Hậu bão số 10: Dân khốn khổ vì điện mất, giá tăng

NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG |

Người dân vùng bão số 10 đổ bộ tại Hà Tĩnh đang rất khổ sở vì mất điện gần một tuần nay: Đã xảy ra tình trạng hải sản kho cấp đông bị hư hỏng hàng loạt phải tiêu hủy, khan hiếm nước sinh hoạt, con cái không có điện học bài buổi tối... Tiếp đó, là nỗi khổ vì “bão giá”, nhiều gia đình không biết xoay xở vào đâu để dựng lại nhà.

Khốn khổ vì mất điện

Nhà ông Nguyễn Tiến Lực (thôn Tân Giang, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị hỏng mái ngói trong bão do cột điện đường 35 đổ đè lên nhà. “Hỏng nhà, nước dột tứ bề. Chúng tôi đang chờ điện lực đến thỏa thuận bồi thường, rồi dọn hiện trường để sửa lại nhà mà ở, chứ không thể để kéo dài thế này được” - ông Lực nói.

Từ hôm bão đến nay, gia đình ông Lực cùng hàng trăm hộ dân khác trong xã phải sống khổ sở vì cảnh không có điện. Nước nôi tắm rửa không bơm được, phải xách xô đi xin từng bữa, con cái buổi tối không có điện học bài. Trời nóng nực không ngủ được vì không có quạt....

Chiều 20.9, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - cho biết, tình trạng mất điện kéo dài từ hôm bão đổ bộ đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chính quyền và đời sống của nhân dân: Do thiếu nước, nhiều hộ dân phải thuê người có máy nổ đến bơm nước từ giếng khoan lên cho với giá đắt đỏ. May sau đó huyện phát hiện sớm nên đã chấn chỉnh. Không có điện khiến nhiều nhà hết gạo vì không xay, xát được, không có điện khiến nhiều trường mầm non chưa hoạt động...

Ông Thủy cũng cho biết, gần cuối giờ chiều 20.9, Trung tâm hành chính huyện này vẫn chưa có điện. Toàn huyện bao giờ có điện thì vẫn chưa rõ, vì chưa thấy điện lực hứa.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng - cho biết, tình trạng mất điện do bão số 10, đồng thời sóng biển đánh hỏng máy nổ phát điện khiến 7 hộ dân của xã có kho cấp đông bị hỏng hải sản với khối lượng hơn 90 tấn. Đây là số hải sản đã thu mua trước bão và một số còn dư từ sự cố môi trường biển.

Trong ngày 19.9, số hải này đã được tiêu hủy. Tình trạng này cũng xảy ra tại thị xã Kỳ Anh - khi Phó Chủ tịch UBND thị xã Phan Duy Vĩnh cho biết, có 3 hộ bị hư hỏng hải sản cấp đông do mất điện.

Theo báo cáo mới nhất của Cty Điện lực Hà Tĩnh, tính đến 10h ngày 20.9, toàn tỉnh có 236 phường, xã đã được cấp điện, chiếm 89%; chưa được cấp điện là 29 phường, xã, chiếm 11%. Số đường dây đã được cấp điện: 44 ĐZ chiếm 96%; đường dây chưa được cấp điện: 2 ĐZ chiếm 4%.

Ông Phan Đắc Hùng - PGĐ Cty Điện lực Hà Tĩnh - cho biết, Cty đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức trong khắc phục, sửa chữa, thế nhưng sớm nhất thì cũng phải sau 3-5 ngày nữa mới cấp điện được cho toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Ngăn chặn “bão” giá

Sau bão số 10, ở các vùng bị thiệt hại, nhu cầu các vật liệu xây dựng như ngói, tấm tôn, tấm lợp fibrôximăng… tăng đột biến, cháy hàng. Lợi dụng nhu cầu bức bách của người dân, một số hộ kinh doanh đã tăng giá các vật liệu thiết yếu này.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Tài (30 tuổi, thôn Hưng Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, bão phá hỏng gần như hoàn toàn mái nhà, chị phải mua 150 tấm ngói fibrôximăng để lợp lại. Giá mỗi tấm tăng từ 53.000 đồng lên 65.000 đồng. Như vậy, chị đã phải chi 1,8 triệu tiền chênh lệch giá so với bình thường. “Gia đình đã khó khăn, hoạn nạn, nay còn mất thêm tiền triệu, nhưng không thể không mua” - chị Tài than thở.

Một nguồn tin khác tại thị xã Kỳ Anh cũng cho hay: Bình thường ngói lợp Cừa có giá 3.200 - 3.500 đồng/viên nay tăng lên 6.000 - 8.000 đồng/viên; giá tôn 70.000 đồng/m2 nay tăng 100.000 đồng/m2; ngói Phú Phong bình thường 3.500 đồng/viên nay lên 10.000 đồng/viên; ngói lợp Đồng Tâm 20.000 đồng/viên nay 30.000 đồng/viên.

Ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - bức xúc: “Làm vậy là không thể chấp nhận được. Trong khi cả nước đang chung tay giúp người dân thị xã Kỳ Anh, mà một số hộ kinh doanh lại lợi dụng thiên tai để trục lợi”.

Ngay khi bão vừa dứt, ngày 17.9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công văn hỏa tốc số 5834, yêu cầu Sở Công Thương bảo đảm nguồn cung, không để khan hiếm hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyệt đối không để lợi dụng sau bão tăng giá, đặc biệt các mặt hàng: vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm…

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá theo quy định. Sở Xây dựng chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp đủ hàng, đúng chất lượng, đúng giá, cam kết không tăng giá nhằm trục lợi.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Sở Tài chính theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả sau bão, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, rau xanh, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng… tham mưu kịp thời hỗ trợ thiệt hại do bão gây ra. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết, sẽ xử phạt nặng và rút giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị, hộ kinh doanh cố ý tăng giá để trục lợi.

Những cảnh ngộ rơi nước mắt

Xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), có 606 ngôi nhà, sau khi bão số 10 tàn phá thì cả 606 ngôi nhà đều bị hư hỏng, đặc biệt là phần mái nhà; trong đó có 33 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và tốc mái hoàn toàn, 300 ngôi nhà bị thiệt hại nặng.

Tại thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) chị Phan Thị Thìn ngồi ôm con trước căn nhà đã bị rách nát do cơn bão. Thấy chúng tôi, chị chỉ biết khóc, rồi nói, bây giờ không biết tá túc vào đâu cả. Một mình đơn thân nuôi 3 người con, chị phải làm nhà tạm trên đất của người chú. Hôm bão đến, may 4 mẹ con chị chạy đi tá túc ở nhà người quen, nếu không mọi chuyện không biết sẽ đi đến đâu. Khi bão tan, chạy về nhà nhìn cảnh tượng vậy, mẹ con chị chỉ biết khóc ngất.

Đến nhà bà Trần Thị Cường (38 tuổi, trú cùng thôn), bà kể, nhà chỉ có hai mẹ con nên khi bão vào không biết phải xoay xở thế nào. Cũng vì không biết nhờ ai nên nhà cửa không được chằng chống kỹ vì vậy gió bão đã lật tung căn nhà bếp, nhà có mỗi cái xe đạp để cho con đi học thì đã bị gạch đá đè hỏng mất.

Bi đát nhất là trường hợp gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng (34 tuổi, trú tại thôn Hợp Tiến, xã Cao Quảng). Bão đã khiến ngôi nhà anh chỉ còn lại đống đổ nát. Đau xót hơn, con trai anh đang phải nằm điều trị vì căn bệnh viêm phổi tại bệnh viện.

Ông Mai Xuân Tuyên - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng - nói, cơn bão năm 2013 gây hậu quả khiến người dân nơi đây chưa phục hồi lại được, giờ bão tiếp tục tàn phá, dân đã khổ nay lại càng khổ hơn. Ngoài ra thiệt hại về nông nghiệp và lâm nghiệp lên tới 45 tỉ đồng, trong đó rừng sản xuất của bà con là hơn 43 tỉ đồng.

Ngày 20.9 chúng tôi đến xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) khi cơn bão số 10 đã qua nhiều ngày, nhưng nơi đây vẫn ngổn ngang điêu tàn. Chị Trần Thị Vãn (trú thôn Thọ Sơn) buồn bã dọn dẹp, cố bới tìm trong đống đổ nát những gì còn sót lại. Cơn bão vừa qua khiến nhà chị bị sập hoàn toàn. Nhà chỉ có hai mẹ con, những ngày qua hai mẹ con chị phải tá túc ở nhà ông bà ngoại. Lau nước mắt, chị nói “giờ chỉ mong có ngôi nhà tạm để ở, nhưng phận người như chị, ở nơi khó khăn này mong ước ấy rất xa vời. Chị đang nhờ mọi người giúp đỡ, dựng tạm lại ngôi nhà để làm quán tạm bán hàng nuôi con ăn học.

Ủng hộ người dân vùng bão Hà Tĩnh 15 tỉ đồng

Chiều 20.9, bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, sau bão số 10, tính đến thời điểm này đã có 28 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký ủng hộ người dân bị thiệt hại ở Hà Tĩnh với số tiền 15 tỉ đồng. Nhưng đó là con số đăng ký, chứ tiền ủng hộ đã đến thì mới được 200 triệu đồng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành, đoàn thể Hà Tĩnh đã phát động cán bộ công nhân viên chức quyên góp ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão. Tỉnh đoàn đã huy động 5.000 lượt đoàn viên thanh niên giúp bà con khắc phụ hậu quả bão. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn cũng huy động cán bộ, chiến sĩ giúp dân. LĐLĐ tỉnh huy động đoàn viên công đoàn đến các vùng bị thiệt hại nặng để giúp bà con dọn dẹp, vệ sinh, trục vớt tài sản. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã phát động đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 10 gây ra.

NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Cách ăn chia tại Trung tâm đăng kiểm 29-01V ở Hà Nội

Quang Việt |

Việc khởi tố các bị can tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-01V, cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi nhận hối lộ, cách ăn chia từ giám đốc xuống nhân viên.

Máy bay quân sự Su 22 gặp nạn ở Yên Bái, một phi công hy sinh

PHẠM ĐÔNG |

Máy bay Su 22 của Trung đoàn Không quân 921 gặp nạn khi đang hạ cánh tại Yên Bái, phi công Trần Ngọc Duy hy sinh.

Xin chào và hẹn gặp lại ông Park Hang-seo

ĐÌNH THẢO |

Hôm nay, 31.1.2023, ngày cuối cùng trong “nhiệm kì 5 năm” của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam. Nhiều khán giả hy vọng sẽ “hẹn gặp lại” ông thầy người Hàn Quốc này.

Thót tim cảnh ô tô lao vào nhà dân ven Quốc lộ 6

THANH BÌNH |

Lúc hơn 9h ngày 31.1, một xe ô tô lao vào nhà dân tại bản Hồng Sọt, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Cảnh tượng được ghi lại khiến nhiều người xem "đứng tim".

Trẻ dưới 18 tuổi đi làm thêm: Nên hay không?

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Với nhiều bạn trẻ đi làm thêm, tự kiếm tiền để tiêu cho các mục đích cá nhân là một nhu cầu khá phổ biến. Không đợi đến tuổi lao động, nhiều bạn trẻ dưới 18 tuổi đã dành một phần trong quỹ thời gian của mình để đi làm thêm kiếm tiền.

Lời khai của nghi phạm trộm 100 lượng vàng ở TPHCM

Anh Tú |

TPHCM  - Ngày 31.1, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, đang lấy lời khai đối tượng Phạm Văn Nu (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) để điều tra vụ trộm hơn 100 lượng vàng ở quận 12.

Hàng ghế đá dưới những gốc hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Trong đợt cải tạo, chỉnh trang hè phố Nguyễn Chí Thanh vừa qua, dưới các gốc cây hoa sữa đã được bố trí ghế đá, thảm hoa,... làm cho tuyến phố này quang đãng và sạch đẹp trở lại.

Bộ Quốc phòng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Nghĩa vụ quân sự

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng kiến nghị Chính phủ giao bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 trong nhiệm kỳ khóa XV.