Người làm rác ở huyện Gò Dầu kêu cứu!

Lê Tuyết |

Từ đầu tháng 7.2017 đến nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt ở toàn huyện Gò Dầu (Tây Ninh) trở nên rối ren, khiến rác chất đống, bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân xuất phát từ việc UBND huyện đột ngột giao việc thu gom rác cho Cty TNHH Môi trường Sài Thành (có địa chỉ tại quận Bình Tân, TPHCM).

Công việc này vốn dĩ do 30 hộ làm rác dân lập với gần 150 lao động trên địa bàn huyện đảm nhận gần 20 năm qua. Mất việc làm, những người làm rác đã không đồng ý cho Cty Sài Thành lên hốt rác và kêu cứu khắp nơi.

Hơn 150 con người bỗng dưng… mất việc

Tay dắt hai đứa con mặt mũi lem luốc, chị Đặng Thị Thúy Diễm (người thu gom rác trên địa bàn xã Phước Đông) chưa kịp trình bày câu chuyện của mình đã bật khóc. Chị là con dâu của bà Nguyễn Thị Gọn. Thấy con dâu khóc, bà Gọn đưa đôi bàn tay đen bẩn run run lau nước mắt cho con dâu. Hơn 20 năm làm rác, đôi bàn tay của bà chưa một lần được sạch, lúc nào cũng thum thủm mùi rác, bị rác cào xước rồi thâm đen.

Nói về nguồn gốc đường rác, bà Gọn cho biết: “Ngày trước ở xã Phước Đông rác không ai thu gom. Cả nhà tôi khi đó nghèo khổ quá, không có đất, không có nghề mới đến xin ủy ban xã cho tôi được thu gom rác. Được xã đồng ý, gia đình tôi ban đầu kéo xe lôi, sau mua được xe ba gác đi thu gom rác cho bà con. Mỗi tháng các gia đình trả cho gia đình tôi 15.000 đồng đến 25.000 đồng, tùy vào lượng rác, có người đóng cao hơn vì họ kinh doanh, người nghèo thì chúng tôi không lấy tiền”.

Chị Diễm lúc đó là công nhân, đến khi về làm dâu nhà bà Gọn thì nghỉ việc công ty, cùng đi làm rác với chồng. Ông bà Gọn đã già nên ở nhà trông cháu, nhặt ve chai.

Nói đến đây, bà Gọn không cầm được nước mắt: “Ngày 5.9.2015, con trai tôi bị xe ép rác ép chết. Mọi gánh nặng cơm áo của gia đình bây giờ do cháu Diễm lo. Lãnh đạo xã Phước Đông thấy hoàn cảnh nhà tôi quá éo le nên đã làm cho cái giấy xác nhận để gia đình tôi được làm các đường rác trong xã đặng có kế sinh nhai. Thế nhưng mới đây, huyện đùng đùng thông báo đóng cửa bãi rác ấp Xóm Mới (xã Thanh Phước), lấy lại đường rác giao cho Cty TNHH Môi trường Sài Thành ở dưới Sài Gòn. Nỗi đau con chết chưa nguôi, vậy mà…”.

29 gia đình còn lại có hoàn cảnh chẳng khá hơn gia đình bà Gọn là mấy. Chị Phan Thị Kim Yên, làm rác ở xã Hiệp Thành, bức xúc: “Từ ngày 1.7 đến nay, ngày nào những người làm rác này cũng đến nhà tôi, ra chợ xin rau củ của các cô ở chợ về nấu cơm ăn rồi canh rác, không có người của Cty TNHH Môi trường Sài Thành lên lấy rác. Nắng lên, rác hôi, đau đầu lắm nhưng nếu bây giờ mình bỏ thì sau này cuộc sống của hơn trăm rưỡi con người sẽ ra sao?

Như hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thy mới vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư cho đường rác, mỗi tháng trả ngân hàng 2,5 triệu đồng, mới làm được hai tháng, giờ chính quyền lấy đường rác giao cho doanh nghiệp, hai vợ chồng bà ấy khóc cả ngày đêm vì không biết sẽ trả nợ ngân hàng ra sao”.

Ông Phan Văn Vũ, người thực hiện công việc thu gom rác trên tuyến quốc lộ 22, đoạn qua huyện Gò Dầu, than thở: “Cách đây hơn 10 năm khi chưa có một ai quan tâm đến việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện thì chúng tôi là những người bắt đầu. Chúng tôi đến từng hộ dân thuyết phục để lấy rác đem đi xử lý. Mới đầu vất vả, khó khăn lắm, chỉ vài ba hộ đồng ý tham gia đóng tiền, còn lại chúng tôi làm không công. Sau thấy công việc hiệu quả, đường sá sạch trơn, người dân mới đồng tình tham gia để nơi ở sạch sẽ.

Ngày bắt đầu làm, không có vốn, chúng tôi dùng sức kéo xe đẩy, sau rác nhiều lên, chúng tôi vay tiền sắm xe tải nhỏ, thuê nhân công, có người vay nóng, cầm ngân hàng, đánh cược cả cơ nghiệp. Như nhà tôi đang có hơn 5 người cùng làm rác. Bây giờ khi mọi việc đã vào nếp thì chính quyền bỗng nhiên gạt chúng tôi sang một bên, lấy hết đường rác giao cho một doanh nghiệp ở tận dưới Sài Gòn mà không hề đối thoại với chúng tôi”.

Nhiều bất thường cần được làm rõ

Hơn 30 hộ làm rác với hơn 150 con người, người thâm niên cũng đã 20 năm giữ sạch cho huyện Gò Dầu, bức xúc cho biết, khi bãi rác Xóm Mới đóng cửa, chính quyền huyện Gò Dầu giao việc thu gom rác cho doanh nghiệp lại không tổ chức đối thoại với người dân. Chỉ đến khi hợp đồng thu gom rác được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Dầu và Cty TNHH Môi trường Sài Thành được ký kết, những người làm rác khiếu nại, chính quyền mới tổ chức đối thoại! Chưa kể, so sánh giữa việc thu gom rác mà người dân thực hiện nhiều năm qua với hợp đồng thu gom rác của huyện Gò Dầu với Cty TNHH Môi trường Sài Thành thì có quá nhiều bất thường, cần được làm rõ.

Cụ thể: Ngày 29.6.2017 Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Dầu mới chính thức ký hợp đồng gói thầu số 1 “thực hiện duy trì vệ sinh ngõ xóm, thu gom vận chuyển rác” với Cty TNHH Môi trường Sài Thành. Thế nhưng, ngày 23.6.2017 Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Dầu đã cho phát hành Văn bản số 26/P.KT&HT đến các hộ thu gom rác nêu rõ: “Đơn vị trúng thầu gói thầu thực hiện công tác duy trì vệ sinh ngõ xóm, thu gom vận chuyển rác là Cty TNHH Môi trường Sài Thành, đồng thời cũng là đơn vị thực hiện công tác thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện”.

Ông Huỳnh Văn Châu, người thu gom rác, cũng là người nộp hồ sơ đề xuất phương án thành lập hợp tác xã những người thu gom rác dân lập, lập trạm trung chuyển rác trên địa bàn huyện, bức xúc: “Huyện thông báo là Cty Sài Thành trúng thầu, vậy việc đấu thầu này diễn ra như thế nào? Chúng tôi không được biết về cuộc đấu thầu này để tham gia. Tại sao huyện lại khẳng định Sài Thành trúng thầu trước rồi sau đó mới ký hợp đồng? Tại sao lại có cái quy trình ngược như vậy?”

“Bao nhiêu năm thu gom rác ở Gò Dầu, chúng tôi không nhận được một đồng nào của chính quyền huyện, ngay cả khi bãi rác Xóm Mới ùn ứ, chúng tôi tự bỏ tiền túi ra để thuê xe san ủi. Tại sao lại có sự bất hợp lý như vậy?” - chị Phan Thị Kim Yên bức xúc.

Chưa kể, từ trước đến nay, những người làm rác ở huyện Gò Dầu này ký trực tiếp hợp đồng thu gom rác với các UBND xã, được cấp giấy phép để hoạt động, trong đó các hợp đồng thu gom còn hiệu lực, đơn cử như trường hợp của chị Yên, trong hợp đồng thu gom rác tại chợ Thạnh Đức của chị ký với UBND xã Thạnh Đức đến ngày 1.9.2017 mới hết hạn. Vậy mà, ngày 1.7.2017, chính quyền huyện đã giao việc thu gom rác này cho Cty TNHH Môi trường Sài Thành.

Ông Huỳnh Văn Châu phân tích thêm, với khối lượng rác ước chừng là 10.025 tấn/năm và tổng đoạn đường cần thu gom rác mỗi ngày là 67,726km trên toàn huyện, thế nhưng theo hợp đồng được ký kết giữa Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Dầu với Cty Sài Thành, theo khoản c, điều 1 của phụ lục hợp đồng thì phương tiện thực hiện của Công ty Môi trường Sài Thành chỉ là 1 xe tải ben 2 tấn, 2 xe ép chuyên dùng 4,5 tấn. Số lao động chỉ là 3 tài xế, 3 phụ xế và 6 lao động phổ thông. Trong khi trước đó để làm công tác thu gom rác trên toàn huyện 30 hộ đã sử dụng hơn 150 lao động với số lượng xe tải, xe thu gom lên đến hàng chục xe!

Ông Châu bức xúc: “Đây là đường rác dân lập, chúng tôi vận động bà con tham gia, chúng tôi đầu tư xe, lao động, có ký hợp đồng thu gom rác với xã, vậy mà khi chúng tôi ý kiến thì hướng của chính quyền là kêu chúng tôi làm thuê lại cho Cty Sài Thành. Chúng tôi đề xuất được thành lập hợp tác xã, sẽ đầu tư xe trung chuyển, xe ép rác, chính quyền không trả lời cho người dân”.

Dân bức xúc: Cty TNHH Môi trường Sài Thành được “nhận ngược” 6,8 tỉ đồng/năm

Chị Phan Thị Kim Yên chỉ ra một điểm bất thường nữa và gây bức xúc cho người làm rác: Trong khi các hộ dân thực hiện công việc thu gom rác trên địa bàn, chính quyền huyện Gò Dầu không phải dùng ngân sách chi ra khoản tiền nào cho họ.

Ngược lại, các hộ thu gom rác hằng tháng còn đóng 10% phí thu tiền rác cho các khu phố, các xã. Thế nhưng, khi ký hợp đồng thu gom rác với Cty TNHH Môi trường Sài Thành, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Dầu lại làm một việc ngược lại, đó là mỗi năm ngân sách huyện sẽ trả hơn 6,8 tỉ đồng cho Cty Sài Thành.

Ngày 4.7, PV Báo Lao Động đã đến trụ sở UBND huyện Gò Dầu đề nghị trao đổi về các kiến nghị của các hộ làm rác dân lập. Tiếp PV là ông Trần Công Tạo - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện. Khi nghe ông Tạo cho biết, lãnh đạo đang đối thoại với các hộ làm rác, PV đề nghị được tham gia buổi đối thoại, song ông Tạo không đồng ý.

Hiện tại lãnh đạo huyện cũng chưa thể tiếp PV. PV đã xuất trình đầy đủ giấy tờ, gửi lại 6 thắc mắc đề nghị UBND huyện Gò Dầu giải đáp.

Tuy nhiên, cho đến ngày 14.7, PV liên hệ lại, ông Tạo cho biết, hiện vẫn đang đối thoại với người dân, khi nào có kết quả sẽ trả lời báo chí.

Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.