Truyện ngắn: Bạn học

Lê Ngọc Minh |

Thấy bà Nhân đi họp lớp với bạn bè cũ về rất vui, cô giáo Thanh Trúc liền cười cười trêu mẹ. Mẹ cô mắng yêu bằng từ “luyên thuyên” rồi xắn tay làm món salat Nga cho bữa cơm đoàn kết mà con gái bà đã lên lịch.
Thanh Trúc sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc. Cha cô dáng thô kệch và tính khí lầm lì. Phương châm dạy dỗ con cái của ông là: Yêu cho vọt, ghét cho chơi. Vì thế, khi mới lên năm tuổi, cô đã bị ăn một cái tát của bố, khiến tai bên phải hay bị chứng ù đặc cho đến bây giờ.
Khiếp khủng nhất là hồi cô mới vào học lớp mười, một hôm ông Hoành, bạn học của cha mẹ cô, người thường giúp đỡ việc làm ăn của bố cô dẫn ông Nhật đến làm khách. Ông Nhật hồ hởi chào hỏi, còn bố cô thì lạnh lùng chỉ ghế, nói cộc lốc: “Các vị ngồi đi!”. Ông Hoành nhắc: “Mảng nhớ ra chưa? Nhật cán sự văn lớp ta đấy”. Ông Nhật cũng nói: “Mảng à, mình về tỉnh công tác, Hoành rủ mình đến thăm Mảng và Nhân. Nhớ ra mình chưa?”. Bố cô vẫn với vẻ mặt lầm lầm hỏi: “Hai ông uống rượu hay uống trà?”. Ông Hoành hỏi ông Nhật: “Cậu thích xài thứ gì?”. Ông Nhật: “Các cậu cứ tự nhiên, được gặp nhau là quý rồi, cho mình xin li nước nguội”.
Ông Mảng bê ra một bình rượu khủng, trong đó có ngâm con rắn hổ đầu dựng lên, hai bên mang bạnh ra, lưỡi thè lè hăm dọa. Ông Hoành bảo ông Nhật: “Cậu bị khớp, uống rượu này là bay hết. Dân đi Nga phải là vua rượu chứ?”. Ông Nhật lắc đầu. Ông Mảng liền nổi nóng: “Mẹ kiếp, ông đến chơi, mời thứ qué gì ông cũng lắc, vậy ông đến với mục đích gì?”. Bà giáo Nhân sững hết cả người còn ông Nhật thì bình tĩnh nói: “Mình đến thăm sức khỏe và công việc của các cậu. Mình đã trông thấy hai thứ đó ở đây đều rất tốt. Cũng đang chút việc, Hoành ở chơi, cho phép mình về trước. Chào các cậu nhé”. Khách nói xong, tươi tắn bắt tay từng người rồi đi ra. Ông Hoành cáu kỉnh nói với ông Mảng: “Cậu xử bạc với bạn cũ thế à? Cậu không biết xấu hổ à?”. Ông Mảng phẩy tay: “Ông nữa, biến đi! Ông là thằng phá đám, phá đám có hạng”. Ông Hoành trố mắt nhìn ông Mảng rồi bảo với bà Nhân: “Mình xin lỗi Nhân! Bụng dạ mình chỉ muốn làm điều tốt thôi. Không ngờ. Mình xin lỗi. Chào Nhân!”. Bà giáo Nhân: “Từ từ đã anh Hoành...!”. Ông Mảng quát lên: “Giải tán! Thằng này sốt tiết rồi đấy!”. Bà Nhân: “Anh Mảng quá lắm, thôi đi!”. Ông Hoành bỏ ra ngoài, bà Nhân cũng ra theo định tiễn ông Hoành thì ông Mảng kéo quặt tay bà lại. Ông Hoành dừng, chỉ vào mặt ông Mảng quát lên: “Chính thức từ hôm nay, tôi cắt cầu với cậu, cả lớp 10B cũ cũng không bạn bè gì với cậu nữa. Nếu mà cậu bạo lực với Nhân, tôi đấm vỡ mặt ngay! Nhớ đấy! Nhân không phải tiễn mình nữa! Mình thực sự xin lỗi”.
Ông Hoành đi rồi, ông Mảng quay vào, đập tan cái bình rượu có con rắn hổ. Bà Nhân ngồi ở ghế không có phản ứng gì. Ông Mảng tiến lại chỗ bà, hỏi: “Vẫn còn tơ tưởng cái thằng ba lăng nhăng đó hả?”. Bà Nhân vẫn ngồi im, chỉ có đôi môi cắn lại và hai hàng nước mắt trào ra.
Nhìn thấy nước mắt, ông Mảng bợp lấy cằm bà vợ dựng lên. Cô bé Thanh Trúc từ nãy đến giờ vẫn ngồi ở đầu cầu thang lao vụt xuống, xô ông Mảng ra, hét lên: “Bố không được đánh mẹ!”. Rồi cô đứng chắn trước bà Nhân. Bốn con mắt không biết đã nhìn ông Mảng căm uất đến mức nào mà chỉ thấy ông như kẻ hoá dại, đá mạnh chân vào nửa cái vỏ bình rượu còn chưa vỡ hết.
*
Bà giáo Nhân nằm liệt. Ông Mảng hối, lên tỉnh mua tổ yến sào về hầm cách thuỷ với nhân sâm để bà bồi dưỡng nhưng bà không hề đụng đũa. Cô bé Thanh Trúc năn nỉ hỏi mẹ nguyên nhân từ đâu mà bố cô cư xử điên rồ như vậy song bà Nhân không nói. Sau bốn ngày, bà sai cô nấu bát cháo đậu xanh, bà ăn hết và đến trường dạy học bình thường, có điều bà gần như im lặng với ông Mảng trừ những câu chào lúc đi, lúc về nhà và trước mỗi bữa cơm.
Thanh Trúc đến ông Hoành, quyết hỏi cho ra nhẽ. Nhưng ông Hoành chỉ nói, nếu biết thế ông chẳng đưa ông Nhật đến nhà cô. Thanh Trúc hỏi về cái thời bố mẹ cô còn trẻ, ông Hoành bảo, hồi trẻ ông tồ lắm, ba mươi tuổi mới biết yêu và cưới xoẳn một cô gái làng làm vợ. Ông Hoành còn nói thêm, ông cũng ngạc nhiên là mẹ cô lại lấy bố cô, khó tin nhưng rồi lại nghĩ hai tính cách trái ngược nhau, âm dương bù trừ nhau lại dễ hoàn thiện. Chơi với gia đình cô đã hai mươi năm, ông cứ tưởng bố mẹ cô sống hạnh phúc lắm, chồng khỏe vợ mạnh, cửa nhà sung túc, hai con đều học giỏi thông minh. Chuyện xảy ra khiến ông choáng váng.
Thanh Trúc tìm đến một người khác. Người đó là bạn thân nhất của mẹ cô. Bà giáo Sáng. Bà Sáng khi còn hiếm muộn đã xin nuôi cô mấy năm làm con đỡ đầu rồi sinh đôi, một gái, một trai. Cô nỉ non khóc hết cả nước mắt, hờn dỗi đủ kiểu thì được bà Sáng cho biết, ông Nhật chính là người yêu đầu đời của mẹ cô. Hai người hồi đó đều học giỏi nhất lớp, ông Nhật giỏi văn, mẹ cô đã đoạt giải nhì học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Sinh ra ở thôn quê nhưng cô Nhân ngày ấy có dáng người mảnh dẻ cao ráo, da trắng như trứng gà bóc và hơi gầy. Thấy con mình không phải là người có thể cày sâu cuốc bẫm được nên bà mẹ, dù rất nghèo vẫn cố dốc lòng nuôi con ăn học, mong sao nên người. Cô Nhân cũng sớm có nhiều kẻ nhắm nhe. Nghĩ đến cảnh mẹ góa con côi, bà mẹ muốn cô sớm có một chỗ dựa. Chỗ dựa được bà ưng ý nhất là cậu Mảng, con ông Bè, trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Lúc đầu, bà cũng có cấn cớ đôi chút là cái nòi nhà ông ấy lâu nay bị nhiều tai tiếng chuyện trai gái bất minh. Ông trưởng phòng khi còn đương chức chủ tịch ở xã đã làm cô nhân viên đánh máy chỉ mới 18 tuổi đã không chồng mà chửa, đẻ ra đứa con giống ông Bè như lột, giống đến cả cái mắt lé và dài vếch lên như mắt cáo khoang. Sau đó, ông được điều lên huyện làm trưởng phòng Nông nghiệp. Ông là quan chức có biên chế to nhất làng hồi ấy. Cậu Mảng, con trai ông tướng mạo lầm lì nhưng được cái sức khỏe, trong làng ai có công việc gì cậu đều săn sả giúp đỡ. Bà mẹ đem cái chỗ dựa ấy ra bàn với Nhân. Cô liền nổi cáu với mẹ, mặc dù thường ngày cô chưa bao giờ dám làm trái ý mẹ. Cô kể ra hàng loạt điều xấu xa ở cái giống nòi nhà cậu Mảng. Ông bố cậu Mảng đã để lại trong làng năm đứa trẻ vừa trai vừa gái mắt hiếng; lên huyện ông cũng chẳng tha mấy cô nhân viên trẻ, khiến một cô đang làm kế toán phòng phải chuyển đi làm hộ lý trong bệnh viện huyện. Cậu Mảng thuộc loại tầm ngầm, nữ sinh trong lớp đã mấy lần phát hiện ra cậu ta rình mò lúc họ tìm chỗ kín đi tiểu. Nghe con gái nói thế, bà mẹ liền thôi ý định.
Một lần bà đi bán gạo hàng xáo ở chợ xa về. Trưa nắng, bụng đói bà cố lết về đến đầu làng thì xỉu. Cậu Mảng trông thấy, liền cõng bà vào trạm xá cấp cứu. Sau đó cậu về nhà mình mang đường sữa, bột đậu xanh đến bồi dưỡng cho bà, bà mau chóng hồi sức. Mảng tận tụy đưa bà về nhà nghỉ ngơi.
Cũng ngày hôm đó, Nhân tiễn Nhật lên ga, đi xa làm thuê. Còn hơn một tháng nữa mới thi đại học, cậu tranh thủ kiếm tiền để lo phí tổn trường ốc.
Khi Nhân về đến đầu làng thì giông gió nổi lên đùng đùng, nghe người làng kể lại chuyện mẹ cô bị ngất, cô hoảng, đạp xe như bay về nhà.
Người đầu tiên, cô gặp trong nhà là cậu Mảng. Cậu đang sắc thuốc cho mẹ cô ở bếp. Cô ngạc nhiên hỏi thì Mảng chỉ nói mấy từ: “Nhân về, tốt rồi!” và tủm tỉm cười. Nhân bổ vào chỗ mẹ nằm, bà mẹ đang ngồi tựa lưng vào thành giường. Bằng giọng vẫn còn yếu, bà kể lại cơ may gặp được cậu Mảng. Bà nhờ Nhân đỡ nằm xuống nghỉ và dặn cô, phải cảm ơn lòng tốt của cậu ta. Bà mẹ thiêm thiếp ngủ trước khi nhắc con gái hai ba lần là xuống bếp cám ơn cậu Mảng.
Cơn giông lúc chập choạng tối bỗng nổi lên đùng đùng. Rồi sấm chớp. Rồi mưa. Bà mẹ sực tỉnh lại, thấy Nhân vẫn ngồi cạnh, liền giục tiếp. Nhân đội nón xuống bếp. Lúc đó, cậu Mảng đang dùng chiếc nia chắn gió, sợ tắt bếp.
Nhân chưa nói hết lời cám ơn thì bị Mảng đè xuống sàn bếp. Sức liễu yếu đào tơ của một cô gái vừa đạp xe cả ngày lo hết chuyện nọ đến chuyện kia đã không cưỡng lại được sức chiếm đoạt của gã trai cao 1 mét 85, nặng tám mươi cân...
Cơn cuồng dục của kẻ chiếm đoạt chỉ diễn ra mươi lăm tích tắc trong giông gió sấm mưa đã biến một thiếu nữ thanh tân dáng mảnh mai, tâm hồn mộng mơ thành một người đàn bà khốn khổ.
Sau cú hoảng hồn bị cướp đoạt, Nhân nổi cơn thịnh nộ, cô vớ chiếc đòn nhè đầu Mảng mà phang. Cậu ta chống đỡ những cú phang không mấy khó khăn rồi giành được chiếc đòn gánh vứt đi, hai tay ôm chặt lấy Nhân. Cô cố vùng ra không được, liền cắn. Mảng phải bỏ tay ra, cô rút con dao phay cài ở phên bếp nhằm vào phía Mảng bổ. Cậu ta tránh được hết.
Như kẻ hoàn toàn mất trí, Nhân lao đến chỗ bếp, tay cầm cái quai siêu sắc thuốc, lia cả siêu thuốc vào giữa mặt Mảng nhưng cậu vẫn kịp tránh được. Cái siêu thuốc văng vào gốc cột vỡ tan tành.
Đang khi ấy thì bà mẹ đầu tóc tả tươi nước mưa run lẩy bẩy, tay xách cái đèn bão đi vào.
Mảng vội quỳ xuống trước bà. Cũng lúc đó Nhân lại vớ cái đòn gánh định phang nhưng bà mẹ ngăn lại: “Nhân, nghe mẹ. Dừng lại con”. Nhưng Nhân đã không nghe bà, đòn gánh được phang xuống, Mảng kịp đỡ và giữ chắc lấy nó. Bà mẹ bổ đến, ôm con gái, nói như đứt hơi: “Con ơi! Mẹ biết đã xảy ra chuyện gì rồi. Nhưng con đánh chết cậu ta thì cái khổ sẽ nhân thành mười, thành trăm”. Rồi bà quát vào mặt Mảng: “Cậu đã hại đời con gái tôi. Cậu phải có trách nhiệm đối với nó. Nếu cậu vô tình, cái thân già này sẽ đổi mạng cậu”. Mảng chắp tay: “Con lạy mẹ. Vì con yêu em Nhân, con quá đáng cũng chỉ vì muốn lấy được em Nhân. Mẹ dạy điều gì con cũng xin vâng”. Nhân hét lên: “Câm mồm đi! Thằng ăn cướp!”. Bà mẹ phải vái Nhân: “Mẹ lạy xin con. Mẹ con ta không còn đường thoát nữa đâu. Con mà cưỡng lời mẹ, mẹ chết, không nhắm mắt được mà con thì sẽ khó sống ở cái làng này”.
Hai mẹ con ôm nhau khóc. Mảng thì vẫn cúi đầu găm mặt xuống đất như kẻ trọng tội.
Sự việc được giải quyết chóng vánh. Ngay đêm đó, ông nội và mẹ của Mảng phải sang ký vào giấy cam đoan sẽ cưới Nhân làm vợ Mảng trong vòng 10 ngày tới.
Cũng đêm đó, Nhân khóc, khóe mắt chảy ra huyết. Có lúc cô như hóa điên khóc khóc cười cười đọc đi đọc lại bốn câu thơ mà lúc trưa cậu Nhật tặng cô: Sân ga em tiễn anh đi/ Gói xôi nếp mới độ trì đường xa/ Cơ hàn rồi sẽ mau qua/ Mai sau anh dựng mấy tòa cho em.
Cơn điên lắng xuống, nhìn bà mẹ nằm như cái gọng xương khô nước da đã mất hết thần sắc, mắt cứ ựa ra thứ lệ đặc mầu bột dong, cô phải ôm lấy mẹ, hứa với mẹ vâng lời, miễn là bà phải sống.
Đám cưới của Nhân và Mảng vào mùa hè năm 1984 thiếu thốn mà có đến bốn ô tô con và một trăm xe máy Honda đón dâu lượn qua phố huyện thì cực to, to lắm.
Hơn nửa tháng sau, Nhật về làng. Cậu đã kiếm được đủ số tiền cho hai người đi thi đại học nhưng cậu đã mất người yêu. Cậu nằm bệt mấy ngày rồi lên huyện xin đổi nguyện vọng thi. Trước ngày đi thi, cô Sáng mang đến cho cậu quyển vở ghi chín mươi chín bài thơ cậu đã viết tặng Nhân. Quyển vở chép thơ có buộc một dải băng trắng viết hai câu Kiều bằng máu: Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Nhân vào đại học Sư phạm và hơn chín tháng sau sinh một cháu trai nét dáng thanh tú duy một bên mắt vẫn hơi bị hiêng hiếng, đích thị là dòng giống nhà ông Bè...
Nghe câu chuyện bà Sáng kể, Thanh Trúc khóc lịm đi. Bà vỗ về an ủi cô và dặn đi, dặn lại, nghe vậy để biết vậy thôi, chứ nếu hở chuyện sẽ rắc rối to.
Thanh Trúc đã vâng lời bà Sáng.
Trước ngày về nhà chồng, Thanh Trúc thấy mẹ cô cứ rạc rài đi, da xanh lướt, mắt đổ quầng thâm. Nhiều hôm cô thấy bà Nhân dắt xe đạp đi dạy học mà bước không vững. Cô rất lo lắng, vội đưa mẹ đi khám, các thầy thuốc bảo bà giáo không có bệnh gì, chỉ bị căng thẳng và suy kiệt thôi. Cô lại đem điều này thổ lộ với mẹ nuôi là bà Sáng. Bà ngần ngại giây lâu rồi nói: “Con đã trưởng thành rồi, mẹ cũng không dấu con làm gì. Đó là… là… mẹ con phải chịu đựng cái nòi nhà Bè. Mẹ con vóc mai mình liễu không lại được với thứ phàm tục vũ phu, ăn lấy được. Khổ thân mẹ con”. Hiểu ra sự tình, Thanh Trúc thấy rất căm tức cha mình. Nhưng rồi cô giáo trẻ lại nghĩ, căm tức cũng chả để làm gì, phải tìm cách giải thoát cho mẹ cô. Khi cưới được một tháng, viện cớ hoàn cảnh vợ chồng trẻ, ở riêng, chồng hay đi công tác xa, cô đón bà Nhân về, để đỡ đần.
Bà Nhân về ở với vợ chồng con gái mới được một thời gian ngắn mà tươi tắn hẳn lên, có da có thịt và trẻ lại đến chục tuổi.
Hôm nay trong bộ áo dài và khoác thêm cái áo len mỏng mầu hoàng yến bên ngoài, đi cái xe đạp điện đi gặp bạn bè cũ trông bà chỉ như một phụ nữ chỉ mới bốn mươi tuổi...
*
Bà Nhân mang đĩa salat Nga vào khiến Thanh Trúc rời khỏi mạch nghĩ. Đĩa salat bà chuẩn bị trông đầy đặn và gam mầu vàng tươi nổi lên như nét chủ đạo. Cô giáo trẻ khen mẹ: “Lâu rồi, con mới thấy mẹ trẻ trung như hôm nay”. Bà Nhân: “Trần đời nhà cô, lại đi khen một bà già năm mươi tuổi là trẻ trung. Để những lời tốt đẹp ấy mà khen chồng cô”. Thanh Trúc vẫn ngắm mẹ và nịnh tiếp: “Con nói thật mà! Trông mẹ còn ngon lắm!”. Bà Nhân hơi nghiêm mặt lại, nói: “Luyên thuyên. Độ này con hay luyên thuyên đấy. Này, mẹ hỏi, sao gần đây con nói điện thoại cứ úp úp mở mở thế? Không phải thằng Dũng gọi về đúng không? Không ai yêu thương vợ con như thằng Dũng đâu, mày mà ngang trái, mẹ từ”. Thanh Trúc nói trêu: “Có một Bill Gates, made in Việt đang chết rạp dưới chân con, con định quên anh Dũng vài năm, mẹ thấy thế nào?”. Bà Nhân thất sắc, nói: “Hư đốn! Nòi nhà tao không sinh ra cái của ấy. Trúc, con tu thân lại đi!”. Thấy mẹ thất kinh quá thể, Thanh Trúc vội nói:
- Con đùa đấy! Đúng là có một thằng bạn đang gạ gẫm con cả tuần nay nhưng con bảo với hắn, Bill Gates Mỹ còn chả ăn thua nữa là cậu”.
Cô nói và ôm lấy mẹ, tò mò hỏi: “Hôm nay bác Nhật về họp lớp phải không ạ?”. Bà Nhân lại răn con gái bằng hai từ luyên thuyên như quán tính nhưng rồi bà xúc động nói: “Bác ấy có về, họp xong thì đi ngay! Tội nghiệp, cứ vội vội vàng vàng…”. Thanh Trúc: “Bác ấy có tặng thơ mẹ không?” Bà Nhân xua tay: “Già rồi thơ với thẩn gì?”. Bà nói thế nhưng lại nhớ, trong cuộc gặp ngắn ngủi chỉ độ hai giờ, ông Nhật có đọc thơ tặng cả lớp bốn câu: Lớp mình họp lớp muộn rồi/ Mắt đen má thắm đã mồi đã phai/ Hai tay nâng một nụ cười/ Thấy trong thăm thẳm chao ôi, một thời. Khi ông đọc xong, bà Sáng ngồi cạnh rỉ tai bà Nhân, bảo: “Nhật viết riêng cho Nhân đấy!”. Bà Nhân đỏ bừng mặt cấu nhẹ vào tay bạn như bảo, không phải thế nhưng bà đã nhập tâm đủ hai tám âm tiết của bốn câu thơ lục bát ấy...
Ông Mảng đột ngột xuất hiện ngoài cổng. Bà giáo Nhân thất thần. Thanh Trúc chạy ra cổng ngăn cha mình lại song ông Mảng nói vội như người sắp hết hơi: “Bố, bố... xin con, từ nay cho bố được sang bên này ăn bữa cơm đoàn kết. Bố, bố... già rồi”
Lê Ngọc Minh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Đậu phụ

Phạm Bích Thủy |

“Chào Hoài, Tôi sẽ tới Hà Nội vào chiều muộn Chủ nhật. Tôi không sử dụng Iphone nên nếu có gì thay đổi về lịch làm việc thì bạn gửi cho tôi thông tin theo email cá nhân này nhé chris.as@gmail.com”.

Truyện ngắn: Đứng ngủ

Vũ Thị Huyền Trang |

Với truyện ngắn Đứng ngủ, Vũ Thị Huyền Trang vừa miêu tả hiện thực với những suy tưởng, thích luận lý... nhưng khá sắc sảo về đời sống bức bối, tù túng, khập khiễng của đô thị; những nhạt nhòa giả dối của tình người; những bon chen, tự kìm hãm và cả đầu độc nhau giữa những con người... là lời cảnh báo khẩn nguy nếu chúng ta không chịu tháo cũi “tâm hồn” để tiến về phía của xanh tươi.

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Tuyển nữ Việt Nam thu được giá trị gì từ World Cup 2023?

NHÓM PV |

Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam đề cao việc thi đấu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Góc nhìn thể theo số 119 sẽ cùng trò chuyện với bình luận viên Quang Huy, nhận định về những giá trị mà tuyển nữ Việt Nam sẽ có được ở giải đấu sắp tới.

Truyện ngắn: Đậu phụ

Phạm Bích Thủy |

“Chào Hoài, Tôi sẽ tới Hà Nội vào chiều muộn Chủ nhật. Tôi không sử dụng Iphone nên nếu có gì thay đổi về lịch làm việc thì bạn gửi cho tôi thông tin theo email cá nhân này nhé chris.as@gmail.com”.

Truyện ngắn: Đứng ngủ

Vũ Thị Huyền Trang |

Với truyện ngắn Đứng ngủ, Vũ Thị Huyền Trang vừa miêu tả hiện thực với những suy tưởng, thích luận lý... nhưng khá sắc sảo về đời sống bức bối, tù túng, khập khiễng của đô thị; những nhạt nhòa giả dối của tình người; những bon chen, tự kìm hãm và cả đầu độc nhau giữa những con người... là lời cảnh báo khẩn nguy nếu chúng ta không chịu tháo cũi “tâm hồn” để tiến về phía của xanh tươi.