Anh hùng từ chối danh hiệu anh hùng

QUANG ĐẠI |

Ở tuổi gần 80, ông Nguyễn Đăng Chế, nguyên Trưởng phà Bến Thủy những năm 1969-1974 vẫn giữ vẹn nguyên ký ức về một thời ngang dọc tại phà Bến Thủy, nơi “túi bom” của huyết mạch giao thông chi viện cho miền Nam. Là người chỉ huy tàu cảm tử phá bom từ trường, được đề nghị phong anh hùng, nhưng ông từ chối.

Máu các anh thấm đỏ sông Bến Thủy

Sắp xếp được cuộc hẹn, cuối tháng 7, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đăng Chế, thôn Đông Tháp, xã Vĩnh Thành, quê lúa Yên Thành xứ Nghệ. Nhìn dáng vẻ cao to quắc thước, giọng nói sang sảng, nụ cười tươi, ít ai nghĩ rằng ông đã bước sang tuổi 76. Giọng ông bỗng chùng xuống, khi khơi gợi những ký ức về một thời chiến đấu nơi chảo lửa, túi bom Bến Thủy.

“Bây giờ nghĩ lại, mình mới thấy sợ. Không hiểu sao có thể trụ vững được qua từng ấy năm, với gian khổ, hiểm nguy đến thế”, ông Chế lắc mái đầu bạc, mỉm cười. Thời đó, vùng Nghệ Tĩnh, bên cạnh những điểm nóng như cầu Cấm, Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, thì Bến Thủy là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Ngoài cầu phao, để vượt sông Lam, chỉ có cách dùng phà. Đội phà Bến Thủy lực lượng thời điểm đông nhất khoảng 300 người, toàn nam giới.

Ban ngày, anh em ẩn mình trong lòng núi Quyết, ngọn núi vươn lên sát bờ sông, phía trên đỉnh núi là trận địa pháo cao xạ. Bên trong núi là hệ thống địa đạo quân sự, che chở người và phương tiện, có hệ thống công sự để xe, người di chuyển ra phà. Máy bay B52 rải thảm, phản nằm của anh em bật tung lên. Mùa mưa, nóc hầm bằng nilông không chống chọi nổi, ai nấy ướt như chuột lột. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, có thời điểm công nhân “xơi” toàn mỳ hột.

Ban ngày, phà Bến Thủy vắng lặng, phía trên máy bay trinh sát địch quần thảo. Chỉ cần một dấu hiệu khả nghi, là lập tức bom, rốc két cấp tập hủy diệt. Ban đêm, phà Bến Thủy lại tấp nập, hối hả với những đoàn quân, chuyến xe nối đuôi nhau qua sông. “Hồi đó, chúng tôi lập 5 bến phà dã chiến, mỗi bến cách nhau vài trăm mét, để bến này bị đánh hỏng có bến kia dự phòng, mỗi phà chở được 6 ôtô tải lớn, nếu người nhiều thì giảm xe”, ông Nguyễn Đăng Chế nhớ lại. Hai đầu phà, treo hai ngọn đèn hạt đỗ ở tầm thấp để công nhân lái canô định hướng. Khó vậy, nhưng với những tay lái cừ khôi, tất cả các chuyến phà đều cập đúng bến, sau 6 phút kể từ khi nổ máy, vượt qua lòng sông rộng độ 600m.

Biết rõ yếu huyệt Bến Thủy, địch huy động tối đa lực lượng, phương tiện để quyết chặn đứng tuyến đường chi viện miền Nam. Máy bay quần thảo, thả đủ các loại bom, bom tấn, bom tạ, bom từ trường, ngư lôi, rốc két. Ngoài ra còn có pháo từ Hạm đội 7 ở ngoài khơi bắn vào. “Bom còn có tiếng động của máy bay để biết mà tránh, còn pháo thì không có bất kỳ tín hiệu gì, nó cứ căn tọa độ bắn vào, nhiều khi bất ngờ nổ ngay sát miệng hầm, gây thiệt hại lớn” - ông Chế kể lại. Để hình dung sự khốc liệt của chiến tranh, ông Chế liệt kê: “Trải 8 năm chiến đấu, mỗi cán bộ, công nhân, chiến sĩ phà Bến Thủy phải chịu 150 quả bom và đạn. 26 cán bộ, chiến sĩ bến phà hy sinh, 92 người bị thương, có lúc số hy sinh và thương vong lên tới 75% quân số”.

Ác liệt nhất là trận bom ngày 9.11.1972, 8 chiến sĩ, công nhân phà Bến Thủy hy sinh. Máu các anh thấm đỏ sông Bến Thủy. Đồng đội chôn cất, huyệt vừa đào xong thì bom lại dội xuống, anh em phải nằm trên áo quan tránh bom. Các chuyến phà phải ngừng hoạt động trước khi trời sáng. Khó nhất là giấu phà; bến sông trống trải, biết giấu vào đâu. Anh em nghĩ ra cách đẩy phà vào bờ sông, phủ cỏ lên, ngụy trang giống như bãi sông. Khi đẩy phà, công nhân với những bàn chân trần ứa máu, trộn với bùn non. Những đêm mưa rét, anh em áo mỏng manh dầm mình trong làn nước buốt, sáng mai trở về thân thể tím bầm, rã rời. Sau này, nhớ lại trận chiến năm xưa, Nguyễn Đăng Chế viết: “Cầu lớn bắc qua. Ai người hay biết. Bến Thủy. Đôi bờ máu nhớ bàn chân”.

Chuyến phà cảm tử

Những công nghệ tiên tiến nhất của chiến tranh đã được địch áp dụng để quyết phong tỏa phà Bến Thủy. Nguy hiểm nhất là bom từ trường, chìm trong nước, chỉ nổ khi có tàu thuyền sắt thép đi qua. Để phá bom từ trường, chúng ta đã sử dụng canô cao tốc kéo theo dây sắt để kích nổ. Tuy nhiên, vào cuối năm 1972, địch bắn phá quá ác liệt, chỉ trong vòng 9 tháng đã có 317 trận oanh tạc, 13.253 quả bom, pháo giội vào vùng Bến Thuỷ, rộng chỉ chừng 1 cây số, dài 6 cây số. Phương án dùng canô cao tốc và dây thép bị phá sản trước loại bom từ trường và nổ chậm thế hệ mới. Bộ Giao thông và Quân khu IV huy động các tàu phóng từ kích nổ, nhưng vẫn còn 8 quả bom chưa nổ. Phà Bến Thủy bị tắc 7 ngày, đoàn xe, người chật kín các điểm tập kết.

Tình thế vô cùng cấp bách, trong cuộc họp, phà trưởng Nguyễn Đăng Chế nêu giải pháp dùng canô kéo phà lớn lướt qua vùng bom, với từ trường lớn buộc bom nổ. Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh Nguyễn Sỹ Hoà hỏi: “Ai là người sẽ chỉ huy phà?”, Nguyễn Đăng Chế điềm tĩnh: “Tôi là phà trưởng, tôi chỉ huy”. Mọi người lặng đi, hiểu rằng những người lên phà khó có thể trở về.

15 giờ, con phà cảm tử nổ máy tiến ra sông, với 5 người. Rà đi rà lại khu vực có bom đến lần thứ ba, thì những tiếng nổ khủng khiếp vang lên, bắn lên những cột nước khổng lồ, con phà bị hất tung lên trời rồi chìm nghỉm, hai canô bị đứt xích. Phà đã thông, nhưng Nguyễn Đăng Chế bị hất tung, dập dềnh trên sông.

Tin báo Nguyễn Đăng Chế hy sinh, mọi người chuẩn bị làm lễ mai táng, mẹ và vợ anh ngất lịm. Nhưng với sức khỏe hơn người, đến 1 giờ sáng Nguyễn Đăng Chế hồi tỉnh. Anh được chuyển tuyến điều trị, với chế độ chăm sóc đặc biệt, sau một năm mới bình phục, trở lại vị trí phà trưởng. “Lúc đó, tôi cũng nghĩ anh ấy không qua khỏi. Toàn thân sưng phù như con voi, mặt mũi biến dạng, nằm bất động”, bà Huệ, vợ ông, cũng là chiến sĩ cảm tử rà phá bom trên sông Lam, nhớ lại.

Đến nay, trong ký ức của đồng đội, vẫn còn hình ảnh phà trưởng Nguyễn Đăng Chế cao lớn, giọng nói sang sảng, tính nóng như lửa, tay lúc nào cũng đeo băng đỏ, là chỗ dựa tinh thần của toàn đơn vị. Ông Chế gọi đó là “một thời ngang dọc”, toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ. Mẹ ốm liệt giường, việc nhà cần kíp, ông đều không xin về nhà. “Hồi đó, đâu chỉ có mình tôi, mà cả tập thể đều thế. Không ai nghĩ đến thành tích, danh hiệu, tất cả dốc lòng vì sự nghiệp chung. Giờ nghĩ lại, thấy thương anh em vô cùng” - ông Chế chia sẻ.

Phà Bến Thủy chở xe qua sông Lam trong chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: Bảo tàng Quân khu 4 

Cứ ngỡ phà theo

Đến 1974, Nguyễn Đăng Chế về công tác tại Ty Giao thông rồi nghỉ hưu vào năm 2002. Qua những năm tháng gian lao, vợ chồng còn sức khỏe, con cái thành đạt, ông thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống, nhiều người bị thương nhưng chưa được hưởng chế độ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ký ức về một thời bi tráng thôi thúc ông cầm bút: “Nghỉ hưu đã chục năm rồi. Khuya nằm khó ngủ, dậy ngồi lặng im. Nỗi niềm cào xé con tim. Tiếng bom ngày ấy đêm đêm dội về”.

Ông xuất bản 5 tập thơ, nhưng nỗi ám ảnh chiến tranh cứ trở đi trở lại, trở thành dòng cảm hứng chủ đạo. Với những đồng đội là nữ thanh niên xung phong đã để lại tuổi thanh xuân và hạnh phúc nơi chiến trường, ông chia sẻ: “Giặc tan về lại ruộng đồng. Một mình gối chiếc phòng không một mình. Bóng xanh vội vã thay hình. Chiều tà le lói duyên tình thì xa”.

Với kỹ sư Phạm Khắc Lượng, bị bom cắt mất một cánh tay khi chỉ huy bắc cầu tạm thông xe, Nguyễn Đăng Chế trăn trở: “Hố bom xưa dấu vết mất dần. Hàng triệu vết thương dễ gì xóa được”. Trở lại thăm đồng đội đã yên nghỉ, ông chợt thấy trăng ở nghĩa trang dường như sáng hơn, đẹp hơn: “Có phải trăng gọi các vì sao. Cùng soi sáng vào nơi sáng nhất. Những “mặt trời” nằm trong lòng đất. Thắp niềm tin dẫn dắt người đi”.

Với Bến Thủy, ông nhiều lần trở lại. Bến phà xưa, nay đã mọc lên hai cầu kiên cố, những dấu tích xưa ngày càng bị xóa mờ. Nguyễn Đăng Chế viết: “Lầm lũi bao năm vượt sông sâu. Đạn bom hủy diệt chẳng cúi đầu. Chiến công hiển hách còn ghi tạc. Cầu đã bắc rồi, phà ở đâu?”. Với ông, phà Bến Thủy mãi mãi là món nợ ân tình đa mang, “qua phà rồi, cứ ngỡ phà theo”.

Nguyễn Đăng Chế được đề nghị phong anh hùng, hồ sơ đã hoàn tất, nhưng ông từ chối. “Ngày 9.11.1972, 8 chiến sỹ của tôi hi sinh. Tôi bị thương vào ngày 23.11, đơn vị, tập thể đề xuất phong tặng anh hùng, nhưng tôi không thể nhận, bởi vì nghĩ đến những đồng đội vừa hi sinh, mình thì nhận vinh quang, lòng tôi không nỡ”.
QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

Kêu gọi ủng hộ xây dựng nhà thờ cúng cho gia đình có 5 mẹ Việt Nam anh hùng và 7 liệt sĩ

LAM CHI - HƯNG THƠ |

Đúng vào ngày 27.7 năm nay, Báo Lao Động phát hiện một gia đình ở Quảng Trị chồng chất nỗi đau mất mát khi có đến 5 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và 7 liệt sĩ. Chị Lê Thị Đẳng (SN 1960, trú tại khu phố 4, phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là con của liệt sĩ - Mẹ VNAH Nguyễn Thị Xân, và là cháu nội của Mẹ VNAH Lê Thị Hẹ. 

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Kêu gọi ủng hộ xây dựng nhà thờ cúng cho gia đình có 5 mẹ Việt Nam anh hùng và 7 liệt sĩ

LAM CHI - HƯNG THƠ |

Đúng vào ngày 27.7 năm nay, Báo Lao Động phát hiện một gia đình ở Quảng Trị chồng chất nỗi đau mất mát khi có đến 5 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và 7 liệt sĩ. Chị Lê Thị Đẳng (SN 1960, trú tại khu phố 4, phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là con của liệt sĩ - Mẹ VNAH Nguyễn Thị Xân, và là cháu nội của Mẹ VNAH Lê Thị Hẹ.