Gió mới nơi vùng cao Sì Lở Lầu

|

Chương trình 30a của Chính phủ đã giúp những đồng bào dân tộc của tỉnh Lai Châu thoát nghèo, đây là một dự án mang lại hiệu quả cao nhất từ trước đến nay dành cho bà con tại các huyện nghèo vùng sâu, vùng xa khó khăn.

Chương trình không những giúp bà con thoát nghèo, mà còn xây dựng được một bộ mặt nông thôn mới cho vùng cao với điện, đường, trường, trạm... Nhưng đó mới chỉ là bước đầu, bà con các dân tộc vùng cao vẫn còn khó khăn và đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để mong một ngày thoát nghèo, cuộc sống ấm no.

Đường vào Sì Lở Lầu.
Đường vào Sì Lở Lầu.

Nơi con gà báo thức chung hai nước

Từ trung tâm huyện Phong Thổ, chúng tôi ngược dòng Nậm Lung, vượt 80km để lên với Sì Lở Lầu - đây là 1 trong 8 xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo anh Quách Văn Biên – Giám đốc Công ty điện lực Phong Thổ - thì về Sì Lở Lầu các anh háo hức bao nhiêu thì cũng khó khăn bấy nhiêu, vì đoạn đường tuy ngắn, nhưng thời gian đi lại rất dài, nếu không bị lở núi, sạt đường thì cũng phải mất khoảng 6 giờ mới vào được Sì Lở Lầu, còn nếu trời mưa và lở núi thì không nói trước được điều gì. Nói như vậy để các anh biết là khó khăn của đồng bào Sì Lở Lầu như thế nào.

Đúng như lời anh Biên, xe vào đến Hang É - chỉ cách Sì Lở Lầu hơn 20km - thì đường sạt không thể đi tiếp được, sau rất nhiều giải pháp, cuối cùng chúng tôi phải chọn phương án đi bộ khoảng 3km và sau đó đi xe máy tăng bo của thanh niên tình nguyện và các giáo viên mới vào được trung tâm xã. Lai Châu là một trong những tỉnh có tỉ lệ huyện nghèo cao nhất cả nước, với 5 huyện nghèo là Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ và Sìn Hồ. Huyện Phong Thổ có 98km đường biên giới, bà con các dân tộc chủ yếu sống ở các sườn núi cao, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình vẫn còn thiếu đói.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhằm xoá đói và giảm nghèo nhanh, bền vững của 62 huyện nghèo trên cả nước, cùng đó hơn 5.000 hộ của Lai Châu đã thoát nghèo, giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động và trên 10.000 lao động nông thôn được học nghề.

Kết quả đó mới chỉ là bước khởi đầu, chưa phải là lớn, nhưng nó là nền móng tạo bước chuyển quan trọng trong đời sống đồng bào các dân tộc và công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Lai Châu. Trong câu chuyện với anh Biên về việc xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, chúng tôi mới thấy hết sự khó khăn của đồng bào nơi đây: “Để “trồng” được một cây cột điện xuống đất này là biết bao mồ hôi của những người công nhân truyền tải.

Do thời tiết nắng, mưa thất thường, một tuyến đường dài trên 3km toàn đội dốc sức thi công 5 tháng qua đến nay mới đạt khoảng 60% tiến độ đề ra. Nhưng với quyết tâm kéo điện vào tận nhà để dân đón tết, chúng tôi đã chia ca làm việc phấn đấu 31.12.2011 sẽ đóng điện”. Ngồi trên xe cảm tưởng như mình đang bị mang ra xóc vì đường quá xấu, hết “ổ trâu” lại đến cua tay áo, người cứ bị nảy tưng tưng, bên phải là vách đá dựng đứng, bên trái là vực sâu hun hút, chỉ lơ là một chút là xe có thể lao ngay xuống vực.

Nhờ Chương trình 30a có đường, có điện, đời sống bà con đã khởi sắc.
Nhờ Chương trình 30a có đường, có điện, đời sống bà con đã khởi sắc.

Vẫn cần những tấm lòng sẻ chia

Theo ông Lò Văn Miên - Phó Bí thư xã Sì Lở Lầu - thì cả xã có 598 hộ với 3.622 nhân khẩu, trong đó có 99% là đồng bào dân tộc Dao, với tỉ lệ đói nghèo đang ở mức 48,1%. Từ khi được Nhà nước quan tâm mở tuyến đường liên xã từ Dào San vào Sì Lở Lầu, đời sống của bà con cũng được đổi thay đáng kể, nhiều hộ đã đủ thóc ăn, nhưng vẫn chưa thể phát triển sản xuất, thâm canh cây làm giàu được.

Thu nhập chủ yếu của bà con là cây lúa, ngô và đậu tương, nhưng phần lớn canh tác vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên, thu nhập không cao và chỉ canh tác được 1 vụ, do vậy vẫn thiếu đói thường xuyên. Nhiều gia đình không có khả năng bù thêm tiền để làm nhà nên cũng không dám đăng ký xin hỗ trợ làm nhà.

Nhiều nhà vẫn thưng vách bằng tấm liếp, tài sản lớn nhất trong nhà là con lợn, mấy bao thóc, bao ngô, thiếu ăn quanh năm. Để có nước sinh hoạt, bà con phải đi gùi từ rất xa nhà, đi lại giữa các bản vẫn là đường mòn, nhiều hộ gia đình đóng đô trên những triền núi cao chênh vênh, tách biệt hẳn với cộng đồng. Địa hình đi lại khó khăn, có bản phải đi bộ 12km mới đến trung tâm xã.

Trong khi đó, thời tiết nơi đây vô cùng khắc nghiệt, mùa đông rét, trời mù do vậy các con vật thường bị chết bệnh hết. Từ đó, bà con không dám vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi và chính quyền địa phương cũng chưa tìm được phương án tối ưu để phát triển chăn nuôi, trồng trọt mở hướng thoát nghèo bền vững cho bà con. Nhiều gia đình thu nhập cả tháng chỉ khoảng 200.000đ/hộ, lạc hậu và đẻ nhiều con cũng là những nguyên nhân nghèo đói của bà con vùng cao.

Vợ chồng Tẩn Sài Liền - Tần Lẻ Mẩy tuy chưa đến 30 tuổi, nhưng đã có 3 đứa con, thu nhập chủ yếu là từ ruộng nương, một năm gia đình này chỉ đủ ăn 6 tháng, do vậy cứ loay hoay để làm sao có cái ăn cho ấm bụng đã là một vấn đề lớn đối với họ, chứ chưa nghĩ đến chuyện làm giàu. Khi được tặng 1 triệu đồng, việc đầu tiên mà Tẩn Sài Liền nghĩ tới là ra chợ mua gạo về nấu ăn một bữa no đã rồi đi trả nợ, mua con gì đó nuôi...

Do vậy, để nâng cao được đời sống người dân, cần có những cán bộ kỹ thuật với những phương án trồng trọt phát triển kinh tế hộ gia đình sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế và khí hậu thổ nhưỡng của địa phương mới có thể mang lại cho bà con một sự ấm no, bền vững. Ông Miên cho biết, hướng của xã là đang phát triển trồng một số cây thuốc và cây thảo quả, nhưng hiện nay cây trồng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết và đầu ra phập phù, không ổn định - đây cũng là một trong những khó khăn của phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Khám bệnh cho bà con tại Sì Lở Lầu. 	Ảnh: Đ.T
Khám bệnh cho bà con tại Sì Lở Lầu. Ảnh: Đ.T

Đánh thức vùng cao Sì Lở Lầu

Phát triển hạ tầng, mở đường, kéo điện về tận bản và xây dựng trường học, xóa nhà tranh tre, nứa lá, nhà tạm là mục tiêu của Chương trình 30a, đến nay đã có hàng nghìn hộ gia đình có nơi ăn, chốn ở ổn định. Trong căn nhà ấm cúng được xây dựng cuối năm 2010 từ nguồn hỗ trợ 45 triệu đồng của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thuộc Chương trình 30a, vợ chồng ông Chẻo Sừ Mẩy ở bản Thà Giàng, Sì Lở Lầu vui vẻ khoe, gia cảnh ông bà rất khó khăn, cuộc sống chỉ là làm nương và đi làm thuê, tài sản gia đình không có gì đáng giá đến 1 triệu đồng, trước đây phải sống trong căn nhà lụp xụp, có đêm gió thổi tốc hết mái.

Suốt ngày chỉ lo đến miếng ăn sao cho khỏi đói, làm sao dám mơ đến một ngôi nhà khang trang. Được sự hỗ trợ bằng tiền của điện lực và bà con dân bản giúp đỡ ngày công, ông bà đã có một căn nhà khang trang, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè và một con lợn nái. Cuộc sống của ông bà đang ổn định, đã đủ thóc ăn và không phải đi làm thuê nữa. Được biết, theo Chương trình 30a, EVN đang đầu tư 250 tỉ đồng với mục tiêu phấn đấu 100% số xã, 90% số hộ dân tại 3 huyện được sử dụng điện, xây dựng trường bán trú dân nuôi, xoá nhà tranh tre, nứa lá. Đồng thời, quản lý và bán điện trực tiếp đến 100% số hộ trong tỉnh, đảm bảo để người dân được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ.

Theo báo cáo, đến hết năm 2010 đã có 88% số xã và trên 55% số hộ có điện. Cty điện lực Lai Châu đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ đầu tư bằng nguồn vốn ngành điện và kết hợp với các nguồn vốn khác như ADB, ReII, tái định cư thuỷ điện, vốn địa phương... phấn đấu đến năm 2012, 81,4% số hộ được sử dụng điện. Khẳng định sự quyết tâm cùng bà con các dân tộc của Lai Châu xoá nghèo bền vững theo đúng tinh thần của Chương trình 30a.

Đặng Tiến

TIN LIÊN QUAN

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).