Người “Mạ”

Thùy Hương |

Mới nghe cái tên ấy, ai cũng liên tưởng đến một dân tộc ít người ở Việt Nam. Thế nhưng, đó là biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho bà Vũ Thị Điềm (70 tuổi, nguyên Trưởng phòng Công nghệ, Viện Nghiên cứu cơ khí), một chuyên gia của công nghệ mạ kim loại. Bà đã dành cả đời để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này nhằm đáp ứng những yêu cầu bức thiết của các công trình. Bà đã được trao Giải Kovalevskaia năm 1998, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.
Từ nghiên cứu gắn với ứng dụng
Theo bà Điểm, “mạ” là công nghệ phủ để xử lý bề mặt kim loại với nhiều mục đích như chống gỉ, chống mài mòn do ma sát... Để có được những công nghệ đó, bà đã từng miệt mài nghiên cứu, thí nghiệm, rồi đưa vào sản xuất và đã có những thành công mà lịch sử không thể không công nhận.
Bà đến với khoa học cũng rất tình cờ. Khi học cấp 3, bà thường thấy bóng áo trắng trong các phòng thí nghiệm. Nhiều lần, thấy trong phòng thí nghiệm có những chai lọ đựng hóa chất nhiều màu sắc, chúng khiến bà như bị thôi miên. Ước mơ theo ngành hóa học nhen nhóm trong bà từ đó. Bước chân vào đại học, bà chọn khoa Hóa, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp, bà được phân về dạy Hóa tại Trường Trung học Cơ khí 2 (Vĩnh Phúc). Khởi nghiệp là một giáo viên, nhưng mơ ước trở về nghề nghiên cứu luôn nung nấu trong bà. Sau những giờ lên lớp bà mượn sách, giáo trình tiếng Nga vừa học ngoại ngữ, vừa trau dồi những kiến thức cơ bản.
Năm 1974, do những biến cố riêng, bà đã xin chuyển về Viện Thiết kế máy công nghiệp, Bộ Cơ khí - Luyện kim (nay là Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương) ở Hà Nội để làm việc. Thời điểm đấy, nhu cầu tiêu chuẩn chất lượng mạ trang trí và bảo vệ cho các phụ tùng xe đạp nói riêng cũng như các chi tiết ngành cơ khí rất cao. Bà và đồng nghiệp vừa nghiên cứu lý thuyết công nghệ, vừa xây dựng một bộ phận mạ bán sản xuất tại Viện.
Bà đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mạ hợp kim đồng - thiếc, phủ crôm và mạ kẽm bóng để ứng dụng vào những phôi mộc như đùi, đĩa, nan hoa của Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Kết quả, những phôi mộc trên sáng xanh, có thể soi gương được lại có khả năng chống ăn mòn cao. Sau đó, Nhà máy xe đạp Giải phóng và Nhà máy Cơ khí Quang Trung Nghĩa Bình nhờ bà giúp đỡ và chuyển giao công nghệ. Sản phẩm đã được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.
Đối với bà, đề tài Mạ hợp kim chì - thiếc- đồng (một loại hợp kim Babit) để chống mài mòn do ma sát cho các máng đệm trục các động cơ ôtô, máy phát điện..., có hàm lượng khoa học lớn nhất. Nhờ những công trình này, tên tuổi bà được nhiều đơn vị biết đến. Bà kể, năm 1986, ngành điện miền Trung và các tỉnh phía Nam chủ yếu cung cấp điện bằng máy phát cỡ lớn từ trước năm 1975 để lại. Lúc đó rất thiếu các loại phụ tùng trong đó có bạc trượt của các máy GM 2100, Insterspize, Norberg..., trong khi ngành cơ khí trong nước chưa thể chế tạo được mà phải nhập khẩu. Ngặt nỗi, lúc đó Việt Nam đang bị Mỹ cấm vận, nên việc nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.
Trước yêu cầu trên, Công ty Điện lực 3 nhờ bà tìm giải pháp khắc phục. Ngay lập tức, bà nghĩ tới việc phục hồi bạc trượt bằng phương pháp mạ. Sau khi thử nghiệm, bà cho mạ và chạy thử một bộ bạc trượt của máy GM2100 và đã thành công. Ngay sau đó, bà áp dụng công nghệ này cho hàng loạt máy phát điện khác. Thông qua Viện, nhóm cộng sự của bà được Công ty Điện lực 3 mời vào Đà Nẵng chế tạo một dây chuyền thiết bị công nghệ mạ phục hồi bạc trượt tại chỗ. Nhờ đó, ngành điện miền Trung đã phục hồi được hàng ngàn bộ bạc, bảo vệ các trục động cơ cỡ lớn. Khi ấy, mỗi cặp bạc GM2100 trị giá 120USD, nhưng mạ phục hồi chỉ hết 50.000 đồng, giúp ngành điện tiết kiệm hàng trăm ngàn USD. Sau này, bà đã chuyển giao công nghệ cho Công ty liên doanh ôtô Sài Gòn, nhà máy Z151 chuyên sửa chữa ôtô của Quân đội, Xí nghiệp Sửa chữa máy bay...
Đến đường dây 500KV Bắc Nam
Theo bà Điềm, đề tài ý nghĩa nhất trong quãng thời gian làm khoa học là mã kẽm nóng phục vụ xây dựng Đường dây 500KV Bắc Nam, được triển khai năm 1992. Lúc đó, khó khăn nhất của ngành điện trong nước là chưa sản xuất cột điện với khối lượng lớn có thể chống gỉ. Nếu triển khai đường dây 500KV thì phải nhập rất nhiều cột điện, với chi phí rất cao. Bà đã chủ trì nghiên cứu công nghệ mạ kẽm nóng để sản xuất cột điện chống gỉ.
Viện phân công bà kiêm nhiệm là Phó Giám đốc kỹ thuật để chỉ đạo thực hiện mạ kẽm nóng tại xưởng mạ liên doanh giữa Công ty Xây lắp I, Công ty Xây lắp Hóa chất và Viện ở Xí nghiệp Xây lắp 4 Cầu Diễn, với năng suất 20 tấn thép/ngày. Bà là người chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu, chất lượng, tiêu chuẩn của nhà máy về mạ cột điện... Theo cơ chế khoán của Viện, bà phải tự chi phí để tạo ra những thiết bị thí nghiệm như chế tạo nồi, lò, hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động, ngay cả các vật tư hóa chất cũng tự lo. Bà cũng tự làm những tấm mẫu rồi mạ thử. Sau gần 1 tháng nghiên cứu, cùng hàng trăm lần thử nghiệm, những mẫu mạ đã ra đời bằng phương pháp mạ kẽm nóng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của ngành điện và các tiêu chuẩn quốc tế. Ngay sau đó, hàng loạt bể mạ được xây dựng và sản xuất đại trà. Công nghệ này đòi hỏi tổ chức mạ 3 ca liên tục. Nhìn những cây cột điện sản xuất trong nước được dựng lên ngày càng nhiều, dù rất mệt, nhưng ai cũng vui.
Dành cả đời cho khoa học
Khi công việc đã ổn định, bố mẹ thúc giục chuyện gia đình. Thế nhưng, công nghệ mạ hợp kim đồng - thiếc, mạ kẽm bóng rất độc, bởi thường xuyên tiếp xúc với hóa chất đặc biệt là xyanua, một chất cực độc. Bà đã phải suy nghĩ rất nhiều. Khi ấy, bà đứng trước 2 lựa chọn, theo đuổi đam mê khoa học hoặc không lập gia đình. Bà bảo: Nếu lập gia đình, tôi phải có con, rất có thể đứa trẻ sẽ bị dị tật vì mẹ nó đã tiếp xúc nhiều chất độc hóa học. Khi ấy, cả mẹ và đứa trẻ sẽ khổ cả đời. Nếu tiếp tục công việc, thì gia đình riêng phải dẹp sang một bên và tôi đã quyết định theo đuổi đam mê, thực hiện những mục tiêu nghiên cứu có lợi cho đất nước.
Không những thế, công việc của bà rất vất vả. Bà cùng nhóm nghiên cứu thường xuyên phải làm việc 3 ca/ngày, trong nhiều ngày. Bố mẹ thấy con đi sớm về khuya nên cũng xót, nhưng cũng chỉ biết động viên. Còn bà, chẳng từ việc gì, thậm chí sẵn sàng lao lên công trường cách cả trăm cây số để khắc phục lỗi nhỏ. “Khi đang thi công đường dây 500KV, tôi nhận được thông tin có một cây cột điện ở Hòa Bình bị lỗi gỉ sét nhỏ. Tuy nhiên, không thể đưa cây cột điện về xưởng để mạ kẽm nóng. Tôi đã hình dung điều đó nên đã nghiên cứu công nghệ “mạ nguội”. Tôi bắt xe lên Hòa Bình đến công trường và trèo cây cột điện cao ngót chục mét, thực hiện công nghệ mạ nguội để xử lý vết gỉ. Nhiều người rất lo lắng, bởi tôi đã có tuổi. Nhưng khi thấy tôi thoăn thoắt làm việc, mọi người không khỏi khâm phục”, bà nhớ lại.
Bà bảo, chìa khóa của sự thành công là thuyết phục. Người làm khoa học phải biết thuyết phục lãnh đạo, đồng nghiệp và cơ sở sản xuất. Sức thuyết phục lớn nhất là sản phẩm nghiên cứu phải đạt chất lượng kỹ thuật thực tế yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời và công nghệ hợp lý, có tính khả thi. Những mục tiêu của các viện nghiên cứu là tốt hơn - rẻ hơn, bà đã chọn tốt hơn. Bởi Việt Nam là nước nhiệt đới, nên điều quan trọng là làm tăng tuổi thọ của sản phẩm. “Làm khoa học mỗi thời một khác, nhưng phải có niềm đam mê làm việc và mạnh dạn thử nghiệm, ứng dụng. Nếu biết sắp xếp hợp lý sẽ làm được việc, làm có mục tiêu, công việc và hiệu quả. Yếu tố thành công phải khách quan, nếu có thất bại thì phải chấp nhận và tìm tòi”, bà chia sẻ.
Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Bà hiện là cộng tác viên dân số của khu phố, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp phường. Ngoài ra, bà còn giúp dạy môn Hóa học cho học sinh với học phí rất thấp và miễn phí cho rất nhiều trường hợp. Bà khẳng định: “Còn sống ngày nào, tôi còn đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước ngày đó. Một người làm thì như hạt cát bỏ bể, nhưng nhiều người cùng chung tay thì kết quả sẽ khác”.
Thùy Hương
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.