội 1 và đại đội 2 được tăng cường hỏa lực đại liên, B41 của đại đội 5 và 1 trung đội súng phun lửa đồng loạt xung phong mãnh liệt…

4h, đại đội D tiểu đoàn 3/8 Mỹ bị thương vong nặng, phải rút về khu vực trận địa pháo. Đại đội C pháo 105mm tiểu đoàn 6/29 hạ nòng pháo bắn thẳng ra vùng cửa mở. 4 trận địa pháo của quân Mỹ từ các vùng lân cận bắn dồn dập vào khu vực căn cứ vừa bị ta đánh chiếm. Tiểu đoàn 7 phát triển đánh vào trận địa pháo, hai đại đội bộ binh 1 và 2 như hai mũi khoan lửa khoan vào vùng lửa nóng. Quân Mỹ tổ chức các trung đội trinh sát, công binh, thông tin chi viện đại đội D phản kích. Giao tranh giành giật quyết liệt quanh từng ụ pháo. Tiểu đoàn 9 sử dụng C13 tổ chức tấn công chi viện từ hướng nam nhưng không thành.

4h15, máy bay C47 tới thả pháo sáng, bắn chi viện quân Mỹ và điều nguy hiểm nhất đã xảy ra: Đại đội A Mỹ luồn rừng ứng cứu FSB14, tấn công sau lưng quân ta từ hướng tây bắc, chúng tổ chức liên tiếp 4 đợt xung phong để bịt lại vùng cửa mở. Bộ đội ta bị quây trong căn cứ đến dần hết đạn. Từ Yên Ngựa phía tây, tiểu đoàn trưởng Trương Ân tung lực lượng dự bị duy nhất của ông là trung đội 9 của đại đội 3 vào trận.

6h15, đại đội A Mỹ vào được căn cứ. 6h30, trực thăng Mỹ đổ 2 đại đội B và D của tiểu đoàn 1/8 xuống M2 để phản kích chiếm lại trận địa. Đại đội D tiểu đoàn 3/8 bị thiệt hại nặng được đưa về núi Rồng để củng cố. Tiểu đoàn trưởng Trương Ân lệnh rút quân, chính trị viên tiểu đoàn Phan Trung Bắc hô các chiến sĩ thông tin, vận tải xông lên cứu thương binh. Những thương binh tiểu đoàn 7 đã rút được ra bên ngoài còn nghe tiếng súng AK của những đồng đội bị vây trong căn cứ đến 7h. Trận Chư Tan Kra kéo dài đến 31.3.1968 mới kết thúc khi quân ta rút khỏi đỉnh 1198.

Theo Báo Lập Công của các lực lượng vũ trang Tây Nguyên, trong trận Chư Tan Kra, quân ta đã tiêu diệt 204 lính Mỹ, hơn 200 lính Mũ Sắt đã hi sinh. Theo nhật ký chiến trường của quân Mỹ: 198 lính Mỹ bị thương vong và mất tích. 135 lính Bắc Việt chết trong căn cứ Mỹ, được chôn trong 3 mộ tập thể.

Không một người lính nào của tiểu đoàn 7 đầu hàng quân địch, tất cả đều chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 4 người bị Mỹ bắt trong trận đánh đều là thương binh. Những người lính hi sinh trong trận Chư Tan Kra đã chiến đấu và hi sinh như nhưng người anh hùng. Sau trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện thư khen ngợi.

Nhật ký chiến trường của trung tá D.M Malone chỉ huy căn cứ hỏa lực FSB 14 (M2) trong tất cả các đêm từ 27.3.1968 đến 2.4.1968 đều có câu: “Quân Bắc Việt chuyển quân quanh căn cứ suốt đêm”. Thực ra, không phải trung đoàn 209 chuyển quân mà suốt 7 đêm ấy, đêm nào những người lính còn lại của tiểu đoàn 7 cũng bất chấp bom đạn trở lại M2, đi quanh căn cứ để tìm cứu thương binh, tìm chôn liệt sĩ.

Hồ Đại Đồng
TIN LIÊN QUAN

Người thương binh già “truyền lửa” dân ca

HỮU NHÂN |

Điệu dân ca mượt mà phát ra từ lồng ngực của người thương binh già Võ Duy Khánh làm mê đắm lòng người. Chân trái teo tóp do bị thương bởi vướng mìn của Mỹ nhịp theo tiếng đàn, mắt mơ màng như đang ru hồn vào mộng, gần bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn cần mẫn truyền niềm say mê dân ca cho thế hệ trẻ…

Hành trình tìm mẹ

PHÓNG SỰ CỦA THANH HẢI |

“Bạn Dư chết thế cho tôi trong trận chiến đấu. Tôi được sống sót nên phải hoàn thành bổn phận làm con của Dư, tìm và chăm sóc mẹ già của bạn. Đó là lẽ thường ở đời. Chúng tôi đã thế mạng cho nhau, kẻ được sống, người đã hy sinh”. Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Dũng (quê Nha Trang) đã bắt đầu câu chuyện chiến chinh của mình trong ngày khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Cam Ranh giữa tháng 7.2017…

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Người thương binh già “truyền lửa” dân ca

HỮU NHÂN |

Điệu dân ca mượt mà phát ra từ lồng ngực của người thương binh già Võ Duy Khánh làm mê đắm lòng người. Chân trái teo tóp do bị thương bởi vướng mìn của Mỹ nhịp theo tiếng đàn, mắt mơ màng như đang ru hồn vào mộng, gần bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn cần mẫn truyền niềm say mê dân ca cho thế hệ trẻ…

Hành trình tìm mẹ

PHÓNG SỰ CỦA THANH HẢI |

“Bạn Dư chết thế cho tôi trong trận chiến đấu. Tôi được sống sót nên phải hoàn thành bổn phận làm con của Dư, tìm và chăm sóc mẹ già của bạn. Đó là lẽ thường ở đời. Chúng tôi đã thế mạng cho nhau, kẻ được sống, người đã hy sinh”. Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Dũng (quê Nha Trang) đã bắt đầu câu chuyện chiến chinh của mình trong ngày khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Cam Ranh giữa tháng 7.2017…